Phát hành kinh sách, tranh tượng Phật là có tội?

GN - Không có cơ sở nào để quy kết việc phát hành này là có tội, là phạm giới cả.

HỎI: Chúng tôi là những cư sĩ đã thọ giới Bồ-tát, nguyện dấn thân hành đạo, hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sanh. Nhận thấy nơi chúng tôi ở (thành phố Bến Tre), việc thỉnh hình tượng Phật, Bồ-tát, kinh sách, chuông mõ, chuỗi hạt, áo tràng, máy niệm Phật… còn khó khăn vì chưa được phát hành rộng rãi. Phật tử có nhu cầu thỉnh kinh, tượng, pháp khí phải qua tỉnh bạn Tiền Giang hay phải lên tận TP.HCM quá xa xôi. Vì thế, nhóm cư sĩ chúng tôi đã hùn vốn mở một phòng phát hành kinh sách để cung cấp cho nhu cầu tu học của Phật tử.

Sau một thời gian, chúng tôi nghiên cứu kinh điển, thấy Phạm Võng Bồ-tát Giới kinh (giới khinh thứ 31, Không cứu chuộc) ghi: “Nếu Phật tử, sau khi Phật diệt độ ở trong đời ác thấy ngoại đạo, người ác, giặc cướp đem bán hình tượng Phật, Bồ-tát, kinh điển, Tăng Ni… phải hết lòng cứu chuộc, nếu không đủ sức phải đi khắp nơi khuyến hóa mọi người kiếm tiền để cứu chuộc, không làm như vậy thì phạm khinh cấu tội”. Tham khảo Phạm Võng Bồ-tát tâm địa phẩm lược sớ (Thích nữ Trí Hải dịch) cũng giảng rõ về vấn đề này. Tìm hiểu thêm về các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới đều ấn tống cúng dường kinh sách, băng đĩa và tranh tượng Phật mà không có buôn bán, phát hành.

Hiện chúng tôi vô cùng băn khoăn lo lắng về việc làm của mình. Mặc dù chúng tôi luôn tâm niệm phát hành kinh sách, tranh tượng có lợi nhuận thì góp phần cúng dường Tam bảo, ủng hộ các hoạt động Phật sự nhưng vẫn không an tâm. Có người đã khuyên chúng tôi chỉ nên phát hành các loại pháp khí nói chung và không nên phát hành kinh sách, tranh tượng Phật, Bồ-tát để không mắc tội. Chúng tôi cũng thấy rằng, các Tăng Ni cũng như Phật tử đều rất thích thỉnh kinh tượng từ những phòng phát hành hơn là mua ngoài thị trường. Nếu người Phật tử chúng ta không cung cấp thì thị trường cũng sẽ tự đáp ứng theo quy luật cung-cầu. Chúng tôi muốn quý Báo cho biết chính xác việc phát hành kinh sách, tượng Phật và Bồ-tát như thế đối với Phật tử thọ Bồ-tát giới có tội không? Có đúng với chánh nghiệp và chánh mạng của Bát Chánh đạo không?

(TỊNH TRÍ, TP.Bến Tre)

TU VAN.jpg

Một gian hàng của Cty Thiện Tài

ĐÁP:

Bạn Tịnh Trí thân mến!

Hai vấn đề bạn đưa ra, một là kinh doanh phát hành kinh sách văn hóa phẩm Phật giáo (PG), hai là phải vâng giữ giới Bồ-tát đã thọ (giới khinh thứ 31), thoạt nhìn thì dường như chúng có liên quan với nhau, nhưng nếu suy xét cặn kẽ về nội hàm của hai vấn đề đó thì có sự khác nhau.

Trước hết, đối với vấn đề phát hành kinh sách, tranh tượng, pháp khí tức văn hóa phẩm PG hiện nay thì chúng ta đã biết, đây là một hoạt động kinh doanh hợp pháp (luật pháp), dựa trên quy luật thị trường có cầu nên có cung, với phương châm cơ bản là cả hai phía cung và cầu đều có lợi.

Kế đến là vấn đề thọ trì giới Bồ-tát, chúng ta cùng xem nguyên văn: “Phật tử, nếu sau khi Như Lai nhập niết-bàn, trong thời kỳ dữ dội, thấy ngoại đạo và những kẻ tàn ác, những kẻ đạo tặc, chiếm đoạt và đem bán hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ-tát, những hình tượng mà mình tôn thờ như cha mẹ, bán kinh bán luật, bán các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, bán Bồ-tát mới phát bồ-đề tâm, cho quan lại sai sử hay cho kẻ khác làm nô bộc tỳ thiếp - Nếu là Bồ-tát thì thấy những sự tình ấy phải phát sinh tâm từ bi, tìm mọi phương cách mà cứu hộ, đi khắp nơi khuyến hóa mọi người để kiếm tiền của mà chuộc hình tượng của Phật đà và Bồ-tát, chuộc các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni và Bồ-tát mới phát tâm, chuộc kinh chuộc luật. Nếu không chuộc như vậy thì phạm tội khinh cấu” (Bồ-tát giới, giới 31, Không được không cứu không chuộc, HT.Thích Trí Quang dịch giải).

Sau phần dịch, HT.Thích Trí Quang còn giải thích cặn kẽ để chúng ta bình tâm suy ngẫm sâu hơn về giới này: “Giới văn này nói đã quá rõ về tình trạng đau buồn của đạo pháp, đã xảy ra và chắc chắn còn xảy ra. Bổn phận của người thọ Bồ-tát giới là phải duy trì ngôi trú trì Tam bảo, nên tự mình vô lực thì phải cực lực khuyến hóa mọi người, cùng nhau cứu chuộc về cho đạo pháp những vật và những người đã bị bức đoạt một cách bất lương và bẩn thỉu. Bán các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni và Bồ-tát mới phát tâm, cho quan lại sai sử hay cho kẻ khác làm nô bộc tỳ thiếp, câu này ngày xưa có thể là nghĩa đen cả, nhưng ngày nay thì sự thể biến ảo vô lường, ý nghĩa đen đúa hơn mà danh từ lại rất bóng nhoáng, và chẳng phải chỉ bán Phật tử, lại cũng chẳng phải chỉ bán cho kẻ khác làm lao công mà thôi. Hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ-tát, những hình tượng mà mình tôn thờ như cha mẹ, Vạn 60/57A giải thích là hình tượng của Phật đà, của Bồ-tát và của cha mẹ, nhưng xét ra không đúng với câu kết của giới này. Tuy nhiên, nói như vậy không phải bảo Phật tử đừng quan tâm đến cha mẹ, thân nhân và ân nhân” (Sđd).

Như vậy là quá rõ, giới khinh thứ 31 này nói lên trách nhiệm bảo vệ Tam bảo của những vị thọ giới Bồ-tát phải “cùng nhau cứu chuộc về cho đạo pháp những vật và những người đã bị bức đoạt một cách bất lương và bẩn thỉu”. Trong một số giai đoạn lịch sử Phật giáo trên thế giới, Tam bảo rơi vào kiếp nạn bị hủy nhục như: Chùa chiền bị xâm chiếm, tàn phá; tôn tượng Phật, Bồ-tát quý giá bị cưỡng đoạt, hủy phạm; kinh sách và pháp khí bị tịch thu, đốt phá; Tăng Ni, Phật tử bị bắt bớ, bức đoạt và đày ải. Trước tình cảnh đạo pháp suy vi bởi bạo cường, người thọ giới Bồ-tát không được ngồi yên mà phải dấn thân hành động để bảo vệ Tam bảo. Pháp sư Diễn Bồi cũng giảng giải về giới này đại ý rằng: “Chúng ta không thể để ngôi Tam bảo bị hủy nhục mà không tận tình bảo vệ”. Sự bảo vệ Tam bảo có nhiều cách, nhưng ôn hòa và dễ làm nhất là dốc tiền của mua lại, chuộc lại tượng Phật, kinh pháp, chư Tăng Ni cùng Phật tử mà người ác đã cưỡng đoạt, bắt bớ rồi bán chác như hàng hóa, như nô lệ để hưởng lợi một cách vô đạo. Nếu một mình không đủ sức thì phải kêu gọi, quyên góp từ nhiều người để khôi phục, bảo tồn và trùng hưng Tam bảo thanh tịnh, trang nghiêm.

Từ nền tảng ý nghĩa giới luật này, đối chiếu và liên hệ đến hoạt động kinh doanh phát hành văn hóa phẩm Phật giáo hiện nay, chúng ta thấy rằng không có cơ sở nào để quy kết việc phát hành này là có tội, là phạm giới cả, dù người tổ chức, tham gia kinh doanh phát hành đã thọ trì Bồ-tát giới. Ngay cả lời khuyên“chỉ nên phát hành các pháp khí nói chung và không nên phát hành kinh sách, tranh tượng Phật, Bồ-tát để không mắc tội” cũng không xác đáng. Vì không thể đánh đồng việc phát hành kinh tượng hiện nay với việc bán Phật-Pháp-Tăng của bọn người ác như trong giới luật đã nói. Cố tình sát nhập hai việc này vào nhau, đồng hóa chúng với nhau là khập khiễng và hết sức thiên lệch. Hiện Giáo hội PGVN cũng đã có hẳn một Công ty Thiện Tài, Thành hội PG TP.HCM cũng có Tổ in ấn và Phát hành kinh sách, rất nhiều chùa có phòng phát hành do chính chư Tăng Ni quản lý và điều hành. Nếu phát hành văn hóa phẩm PG là có tội thì hoạt động này từ lâu đã bị đình chỉ và không có cơ sở tồn tại, nói gì đến phát triển như hiện nay.

Đành rằng việc ấn tống cúng dường kinh tượng là một đại hạnh, Bồ-tát hạnh rất đáng trân trọng. Nhưng trong khi người đệ tử Phật chúng ta chưa đủ phước duyên dồi dào về tài chính để ấn tống cúng dường kinh, tượng đến thập phương bá tánh thì hoạt động kinh doanh phát hành cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Phật pháp được lan truyền sâu rộng trong dân chúng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, giúp cho Tam bảo được xương minh hơn. Trong ý nghĩa tích cực, tức là xuất phát từ thiện tâm, bi tâm, vì xiển dương đạo pháp thì việc phát hành này là tạo nghiệp lành, có phước, có công đức với Tam bảo.

Tuy nói vậy nhưng khi tham dự vào công việc nhạy cảm này, thiết nghĩ người quản lý và điều hành công việc kinh doanh phát hành cũng nên thường xuyên kiểm soát tâm trước lợi nhuận và tư lợi cá nhân. Tùy vào tâm của mình để đánh giá nghiệp thiện hay bất thiện nghiệp của mình chứ không đơn thuần chỉ dựa vào hình thức và tính chất của công việc phát hành. Rõ ràng, một Phật tử bình thường (chưa thọ Bồ-tát giới) hoạt động kinh doanh văn hóa phẩm PG với mục tiêu tư lợi và tham ái lợi nhuận thì vẫn không được tán thán, nói gì đến những Phật tử đã phát tâm thọ trì Bồ-tát giới, nguyện quên mình vì hoằng dương Chánh pháp và lợi lạc quần sanh.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày