Phật giáo quận Gò Vấp: Hoạt động Phật sự dựa trên tinh thần lục hòa cộng trụ

Chư Tăng Ni các tự viện trên địa bàn quận Gò Vấp - Ảnh: Như Danh
Chư Tăng Ni các tự viện trên địa bàn quận Gò Vấp - Ảnh: Như Danh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Chư tôn đức Tăng Ni quận Gò Vấp luôn chú trọng đến “sự đoàn kết hòa hợp trong giáo luật” với các hoạt động sinh hoạt bố-tát định kỳ luân phiên tại các chùa, theo đúng phương châm hoạt động của Giáo hội và sự chỉ đạo của Ban Trị sự TP.HCM.

Đặc biệt, trước và sau thời bố-tát, tùy theo nội dung công việc, sẽ có những cuộc thảo luận về các Phật sự trong địa bàn quận; tiếp nhận ý kiến của quý Hòa thượng Ban Chứng minh, chư tôn đức và các ban ngành địa phương. “Có thể nói, chính những điều đó đã tạo nên sức mạnh nội lực trong các sinh hoạt của Phật giáo quận Gò Vấp”, Hòa thượng Thích Nhật Lang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận Gò Vấp đánh giá về Phật sự quận nhà trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Hòa thượng Thích Nhật Lang thông báo Phật sự của quận sau thời bố-tát chung

Hòa thượng Thích Nhật Lang thông báo Phật sự của quận sau thời bố-tát chung

Nhiều điểm nhấn trong hoạt động

Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN quận Gò Vấp cho biết, trong nhiệm kỳ IX, các ban ngành đều hoạt động ổn định, song nổi bật nhất vẫn là công tác từ thiện xã hội với con số hơn 123 tỷ đồng, thể hiện rõ hạnh nguyện của người tu chính là vì sự an vui hạnh phúc cho mọi người.

Cụ thể, mỗi năm Ban Trị sự đều tổ chức 2 chuyến từ thiện cứu trợ các tỉnh thành trong nước, với sự tham gia đóng góp của chư tôn đức 64 tự viện quận nhà. Đặc biệt, có những hoạt động mà Phật giáo thành phố chưa kịp phát động, Phật giáo quận Gò Vấp đã nhanh chóng tiến hành; điển hình như công tác cứu trợ miền Trung bão lũ trong năm 2020, Ban Trị sự đã tổ chức đi tặng quà, hỏi thăm và động viên bà con với kinh phí gần 2 tỷ đồng, do Tăng Ni Phật tử các tự viện đóng góp.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, chư Tăng Ni các tự viện cùng chính quyền các cấp tích cực giúp đỡ, tặng quà cho bà con trên địa bàn vào những đợt giãn cách xã hội. Ngoài ra, các tự viện cũng thường xuyên tổ chức trao nhà tình thương; trao quỹ vì người nghèo, vì biển đảo quê hương; tổ chức các chuyến đi cứu trợ bà con hạn mặn miền Tây; xây cầu đường nông thôn; trao học bổng hiếu học Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Thọ đến học sinh nghèo tại quận nhà cũng như trên khắp mọi miền đất nước.

Ảnh tác giả

“Nhân sự dự kiến nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều thay đổi và chấp hành đúng chỉ đạo của Trung ương và Phật giáo TP.HCM về độ tuổi. Đặc biệt, các vị này đều có trình độ về Phật học lẫn thế học, tiếp cận công nghệ mới nhanh nhạy. Do đó, tôi tin tưởng thế hệ kế thừa sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu Phật sự của chư tôn đức tiền bối đi trước, đưa Phật giáo quận nhà ngày càng phát triển, phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của người xuất gia”.

Hòa thượng Thích Nhật Lang

Hoạt động nổi bật tiếp theo, Hòa thượng Thích Nhật Lang cho biết, là công tác hành chính và truyền tải thông tin theo các bước “điện tử hóa” đến chư tôn đức trên địa bàn quận. Từ năm 2019, công tác điều hành, phổ biến Phật sự như gửi thư mời, báo cáo, thông tin tới các tự viện, đều được Ban Trị sự thực hiện thông qua hệ thống group Zalo, tạo sự liên kết chặt chẽ, nhanh gọn giữa Giáo hội và các tự viện trong quận. Hơn 90% chư tôn đức đã tham gia kết nối nhóm và kịp thời nắm rõ thông tin - quý vị lớn tuổi sẽ có thị giả hỗ trợ.

Mỗi mùa an cư, chư Tăng Ni nhập hạ tại các tự viện đều thực hiện lịch trình bố-tát và sinh hoạt nghiêm túc theo thiền môn quy củ, ngoài ra còn được học thêm các môn Kinh, Luật, Luận. Ban Trị sự cũng đã kết hợp với Ban Tôn giáo và Ủy ban MTTQVN quận tổ chức các buổi sinh hoạt về tình hình an ninh chính trị trong quận, TP.HCM và cả nước; sinh hoạt phổ biến các chính sách pháp luật; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...

Các đạo tràng giảng dạy giáo lý, tu Bát quan trai, trì chú Đại bi, tụng Lương hoàng sám... được duy trì, sinh hoạt ổn định và phát triển tại các tự viện. Trong các kỳ lễ lớn như Phật đản, Vu lan..., các tự viện đều tổ chức nghi lễ trang nghiêm, với những buổi sinh hoạt pháp thoại, văn hóa, văn nghệ.

Trong quận có 4 Gia đình Phật tử đang sinh hoạt ổn định, tu học huấn luyện nghiêm túc theo chương trình của Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương. Trong đợt giãn cách xã hội do Covid-19, một số đơn vị đã có chương trình tu học online hết sức sinh động và bổ ích, góp phần ổn định sinh hoạt Gia đình Phật tử.

Phật giáo Gò Vấp hiện có hơn 500 Tăng Ni ổn định tu tập và hành đạo, với số lượng Phật tử ngày càng phát triển, Tăng Ni được đào tạo qua các trường lớp của Giáo hội ngày càng nhiều, cơ sở tự viện được chỉnh trang và xây mới, đạo tràng tu học được duy trì phát triển, tạo nên một nhịp phát triển ổn định cho Phật giáo quận. “Đó là nhờ các thành viên của Ban Trị sự cùng chư Tăng Ni đều sinh hoạt tu học và hoạt động Phật sự đoàn kết trên tinh thần lục hòa, chấp hành theo chủ trương và chỉ đạo của Giáo hội, luật pháp Nhà nước. Công tác Phật sự đều được nhất trí giao nhiệm vụ sau khi đã được bàn bạc và phân công cụ thể, các thành viên tham gia hưởng ứng tích cực”, Hòa thượng Thích Nhật Lang nhấn mạnh.

Ban Trị sự trong một đợt làm công tác từ thiện

Ban Trị sự trong một đợt làm công tác từ thiện

Một số công tác còn chậm giải quyết

Nói về những tồn đọng trong nhiệm kỳ IX, theo Hòa thượng Thích Nhật Lang, trong quá trình thực hiện vẫn còn những điều chưa đạt được do hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan.

Cụ thể, hiện nay toàn quận có 64 cơ sở tự viện, trong đó có 18 cơ sở đã hoàn tất thủ tục pháp lý và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Có 38 cơ sở sử dụng đất chủ quyền ổn định, Ban Trị sự đã hướng dẫn trình các thủ tục hợp thức hóa và xin cấp đổi chủ quyền hợp lệ tên tự viện. Còn 8 cơ sở sử dụng đất chưa hợp lệ để đăng ký thủ tục.

Thực hiện theo hướng dẫn của UBND quận Gò Vấp, Ban Trị sự đã hỗ trợ pháp lý đề nghị các cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tự viện, để trình Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố chấp thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tự viện theo quy định.

Ngoài ra, theo thống kê BTS vào tháng 11-2020, toàn quận hiện có 37/64 cơ sở có quyết định bổ nhiệm trụ trì, Phật giáo quận cũng đã vận động và hướng dẫn các cơ sở bổ khuyết các giấy tờ liên quan để tiến hành các thủ tục bổ nhiệm trụ trì theo quy định.

Trên địa bàn quận Gò Vấp có sự diện diện của nhiều hệ phái, truyền thống Phật giáo

Trên địa bàn quận Gò Vấp có sự diện diện của nhiều hệ phái, truyền thống Phật giáo

Tiếp cận xu thế công nghệ phù hợp với tinh thần khế lý, khế cơ

Với định hướng phát triển phù hợp cùng xu hướng xã hội và thời đại, Hòa thượng Thích Nhật Lang cho biết, dự kiến chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2021-2026 của Phật giáo quận Gò Vấp sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết nội bộ giữa Ban Trị sự và Tăng Ni, Phật tử địa phương. Đặc biệt, sẽ tập trung củng cố, điều chỉnh công tác văn phòng hành chánh điện tử, tiếp tục sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin để phổ biến chương trình hoạt động Phật sự, kêu gọi Tăng Ni trẻ tham gia hành chánh văn phòng. Tập trung công nghệ thông tin kết nối và thiết lập hồ sơ cho từng cá nhân Tăng Ni trong quận để báo cáo thành phố, tổ chức việc quản lý nghiêm túc theo danh bạ.

Ban Trị sự sẽ hướng dẫn, động viên lập hồ sơ xin đăng ký cơ sở sinh hoạt tôn giáo tập trung và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất bổ sung cho các tự viện chưa thực hiện theo quy định. Liên hệ các cơ quan chức năng để hỗ trợ giải quyết các cơ sở tự viện chưa hợp lệ về quyền sử dụng đất và pháp lý tự viện.

Ngoài ra, cũng sẽ thiết lập danh bạ “Lịch sử các chùa trong quận”. Tích cực hưởng ứng các phong trào vệ sinh môi trường, hướng dẫn văn hóa lễ tang, lễ cưới, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày