Phật giáo với đồng bào vùng bão

Tấm lòng người con Phật xứ Bắc

Đây là chuyến đi của Phật giáo Hà Nội đến với đồng bào miền Trung bị thiệt hại trong cơn bão số 9 vừa qua của chùa Phổ Linh - quận Tây Hồ, cùng các Ni sư trụ trì các tự viện trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi nhận được tin bão tàn phá nặng nề các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, sư thầy trụ trì chùa Phổ Linh đã lập tức nghĩ đến việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lụt. Bà con vùng quê nghèo hàng ngày phải lo cái ăn, cái mặc đã là khó giờ lại khổ vì giá cả tăng chóng mặt…

cuutro--2.gif

Mọi người cùng nhau đẩy xe thồ để đem hàng đến với người dân bị bão

Tính đến hết ngày 12-10, ngoài tiền mặt và 3.350 thùng mì, 3,5 tấn gạo, sách giáo khoa, kem đánh răng, xà phòng thơm và rất nhiều quần áo mới, cũ đã được tập kết tại chùa chờ ngày lên đường. Địa điểm đoàn đến đầu tiên là các thôn thuộc xã Đăk Tlùng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Cũng như ở xã Bình Minh, tỉnh Quảng Ngãi dù nước đã rút được nhiều ngày nhưng những gì mà trận lụt lịch sử để lại vẫn hằn vết nâu đỏ trên bờ tường những ngôi nhà. Nhìn chiếc cầu bê tông Đak Toa kiên cố được xây dựng với kinh phí 14 tỷ đồng bị lũ cuốn phăng chỉ còn trơ lại hai trụ cầu, không ai bảo ai, mọi người trong đoàn đều lắc đầu trước sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên, và xót xa cho hiểm họa chặt cây phá rừng khi ngổn ngang các khúc gỗ, cây rừng bị đánh dạt mắc cạn dọc theo triền suối. Tại xã Bình Minh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, dù trời mưa nhưng hàng nghìn bà con thuộc các thôn Tăng Phước, Mỹ Lam, Lộc Thanh, Đức An… vẫn đội mưa đứng chờ. Nhìn cảnh phát quà trong màn mưa lạnh không ai khỏi mủi lòng. Có cụ già khi nhận quà đã khóc nấc khiến mọi người hiểu rằng bà con nơi đây đã phải chịu đựng như thế nào khi chính trụ sở Ủy ban xã cũng bị tốc mái, mưa dột ướt hết mọi nơi.

cuutro-3.gif

Những chiếc xe hàng từ miền Bắc vào miền Trung ủy lạo

Có lẽ ấn tượng nhất đối với mọi người trong đoàn đi là cảnh xe bị “sa lầy” khi qua cầu Đăk Toa, vì cầu yếu nên xe chở hàng cứu trợ phải đi qua suối Đăk Sét. Trên gương mặt mọi người ai nấy đều hiện lên nét lo lắng khi xe cứ tiến lên rồi lại lùi xuống hàng chục lần, cuối cùng đoàn phải nhờ sự cứu hộ từ một chiếc công nông để kéo lên. Hay cảnh toàn bộ các em học sinh ở Trường học Đăk Tlùng ùa ra đẩy chiếc xe tải để xe kịp đến địa điểm phát quà là Ủy ban xã. Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, Hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xúc động vô cùng khi nhận được sự quan tâm từ các Tăng Ni, Phật tử Hà Nội, đặc biệt khi nhìn thấy các Ni sư dù mái tóc đã điểm bạc nhưng vẫn lặn lội hàng nghìn cây số để vào đây chia sớt nỗi khó khăn cùng các đồng bào mình. Không riêng gì người dân 6 thôn thuộc xã Đăk Tlùng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum cảm động khi thấy những đồng bào từ cực Bắc tổ quốc đã về đây chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này mà HT.Thích Thiện Tánh, Phó ban Trị sự Phật giáo TP.HCM gặp đoàn tại trụ sở ủy ban xã cũng cảm động khi thấy các Ni sư dù tuổi đã cao, đường sá xa xôi cách trở như vậy mà vẫn xông pha sương tuyết, Hòa thượng nói: “Chúng tôi ở TP.HCM vào đến đây đã là quý hóa mà các Ni sư từ tận ngoài Bắc cũng vào đến đây thì thật là vô lượng công đức”, được sự khích lệ của Hòa thượng, ai nấy đều cảm thấy hoan hỷ, mọi nỗi mệt nhọc, vất vả dường như tan biến. Điểm phát quà cuối cùng của đoàn là bà con thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng - Quảng Trị và xã Điền Môn, huyện Phong Điền - Huế.

Trải qua năm ngày trời ròng rã từ ngày 13 đến ngày 17, tháng 10, tổng giá trị tiền và quà mà đoàn đã phát trên 400 triệu đồng. Về đến Hà Nội trời đã rất khuya, dù mệt nhưng tất cả mọi người trong đoàn ai nấy đều vui vẻ và thấy thật ấm lòng khi cảm nhận sâu sắc triết lý nhân sinh “cho là nhận”.

"Một miếng khi đói..."

Chúng tôi theo chân các đoàn cứu trợ bão lụt của Ban TTXH PG tỉnh Thừa Thiên-Huế về thăm rất nhiều vùng mà được cho là rốn lũ từ đồng bằng sông nước mênh mông của huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền của tỉnh Thừa Thiên-Huế cho đến những huyện thấp trũng, quanh năm chưa mưa đã lụt của huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Một cảm giác rất dễ thấy là sự khổ cực, thiếu thốn của người dân. Từng ánh mắt đượm những nỗi buồn man mác. Kẻ thì mất người thân, người thì nhà sập, người thì trôi hết lương thực… thôi thì đủ, hàng trăm nỗi cực khổ “Thì thầy thấy đấy, làm lụng cả năm, bòn mót được dăm ba thúng lúa, dăm ba bao ngô... đùng một cái, nước tràn vào, nhà cửa chống chọi cho có chỗ con cái núp chưa xong nói chi giữ của, rứa là hắn trôi hết. Lụt ra, nói thiệt, đói thì chưa đói, bà con ai để cho mình đói, họ giúp nhau, vay mượn người này người kia cũng có cho con ăn, nhưng lâu dài thì chưa biết răng đây”, một chị nông dân xã Phong Chương, huyện Phong Điền tâm sự.

cuutro-6.gif

HT Thích Hải Ấn đang thăm hỏi nhân buổi phát quà đồng bào bị bão

Một ấn tượng không vui là đi đến đâu, làng xã nào chúng tôi cũng nghe người dân kêu than về sự bất công trong khi lấy danh sách trợ cấp của một số cán bộ địa phương. Có thể do một số cán bộ địa phương vì cục bộ, bà con thân thích nên thiên vị gây sự hiểu lầm giữa người dân và các đoàn cứu trợ: “Người giàu có, ở nhà lầu thì được nhận quà, còn như con, một mẹ già, bốn năm đứa con dại, nhà cửa ọp ẹp, thoát chết khỏi cơn lụt mừng đến rơi nước mắt chừ thì không nhận được một gói mì”, một chị ở xã Phong Xuân, TT-Huế tâm sự.

Nhiều lắm những nỗi buồn, nhưng không nỗi buồn nào hơn nỗi buồn “lực bất tòng tâm” của bà con, có người sau khi bão lụt đi qua đau liệt giường, nằm nhìn nhà cửa trống tuênh trống toang mà ngậm đắng nuốt cay nhịn ăn để dành một ít tiền của còn lại đem ra đổi lấy sách vở cho con cho cháu đến trường với chúng với bạn, một vài cháu đang lứa tuổi ăn tuổi học cũng phải cồng lưng giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bòn một vài cọng rau, ngọn lá còn sót lại để làm thức ăn qua ngày.

Những cảnh tượng thương tâm và buồn rũ rượi như thế cứ liên tiếp diễn ra trước mắt. Người dân quê nghèo đang ngày đêm oằn lưng, gồng mình vắt kiệt sức lực để lao động, chăm chút từng ngày từng giờ với từng luống khoai, từng vồng sắn, từng mảnh ruộng... và tằn tiện, nhịn ăn nhịn mặc để làm một ngôi nhà loàng xoàng thôi, vài ba viên bờ lô dán với nhau gọi là có chỗ ấm chui ra chui vào thì mỗi năm vài cơn bão, vài cái lụt đôi khi là trắng tay, màn trời chiếu đất...

cuutro-7.gif

Chư Ni đang tặng quà cho đồng bào

Thế đấy, nhưng rồi ai cũng phải oằn lưng ra mà chống chọi mà khắc phục để bòn mót, bòn mót những gì còn có thế bòn mót được dẫu chỉ là củ sắn, củ khoai, mớ rau… để tiếp tục vật lộn với cuộc sống.

Xơ xác cao nguyên

Chúng tôi đến Kon Tum khi trời cũng vừa điểm sang ngày mới.Về với vùng rốn lũ Kon Tum, nơi bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 9, đến nay đã hơn nửa tháng đã trôi qua nhưng đau thương từ trong vùng lũ vẫn còn đó, ngổn ngang những con đường, những mái nhà xiêu vẹo và người dân nơi đây vẫn đang mong ngóng những chuyến hàng cứu trợ từ miền xuôi.

Theo thống kê trong báo cáo về tình hình thiệt hại do cơn bão số 9 gây nên tại tỉnh Kon Tum thì nặng nhất là huyện Tu Mrong với 30 người chết, huyện Đăk Lay 11 người chết, huyện Kon Plong 1 người chết 4 người bị thương. Trao đổi với chúng tôi ông Trần Văn Nghi - Phó ban phong trào, tổ trưởng tổ giúp việc ban cứu trợ tỉnh Kon Tum cho biết “Tổng số huyện bị thiệt hại nặng là 9/9 huyện, bên cạnh đó chúng tôi còn bị thiệt hại về kinh tế rất lớn, với tổng thiệt hại được dự tính cho đến lúc này là trên 3.000 tỷ đồng”. Ông Nghi còn cho biết thêm đây cũng là con lũ lớn nhất từ xưa đến nay xảy ra trên phố núi này.

cuutro.gif

ĐĐ Thích Truyền Cường và chư Ni PG quận 5 tặng quà cho đồng bào dân tộc

Địa điểm chúng tôi tiếp cận là một xã vùng sâu, vùng xa xã Đăk Xpi huyện Đăk Hà với đoạn đường hơn 30km nhưng bị đất đá sạt lở và bị nước cuốn trôi đi nhiều đoạn.

Trong những ngày này khi cơn lũ đã đi qua thì thời tiết nơi đây vẫn tiếp tục chịu sự ảnh hưởng của cơn bão số 10. Mưa kéo dài dẫn đến việc thông các tuyến đường giao thông huyết mạch cho các tuyến đường liên huyện, liên xã cũng gặp rất nhiều khó khăn. Với địa hình là đồi núi và dốc, lại găp trời mưa kéo dài nên công tác thông tuyến gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc tiếp cận với cư dân vùng lũ tiến hành còn chậm. Đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được những ánh mắt ngơ ngác và chờ đợi của các em nhỏ cũng người dân địa phương nơi đây, như mong ngóng một điều gì đó từ những tấm lòng của người miền xuôi.

Trong khi đó các đoàn từ thiện từ khắp nơi trong cả nước đang vận động và tiếp tục chuyển hàng cứu trợ về với bà con nơi vùng lũ. Trên con đường đến với vùng lũ chúng tôi bắt gặp rất nhiều xe chở hàng cứu trợ, tất cả đều hối hả để nhanh chóng đem đến cho người dân những nhu cầu thiết yếu nhất để vượt qua những ngày khốn khó.Với tấm lòng và tinh thần tương ái tương thân thì cho đến thời điểm này tổng số tiền Hội chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum tiếp nhận được là trên 13 tỷ đồng từ hơn 30 đoàn từ khắp các tỉnh thành. Tuy số tiền này chưa thấm tháp vào đâu nhưng nó cũng giúp được phần nào cho người dân ở đây bước qua những ngày khó khăn nhất để ổn định cuộc sống.

cuutro-4.gif

Đồng bào dân tộc tại tỉnh Kontum chờ nhận quà của đoàn PG Q.5

Tại Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Kon Tum, chúng tôi nhận thấy một số đoàn đã về hỗ trợ cho tỉnh như Thường trực HĐTS T.Ư GHPGVN, Ban Từ thiện T.Ư GHPGVN, Ban Trị sự THPG TP.HCM, Ban Đại diện các tỉnh hội, các quận huyện, các chùa, các tự viện cũng đã và đang vận chuyển những chuyến hàng nghĩa tình đến với bà con vùng lũ. Theo thống kê chưa đầy đủ cho đến hiện nay thì Phật giáo là đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ đồng bào vùng lũ về số lượng cũng như số đoàn đến đây trong những ngày qua.

Theo chỉ đạo của tỉnh thì hiện nay các huyện xã phải linh động khắc phục hậu quả sau lũ như thông các tuyến đường giao thông huyết mạch, khắc phục công tác hoa màu, giống cây trồng để hỗ trợ cho bà con. Do địa bàn xảy ra lũ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn, lại sống phân bố rải rác cộng với tập tục sống lạc hậu làm cho công tác khắc phục sau lũ gặp rất nhiều khó khăn. Một số biện pháp khắc phục cấp bách là tiến hành di dời một số hộ dân đang sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc như đã xảy ra trong đợt lũ này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày