GN - Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, phong cảnh trở nên tươi đẹp, khí hậu ấm áp, cây cối đơm hoa kết trái thắm tươi, các sinh vật như bừng lên sức sống. Trong sự tuần hoàn của vũ trụ, mùa xuân mang sắc thái căng đầy nhựa sống thì trong cuộc đời của con người, tuổi xuân là tuổi đẹp nhất thể hiện niềm vui thành đạt trong sự nghiệp, trong cuộc sống đầy đủ an vui.
HT.Thích Trí Quảng dẫn đầu phái đoàn Phật giáo TP thăm chính quyền TP.HCM - Ảnh: B.Toàn
Hòa cùng nhịp sống tươi đẹp của trời đất, của muôn người, đón mùa xuân năm nay - trong ngôi nhà đạo pháp, chúng ta cùng nhìn lại những năm qua để hoan hỷ trước những thành quả mà Phật giáo thành phố chúng ta đã gặt hái trọn vẹn. Và dựa vào nền tảng của quá khứ tốt đẹp ấy, chúng ta tiếp tục phát triển sinh hoạt đạo pháp một cách thuận lợi nhất trong tương lai. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Phật dạy rằng nếu không có phước thì không thể làm phước được.
Thật vậy, nhìn lại chặng đường hoạt động trong những năm qua của Phật giáo TP.HCM, gần nhất là 5 năm của nhiệm kỳ VIII (2012-2017), Giáo hội thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, nhiều hoạt động có tầm ảnh hưởng lớn và lưu lại những dấu ấn đặc biệt.
Trước nhất, khi hội đủ duyên lành, chính quyền đã giao 22,3ha đất ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh cho Giáo hội Phật giáo TP.HCM và chỉ trong một thời gian ngắn là 3 năm, vào đầu tháng 5 năm 2016, đã hoàn thành cơ sở Học viện Phật giáo TP.HCM trên khu đất này và đưa vào sử dụng gồm: tòa hành chính, tòa học đường, tòa Tăng xá, tòa Ni xá, chánh điện tạm và khu nhà bếp. Mỗi tòa Tăng xá và Ni xá gồm 5 tầng, mỗi tầng gồm 500m2 đáp ứng nhu cầu tu học ngày càng gia tăng của Tăng Ni sinh viên. Chi phí xây dựng cho các công trình nói trên là 200 tỷ đồng từ tịnh tài của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong nước và nước ngoài phát tâm hỷ cúng.
Khóa đầu tiên vào năm 1984, Học viện (lúc bấy giờ là Trường Cao cấp Phật học VN cơ sở II) chỉ đào tạo hơn 50 sinh viên. Từ năm 2005, số lượng Tăng Ni sinh tăng từ 500 đến 700. Năm 2017, khóa X, 405 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp cử nhân Phật học hệ chính quy và Đào tạo từ xa là 156. 22 Tăng Ni sinh bảo vệ thành công luận văn, chính thức tốt nghiệp thạc sĩ, 7 Tăng Ni sinh đã bảo vệ và đang chỉnh sửa lại luận văn. 21 Tăng Ni sinh đã có quyết định và đợi ngày họp Hội đồng cho bảo vệ luận văn. Hiện nay, toàn trường có 1.131 Tăng Ni đang theo học cử nhân chính quy thuộc khóa XI và XII. Tất cả Tăng Ni sinh đều nội trú trong hai khu riêng biệt và đều được miễn học phí và sinh hoạt phí.
Việc tu học tập trung theo mô hình Phật học viện như thế là cách góp phần ổn định việc quản lý Tăng Ni trẻ ở bước đầu căn bản và loại bỏ tình trạng tự phát lưu trú hiện nay đã ảnh hưởng không tốt đến oai nghi, sự tu học của người xuất gia.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM sau ba thập niên hoạt động, đã đào tạo hàng ngàn Tăng Ni sinh, hiện nay đang đảm trách nhiều vai trò trọng yếu trong Hội đồng Trị sự, ở các Ban, Viện trung ương, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, nhiều trường Phật học trên toàn quốc, trụ trì các tự viện Phật giáo với tinh thần phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.
Thời khóa công phu của Tăng Ni sinh ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM - Ảnh: B.Toàn
Từ niên học 2005-2006, sau khi chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ, ngoài khoa Phật học, Học viện đã phát triển thêm nhiều khoa để phù hợp với sinh hoạt của Phật giáo trong thời đại mới; đó là các khoa: Pali, Sanskrit, Triết học Phật giáo, Phật giáo Việt Nam, Lịch sử Phật giáo, Hoằng pháp, Công tác xã hội, Giáo dục mầm non, Phật pháp tiếng Anh, Trung văn và hệ đào tạo từ xa.
Điều đáng mừng, từ năm 2012, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã đào tạo thí điểm thạc sĩ Phật học cho 150 Tăng Ni sinh. Bước ngoặt này sẽ mở ra cơ hội để Chính phủ Việt Nam tiếp tục cho phép Học viện đào tạo chương trình tiến sĩ Phật học trong niên học 2017-2018.
Bên cạnh sự nghiệp đào tạo Tăng Ni có đủ kiến thức Phật học và đầy đủ phẩm chất tu sĩ của Học viện Phật giáo TP.HCM, một sự kiện khác rất quan trọng cần ghi nhận; đó là xây dựng và cơ cấu nguồn nhân lực trẻ kế thừa, một chủ trương cấp thiết của Ban Trị sự Phật giáo thành phố. Nỗ lực này được thể hiện rõ nét, chúng ta có 23/24 quận huyện tại thành phố đã có nhân sự lãnh đạo mới tăng cường Tăng Ni trẻ có năng lực và đạo hạnh thay cho một số tôn túc lớn tuổi. Đồng thời 2/3 nhân sự lãnh đạo thuộc Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo thành phố được cơ cấu gồm có các Tăng Ni trẻ khả dĩ tương đối đủ tài đức điều hành Phật sự thành phố để thay thế chư vị giáo phẩm cao niên. Các vị giáo phẩm lớn sẽ đảm trách những chức vụ cần có uy tín đối với Tăng Ni, mang tính tiêu biểu, nhằm tạo sự ổn định chung.
Đó là tín hiệu đáng mừng mở đầu hoạt động của Phật giáo thành phố trong nhiệm kỳ mới, 2017-2022. Chúng tôi kỳ vọng thế hệ trẻ kế thừa dựa vào nền tảng tốt đẹp do bậc cha anh dày công tạo dựng, sẽ đẩy mạnh các hoạt động của Phật giáo thành phố được khởi sắc hơn nữa và khắc phục được các khuyết điểm tồn đọng.
Ngoài ra, một công trình rất quan trọng là Việt Nam Quốc Tự, trung tâm văn hóa tâm linh và hành chánh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM cũng đã được hoàn thành. Điều mà không ai ngờ, chỉ trong vòng 3 năm, với sức mạnh tâm linh và nguyện lực của Tăng Ni, Phật tử, mọi khó khăn vô cùng đã nhẹ nhàng lướt qua để ngôi chùa nước Việt an nhiên hiện hữu giữa lòng thành phố sầm uất.
Điều đáng trân trọng, nhờ những hoạt động tích cực của Phật giáo thành phố về an sinh xã hội góp phần ổn định đời sống người dân, nên chính quyền thành phố đã giao thêm 7.200m2 cho Giáo hội thành phố mở rộng Việt Nam Quốc Tự, nâng tổng diện tích hơn 11.000m2. Nhờ vậy, đây là ngôi chùa duy nhất ở giữa khu đô thị tấc đất tấc vàng đã có tầng hầm làm bãi đỗ xe giúp cho số lượng xe khá nhiều tập trung về dự lễ có bãi đậu an toàn, thoải mái. Ngoài ra, hội trường có sức chứa 1.000 chỗ ngồi và hành lang mở rộng chỗ ngồi lên đến 3.000 người. Tầng 2 là khu văn phòng. Tầng 3 gồm 15 phòng Tăng. Tầng 4 là chánh điện với sức chứa 1.500 người và nhà hậu Tổ.
Đặc biệt, tại Việt Nam Quốc Tự, một bảo tháp 13 tầng đang được xây dựng, cao 63m, mang ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn Phật giáo đã tham gia Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo chống lại sự đàn áp của chính phủ Diệm tại miền Nam năm 1963. Và dự kiến tại bảo tháp sẽ tôn thờ xá-lợi Trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức và trưng bày tư liệu về cuộc tranh đấu lịch sử đó.
Điều đặc biệt nữa, lần đầu tiên khóa an cư cấm túc 10 ngày của lãnh đạo Phật giáo TP.HCM được tổ chức thành công rực rỡ tại Việt Nam Quốc Tự. Thật vậy: “Khóa tu này là hình ảnh thanh tịnh của ba thế hệ Tăng tiếp nối nhau, cùng chấp hành các thời khóa hành trì nghiêm mật theo quy củ thiền môn, pháp đàm, cùng tu, cùng học và thảo luận hướng Phật sự mới. Đó là sức sống mạnh mẽ của Tăng, là linh hồn của Giáo hội”.
Và cũng lần đầu tiên, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức hai Đại giới đàn truyền giới Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ. Đại giới đàn Quảng Đức năm 2013 có 1.524 giới tử Tăng Ni, truyền giới tại 7 giới trường và Đại giới đàn Trí Đức năm 2015 truyền giới cho 1.009 Tăng Ni và 500 Phật tử thọ Bồ-tát giới tại 8 giới trường.
Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ IX - Ảnh: B.Toàn
Cũng lần đầu tiên, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã tổ chức 3 khóa bồi dưỡng trụ trì trong 3 năm liên tiếp, nhằm nâng cao vai trò của vị trụ trì trong thời hiện đại. Năm 2015, 1.055 Tăng Ni được cấp chứng chỉ I; năm 2016, 600 Tăng Ni được cấp chứng chỉ II; năm 2017, 500 Tăng Ni được cấp chứng chỉ III. Có đủ 3 chứng chỉ, Tăng Ni hoàn tất chương trình bồi dưỡng kiến thức trụ trì. Đây là một trong những điều kiện để Tăng Ni được Giáo hội thành phố xem xét bổ nhiệm trụ trì trong tương lai.
Và cũng lần đầu tiên, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức lễ rước kiệu hoa Đức Phật đản sinh. Đông đảo chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử trang nghiêm đi bộ cung thỉnh Đức Phật đản sinh từ chùa Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự và tại đây, cử hành nghi lễ Tắm Phật thiêng liêng theo truyền thống. Sự kiện này đã ghi đậm dấu ấn mở đầu cho Tuần lễ kính mừng Phật đản tại thành phố được diễn ra liên tục từ năm 2015 đến 2017.
Ngoài ra, một sự kiện trọng đại có ý nghĩa để tưởng niệm chư Thánh tử đạo cho sự nghiệp bảo tồn Chánh pháp, đó là Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013) do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Công viên Bồ-tát Thích Quảng Đức.
Đồng thời trong dịp này, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM kết hợp với Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM tổ chức Hội thảo 50 năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963-2013) tại Khu du lịch Phương Nam, tỉnh Bình Dương. Đại lễ và hội thảo đã khẳng định sự hiện hữu của Bồ-tát Thích Quảng Đức là bậc thượng sĩ siêu phàm, Ngài đã thị hiện vào đất nước chúng ta để cứu khổ, giải nguy cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và góp phần cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất đất nước.
Cũng lần đầu tiên, năm 2013, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã tổ chức trang nghiêm, quy mô Pháp hội Dược Sư “Tiêu tai diên thọ, nguyện phong điều vũ thuận” tại chùa Huê Nghiêm. Sự kiện này nhằm tạo mô hình điểm về tín ngưỡng, văn hóa truyền thống để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân thường cầu an lành trong đầu năm mới, cầu quốc thái dân an, cầu thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc theo tinh thần Chánh tín của đạo Phật, thay cho hình thức tín ngưỡng pha tạp khác. Mô hình này đã được nhân rộng tại nhiều chùa trong thành phố vào những năm kế tiếp.
Đặc biệt, một hoạt động nổi bật mang nhiều ý nghĩa về tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật đã được thể hiện cao tột và trọn vẹn qua công tác từ thiện xã hội. Hơn 2.069 tỷ đồng của các chương trình từ thiện xã hội do Phật giáo thành phố thực hiện trong nhiệm kỳ VIII (2012-2017) không chỉ ở TP.HCM mà còn lan rộng đến các tỉnh thành trong cả nước, thậm chí ủy lạo người nghèo tại một số nước như Ấn Độ, Nepal, Campuchia, Nhật Bản.
Vì vậy, Phật giáo TP.HCM đã đóng vai trò hậu thuẫn mạnh mẽ cho hoạt động từ thiện của Trung ương Giáo hội trong suốt 35 năm qua và cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam thêm bền vững.
Về đối ngoại, mối liên hệ giữa Phật giáo thành phố với các tổ chức Phật giáo trên thế giới ngày càng mở rộng qua những hội nghị, những cuộc viếng thăm, trao đổi văn hóa, tư tưởng…
Ngoài ra, còn nhiều thành quả đáng trân trọng thuộc các lãnh vực như hoằng pháp, đào tạo giảng sư, văn hóa, nhiều khóa tu tổ chức cho Phật tử tại TP.HCM.
Những thành quả GHPGVN TP.HCM đã đạt được khẳng định rằng chủ trương và đường hướng hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM thực sự đúng đắn. Vì vậy, những hoạt động đạo pháp cũng đã góp phần xây dựng xã hội, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp đáng quý.
Tóm lại, trải qua chặng đường dài 35 năm, GHPGVN TP.HCM đã từng bước chấn chỉnh, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển lâu dài, bền vững.
Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai với bối cảnh nhiều thuận lợi cho hoạt động của Phật giáo thành phố, cũng như dựa trên nền tảng tốt đẹp đã tạo dựng được, GHPGVN TP.HCM sẽ phục vụ hữu hiệu hơn nữa cho đạo pháp và dân tộc, xứng đáng là trung tâm văn hóa, giáo dục Phật giáo của cả nước.
Đón chào Xuân Mậu Tuất năm 2018, chúng tôi xin kính chúc chư tôn đức Tăng Ni trong nước và nước ngoài luôn an lạc trong ánh hào quang của chư Phật.
Với chư tôn đức giáo phẩm của Phật giáo TP.HCM trong nhiệm kỳ IX, xin cầu chúc quý vị dồi dào sức khỏe, phát huy tối đa khả năng của mình và đóng góp nhiều thành quả lợi lạc cho đạo, tốt đẹp cho nhân sinh.
Với quý Phật tử trong nước và ngoài nước, quý cộng tác viên, quý phát hành viên, cùng bạn đọc xa gần, xin gởi lời chúc sức khỏe, thành đạt và hạnh phúc.
HT.Thích Trí Quảng