Phật giáo trở lại vùng Tây Bắc

GN - Sau 34 năm kể từ ngày thành lập (1981), hệ thống hành chánh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã phủ khắp 63/63 tỉnh thành của cả nước với sự kiện ra mắt chính thức Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lai Châu vào cuối tháng 3 vừa qua.

lai chau 5.jpg

HT.Thích Thiện Nhơn trao quyết định thành lập
BTS GHPGVN tỉnh Lai Châu tới HT.Thích Thanh Nhiễu

Về mặt tổ chức, GHPGVN có một hệ thống hành chánh hoàn thiện và thống nhất, có thể nói là có một không hai nếu so với Phật giáo ở các nước trên thế giới thường điều hành theo hệ phái, tông phái, sơn môn tổ đình hay hiệp hội…

Sự kiện thành lập Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lai Châu trùng hợp với lễ hội Phật giáo mùa hoa ban lần đầu tiên do Ban Hoằng pháp T.Ư, Ban Văn hóa T.Ư và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức.

Trong khuôn khổ của lễ hội, đáng quan tâm là hội thảo sinh hoạt tôn giáo trong đồng bào các dân tộc vùng cao miền núi Tây Bắc và tọa đàm đúc kết kinh nghiệm của Ban Hoằng pháp T.Ư sau khi có chuyến công tác chủ động bằng cách cử các đoàn đến với các bản làng của bà con đồng bào dân tộc.

Tây Bắc có hơn 30 dân tộc thiểu số sinh sống nhưng trong đó phải kể đến dân tộc có đông dân số là Tày, Thái, Mường, Nùng, Nông, Dao… Cư dân nơi đây vốn có các thiết chế văn hóa, tôn giáo truyền thống riêng, chủ yếu với nghi thức thờ cúng đa thần, các thủ lĩnh (già làng) có vai trò rất lớn trong việc liên kết xã hội.

Theo thông tin của các nhà khoa học tại hội thảo, từ thời Lý, Phật giáo đã hiện diện ở vùng này, đặc biệt là tại các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc và Lào. Kể từ khi các nhà truyền giáo phương Tây đến, Tây Bắc đã có sự chuyển đổi trong đời sống tôn giáo một cách sâu sắc, có nơi gần như 100% đồng bào dân tộc theo các tôn giáo phương Tây, điển hình là đạo Tin Lành. Được biết, hiện nay, tôn giáo này đã hoàn thành các cuốn Thánh kinh song ngữ qua nhiều tiếng dân tộc và in ấn đến hàng chục ngàn quyển, phổ biến trong các dân tộc thiểu số.

Những năm gần đây, Phật giáo đã quay trở lại qua những đoàn làm công tác từ thiện, đặc biệt là qua việc thành lập Ban Đại diện, các đạo tràng, và nhất là Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh.

Sự trở lại của Phật giáo ở các tỉnh Tây Bắc lần này chắc chắn không như một ngàn năm trước, khi hiện nay ở đây đã có sự chuyển đổi về đời sống tôn giáo trong đồng bào các dân tộc với tốc độ cao và ngày càng gia tăng.

Tại cuộc tọa đàm về phương thức hoằng pháp phù hợp với vùng cao, trong đồng bào dân tộc ở miền núi, nhiều ý kiến đã được trình bày, đồng thời các so sánh và kiến nghị cũng đã được các vị giảng sư đặt ra. Những nỗ lực tự phát, riêng lẻ không mang lại ý nghĩa thực sự, đã đến lúc Giáo hội cần có hướng đi chung, thống nhất và lâu dài cho công tác hoằng pháp ở các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng, trong đồng bào các dân tộc nói chung một cách thiết thực.

Có như thế, Giáo hội mới phát huy hệ thống hành chánh thống nhất phủ khắp 63/63 tỉnh thành của mình, phát huy truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện tại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày