Phiên bản Cột chùa Dạm sẽ được thay mới?

Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hội thảo lấy ý kiến giới chuyên môn về việc tìm giải pháp khắc phục phiên bản Cột đá chùa Dạm đang trưng bày tại khuôn viên bảo tàng.

Đây là phiên bản sai lệch, méo mó và biến dạng so với bản gốc, từng gây phản ứng khá gay gắt của giới chuyên môn cũng như công luận thời gian qua.

Bản gốc ở quần thể chùa Dạm (xã Nam Sơn -Quế Võ - Bắc Ninh) Phiên bản đúc năm 1973 - Ảnh: Nam Anh
Bản gốc ở quần thể chùa Dạm (xã Nam Sơn -Quế Võ  - Bắc Ninh)
Bản gốc ở quần thể chùa Dạm (xã Nam Sơn -Quế Võ - Bắc Ninh) Phiên bản đúc năm 1973 - Ảnh: Nam Anh
Bản gốc ở quần thể chùa Dạm (xã Nam Sơn -Quế Võ  - Bắc Ninh)

Tượng đài hoành tráng cổ nhất Việt Nam

Theo nhà điêu khắc Phan Văn Tiến - Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Cột đá chùa Dạm là kiệt tác về điêu khắc tôn giáo thời kỳ nhà Lý, hiện nằm trong quần thể chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh.

Là một trong những công trình điêu khắc cổ còn sót lại, cột làm bằng đá sa thạch với hai phần. Phần trên chạm nổi “đôi rồng quấn quanh cột”, phần dưới chạm khắc hình “thủy ba”, hội tụ giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và tôn giáo. Cột đá được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1962.

Phiên bản phiên bằng đá máp do thợ Ninh Bình đục, đang đặt tại Bảo tàng MTVN

Phiên bản phiên bằng đá máp do thợ Ninh Bình đục, đang đặt tại Bảo tàng MTVN

Bởi những giá trị ấy, năm 1973, cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi ấy đã chỉ đạo cho làm một phiên bản bằng xi - măng để trưng bày tại sân vườn của bảo tàng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, học tập.

Có thể nói, phiên bản bằng xi - măng này được đội ngũ cán bộ chuyên môn của bảo tàng khi đó thực hiện với kỹ thuật đổ khuôn cao, chất lượng đạt được tinh thần của bản gốc. Và trên 30 năm qua, nó tồn tại như một biểu tượng của bảo tàng, là thành tố không thể tách rời trong không gian kiến trúc cần phải có của một bảo tàng quốc gia.

Quen thuộc và gần gũi không những với cán bộ, nhân viên của bảo tàng, mà còn là hiện vật ghi dấu ấn với nhiều thế hệ nghiên cứu, sinh viên mỹ thuật, du khách trong và ngoài nước.

...và phiên bản mới

Năm 2006, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thay phiên bản Cột chùa Dạm mới bằng chất liệu đá. Tuy nhiên, phiên bản này sai lệch và méo mó so với bản gốc về tỉ lệ, hình khối, đặc biệt là là đôi rồng bị biến dạng hoàn toàn so với bản gốc.

Đồng thời, do dùng đá máp làm chất liệu chuyển đổi, không đúng với chất liệu bản gốc nên đã tạo ra một ma-che trơ cứng, nặng tính mỹ nghệ, không đáp ứng được yêu cầu trưng bày.

“Dự án này khiến cho giới chuyên môn và công luận phản ứng khá gay gắt” - Ông Tiến nhấn mạnh.

Để sửa cái sai đó, cuối năm 2009, Bộ VHTTDL giao Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẩn trương khắc phục nhằm có một công trình trung thực với bản gốc, độ chính xác cao và chất liệu bền vững.

Các chuyên gia cho rằng phiên bản bằng đá do nhóm thợ tại Ninh Vân, Ninh Bình thực hiện năm 2006 hiện đang đặt tại khuôn viên Bảo tàng là không thể sửa chữa được.

Việc phục chế phiên bản xi-măng năm 1973 cũng không hiệu quả, bởi nó đã bị phá hủy do nhóm thợ Ninh Bình dùng bàn chải sắt đánh bay lớp “vảy rồng” và phần chân đế “thủy ba”.

Các nhà chuyên môn thống nhất, giải pháp lý tưởng, hiệu quả về chất lượng tác phẩm, hiệu quả về kinh tế là đổ khuôn trực tiếp tại bản gốc ở Nam Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh.

Theo nhà điêu khắc Phan Văn Tiến, phương pháp sẽ là kết hợp đổ khuôn bằng silicon và khuôn thạch cao truyền thống tại nơi đặt hiện vật gốc, sau đó chuyển khuôn về bảo tàng đổ phiên bản mới.

Đội ngũ thực hiện là chuyên gia đầu ngành, các nhà điêu khắc và kỹ thuật viên thuộc Trung tâm Bảo quản Tu sửa các tác phẩm Mỹ thuật của bảo tàng, trong đó có người từng tham gia đúc thành công phiên bản năm 1973.

Hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, tiếp thu đóng góp của các chuyên gia, nhà điêu khắc, tới đây bảo tàng sẽ trình Bộ VHTTDL xem xét, lựa chọn phương án khả thi để đúc phiên bản Cột chùa Dạm mới trong năm 2010.

Khách tham quan sẽ được thưởng lãm một công trình nghệ thuật điêu khắc cổ quý hiếm còn sót lại đến nay.  

Ai đã “có công” thay phiên bản Cột chùa Dạm xịn bằng một phiên bản “hàng lởm”? Ai phải chịu trách nhiệm về phiên bản Cột chùa Dạm có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật, bỗng chốc bị mấy anh thợ đá phá hỏng?

Tương tự, ai phải chịu trách nhiệm khoản tiền không nhỏ bỏ ra để đục đẽo để chế tác ra món “hàng lởm”, rồi lại phải bỏ tiếp ra một khoản tiền không nhỏ nữa để tổ chức làm lại (lần ba) phiên bản Cột chùa Dạm?

Đây là những câu hỏi không chỉ cán bộ, nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà đông đảo dư luận cả nước đang mong chờ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra câu trả lời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày