Phật giáo Việt Nam hộ quốc an dân

NSGN - Đạo Phật ở Việt Nam đã tồn tại gần hai mươi thế kỷ vẫn còn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt trong cuộc sống của người dân Việt. Đó là nhờ truyền thống dấn thân của Phật giáo, làm lợi lạc cho đất nước, cho dân tộc. Và chính sự gắn bó sâu sắc đó đã tạo thành một mô hình Phật giáo Việt Nam mang tính chất riêng biệt, tràn đầy sức sống.

PGVN 3.jpg


Bồ-tát Thích Quảng Đức với đại nguyện vị pháp thiêu thân năm 1963 - Ảnh tư liệu

Thật vậy, từ thời kỳ sơ khai lập quốc, trong các cuộc đấu tranh sanh tử ngàn năm  chống Bắc thuộc đã có sự đóng góp rất hữu hiệu của Phật giáo. Và vai trò quan trọng của Phật giáo vào giai đoạn nước nhà vừa độc lập đã được lịch sử ghi nhận như sau: “Trong buổi đầu thời kỳ độc lập, Phật giáo là một tôn giáo chiếm ưu thế trong xã hội. Trong nước, nhiều chùa tháp được xây dựng. Riêng ở Hoa Lư, năm 973, Nam Việt Vương Đinh Liễn, con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng cho dựng một trăm cột đá khắc kinh Phật (gọi là kinh tràng). Các nhà sư là tầng lớp có học thức, có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội”.

Sử sách còn lưu danh triều đại nhà Lý thuần từ kéo dài trên hai trăm năm. Các vua nhà Lý, từ Lý Thái Tổ đến Lý Nhân Tông nổi tiếng là những ông vua đức độ, thương dân, chăm lo cho đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, Phật giáo đã giữ vị trí độc tôn và góp phần chính yếu cho nền văn hóa dân tộc. Ảnh hưởng của Phật giáo ăn sâu vào các ngành hoạt động thuộc văn học, mỹ thuật, kiến trúc, hội họa, điêu  khắc. Về phương diện chính trị, nhờ trí tuệ và đạo lực của các Tăng sĩ, chính sách được sửa đổi văn minh nhiều hơn. Các hình phạt độc ác như ném kẻ phạm tội vào chuồng cọp, vào vạc dầu đun sôi, v.v… của vua Đinh, Lê bị hủy bỏ. Tinh thần Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn lao đối với các vua nhà Lý đem lại sự thanh bình, an lạc cho đất nước.

 Lịch sử Phật giáo Việt Nam còn lưu dấu ấn của nhiều vị thiền sư đã kết hợp khéo léo tinh thần Bát Chánh đạo vào cuộc sống, thành tựu những đóng góp rất quan trọng cho dân tộc. Điểm đặc biệt là các thiền sư Việt Nam đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, với những việc làm khác nhau. Khi thì các ngài đóng vai Thái sư Khuông Việt, có lúc làm người chèo đò Đỗ Thuận, hoặc làm người thầy thuốc Tuệ Tĩnh, làm thợ đúc đồng Nguyễn Minh Không… Thậm chí có lúc các ngài tự tại ở ngôi vị đế vương xông pha trước mũi tên lằn đạn để bảo vệ cho muôn dân thoát khỏi ách nạn đô hộ của ngoại xâm.

Các thiền sư Việt Nam dấn thân vào đời, không bị lợi danh quyền thế làm vẩn đục tâm hồn thanh thoát. Đức hạnh của các ngài đã tạo thành những dòng thiền đặc sắc tiêu biểu cho sức sống của đạo Phật Việt Nam gắn bó mật thiết với việc phục vụ dân tộc. Dù ở cương vị nào, các ngài cũng áp dụng tinh thần Bát Chánh đạo vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

Sau triều Lý, trong lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng, bảo vệ tổ quốc của dân tộc Việt Nam, vương triều Trần (1226-1400) được tôn vinh là triều đại sáng chói nhất thể hiện qua những chiến công hiển hách thắng giặc ngoại xâm cũng như chính sách hộ quốc an dân đã tổng hợp được sức mạnh của toàn dân ta cùng với vua quan trong việc bảo vệ và phát triển đất nước vô cùng tốt đẹp.

 Thật vậy, vua Trần Thái Tông nghe theo lời dạy của Thiền sư Phù Vân sống cuộc đời lấy lòng dân làm lòng mình. Trong suốt mười năm, ông vừa tổ chức nội trị, vừa chống giặc ngoại xâm, vừa suy tư kinh Phật.

Hoặc Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là một nhân vật tiêu biểu sáng chói nhất của triều Trần. Không những đức vua anh minh Trần Nhân Tông ghi đậm dấu ấn sáng ngời qua cuộc chiến thắng thần kỳ chống quân xâm lược Nguyên Mông, thế kỷ XIII, mà đặc biệt hơn cả, ngài được tôn danh là đấng Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông vì nơi ngài tỏa sáng tư chất của vị Thiền sư đắc đạo và là vị Tổ đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền thuần túy của Phật giáo Việt Nam .

Thật vậy, lịch sử còn lưu dấu ấn son sắt về tài thao lược lỗi lạc của đức vua Trần Nhân Tông. Năm 21 tuổi, khi ngài lên ngôi là thời kỳ đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới đã đem quân xâm chiếm, gây kinh hoàng khắp các lục địa Á Âu. Vậy mà đoàn quân tự hào bách chiến bách thắng ấy đã phải hai lần thảm bại trước tài điều binh khiển tướng của Đức vua Trần Nhân Tông, trong khi lúc bấy giờ Đại Việt của chúng ta chỉ là một nước nhỏ, binh sĩ không đông, vũ khí thô sơ và lương thực không nhiều. Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, cuối thế kỷ XIII, đức vua Trần Nhân Tông đã dốc toàn tâm toàn lực cho việc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Đại Việt, tạo dựng xã hội Đại Việt được ổn định và hướng đến phát triển. Điển hình là ngài cho mở các nông trang, làm các công trình thủy lợi, chia ruộng đất cho dân chúng, tuyển chọn nhân tài, miễn thuế cho những vùng bị thiên tai hạn hán, bão lụt, v.v…

Về văn hóa, đức vua Trần Nhân Tông là người đi đầu trong việc sử dụng tiếng Việt để sáng tác văn học. Hai tác phẩm được vua Trần Nhân Tông viết bằng chữ Nôm là Cư trần lạc đạo và Đắc thủ lâm tuyền thành đạo ca còn lưu truyền đến ngày nay.

PGVN 2.jpg
Phật giáo VN luôn đồng hành cùng dân tộc, dấn thân vì sự bình yên của đất nước và nhân dân

Đặc biệt, sau năm 1975, khi đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, tư tưởng từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo một lần nữa khẳng định được vai trò thiết yếu của đạo Phật trong lòng người dân Việt. Thật vậy, các ngôi chùa ngay tức khắc đã trở thành địa điểm thân thương của người dân qua việc chữa bệnh, phát thuốc, hay các lớp học tình thương nuôi dưỡng, dạy dỗ những trẻ em mồ côi, khuyết tật, nghèo khổ.

Đối với công tác từ thiện xã hội, Tăng Ni và Phật tử một lần nữa lại tích cực tham gia các phong trào xây dựng đất nước và an sinh xã hội. Có những vị tu sĩ và Phật tử nguyện sống chung với những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS để an ủi, chăm sóc họ và nuôi dạy những trẻ em khuyết tật, mồ côi. Có nhiều vị tu sĩ đi tận vùng sâu vùng xa để tài trợ cho việc mổ mắt, đem lại ánh sáng cho người mù, hoặc đem lại nụ cười cho các trẻ thơ bị sứt môi. Và còn rất nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tham gia vào các phong trào ích nước lợi dân, mua công trái, trái phiếu xây dựng Tổ quốc, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xây cầu, mở phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí, mở lớp học tình thương, mở trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, thành lập cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt trong và ngoài nước, v.v…

Về phương diện đối ngoại, mối liên hệ giữa Phật giáo Việt Nam với các tổ chức Phật giáo trên thế giới ngày càng mở rộng qua những hội nghị, những cuộc viếng thăm, trao đổi văn hóa, tư tưởng…

Những thành quả nói trên cộng với nhiều thành quả của các hoạt động Phật sự khác rất đa dạng, phong phú; tất cả chỉ nhằm mục đích làm lợi đạo ích đời, mở ra chân trời tươi sáng cho con đường đi tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam luôn song hành cùng dân tộc trong việc giữ gìn sự độc lập của dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Và lịch sử cũng đã ghi nhận với ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng đạo Phật cộng với đức hiếu sinh, hòa ái của dân tộc Việt Nam đã tạo nên cách ứng xử hài hòa, thân thiện với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Thật vậy, các bậc tiền nhân đã xây dựng được mối tương quan tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo đó, chủ quyền biên giới trên đất liền và biển đảo cũng đã được quy định rõ ràng và ghi vào các công ước quốc tế.

Gần đây, việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 thăm dò và khai thác ở thềm lục địa Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc làm sai trái này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn điều nhiều tàu hải giám, tàu quân sự uy hiếp các tàu chấp pháp, tàu của ngư dân Việt Nam đã khiến cho dư luận quốc tế bức xúc, lên án.

Như Thông điệp của Đức Pháp chủ GHPGVN - HT.Thích Phổ Tuệ đã gởi đến chư tôn đức lãnh đạo các tổ chức Phật giáo trên thế giới, Tăng Ni Phật tử chúng ta hãy giữ vững lập trường yêu nước trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình theo lời Phật dạy và theo tấm gương sáng của các bậc tiền bối.

PGVN 1.jpg


Trong tinh thần tri ân những anh hùng dân tộc

Tóm lại, Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nền tảng những thành quả lợi ích đã thành tựu được trong suốt chiều dài lịch sử hơn hai ngàn năm. Chúng tôi tin tưởng rằng tiếp tục hướng phát triển của giới Phật giáo, với tiềm lực dồi dào, khả năng tốt đẹp, cùng với lý tưởng và truyền thống vì hạnh phúc, vì an lạc cho mọi người, Phật giáo Việt Nam có thể góp phần ưu việt nhất của mình để xây dựng một xã hội tình thương, công bằng, ấm no và hạnh phúc. Và xa hơn nữa, xây dựng một thế kỷ XXI chan hòa tình hữu nghị với các dân tộc và tôn giáo trên thế giới, giúp cho nhân loại cùng sống chung trong hòa bình, an vui và nhân ái.

Chúng ta cầu nguyện cho đất nước và thế giới hòa bình, nhân dân an lạc và xây dựng được ngôi nhà chung của nhân loại tràn đầy từ bi, hạnh phúc, hòa hợp, thịnh vượng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày