Phật giáo Thanh Hóa trong dòng chảy lịch sử dân tộc

GN - Phật giáo du nhập vào đất Thanh Hóa từ bao giờ? Buổi sơ khai ấy người xứ Thanh tiếp nhận Phật giáo như thế nào? Đó là những câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp chính xác cho đến nay.

Sách Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyện của ngài Nghĩa Tịnh cho chúng ta biết, đời Đường trong sáu nhà sư Giao Châu có mặt ở Ấn Độ thì có hai nhà sư quê Ái Châu. Đó là các ngài Trí Hành (Prajñā-deva, Bát-nhã Đề-bà, Huệ Thiên) và Đại Thừa Đăng (Mahāyāna-pradīpa).

DSC_0197.jpg


HT.Thích Bảo Nghiêm chúc mừng ĐĐ.Thích Tâm Đức trong hội thảo về Phật giáo Thanh Hóa
nhân Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN - Ảnh: VP BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa

Trong giai đoạn trước thế kỷ thứ X, có hai thiền phái lớn du nhập vào Việt Nam. Vào năm 580, ngài Tì-ni-đa-lưu-chi sang nước ta trụ trì chùa Pháp Vân, lập nên Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi. Năm 820 có vị Thiền sư người Trung Quốc pháp hiệu là Vô Ngôn Thông, sang ở chùa Kiến Sơ (Bắc Ninh) lập ra thiền phái Quan Bích (Vô Ngôn Thông). Cả hai thiền phái này về sau đã có những ảnh hưởng trực tiếp vào đất Thanh Hóa qua hai vị Thiền sư người Ái Châu là Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu (thế hệ thứ 4 dòng thiền Vô Ngôn Thông) và Thiền sư Đạo Dung (thế hệ thứ 15 dòng thiền Tì-ni-đa-lưu-chi).

Đến thời nhà Lý, xã hội Việt Nam dần đạt đến sự ổn định, Lý Công Uẩn - người sáng lập ra nhà Lý, vốn lớn lên trong nhà chùa; trong quá trình lên ngôi vua đã có sự vận động, ủng hộ của giới Phật giáo. Khi lên ngôi ông đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đạo Phật phát triển. Thời kỳ này ở đất Thanh Hóa, Phật giáo đã in dấu ấn đậm nét trong đời sống tinh thần của người dân. Nhiều nhân vật Phật giáo đương thời có ảnh hưởng, uy tín đã xây dựng tự viện và hoằng dương giáo lý của Đức Phật trên mảnh đất xứ Thanh. Tiêu biểu là Thiền sư Đạo Dung nổi tiếng là người có tài năng và uy tín lớn đương thời.

Theo Lê gia chính phả, Thiền sư Đạo Dung là cháu của quan Bộc xạ Lê Lương, một hào phú của đất Cửu Chân, sống nhân đức, thương người, thường mở kho phát chẩn cho dân khi đói kém. Ông dốc lòng theo việc thiện, tôn sùng đạo Phật, là người “có đạo tâm”. Vào thế kỷ X, ông tự bỏ tiền của nhà ra xây dựng ba ngôi chùa lớn ở Thiệu Hóa là chùa Hương Nghiêm làng Rỵ, chùa Trinh Nghiêm làng Go, chùa Minh Nghiêm làng Bôn. Đây là những ngôi chùa lớn nhất của Phật giáo xứ Thanh thời bấy giờ. Cùng với sự trợ duyên của các vị quan triều đình như Lý Thường Kiệt, Chu Công ở Thanh Hóa, hàng loạt ngôi chùa được xây mới hoặc trùng tu, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; như: chùa Hương Nghiêm (Thiệu Trung, Thiệu Hóa) được Thiền sư Đạo Dung cho trùng tu năm 1112; chùa Báo Ân (núi An Hoạch, Đông Sơn) được xây dựng mới; chùa Linh Xứng (Hà Ngọc, Hà Trung) được xây dựng năm 1008 hoàn thành năm 1010; chùa Sùng Nghiêm (Văn Lộc, Hậu Lộc) được trùng tu lại trên nền chùa cũ nhân dịp vua Lý Nhân Tông tuần du phương Nam năm 1116; chùa Diên Linh Chân Giáo (động Bạch Á, Nga Thiện, Nga Sơn) nay không còn dấu tích nhưng văn bia Trùng tu Diên Linh Chân Giáo Tự hiện còn là minh chứng rõ nét cho sự tồn tại của ngôi chùa này trong giai đoạn đời Lý hoặc có thể là trước đó.

Văn bia Minh Tịnh Tự bi văn (Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa) được khắc dựng vào năm Quang Hựu thứ 6 (1090) cũng là một minh chứng cho sự hiện hữu của ngôi chùa đã được xây dựng thời Đinh - Tiền Lê, hoặc còn sớm hơn nữa. Dựa trên các chứng cứ, hiện vật còn hiện hữu, có thể thấy rằng ở thời Lý, Phật giáo đã phát triển rộng khắp; đặc biệt là ở vùng đồng bằng, nơi trung tâm lỵ sở, có phong cảnh đẹp, điều kiện tự nhiên và kinh tế phát triển.

Đến đời Trần, Phật giáo ở Thanh Hóa tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng các ngôi chùa. Ngày nay, nhiều ngôi chùa có lịch sử từ đời Trần vẫn còn lưu lại dấu tích như chùa Lục Vân ở động Lục Vân; chùa Sùng Nghiêm ở núi Vân Lỗi (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn); chùa Đại Khánh ở núi Bàn A (Thiệu Khánh, TP.Thanh Hóa); chùa Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa); chùa Diệu Sơn ở động Diệu Sơn (Cẩm Thủy); chùa Thạch Tuyền (Nga Sơn), chùa Du Anh, Báo Ân, Tường Vân, Hoa Long (Vĩnh Lộc); chùa Hưng Phúc (Quảng Xương); chùa Long Mộ Minh, Tường Đót Tiên, Bãi Đông, Am Các (Tĩnh Gia); chùa Động Bồng (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung)… Sự kế thừa từ đời Lý sang đời Trần là minh chứng rõ nét cho sự phát triển huy hoàng, rộng khắp của Phật giáo ở đời Trần.

Đến triều Lê sơ - Mạc, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, Phật giáo bị hạn chế đi ít nhiều. Đặc biệt cuộc nội chiến Nam - Bắc triều thế kỷ XVI và Trịnh - Nguyễn phân tranh thế kỷ XVII - XVIII khiến cho nhiều cơ sở tự viện, công trình Phật giáo bị hủy hoại, lãng quên. Phật giáo Thanh Hóa trong giai đoạn này cũng nằm trong tình hình chung của Phật giáo cả nước, những tưởng đến lúc suy tàn. Trong hoàn cảnh ấy, năm 1630, ngài Chuyết Công cùng đệ tử là Minh Hành từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài, dừng chân ở chùa Trạch Lâm truyền bá Chính pháp, hình thành nên dòng Lâm Tế ở Đàng Ngoài. Từ ngôi chùa Trạch Lâm dòng thiền Lâm Tế do ngài Minh Hành trụ trì đã được truyền bá và được nhiều chùa trên địa bàn Thanh Hóa tiếp nhận. Theo tư liệu lịch sử còn lưu lại, dòng Lâm Tế đã được các chùa Báo Ân (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc); Đại Khánh (Thiệu Khánh, TP.Thanh Hóa); Long Cảm (xã Hà Phong, huyện Hà Trung)… tiếp nhận và tiếp tục truyền bá, mạng mạch từ đây lại được khơi thông.

Ngoài những ngôi chùa lớn có dấu ấn xây dựng của triều đình hoặc quan lại, thì những ngôi chùa bình dị, đơn giản chốn thôn quê vẫn được người dân giữ gìn và duy trì các hoạt động tín ngưỡng. Qua sử sách và văn bia ta biết được một số ngôi chùa vẫn tiếp tục được xây dựng, trùng tu trong thời gian này. Tiêu biểu như: chùa Thái Bình, chùa Báo Ân (huyện Thiệu Hóa); chùa Phúc Hưng (Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa); chùa Hưng Phúc, chùa Mật Đa, chùa Đại Bi (TP.Thanh Hóa), chùa Hồi Long (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân), chùa Hoa Long (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc)…

Trải qua một thời gian dài, kể từ khi Thiền sư Chuyết Công và đệ tử là Thiền sư Minh Hành đến truyền đạo ở chùa Trạch Lâm cho đến khi Thiền sư Minh Hành viên tịch, không biết có phải do những yếu tố lịch sử - xã hội mà trong một thời gian dài Thiền phái Lâm Tế không được nhắc đến trên vùng đất Thanh Hóa. Xem lại các chứng tích Phật giáo hiện còn không thấy được ghi lại. Cho đến những năm vào nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Thiền phái Lâm Tế lại được truyền vào Thanh Hóa từ vùng đất Ninh Bình; từ chùa Bà Đá (Hà Nội), từ chùa Từ Hiếu (tỉnh Thừa Thiên Huế)…

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Phật giáo Thanh Hóa đã có những đóng góp hết sức thiết thực, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở hoạt động yêu nước, nhiều nhà sư trở thành chiến sĩ cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa là trọng điểm đánh phá. Phật giáo Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước, tích cực đóng góp sức người, cơ sở vật chất cho công cuộc cứu quốc. Cũng trong giai đoạn này, nhiều cơ sở Phật giáo bị bom đạn đánh phá chỉ còn lại dấu tích; khiến cho nhiều vấn đề thuộc về lịch sử đến nay khó có thể khảo cứu rõ ràng được.

Năm 1981, GHPGVN được thành lập. Trên cơ sở đó, Ban Đại diện lâm thời Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cũng được thành lập. Ngày 1-11-1984, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất được tổ chức tại chùa Thanh Hà đã bầu ra Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Thanh Hóa gồm 5 thành viên do HT.Thích Thanh Cầm làm Chánh đại diện. Kể từ đó, GHPGVN tỉnh Thanh Hóa là tổ chức hợp pháp, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử tỉnh Thanh Hóa; thực hiện mọi hoạt động Phật sự theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - CNXH”.

Đến nay, GHPGVN tỉnh Thanh Hoá đã trải qua 6 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ I kéo dài 8 năm (1984-1992) là thời kỳ xây dựng và củng cố cơ sở. Nhiệm kỳ II (1992-1997) là giai đoạn phát triển các mặt hoạt động và nâng vị thế từ Ban Đại diện lên Ban Trị sự do HT.Thích Thanh Cầm làm Trưởng ban.

Ngày 1-6-1994, Hòa thượng Trưởng BTS viên tịch, cả tỉnh lúc này không còn chư Tăng, chỉ còn duy nhất một Sa-di. Ban Trị sự đã tổ chức Hội nghị mở rộng suy cử NS.TN Đàm Nhung làm Quyền Trưởng ban đến hết nhiệm kỳ. Trong lúc khó khăn này, Phật giáo Thanh Hóa được sự cố vấn của HT.Thích Thanh Tứ, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I T.Ư GHPGVN thời bấy giờ và cũng như sự tận tình giúp đỡ của chư tôn thiền đức trong Văn phòng I và Ban Trị sự Phật giáo TP.Hà Nội. Nhiệm kỳ III (1997-2002) do NT.TN Đàm Nhung làm Trưởng ban Trị sự, là giai đoạn tiếp tục phát triển và nâng cao các mặt hoạt động của Phật giáo tỉnh. Năm 1998, Ban Trị sự đã thành lập quỹ Bảo trợ Học đường để hỗ trợ tài chính cho Tăng Ni theo học tại các trường Phật học. Nhiệm kỳ IV (2002-2007) là nhiệm kỳ xây dựng, thành lập Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện. Các hoạt động Phật sự đã dần rõ nét, đi vào ổn định, có hiệu quả và bước đầu đạt được kết quả khả quan.

Nhiệm kỳ V (2007-2012) là nhiệm kỳ đổi mới lãnh đạo trẻ. ĐĐ.Thích Tâm Đức được suy cử làm Trưởng ban Trị sự và là vị trưởng ban trẻ nhất so với các tỉnh thành cả nước. Các Ban Đại diện được kiện toàn và thành lập mới. Lần đầu tiên sau 22 năm thành lập, các ban ngành chuyên môn của Tỉnh hội mới được thành lập. Lớp Sơ cấp Phật học đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa cũng được thành lập và khai giảng đi vào hoạt động. Nhiệm kỳ VI (2012-2017), ĐĐ.Thích Tâm Đức tiếp tục được suy cử làm Trưởng ban Trị sự. Nhiệm kỳ này tất cả các Ban Trị sự cấp huyện lần đầu tiên tổ chức đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện, kiện toàn và ra mắt 14 ban ngành chuyên môn trực thuộc. Ban Trị sự đã thành lập được 20 Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện / 27 huyện, thị, thành phố; bổ nhiệm 117 ngôi chùa có sư trụ trì trên 21 huyện, thị, thành phố; đã và đang đào tạo 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 34 vị cử nhân Phật học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Đây là nhiệm kỳ đổi mới về công tác hành chính, các Ban Đại diện được đổi thành Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện; đào tạo Tăng Ni có chất lượng, học vị; giới thiệu và khuyến khích Tăng Ni trẻ đến các huyện vùng sâu, vùng xa trụ trì các chùa và hướng dẫn tín đồ Phật tử tu học theo đúng Chính pháp; Kêu gọi Tăng Ni, Phật tử thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, giáo hoá Phật tử phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp. Có thể nói, Phật giáo Thanh Hóa hiện nay đang trong thời kỳ phát triển với đầy đủ phúc duyên “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là cơ hội để Phật giáo Thanh Hóa phát triển và vững bước tiến vào tương lai.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Thanh Hóa trong lịch sử, có thể thấy sự phát triển của Phật giáo Thanh Hóa là sự phát triển đồng hành cùng với tinh thần yêu nước của dân tộc, được phản ánh và thể hiện rõ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sinh hoạt văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng làng xã. Các thế hệ Tăng Ni Thanh Hóa không chỉ hoàn thành nghĩa vụ của người con Phật với sứ mệnh hoằng dương giáo pháp, lợi lạc quần sinh, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước, quê hương xứ sở trong tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày