Phật giáo TP.Hồ Chí Minh: 30 năm, nhìn lại

Giác Ngộ- LTS. Là một trong những tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước tiến hành đại hội thành lập Ban Trị sự (BTS) sau sự kiện thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), BTS THPG TP.HCM cũng đã gần tròn 30 tuổi. PV Giác Ngộ đã gặp gỡ chư tôn đức giáo phẩm Tăng Ni ghi nhận những ý kiến, nhận định và trăn trở về hoạt động Phật sự của Phật giáo TP, trong mong ước Phật giáo TP ngày càng phát triển xứng với tiềm năng của một trung tâm văn hóa, giáo dục và kinh tế năng động hàng đầu của đất nước.

HT.Thích Thiện Tánh, Phó ban Thường trực BTS THPG TP.HCM: “Đẩy mạnh hoạt động của các ban ngành xứng đáng là một thành phố đi đầu trong các hoạt động Phật sự nhưng ưu tiên quan tâm phát triển ngành Tăng sự, giáo dục Tăng Ni…”

DSC_0002.JPG

THPG TP.HCM được thuận lợi không giống như các tỉnh thành khác, trước khi thống nhất Phật giáo thì đã có Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước, sau khi thống nhất Phật giáo thì đã hình thành các BĐD PG quận huyện. Nền tảng thuận lợi đó tạo nên những phát triển. Hiện nay toàn thành phố có 1.225 tự viện lớn nhỏ, trên 4.000 Tăng Ni, nếu tính cả số lượng vãng lai thì chúng ta có khoảng 7.000 Tăng Ni.

30 năm qua,  THPG TP.HCM đạt nhiều thành tựu, trọng tâm nhất là hình thành và phát triển 9 ban ngành mà TƯGH đưa ra. Trong đó, các ban phát triển đồng bộ, thúc đẩy hoàn thành nhiều Phật sự mà GH giao phó, các ngành Tăng sự, hoằng pháp, giáo dục Tăng Ni, nghi lễ, văn hóa… từng bước có những hoạt động tích cực tác động rõ nét vào đời sống Tăng Ni, Phật tử. Nếu so sánh quá trình phát triển của giai đoạn đầu mới thành lập GH so với ngày nay thì số lượng Tăng Ni Phật tử phát triển lên gấp nhiều lần, đặc biệt là từ 10, 15 năm trở lại đây, Tăng Ni trẻ thọ Đại giới tăng, Phật tử quy y rất nhiều và nhờ những chủ trương, đường lối chính sách về tôn giáo của Nhà nước.

Các ban ngành khác như Ban Giáo dục Tăng Ni, hiện nay đã có một Học viện, trường Cao trung Phật học, ở quận huyện có các lớp Sơ cấp Phật học. Tăng Ni có điều kiện đầy đủ để tu học và tiếp thu kiến thức. Nhưng có một quan tâm bậc nhất là THPG chỉ đạo các trường Phật học tiếp nhận Tăng Ni ở tỉnh về học tập Phật học và các trường văn hóa bên ngoài phải bảo đảm chỗ ở ổn định cho Tăng Ni sinh trẻ tại các tự viện, đó là điều kiện ban đầu để hỗ trợ cho Tăng Ni sinh trẻ. Ngành Tăng sự phải chú ý đến các tự viện, mỗi tự viện phải có vị quản tự để quản lý Tăng Ni ở chùa mình, tiếp tục quản lý, nhắc nhở, giúp đỡ  Tăng Ni trẻ, quý Hòa thượng lớn tuổi cũng cần giúp đỡ.

Suốt hơn 6 nhiệm kỳ qua, mỗi nhiệm kỳ THPG TP.HCM đều đặn mở hai đại giới đàn, trong nhiệm kỳ VI này cũng vậy, Đại giới đàn Hành Trụ đang được khai mở với hàng ngàn giới tử Tăng Ni đăng ký thọ giới. Mỗi đại giới đàn thu hút hàng ngàn giới tử. Tôi nghĩ chất lượng của những cuộc khảo hạch làm nên thành công ở mỗi giới đàn, ở THPG TP.HCM giới tử phải trải qua rất nhiều đợt khảo hạch gắt gao về giới, viết, có quy củ trường thi rất nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng.

Trong những năm qua, ngành hoằng pháp TP.HCM cũng đi đầu trong các hoạt động Phật sự nhằm giúp đỡ các tự viện, đạo tràng, Phật tử tu học đúng Chánh pháp. Ngành hoằng pháp  không chỉ giảng dạy Phật pháp cho TNPT ở TP.HCM mà còn mở rộng hoạt động ở vùng sâu vùng xa. Trong đó phải kể đến sự năng động, góp sức của Câu lạc bộ Hoằng pháp trẻ. Họ đã dấn thân đến những nơi hẻo lánh để giúp người dân tiếp cận với giáo lý và những lời Phật dạy áp dụng vào đời sống. Dù chưa được thành công như mong đợi nhưng đó là kết quả đáng khích lệ để công tác này tiếp tục được triển khai, thực hiện trong thời gian tới.

 

Tính đến nay, qua gần 7 nhiệm kỳ, Ban Trị sự THPG đã quản lý hành chánh khoảng 1.225 cơ sở Giáo hội, 4.000 Tăng Ni, và trên 10.000 Phật tử tín đồ của các hệ phái, tổ chức trên 10 đàn giới tạo điều kiện cho hơn 10.000 giới tử xuất gia được thọ giới, hơn 100.000 Phật tử thọ Bồ tát giới theo tinh thần Bồ tát hạnh. 70 Tăng Ni đạt trình độ tiến sĩ Phật học, 700 Tăng Ni có trình độ cử nhân Phật học, hơn 9.000 Tăng Ni tốt nghiệp cao đẳng Phật học, 1.000 Tăng Ni tốt nghiệp trung cấp Phật học, hơn 1.000 Tăng Ni đã qua sơ cấp Phật học.  Hơn 400 giảng sư, tổ chức thuyết giảng Chủ nhật hàng tuần với gần 1.500 Phật tử thính pháp; có 100 đạo tràng tu Bát quan trai, Thiền thất, Phật thất, Một ngày an lạc, Pháp Hoa, Dược Sư, Đại Bi mật chú và trên 50 lớp giáo lý, tổ chức các Hội thi giáo lý cấp quận/huyện, thành phố dành cho Phật tử. 1.381 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội.

Theo “Báo cáo thành quả 30 năm đồng hành Phật sự 
của THPG TP.HCM, 1981-2011)

Có một Ban vừa đạo vừa đời là Ban TTXH đóng góp rất nhiều tịnh tài, sản vật cho vấn đề an sinh của cộng đồng, người khó khăn, tổng kết 30 năm qua, ngành TTXH đạt trên dưới 1.381 tỷ đồng. Trong đó, Phật sự được quan tâm nhất là chương trình cất nhà tình nghĩa, tình thương, mổ mắt, cấp học bổng, thiên tai bão lụt... BTS THPG chỉ đạo quan tâm đến xây dựng nhà tình nghĩa vì cần đền ơn đáp nghĩa cho những hy sinh cho bản thân, gia đình của nhiều gia đình chính sách để chúng ta được hưởng ngày hôm nay. Kế tiếp là con em gia đình nghèo chính sách, con em nhà nghèo vì tuổi trẻ là mầm non đất nước... So với các tỉnh thành thì TP.HCM có thành tích rất lớn, đi đầu trong công tác TTXH.

Tuy THPG TP.HCM có những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn tồn đọng cái xấu, “một ngày không làm một ngày không ăn” của tu sĩ bị những kẻ lười biếng giả tu sĩ  “áp dụng triệt để” nhằm kiếm tiền của người chưa hiểu biết Phật pháp, đây là việc làm lợi dụng lòng tin không đúng, cần phải loại bỏ. Con số này khoảng 1%. Hiện nay, TP.HCM vẫn còn tệ nạn này, thời gian tới Nhà nước và GH cương quyết giải quyết.

Vấn đề khác cũng được quan tâm trong thời gian gần đây là Tăng Ni trẻ chưa am hiểu nhiều giáo lý, một số đua đòi, nảy sinh những vấn đề lơi lỏng trong tu học. Tăng Ni trẻ hiện nay mới vào tu vẫn còn đời trượt, không chịu chấp tác, thích mướn nhà ở tự do. Thời gian qua, vấn đề chỗ ở cho Tăng Ni sinh có khó khăn khách quan là chúng ta còn thiếu quỹ đất. Trong năm 2012, các trường Phật học, quận huyện nào còn có Tăng Ni trẻ ở nhà trọ, nhà Phật tử phải được ngành giáo dục Tăng Ni kết hợp với ngành Tăng sự cương quyết giải quyết triệt để, giúp đỡ họ vào chùa ở, ổn định tu học. Trong tương lai, Học viện Phật giáo tại TP.HCM xây dựng cơ sở mới tại huyện Bình Chánh, sẽ xây dựng một ký túc xá cho Tăng Ni sinh ở nội trú trong suốt 4 năm học.

Để tiếp tục phát huy những thế mạnh nội tại của Phật giáo TP.HCM cần có sự cố gắng, nỗ lực của mỗi Tăng Ni, tự viện, ban ngành. Mỗi tự viện làm tốt Phật sự ở tự viện mình, địa phương mình thì sẽ đạt những thành tựu trong công tác Phật sự. THPG TP.HCM sẽ có trách nhiệm gắn kết Tăng Ni, Phật tử đến sự đoàn kết, hòa hợp, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử dựa vào chủ trương của GHPGVN phát triển phù hợp trong thời đại mới vì có đoàn kết trên dưới một lòng thì Phật sự nào cũng thành công. Sắp tới Đại hội PG toàn quốc lần thứ VII sẽ có những gì mới, chúng ta còn phải chờ Nghị quyết đại hội, nói chung những Phật sự của THPG TP.HCM luôn gắn kết, hài hòa với chủ trương của GH, chính sách của Nhà nước.

THPG TP.HCM thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoạt động của các ban ngành xứng đáng là một thành phố đi đầu trong các hoạt động Phật sự nhưng ưu tiên quan tâm phát triển ngành Tăng sự, giáo dục Tăng Ni, đặc biệt là quản lý, giáo dục Tăng Ni trẻ từ tỉnh thành lên học, tu đều trở thành người tu sĩ tốt. Dưới sự hướng dẫn dạy dỗ của chư tôn đức, đào tạo TN trẻ trở thành Tăng tài. Phát triển hơn nữa ngành hoằng pháp, tăng cường giảng pháp, giáo lý ở chiều rộng lẫn chiều sâu cho Phật tử hiểu và áp dụng lời Phật dạy vào đời sống cũng như hướng dẫn những chủ trương, chính sách của Nhà nước cho Phật tử nhằm đem lại an lạc trong đời sống tinh thần, góp phần cho sự bình an của cộng đồng.

HT.Thích Viên Giác, Trưởng ban Tăng sự THPG TP.HCM: “Ngành Tăng sự muốn làm tốt Phật sự cũng cần sự đoàn kết, hòa hợp, chung lòng của từng Tăng Ni, từng tự viện, hỗ trợ của các ban ngành”

viengiac.jpg

Nhìn lại 30 năm hình thành và phát triển, ngành Tăng sự ngày càng có những bước tiến rõ rệt, có thể nói hoạt động Tăng sự thể hiện rõ ở con số tăng gấp 10 lần so với giai đoạn đầu. Đó là nhờ sự phát triển của công tác hành chánh Giáo hội, hệ thống các trường Phật học từ sơ cấp cho đến học viện được mở ra ở TP.HCM, công tác trùng tu tôn tạo, xây dựng mới các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường ngày càng khang trang.

Các công trình trước tác, dịch thuật cũng tạo điều kiện cho Tăng Ni tu học, nâng cao nhận thức, nâng cao giá trị của giới hạnh, tinh thần cầu học. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có sự gắn kết, chính sách tôn giáo cởi mở giúp Tăng Ni tu học và làm Phật sự một cách thuận lợi hơn.

Tôi là người đầu tiên chủ trương khuyến khích Tăng Ni trẻ tu học, mở mang kiến thức không chỉ nội điển mà còn nâng cao thế học. Bởi lẽ, giáo lý Phật khó lắm. Nó không phải là giáo điều nhưng mỗi người tu sĩ phải có trách nhiệm phải giữ gìn, nếu không sẽ rơi vào người thế gian. Giáo hội cũng cần nghiêm minh, mỗi kỳ thọ giới, tấn phong giáo phẩm… phải đúng luật Phật, đúng người tài, người đức.

Sự phát triển nhanh chóng số lượng Tăng Ni trẻ ở TP.HCM cũng dẫn đến những hệ lụy là một số ít Tăng Ni trẻ thoát ra khỏi sự quản lý của môi trường tự viện, ở nhà thế tục. Việc Tăng Ni trẻ thoát ly ra ngoài, vướng ngoại duyên khi đạo lực chưa vững sẽ dễ bị tha hóa.

Tôi cho rằng để quản lý Tăng Ni trẻ, giúp họ có môi trường tu học tốt như ở nội trú trong tự viện, trong khu ký túc xá dành riêng cho Tăng Ni sinh thì rất tốt. Như vậy, họ vừa có phương tiện tu tập, Giáo hội dễ quản lý được tư cách tác phong của Tăng Ni vừa tạo điều kiện cho Tăng Ni tu học trên phương diện trao đổi với nhau. Muốn làm được điều này cũng cần có thời gian và cần có sự kết hợp với các ban ngành khác. Cơ chế của Giáo hội là phát triển theo ngành dọc, không phát triển theo ngành ngang, không phải cứ “bung” ra là được, như vậy thì mạnh ai nấy làm.

Ngành Tăng sự muốn làm tốt Phật sự cũng cần sự đoàn kết, hòa hợp, chung lòng của từng Tăng Ni, từng tự viện, sự hỗ trợ của các ban ngành. Mỗi Tăng Ni phải tự thân trang nghiêm, trau dồi giới đức. Để Phật giáo phát triển trong giai đoạn mới thì Giáo hội cần sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng từ Trung ương cho đến từng cơ sở. Biết phát huy thế mạnh sẵn có, tiềm năng về con người, phát huy năng lực quản lý, điều hành, có kế hoạch phát triển bền vững, lâu dài, đồng bộ và có sự gắn kết Phật giáo đồng hành cùng với dân tộc.

TT.Thích Thiện Bảo, Trưởng ban Văn hóa THPG TP.HCM: “T rưởng đầu ban ngành được Thường trực BTS giao quyền nhưng chưa thể hiện hết năng lực vì có sự chồng chéo nhau trong chỉ đạo quản lý”

ongbao.jpg

Nhìn lại 30 năm GHPGVN hình thành và phát triển, ngành văn hóa THPG TP.HCM từ Tổ Công tác văn hóa THPG  TP.HCM nay đã trở thành Ban Văn hóa, đó là một bước phát triển nhanh chóng so với giai đoạn đầu. Tuy nhiên, xu thế phát triển ngày nay đòi hỏi chúng ta phải có sự cải tiến, để hòa nhập xứng tầm là một thành phố lớn của cả nước.

Để phát triển và hòa nhập trong giai đoạn mới, THPG TP.HCM cần phải có những bước tiến cao hơn, xa hơn không chỉ phát triển các ngành mũi nhọn mà lãnh đạo cần phải có tầm nhìn chiến lược, đưa ra những quyết sách, đầu tư, quy hoạch theo sự chỉ đạo Ban Thường trực  BTS THPG. So với nhiều tỉnh thành, PG TP.HCM có nhiều điều kiện tốt hơn, nếu được đầu tư đúng mức thì sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thực tế hiện nay, trưởng đầu ban ngành được Ban Thường trực BTS giao quyền nhưng chưa thể hiện hết năng lực vì có sự chồng chéo nhau trong quản lý. Nhiều lúc, giữa Ban Thường trực BTS và các vị lãnh đạo đầu ngành chưa có sự kết hợp thống nhất trong hoạt động dẫn đến công tác Phật sự còn trì trệ, chậm phát triển, nhiều lúc làm cho những người có nhiệt tình nản lòng.

 Do vậy, tôi mong khi nhân sự được cơ cấu cần phải giao hẳn quyền, có sự phân công cụ thể, không giẫm chân lên nhau. Có như vậy, mới thể hiện hết năng lực, chuyên môn, sáng tạo trong hoạt động của ban mình đảm trách. THPG  có nhiều tiềm lực, chỉ cần có sự đầu tư, động thái tích cực, quyết sách tốt và mạnh mẽ có thể thúc đẩy các ban ngành phát triển.

Về mặt tổ chức một số ban ngành còn chậm, chưa có kế hoạch cụ thể, tầm nhìn xa để có thể chủ động triển khai công tác. Ngay cả công tác truyền thông cũng còn kém, các sự kiện, lễ hội của Phật giáo chưa đầu tư cho công tác truyền thông nên chưa phổ biến rộng rãi đến quần chúng. THPG TP.HCM thuận lợi hơn nhiều tỉnh thành khác là có một cơ quan ngôn luận là Báo Giác Ngộ có khả năng phủ rộng khắp cả nước có thể truyền thông công tác Phật sự và truyền bá Chánh pháp. Nhưng thật sự, tờ báo không được quan tâm đầu tư đúng mức nên chưa phát triển hết tiềm lực của nó.

Riêng ngành văn hóa THPG TP.HCM, trong thời gian một nhiệm kỳ khó có thể làm được những điều lớn lao vì do cơ chế. Lịch sử Phật giáo TP.HCM  trong nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được chỉ có một quyển Biên niên sử, đây là một công việc cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Bên cạnh đó, Phật giáo thành phố cần có một bảo tàng Phật giáo để gìn giữ, lưu trữ, trưng bày các cổ vật, hiện vật Phật  giáo có giá trị đang còn thất lạc nhiều nơi hoặc tại tư gia của những nhà sưu tập có ý định hiến cúng cho Phật giáo TP nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện nên họ không biết hiến cúng vào đâu(?).  Muốn thực hiện bảo tàng Phật giáo cần phải có chủ trương của Giáo hội, phải lập dự án, kế hoạch cụ thể và sự đoàn kết chung lòng từ các cấp, các ban ngành chứ không riêng gì Ban Văn hóa.

ĐĐ.THÍCH GIÁC HOÀNG, Tiến sĩ Phật học, Giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM: “Tăng Ni trẻ nên tinh tấn dấn thân và nỗ lực tự hoàn thiện mình”.

DSC_0789.jpg

Điều quan tâm hàng đầu của Giáo dục Tăng Ni phải là giới đức, bởi đó là nền tảng của người xuất gia, của một người thầy hướng dẫn tâm linh. Tuy nhiên, tôi thấy một số trường Phật học của chúng ta hiện nay đôi khi đặt nặng chương trình đào tạo, có cảm giác rằng giới đức ít được chú trọng.

Chương trình đào tạo của chúng ta nghiêng về pháp học mà thiếu pháp hành (tức là khả năng ứng dụng giáo lý vào đời sống và tu tập) nên khi ra trường nhiều cử nhân không muốn về quê, tỏ ra ít kham nhẫn khi dấn thân tới vùng sâu, vùng xa…

Ở Thái Lan các học Tăng tốt nghiệp cử nhân thì phải trải qua thời gian trải nghiệm thiền bằng việc hành thiền trong 15 ngày, cao học (30 ngày), tiến sĩ (45 ngày)… Hoặc các nước phương Tây cũng vậy, trong quy định bắt buộc của chương trình giáo dục đào tạo Tăng Ni là phải trải qua trải nghiệm tâm linh, trải nghiệm Phật pháp. Đó là một mô hình hay, biểu hiện đầy đủ của giới đức, tâm đức (kinh nghiệm hành trì) và tuệ đức (thực chứng, trí tuệ khai mở).

Và đó mới chính là kết quả mà giáo dục Phật giáo phải đạt được trong nhiệm vụ của mình chứ không phải chỉ có bằng Phật học nặng về lý thuyết. Ước mong, ngành giáo dục, các trường Phật học có chương trình bắt buộc để Tăng Ni sinh có thời gian hành trì, ngõ hầu ra trường ngoài phương pháp nghiên cứu, nhận thức về Phật giáo thì họ còn có thực chứng Phật học.

Theo tôi biết, Giáo hội có chủ trương trẻ hóa lãnh đạo, tuy nhiên điều đó còn tùy thuộc tầm nhìn của từng địa phương, từng Ban Trị sự các tỉnh, thành. Song, nếu Tăng Ni có năng lực và đạo hạnh thì ở đâu, lúc nào quý vị cũng hành đạo được. Mình cứ tu tập tốt thì hương hoa đạo hạnh tự bay xa và sẽ được Phật tử thỉnh mời mình làm đạo, hành đạo. Có một số cho rằng Tăng Ni trẻ đang bị Giáo hội bỏ rơi, từ suy nghĩ ấy nhiều người quên nhìn lại mình, thiếu sự tinh tấn dấn thân... Thiết nghĩ, phụng sự Giáo hội, đạo pháp là một việc làm thiêng liêng, cần có trái tim nhiệt huyết, đạo hạnh cao đẹp…, muốn vậy chính mỗi người phải tự nỗ lực, tự hoàn thiện mình trong đời sống, tu học.

Ni sư Thích nữ Như Thảo,  Chánh Thư ký Phân ban Đặc trách Ni giới TP.HCM: “Ni giới thành phố từng bước hòa nhập, đảm đương nhiều công việc lợi đạo ích đời”.

Ni su Nhu Thao.jpg

Dưới sự dẫn dắt và hướng dẫn của chư tôn giáo phẩm, Ni giới thành phố từng bước thể hiện sự hòa nhập và đảm đương nhiều công việc Phật sự lợi đạo ích đời. Trong đó, những đóng góp nổi bật của chư Ni thể hiện ở công tác từ thiện xã hội, giáo dục đào tạo và hướng dẫn thế hệ Ni trẻ.

Có rất nhiều vị Ni dấn thân mang tình thương chia sẻ với cộng đồng bằng việc phát nguyện chăm sóc người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ; tổ chức khám chữa bệnh cho người dân khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, phát quà cứu trợ các đợt thiên tai lũ lụt. Song song đó, chư Ni còn đoàn kết tu học trong tinh thần lục hòa cộng trụ và hình thành Phân ban để giúp cho Ban Tăng sự thành phố dễ dàng quản lý, hướng dẫn tu học các vị Ni trẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày