Phật giáo tỉnh Tiền Giang: Đạo pháp, trí tuệ, phục vụ nhân sinh

Đại lễ Phật đản do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức
Đại lễ Phật đản do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức
0:00 / 0:00
0:00
GN - Ngày 28, 29-6, GHPGVN tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ X tại chùa Vĩnh Tràng, TP.Mỹ Tho nhằm suy cử Ban Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027.

Trước thềm đại hội, Phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn với Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Tổ chức Đại hội, về các hoạt động và thành tựu của Phật giáo tỉnh trong 5 năm hoạt động. Hòa thượng nhận định:

- Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã vượt qua một chặng đường đầy thử thách để hoàn thành sứ mạng hoằng pháp lợi sinh. Phật giáo tỉnh Tiền Giang vốn sẵn tinh thần yêu nước và phụng sự đạo pháp, được hun đúc từ những tấm gương quý báu của chư tôn đức tiền bối hữu công như: Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Hòa thượng Thích Pháp Hoa, Hòa thượng Thích Pháp Tràng.

Bên cạnh việc luôn được sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương Giáo hội và sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo chính quyền các cấp, các ngành, thì nền tảng quan trọng nhất làm nên sự thành công của Phật giáo tỉnh chính là tất cả Tăng Ni đều đoàn kết. Chính vì lẽ đó, Ban Trị sựPhật giáo tỉnh Tiền Giang đã đạt được thành công nhất định trên các lĩnh vực: Tăng sự, giáo dục Phật giáo, hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, từ thiện xã hội.

Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang

Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang

* Đâu là điều Hòa thượng tâm đắc nhất trong công tác điều hành hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ IX?

- Dấu son đầu tiên phải kể đến đó là ngành Tăng sự với hoạt động nề nếp, đi vào ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển vững mạnh cho Ban Trị sự tỉnh nhà, đồng thời tạo sự đoàn kết giữa các hệ phái Phật giáo thành viên GHPGVN.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang có văn phòng riêng, đặt tại chùa Vĩnh Tràng - tự viện do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trực tiếp quản lý. Toàn tỉnh có 11 huyện thị thành, đều đã thành lập 11 Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện. Trong đó, 8 Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện có văn phòng riêng do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện trực tiếp quản lý. Chúng tôi quán triệt, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh mỗi tháng họp định kỳ một lần vào ngày 12 âm lịch để kiểm tra công tác Phật sự, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn. Từ đó giúp cho công tác Phật sự của tỉnh hoạt động hanh thông và ngày càng đạt hiệu quả.

Năm 2017, toàn tỉnh chúng tôi chỉ có 412 ngôi chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tịnh viện, tu viện, tịnh thất, niệm Phật đường lớn nhỏ. Sau 5 năm, một số tự viện được phục hồi và thành lập mới, nâng tổng số tự viện hiện nay lên 419 ngôi, và hiện tại đang xin nhiều tự viện sắp được công nhận.

Số lượng Tăng Ni tăng dần, năm 2017 toàn tỉnh có 1.081 vị, hiện tại có 1.298 vị, phân chia trong 3 hệ phái: Bắc tông 1.205 vị, Nam tông 22 vị và Khất sĩ 71 vị. Chúng tôi xây dựng được 207 đạo tràng, hơn 7.349 Phật tử tham gia tu tập thường xuyên.

Các ban ngành thể hiện sự đoàn kết. Đặc biệt, Ban Văn hóa và Ban Nghi lễ đã phối hợp nhịp nhàng trong việc bài trừ, đẩy lùi hoạt động mê tín dị đoan đốt vàng mã, lầu kho, xin xăm, bói toán, soi căn. Trong những ngày lễ lớn như Phật đản, Vu lan, Đại hội Phật giáo, Ban Văn hóa đã tập hợp các hình ảnh hoạt động Phật sự của Ban Trị sự tỉnh để tổ chức triển lãm và Ban Nghi lễ phụ trách tổ chức trang nghiêm các Đại lễ, thông qua đó hướng dẫn cho Phật tử phong cách sinh hoạt tín ngưỡng đúng Chánh pháp.

Sự đoàn kết còn tạo hiệu ứng tốt về an sinh xã hội. Ngoài việc thành lập trường nuôi dạy trẻ em nghèo hoàn toàn miễn phí, chúng tôi còn ủng hộ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tặng quà cho đồng bào khó khăn. Trong 5 năm qua, Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã thực hiện công tác từ thiện xã hội với tổng giá trị gần 350 tỷ đồng.

* Trong nhiệm kỳ qua, đâu là vấn đề trọng tâm mà Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã đặt mục tiêu thực hiện và kết quả đạt được như thế nào?

- Nguyện vọng của chúng tôi là phải đào tạo được lớp Tăng Ni trẻ kế thừa vừa có trình độ Phật học, vừa có tri thức khoa học để đảm bảo thực hiện được các Phật sự trong nước và hoạt động quốc tế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ IX, chúng tôi đã chú trọng đến việc xây dựng một hệ thống giáo dục và đào tạo theo định hướng của Trung ương Giáo hội.

Trong nhiệm kỳ qua, Trường Trung cấp Phật học tỉnh đã hợp tác với Học viện Phật giáo TP.HCM mở thêm lớp cao đẳng liên thông. Đặc biệt, chúng tôi có mở một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì 3 năm, dành cho những vị trụ trì dưới 50 tuổi trong tỉnh nhằm mở mang thêm kiến thức cho Tăng Ni. Trong các tỉnh miền Tây, Tiền Giang là địa phương duy nhất có lớp bồi dưỡng trụ trì này.

Ngoài ra, để bồi dưỡng chuyên môn cho các vị giảng sư, hàng năm chúng tôi đều giới thiệu các vị giảng sư tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng giảng sư, hội thảo hoằng pháp toàn quốc, do Ban Hoằng pháp Trung ương tổ chức. Hàng năm vào dịp lễ Phật đản, Phật giáo tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thi giáo lý dành cho cư sĩ Phật tử, địa điểm tại chùa Vĩnh Tràng, mỗi kỳ có hơn 450 Phật tử tham dự.

* Bên cạnh những thành tựu thì trong nhiệm kỳ qua, Ban Trị sự có những mục tiêu nào chưa thực hiện được, bạch Hòa thượng?

- Trong nhiệm kỳ qua, vấn đề tồn đọng mà Ban Trị sự chưa giải quyết được khiến chúng tôi rất nặng lòng, đó là việc một số Tăng Ni thường xuyên không dự an cư kiết hạ.

Thực hiện Thông bạch hướng dẫn của Hội đồng Trị sự, mỗi năm Ban Trị sự tỉnh đều tổ chức các điểm an cư kiết hạ tập trung cho Tăng Ni trong tỉnh. Số lượng Tăng Ni an cư mỗi năm ít dần: năm 2017 có 440 vị, năm 2018 có 418 vị, năm 2019 có 398 vị, năm 2020 có 491 vị, đến năm 2021 có 238 vị. Chúng tôi kỳ vọng Ban Trị sự nhiệm kỳ mới sẽ khắc phục, tháo gỡ được vấn đề này.

* Hòa thượng mong muốn và gửi gắm điều gì với các thành viên Ban Trị sự được suy cử trong nhiệm kỳ mới?

- Bản thân tôi được Giáo hội tin tưởng giao phó trọng trách, được phục vụ và phụng sự cho Tăng Ni, cho đạo pháp đó là một niềm hạnh phúc thiêng liêng của người Tăng sĩ. Trên tinh thần đó, tôi hy vọng thế hệ kế thừa, đặc biệt là các Tăng Ni trẻ, dù ở vị trí nào cũng thể hiện tốt vai trò của mình, cống hiến và góp phần giúp ngôi nhà chung của Giáo hội ngày càng phát triển, giúp đạo gần gũi với đời, phục vụ nhân sinh.

Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày