Phật tử tin vào điều gì?

GNO - Ngay sau khi tôi bắt đầu nghiên cứu đạo Phật, có người hỏi tôi: “Phật tử tin vào điều gì?”

>> Một bài khác của Barbara Hoetsu O'Brien 

Tôi khựng lại. Người con Phật tin vào điều gì nhỉ? Không ai nói rằng tôi phải tin vào một điều đặc biệt nào đó. Thật ra, trong Thiền Phật giáo, nếu cứ tin chắc vào một điều gì đó thì nó sẽ là chướng ngại cho việc giác ngộ.

buddhist beliefs.jpg

Niềm tin của người con Phật - Ảnh minh họa

Phương tiện hướng dẫn tu tập

Người mới tu theo đạo Phật thường được trao cho những bài giáo lý như: Tứ diệu đế, Ngũ uẩn, Bát chánh đạo. Rồi người ta bảo: Hãy hiểu những giáo lý này rồi thực hành chúng.

Tuy nhiên, “tin vào” những học thuyết của Phật giáo (PG) không phải là điểm cốt yếu của đạo Phật. Những gì Đức Phật dạy là phương pháp để hiểu chính mình và thế giới chung quanh theo một cái nhìn khác. Những giáo lý này không phải để chúng ta chấp nhận một cách mù quáng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Hãy đừng sùng bái bất cứ học thuyết gì, hệ tư tưởng gì.” Sự thật tuyệt đối đó không có kinh điển nào ghi lại, nhưng quả thật nếu chỉ tin vào lời nói, ngôn từ và khái niệm thì đó không phải là hướng đi của PG. Ví dụ: Mặc dù có sự tái sinh, nhưng không có lý do gì chúng ta phải sùng bái điều đó. Hơn nữa, người tu theo đạo Phật là để hiểu rằng cái ngã không lệ thuộc vào sự sống hay chết. 

Nhiều con thuyền, một dòng sông

Nói rằng học thuyết và những giáo lý đó không nên được chấp nhận một cách mù quáng, không có nghĩa là những điều đó là không quan trọng. Muôn vàn những lời dạy quý báu của Đức Phật giống như những bản đồ chỉ đường trong cuộc hành trình tâm linh, hay như một con thuyền đưa bạn qua bên kia bờ. 

Thiền định hoặc tụng kinh mỗi ngày dường như vô nghĩa, nhưng khi chúng ta tu tập với một tâm chân thành, những việc làm đó sẽ tác động thực sự vào cuộc sống và tầm nhìn của ta.

Và khi nói rằng PG không phải nói về niềm tin, điều đó cũng không có nghĩa là không có đức tin trong PG. Trải qua nhiều thế kỷ, PG đã phát triển thành nhiều trường phái với những giáo lý đặc biệt và đôi khi trái ngược nhau. Bạn thường đọc thấy ‘Phật tử tin vào’ điều này hoặc điều kia, trong khi điều đó chỉ thuộc về một trường phái nào đó thôi, không phải cho tất cả trường phái PG.

Hơn nữa, khắp châu Á người ta có thể tìm thấy một loại hình PG dân gian, trong đó Đức Phật và những nhân vật tưởng tượng trong văn học PG đều biến thành tiên thánh có thể nghe thấy lời cầu nguyện của mình và ban cho những điều ước. Rõ ràng là có những Phật tử tin vào điều ấy. Nhưng nếu cứ tin như thế, bạn sẽ học được rất ít từ đạo Phật.

Nếu bạn muốn nghiên cứu PG, tôi đề nghị bạn hãy để qua một bên tất cả những giả định. Hãy để qua một bên tất cả những giả định về đạo Phật, rồi đến những giả định về tôn giáo. Hãy để qua một bên những giả định về bản chất của cái ngã, về thực tế, về sự tồn tại. Hãy để lòng rộng mở mà đón vào những hiểu biết mới. Dù cho bạn tin vào điều gì, hãy giữ nó với bàn tay không nắm chặt. Bạn hãy tu tập, và xem nó sẽ đưa bạn đi đến đâu.

Và bạn hãy nhớ thêm một câu Thiền:  Ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng.

Barbara Hoetsu O'Brien 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày