Thượng sĩ là con trai đầu lòng của Khâm minh từ thiện thái vương (1) và anh cả của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu (2). Khi Thái vương mất, Hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho Thượng sĩ tước Hưng ninh vương.
Thủa nhỏ, Thượng sĩ bẩm tính thanh cao, nổi tiếng thuần hậu. Được cử trấn giữ quân dân ở lộ Hồng (3). Hai lần giặc Bắc xâm lăng (4), có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển tại trại Thái - Bình (5).
Về cốt cách, Thượng sĩ là người có khí lượng thâm trầm, phong thần nhân nhã. Ngay từ còn nhỏ đã để chỏm (6) đã hâm mộ cửa không (7). Đến tham vấn Thiền sư Tiêu Dao ở Phúc - Đường, người đã lãnh hội được yếu chỉ, bèn dốc lòng thờ làm thầy.
Ngày ngày chỉ lấy việc hứng thú với Thiền học làm vui, không hề bận tâm tới công danh sự nghiệp. Rồi người lui về sống ở phong ấp Tịnh - Bang và đổi tên lại là Hương Vạn - Niên.
Thượng sĩ trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời. Nhờ đó mà nối theo được hạt giống pháp, và dìu dắt được kẻ sơ cơ.
Người nào tìm đến hỏi han, người cũng chỉ bảo cho biết điều cương yêu khiến họ trụ được cái tâm, mặc tính hành tàng, không rơi vào danh hay thực.
Vua Dụ lăng (8) mộ tiếng người từ lâu nên sai sứ vời vào cửa khuyết. Phàm những lời hầu chuyện nhà vua đều là lời siêu tục, do đó vua suy tôn người là sư huynh mà ban cho tên hiệu hiện nay.
Ngày kia, Thái hậu làm tiệc lớn đãi người. Người dự tiệc, gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ, hỏi rằng: "Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?".
Thượng sĩ cười đáp: "Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Cô chẳng nghe các bậc cổ đức nói "Văn Thù (9) là Văn Thù, giải thoát (10) là giải thoát" đó sao?"
Khi Thái hậu qua đời, vua Dụ lăng thiết cơm chay các vị sư ở cung cấm. Nhân khi vào tiệc lần lượt mời các bậc danh tăng bốn phương mỗi người làm một bài kệ ngắn để bày tỏ kiến giải của mình.
Nhưng kết quả bài nào cũng "ngầu bùn sũng nước", chưa tỏ ngộ được. Dụ lăng bèn đem giấy đến cho Thượng sĩ. Thượng sĩ bèn viết một hơi bài tụng tự thuật như sau:
Kiến giải bày kiến giải,
Như dụi mắt làm quái.
Dụi mắt làm quái rồi,
Sáng sủa thường tự tại (11).
Vua Dụ lăng đọc xong liền viết tiếp:
Sáng sủa thường tự tại,
Cũng dụi mắt làm quái.
Thấy quái không thấy quái,
Quái kia liền tự hoại (12).
Thượng sĩ rất khâm phục bài kệ ấy.
Khi vua Dụ lăng ốm, Thượng sĩ viết thư hỏi thăm. Vua mở ra xem. Bài kệ trả lời của Dụ lăng như sau:
Oi nồng hầm hập mồ hôi ướt,
Quần mẹ sinh ta (13) thấm được đâu.
Thượng sĩ đọc bài kệ than thở giày lâu. Đến khi vua Dụ lăng trở bệnh nặng, Thượng sĩ tất tả tới cửa khuyết thì nhà vua đã quy tiên rồi.
Nay ta cũng nguyện đội ơn dạy dỗ của Thượng sĩ. Trước đây, khi ta chưa xuất gia, gặp lúc cư tang Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân đó có đi thỉnh Thượng sĩ. Người trao cho hai bộ ngữ lục của Tuyết Đậu và Dã Hiên (14). Ta cho rằng quá tầm thường, sinh ngờ vực, bèn làm vẻ ngây thơ hỏi Thượng sĩ rằng: "Chúng sinh quen cái nghiệp uống rượu và ăn thịt, thì làm sao tránh được tội báo?"
Thượng sĩ liền giảng giải rằng: "Giả thử có một người đứng quay lưng lại, thình lình có nhà vua đi qua phía sau, người kia không biết hoặc còn ném vật gì vào người vua; người ấy có sợ chăng? Ông vua có giận dữ chăng? Như thế thì biết rằng hai việc không liên quan gì đến nhau vậy".
Nói rồi Thượng sĩ đọc hai bài kệ:
Mọi pháp đều biến diệt,
Tâm ngờ tội liền sinh,
Xưa nay không một vật,
Mầm mống hỏi đâu thành.
Ngày ngày khi đối cảnh,
Cảnh cảnh từ tâm ra.
Cảnh tâm không có thật,
Chôn chốn ba - la - mật (15).
Ta lĩnh ý, giây lâu bèn nói: "Tuy là như thế, nhưng tội phúc đã rõ ràng thì làm thế nào?"
Thượng sĩ đọc tiếp bài kệ để chỉ bảo:
Ăn thịt và ăn cỏ,
Tùy theo từng loài đó.
Xuân về cây cỏ sinh,
Họa phúc nào đâu có.
Ta nói: "Nếu vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng để làm gì?"
Thượng sĩ chỉ cười mà không đáp. Ta cố nài. Thượng sĩ lại đọc tiếp hai bài kệ để ấn chứng cho ta:
Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Đừng trì giới nhẫn nhục.
Như khi người leo cây,
Đang yên tự tìm nguy.
Không trèo lên cây nữa,
Trăng gió làm được gì.
Đoạn người dặn kín ta: "Chớ có bảo cho người không đáng bảo". Vì vậy ta biết môn phong của Thượng sĩ thật là siêu việt.
Một ngày kia, ta hỏi người về cái gốc của tôn chỉ Thiền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: "Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được". Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ người làm thầy.
Ôi! Thượng sĩ là người thần thái nghiêm trang, cử chỉ đĩnh đạc. Khi người đàm luận về cái lẽ cao siêu huyền diệu thì như gió mát trăng thanh. Đương thời các bậc đạo cao đức trọng đâu đâu cũng đều tôn trọng, cho Thượng sĩ là người "tin sâu biết rõ", ngược xuôi thật khó mà lường được.
Sau, người nhuốm bệnh ở trang Dưỡng - Chân (16), không nằm ở phòng riêng mà cho kê một chiếc giường gỗ giữa ngôi nhà bỏ trống, và nằm theo phép "cát tường", nhắm mắt mà tịch.
Người hầu hạ và thê thiếp trong nhà khóc rống lên. Thượng sĩ mở mắt ngồi dậy, gọi người lấy nước rửa tay súc miệng, đoạn quở nhẹ rằng: "Sống chết là lẽ thường, làm gì phải xót thương quyến luyến làm rối chân tính của ta?". Dứt lời người êm thấm mà tịch. Bấy giờ là ngày mồng một tháng Tư năm Tân Mão, niên hiệu Trùng Hưng năm thứ bảy, hưởng thọ 62 tuổi.
Ta thân đến làm lễ viếng và làm bài Thiêu hương báo ân tụng nhưng không chép ra đây.
Sau khi nối đạo, những lúc lên đàn thuyết pháp, ta tự nghĩ có bốn điều ân nặng (17), sữa pháp (18) khó đền, nên sai thợ vẽ bức chân dung của người để dâng cúng, và tự làm bài tụng như sau:
Đây bậc cổ chùy (19),
Đặt tên đâu dễ.
Thước góc Lương hoàng (20),
Mõ chuông Thái đế (21).
Vuông tròn đều hay,
Mỏng dầy đủ vẻ.
Biển pháp một người (22),
Rừng Thiền ba phía (23).