GNO - Các tế bào ung thư có thể lan rộng đến các phần khác của cơ thể thông qua máu. Các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại laser mới có thể phát hiện và tiêu diệt các tế bào khối u từ bên ngoài da.
Công nghệ laser mới mang lại hy vọng chữa bệnh ung thư tốt hơn
Dù vẫn còn là một quãng đường dài trước khi trở thành công cụ chẩn đoán mang tính thương mại, loại tia laser này nhạy cảm hơn 1.000 lần so với các phương pháp hiện tại đang được sử dụng để phát hiện tế bào ung thư trong máu - báo cáo của các nhà khoa học giữa tháng 6 qua trên tạp chí Science Translational Medicine.
Các bác sĩ kiểm tra sự lan rộng của ung thư qua mẫu máu nhưng thường thất bại thậm chí khi các tế bào ung thư hiện diện trong mẫu máu; đặc biệt khi bệnh ung thư phát triển ở giai đoạn đầu - theo tác giả nghiên cứu Vladimir Zharov, giám đốc Trung tâm y học nano Đại học Y khoa Arkansas.
Tuy nhiên, xét nghiệm sau đó lại cho thấy dương tính, nghĩa là có sự tập trung ở mức cao của các tế bào ung thư lưu chuyển trong máu. Đến lúc này, ung thư đã di căn rộng khắp sang các cơ quan khác và thường “quá trễ để có thể chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân”.
Nhiều năm trước đây, Vladimir Zharov cùng các đồng nghiệp của mình đã nghĩ ra ý tưởng về một phương pháp thay thế, không xâm lấn để kiểm tra số lượng máu lớn hơn với mức nhạy cảm cao hơn. Cùng một lộ trình, họ thử nghiệm trong phòng lab, sau đó trên vật thử và gần đây là các thử nghiệm lâm sàng trên người.
Công nghệ mới này được gọi Cytophone, sử dụng ánh sáng laser bên ngoài da để làm nóng các tế bào trong máu. Laser chỉ làm nóng các tế bào ung thư hắc tố (các tế bào không khỏe mạnh) vì các tế bào này mang sắc tố đen nên hấp thu ánh sáng. Công nghệ Cytophone sau đó sử dụng kỹ thuật siêu âm để phát hiện các sóng nhỏ được phát ra do tác động làm nóng này.
Các chuyên gia đã tiến hành công nghệ này trên 28 bệnh nhân có ung thư hắc tố và trên 19 người tình nguyện khỏe mạnh. Người tham gia được chiếu laser lên tay trong vòng 10 - 60 giây, công nghệ này có thể xác định được sự lưu chuyển của các tế bào ung thư trong máu của 27 người.
Thiết bị này không ảnh hưởng đến người khỏe mạnh vì laser sẽ lan ra phạm vi rộng trên da chứ không tập trung đủ lên các tế bào da đơn lẻ để có thể gây hại.
Sau đó, các nhà nghiên cứu quan sát thấy mức tế bào khối u lưu chuyển ít hơn ở bệnh nhân ung thư. “Chúng tôi chỉ sử dụng mức năng lượng tương đối thấp vì ban đầu chỉ tiến hành với mục đích chẩn đoán ung thư nhiều hơn là để điều trị. Thật ngạc nhiên, mức năng lượng này vẫn có thể tiêu hủy các tế bào ung thư - các chuyên gia chia sẻ.
Tuy nhiên, thử nghiệm này chưa được thực hiện ở người có da sậm hơn, người có mức melanin cao hơn. Và may mắn là chỉ một tỉ lệ thấp người Mỹ gốc Phi mắc ung thư hắc tố.
Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể mở rộng công nghệ này để tìm kiếm các tế bào ung thư lưu chuyển trong máu do các ung thư khác ngoài ung thư hắc tố. Đối với các tế bào ung thư không mang melanin, để phát hiện chúng các nhà nghiên cứu trước hết phải tiêm vào người bệnh nhân các đánh dấu hoặc phân tử đặc biệt nhằm “trói” các tế bào này lại, để laser nhắm đến.
Đến thời điểm này, các chuyên gia đã chứng minh công nghệ này có thể áp dụng ở các tế bào ung thư vú trong phòng thí nghiệm.
Huệ Trần
(theo Live Science)