Phật trong nhà, Phật ngoài vườn

Giác Ngộ - Tượng Phật là để thờ, tất nhiên: như sự bày tỏ niềm tri ân, tôn kính của người Phật tử. Nhưng không chỉ thế, tượng Phật còn để chiêm ngưỡng: như một lối trang trí, hay trần tục hóa: như món đồ trang sức của những kẻ mến mộ. Thế nên, tượng Phật không chỉ ngự ở bàn thờ, không chỉ ngự ở trong nhà, mà còn ngự ở ngoài vườn, công viên!

1. Kinh Tăng nhất A hàm kể rằng, ngày nọ, Đức Thế Tôn nhận thấy tứ chúng có phần giải đãi; khiến cho họ khát ngưỡng Chánh pháp, Ngài đã lặng lẽ rời khỏi Kỳ Hoàn, đến thuyết pháp tại cõi trời Tam thập tam (Đao Lợi). Trong số hội chúng chư thiên nghe pháp có Thích Đề Hoàn Nhơn và Ma Gia hoàng hậu.

WPT3.jpg

Ảnh minh họa

Bốn bộ chúng ở nhân gian lâu không thấy Phật, bèn đến hỏi Tôn giả A Nan, nhưng Tôn giả cũng không rõ biết. Vua Ba Tư Nặc và Ưu Điền không gặp được Như Lai cùng sinh sầu khổ. Quần thần hỏi vua Ưu Điền lo sầu việc gì mà sinh bệnh? Vua đáp: “Do chẳng thấy Như Lai, nếu không thấy Như Lai, ta sẽ chết mất!”. Quần thần do đó nghĩ rằng nên tạo hình tượng Phật, để cho vua “cung kính, thừa sự, lễ bái”, như thấy Phật ở bên cạnh, không lo sầu đến nỗi mạng chung.

Tượng Như Lai được tạc nên từ gỗ ngưu đầu chiên đàn, cao năm thước, khiến vua Ưu Điền rất mực hoan hỷ mà hết bệnh. Vua Ba Tư Nặc nghe vậy cũng cho người dùng vàng tử ma đúc nên hình tượng Như Lai, cao bằng với tượng Phật của vua Ưu Điền.

Đó chính là hai pho tượng Phật đầu tiên ở cõi Diêm Phù Đề(1).

2. Ngay từ buổi đầu, tượng Phật được tạo nên là để cho vua, rộng ra là cho tứ chúng, “cung kính, thừa sự, lễ bái”, như kinh Tăng nhất A hàm đã nói. Điều này khởi đầu cho việc thờ Phật - lễ Phật như ngày nay, tức thờ và lễ hình tượng Phật.

Trong truyền thống văn hóa Ấn Độ, năm vóc sát đất (lạy) là lối chào cung kính nhất. Chúng đệ tử chào Đức Thế Tôn theo cách này, “cúi xuống ôm chân Phật và đặt trán mình lên chân Ngài để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn thờ một bậc tối thượng”. “Sau khi Phật nhập diệt, toàn thể tín đồ vẫn xem như Ngài còn tại thế, và cái cử chỉ cúi xuống ôm chân Phật vẫn còn tiếp nối tồn tại cho đến ngày nay và muôn ngàn năm sau. Cái cử chỉ ấy có công dụng làm cho tín đồ bao giờ cũng hình dung như Đức Phật còn ngồi trước mặt mình để chứng giám cho tấm lòng thành kính thiết tha của mình”(2).

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rằng, cử chỉ ấy về sau không đơn thuần là lối chào nữa mà bao hàm nhiều ý nghĩa, trong đó có cả sự quy ngưỡng, sám hối và cầu nguyện. Văn Lương Hoàng sám có đoạn: “Kính lạy vô lượng hình tượng Phật khắp cả mười phương, cùng tận không giới, tượng vàng và tượng đàn hương của vua Ưu Điền tạo ra, tượng đồng của vua A Dục tạo ra, tượng đá ở Trung Hoa, tượng ngọc ở Tích Lan, và hết thảy các tượng khắp trong các quốc độ làm bằng vàng, bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não…”. “Nguyện xin Tam bảo đem nước đại bi mà rửa sạch tội lỗi nhơ bẩn cho hết thảy chúng sanh hiện chịu khổ trong địa ngục A Tì và tất cả các địa ngục khác, làm cho họ thân tâm thanh tịnh…”(3).

Lễ hình tượng Phật rõ ràng cũng là một pháp tu, vì thế đã có những bộ kinh chỉ thuần về danh hiệu Phật, Bồ tát, nổi tiếng như kinh Vạn Phật, Tam thiên Phật, Ngũ bách danh Quán Thế Âm,…; và những sám văn lễ Phật sám hối như: Lương Hoàng sám pháp, Từ bi đạo tràng sám pháp, v.v…

Thờ Phật song hành với việc lễ lạy, cho nên bàn Phật thường được quan tâm thiết trí tại nơi tôn nghiêm nhất của gia đình. “Bàn thờ Phật phải đặt chính giữa nhà (…). Nếu nhà lầu thì thờ Phật ở tầng trên”(4). Quan niệm thờ Phật như thế mặc dù đúng pháp, nhưng ít nhiều đã tạo nên sự xa cách giữa hình ảnh Đức Phật từ bi với đời sống chật vật, âu lo và đầy đau khổ của con người. Trong sâu thẳm tâm hồn, con người cần một Đức Phật gần gũi hơn!

WPT4.jpg

Ảnh minh họa

3. Pho tượng Phật đầu tiên rõ ràng được tạo nên từ chính cái “tình” của vua Ưu Điền đối với Phật. Hơn cả nỗi tương tư của trai giái thường tình, vua nhớ Phật đến sinh bệnh và có nguy cơ mạng chung. Pho tượng gỗ tạc kim dung Đức Phật đã cứu lấy sinh mạng vua. Với vua, tượng gỗ cũng chính là sắc thân Phật. Và ở bên tượng, vua cảm thấy như đang ở bên Phật, gần gũi với Phật, thỏa được lòng nhớ mong, khát ngưỡng.

Như vậy, luôn được gần Phật hay gần tôn tượng Ngài là niềm hạnh phúc to lớn không chỉ với vua Ưu Điền, mà còn với tất cả chúng ta. Bên Phật như bên cha lành, như bên mẹ hiền, bên suối nguồn thơm mát của từ bi, trí tuệ.

Từ ý thức đó, nhiều người muốn được hàng ngày chiêm ngưỡng Phật nên không đặt tượng Ngài trên bàn thờ, mà đặt ở những nơi mà họ sống nhiều nhất. Một cách rất ngẫu nhiên, trong nhiều ngôi nhà hiện đại, tượng Phật có thể xuất hiện ở bàn làm việc, ở kệ sách, trên chiếc đôn nhỏ, hay trang trọng hơn là ngay lối vào ra. Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, những người trong gia đình đều có thể nhìn thấy Phật.

Từ chốn thờ tôn nghiêm, Đức Phật đã bước vào cuộc sống bề bộn, âu lo của con người trần tục. Một Đức Phật để thờ kính, lễ lạy nay đã trở thành một Đức Phật để gần gũi, chan hòa và để sống với… Rất có thể chủ nhà chỉ đơn thuần xem tượng Phật như là một kiểu tượng trang trí, nhưng không thể phủ nhận rằng họ cũng ít nhiều cảm mến được nét đẹp từ bi toát lên từ dung tượng Ngài.

Kiểu “thế tục hóa” tôn tượng Phật như thế cũng là điều tự nhiên. Song vấn đề lại gây tranh cãi khi có người quá yêu kính Đức Phật, đến độ để Ngài sống “quá gần gũi” với mình như câu chuyện sau đây:

Một Phật tử nọ cho một người phương Tây thuê nhà. Một hôm, chủ nhà phát hiện trong phòng vệ sinh của chàng Tây trẻ có một pho tượng Phật. Chủ nhà lấy làm giận dữ vì cái lẽ bất kính ấy đối với vị giáo chủ thiêng liêng của mình. Nhưng chàng Tây trẻ khăng khăng rằng, xét về niềm tôn kính, nếu so với chủ nhà, thì anh ta tôn kính Đức Phật không kém. Bởi lẽ, phòng vệ sinh là nơi anh sống nhiều nhất. Sau một ngày làm việc căng thẳng, anh trở về nhà và ngâm mình vào bồn tắm; trong những phút thư giãn hiếm hoi đó, anh có thể chiêm ngưỡng Đức Phật một cách trọn vẹn, không vướng bận những toan lo của công việc hàng ngày!

4. Sau khi Đức Phật nhập diệt ngót nửa thiên niên kỷ, không thấy ai vì nhớ thương Phật mà tạo hình tượng Ngài. Quan niệm bấy giờ cho rằng không ai có thể tạo nên một pho tượng Phật bao gồm được sắc tướng trang nghiêm với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Chúng đệ tử tôn kính và tưởng nhớ đến Ngài qua những biểu tượng thiêng như: dấu chân, chiếc ngai, cội bồ đề hay bánh xe chuyển pháp luân… Và có lẽ, phải chăng, chúng đệ tử bấy giờ cũng không muốn hình ảnh Đức Phật bị “trần tục hóa” kiểu như “cùng sống với” những người thế tục như trên đã nói?!

Song đến đầu Công nguyên, dưới triều đại Kushan, nhu cầu có một thánh tượng Đức Phật để tôn thờ trở nên tha thiết hơn bao giờ hết. Đó là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Đại thừa. Nhiều trung tâm nghệ thuật xuất hiện, tiêu biểu nhất là Gandhara và Mathura, đã chế tác nên rất nhiều hình tượng Phật với nhiều kích cỡ và tư thế khác nhau. Đức Phật bấy giờ không chỉ ngự trong điện, trong hang động, mà còn xuất hiện ở những chốn đông người lại qua. Từ biểu tượng thiêng đến dáng vẻ con người, hình ảnh Đức Phật đã trở nên hết sức sống động, gần gũi.

Hai mươi thế kỷ trước đã thế, nên không lạ gì khi trong thời đại ngày nay, chúng ta lại chứng kiến niềm khát ngưỡng muốn kéo Đức Phật đến gần hơn nữa với cuộc sống trần tục của con người. Đức Phật đã ung dung bước ra khỏi gian thờ tự trang nghiêm để xuống vườn, đến cả chốn công viên.

WPT1.jpg

Ảnh minh họa

Ấn Độ có rất nhiều công viên Đức Phật, như: Budhha Park ở Kanpur, thuộc bang Uttar Pradesh, một trong những thành phố đẹp nhất của Ấn Độ, tọa lạc bên dòng sông Hằng linh thiêng; đây là nơi vui chơi của trẻ em nhiều thế hệ. Trong khi đó, Gautam Buddha Park ở Lucknow từ lâu đã là điểm đến thú vị cho những cuộc pinic, ngày nay phần nhiều được sử dụng cho những cuộc hội nghị mang tính chính trị. Một dự án khác, công viên Đức Phật ở Patna, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm nay, nằm cạnh đại lộ Fraser, nơi sẽ tôn thờ một phần xá lợi của Phật. Đặc biệt, tại phía Nam thủ đô New Delhi có công viên Buddha Jayanti, được xây dựng nhân kỷ niệm lần thứ 2.500 ngày Đức Phật nhập Niết bàn. Nơi đây hàng năm diễn ra pháp hội đông đến hàng ngàn người. Ngày thường, trong công viên này, Đức Phật vẫn ngồi lặng lẽ hiền từ khi chung quanh Ngài có vô số cặp tình nhân đang ôm nhau thắm thiết. (Ở Ấn Độ, hiếm có cảnh trai gái thân mật với nhau giữa chốn đông người). Quả thật:

“Trăng lên

Dưới bóng Đức Phật

Đôi tình nhân hôn”.

(Thơ Nguyễn Thiên Thuận)

Thái Lan nổi tiếng có công viên Buddhamonthon - tỉnh Nakhon Pathom, phía Tây Bangkok, với tượng Phật đứng cao đến 15,8m. Ở Lào có công viên Đức Phật Xieng Khuan, nằm phía Nam thủ đô Vientiane , soi bóng xuống dòng Mekong . Công viên này được gọi là “thành phố tâm linh”, với hơn 200 pho tượng Phật giáo và Hindu giáo, đặc biệt là pho tượng Phật nằm dài đến 40m… Việt Nam có công viên Quách Thị Trang, nay mai còn có công viên Thích Quảng Đức,… nhưng vẫn chưa có công viên Đức Phật!

5. Không còn bất ngờ khi ở đâu đó, ta bắt gặp tôn tượng Đức Phật đang ngồi dưới một gốc cây, trên một bãi cỏ, hay bên một dòng suối. Dù ngồi ở đâu, gương mặt Ngài vẫn an nhiên và nụ cười hiền từ có sức lay động mạnh mẽ. Những đứa trẻ có thể chạy đến chơi với Ngài; người làm vườn cũng có thể đến nghỉ mát, ngồi uống nước bên Ngài. Ngài đã đản sinh dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây và nhập diệt cũng dưới gốc cây. Thiên nhiên gần gũi với ngài, cũng giống như ngài đã gần gũi với con người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn…

Hình ảnh Đức Phật giờ đây đã trở nên gần gũi, quen thuộc với con người, phương Đông cũng như phương Tây. Tại chốn phồn hoa đô hội hay nơi thôn quê hẻo lánh, chúng ta đều có thể bất ngờ gặp Phật. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng hình ảnh tôn nghiêm của Đức Phật tại chốn đệ nhất ăn chơi Las Vegas - Hoa Kỳ. Nhà văn Văn Cầm Hải xúc động khi trông thấy Ngài tại ngôi làng cổ Marken - Hà Lan, ngôi làng có lịch sử ngàn năm Thiên Chúa. “Làng Marken nằm ngoài bán đảo ở vùng biển Amsterdam . Như có ai xui khiến, trong khi dạo chơi ngắm cảnh quan, bất chợt bước chân tôi khấp lại trước khe tường hẹp giữa hai ngôi nhà: huyền bí trong kia khu vườn nhỏ, phía sau thân cây bạch dương trụi lá, Đức Phật uy nghi hiện ra. Khuôn mặt Ngài cô nghị trên bụi hoa dại màu nhung tía như máu của đất dịu dàng phun lên. Ai đã mang tượng Phật đến ngôi làng cổ từ ngàn năm nay chỉ có biết Chúa Jesus? (…) Tôi bất thần nhận ra mình chỉ là một hạt phân tử chuyển động, hòa tan và mất hút vào vẻ đẹp vô ngôn của bức tượng Phật. Khuôn mặt từ bi, đôi tay như nhã xuôi theo cánh đùi mà tôi phải nhón chân qua hàng rào mới nhìn thấy, Đức Phật hiển thị giữa gió ngàn khơi hoang vu”, anh kể (5).

Tại tòa cao điện lớn, tại chốn thờ tôn nghiêm, trên một giá sách hay trong một góc vườn, một công viên rộng lớn, trong cảnh rừng núi thâm u hay giữa chốn phồn hoa đô hội, Đức Phật điềm nhiên tĩnh tọa, nào có khác gì. Khác chăng đó là tấm lòng của chúng ta đối với Ngài như thế nào mà thôi!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày