Phóng sự: Nương nhờ cửa Phật

Họ từng là những thiếu nữ đã dành cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường, bom đạn. Khi chiến tranh kết thúc, do cái duyên với nhà Phật, họ đã nương nhờ nơi nhà chùa để tìm cho tâm hồn mình sự thanh thản, để cầu siêu cho những linh hồn của đồng đội đã ngã xuống nơi hòn tên, mũi đạn và cũng là để mang lại sự bù đắp phần nào cho những số phận kém may mắn khác.

Vào một ngày giữa tháng 10, chúng tôi đã về quê lúa Thái Bình, để gặp những sư thầy như thế. Có thể nói, cuộc đời họ đã chia thành hai nửa: Một thời bi tráng của tiếng đạn bom ầm ã, một thời giản dị trong tiếng chuông chùa văng vẳng thinh không...

Tiếng đạn bom, tiếng chuông chùa

Chúng tôi đến chùa Đông Am (xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) vào buổi chiều, khi sư thầy Thích Đàm Thân đang làm lễ thắp hương, cầu siêu cho các hương hồn anh linh liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước. Đây là việc làm hằng ngày của sư thầy. Trên chiếc chiếu manh, thầy đọc tên của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, cùng nhiều liệt sĩ khác, cầu mong họ được siêu thoát. Tiếng gõ mõ, cùng lời nói của thầy cứ vang vọng mãi lên thinh không, như tìm đến một thế giới khác... 

Sư thầy Thích Đàm Thân sinh năm 1956, quê ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải. Đến năm 17 tuổi - cái tuổi của sôi nổi, nhiệt huyết và cống hiến - cô gái Lương Thị Thân (tên thật của sư thầy) đã tình nguyện đi làm quân y tại khu vực Quảng Bình, Quy Nhơn. 9 năm sống trong mưa bom, bão đạn, với bao lần sự sống và cái chết mỏng manh, sư thầy đã 2 lần bị thương nặng. Rời khỏi quân đội, sư thầy là thương binh, với thân thể mang đủ các loại bệnh, như: Bệnh tim, tiểu đường, thoái hoá cột sống...

Thậm chí, sư thầy còn cho biết, ở trong đầu sư thầy vẫn còn chất độc da cam, khiến mỗi khi trái gió trở trời, là đầu lại lên những cơn đau đớn. Hình ảnh tôi không thể quên được do các phật tử ở đây kể lại, là đêm về, một mình thầy đối diện với bóng đêm, với không gian tĩnh mịch, thầy gõ mõ và đôi lúc lại phải dùng dùi để gõ đầu mình, như muốn gõ vào cái đau, mong cái đau ngủ quên.

Lúc đầu, khi gặp chúng tôi, thầy Thân nói rất ít. Dường như, thầy không muốn nói nhiều đến những năm tháng đạn bom ngày xưa nữa. Đó đã thuộc về quá khứ. Với thầy, đó đơn giản chỉ là “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”; ai là con dân của nước Việt cũng phải có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc khi đất nước nguy nan. Thầy chỉ mong tất cả mọi người bây giờ, trong cả nước, ai cũng nghĩ đến những người đã quá thiệt thòi trong chiến tranh, để họ được an ủi hơn nữa.

Năm 1982, sư thầy xuất ngũ, khi đó thầy đã 27 tuổi. Cả tuổi xuân thầy đã cống hiến cho cuộc chiến tranh của đất nước. Bố mẹ thầy đều theo đạo Phật, nên thầy đã được tiếp xúc với đạo Phật từ nhỏ. Đó có lẽ là cái duyên của thầy với nhà chùa. Khi ra khỏi quân ngũ, thầy đã đi theo đạo Phật, tìm sự thanh thản của tâm hồn mình trong tiếng chuông chùa.

Sư thầy Thích Đàm Thân trong lần đi thăm hỏi tặng quà cho một gia đình có người bị tâm thần tại xã Quang Bình (huyện Kiến Xương).
Sư thầy Thích Đàm Thân trong lần đi thăm hỏi tặng quà cho một gia đình có người bị tâm thần tại xã Quang Bình (huyện Kiến Xương)

Hiện ngôi chùa nơi thầy trụ trì đang là nơi che chở cho những người bất hạnh, không may mắn. Chị Phạm Thị Vân (SN 1977, trú tại xã Quang Bình, Kiến Xương) tâm sự với chúng tôi: “Tôi bị bệnh ung thư từ năm 2008, phải truyền hoá chất vào cơ thể, nên tai gần như bị điếc. Bác sĩ khuyên tôi nên chuyển sang ăn chay. Từ đó đến nay, tôi đi “ăn mày” tại chùa thầy Thân trụ trì, được thầy cắt thuốc cho, đến nay đã khoẻ lại”.

Còn bà Phạm Thị Gái, năm nay đã ngoài 70 tuổi, chồng mất đã lâu, cô đơn, không nơi nương tựa. Trước bà ở một mình, nhiều đêm không ăn, không ngủ, bà vào trong nghĩa địa rồi khóc. Rồi bà tìm đến ngôi chùa. Sư thầy đã rộng lòng tiếp nhận bà, nuôi dưỡng bà như người thân của mình. Sư thầy kể lại: “Khi mới vào chùa, bà Gái còn mang hết đồ của nhà chùa rải ra sân. Nhà chùa đã lễ bái, rồi cắt thuốc bắc cho bà. Đến nay bà đã khoẻ khoắn, bình thường”.

Trước đây, sư thầy còn nuôi 3 cháu mồ côi tại chùa, từ bé đến khi các cháu trưởng thành. Ba cháu đều thông minh, học tốt, hiện đang đi học Đại
học Phật học tại Hà Nội. Nhà chùa cũng thường xuyên quan tâm đến những hoàn cảnh gia đình có nạn nhân bị chất độc da cam, tật nguyền. Đầu năm nay, nhà chùa đã tổ chức lễ cầu siêu, chuyển nghiệp cho các nạn nhân chất độc da cam, đồng thời, dành 550 suất quà tặng cho các nạn nhân chất độc da cam của 3 huyện và thành phố. Những hộ gia đình có con bị di chứng chất độc da cam cũng thường xuyên được nhà chùa quan tâm, hỏi han, tặng quà. Hiện nhà chùa còn làm hương, vừa để cúng bái trong chùa, vừa bán lấy tiền làm từ thiện.

Nương nhờ cõi Phật

Về thành phố Thái Bình, chúng tôi tìm đến chùa Tiền (phường Kỳ Bá) để gặp thầy Thích Đàm Ngọc. Thầy quê ở xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư. Tiếp chuyện chúng tôi, thầy cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1965, khi mới tuổi 19-20, thầy đã có thời gian đi thanh niên xung phong tại khu vực Quảng Bình, Quảng Trị. Khi đi, do người gầy quá, sợ người ta không nhận, thầy đã phải mặc thêm áo để trông... béo hơn. Thầy kể lại quãng thời gian đi thanh niên xung phong: “Thời đấy, đông con gái ở nhiều nơi khác nhau đến, nên quý nhau lắm, cái gì cũng chia nhau. Có đêm chỉ được một cái bánh mì, vậy mà đi đào đường suốt đêm không thấy mệt.

Thiếu nước uống, thường xuyên phải uống nước sông, suối, nên nhiều khi chị em hay chặt cây chuối ở bờ sông Nhật Lệ để ăn cho đỡ khát. Mỗi người được nhận một khúc, dùng tay đo để khúc chuối ấy không ai được... dài hơn ai để khỏi tị nạnh. Gian khổ, hy sinh, nhưng vẫn có những giây phút vui vẻ lắm”. Nhưng tất nhiên, có những lúc đau đớn khi thầy phải khiêng trên tay xác của đồng đội mình, là những khi bom đạn vãi xuống tưởng mình không thể sống được nữa.

Sau khi đi thanh niên xung phong khoảng 1 năm, thầy trở về quê, được đi học sư phạm cấp tốc để dạy lớp 1. Thầy vừa dạy học vừa đi nhà chùa để tụng niệm, cúng bái. Chúng tôi hỏi về chuyện tình duyên khi đấy, thầy thoáng chút bối rối, rồi kể lại: “Khi thầy đi thanh niên xung phong về, thì bên cạnh nhà có chú bộ đội. Hai nhà đã “đặt chỗ” cho nhau, nhưng hồi đó, thầy còn quá trẻ nên nghĩ thế nào đó mà không chịu. Cưới xong, thầy nhất quyết không về nhà chồng, nói thế nào cũng không chịu, chỉ... chạy đi ngủ nhờ nhà người khác”. 6 ngày sau lễ cưới, mọi chuyện cứ diễn ra như vậy. Rồi sau đó, người chồng phải đi ra chiến trường.

Trớ trêu thay, khi chồng được nghỉ phép 1-2 ngày, thì người vợ lại bị ốm, phải nằm bệnh viện, nên cả 2 lại phải gặp nhau ở bệnh viện. Rồi người chồng lại biền biệt ra chiến trường, sau đó hy sinh ở Tây Nguyên năm 1973, mà chưa có với vợ một mụn con. Ngoài nỗi đau chồng mất, sư thầy còn phải gánh nỗi đau mất đi người em trai 20 tuổi, hy sinh nơi chiến trường.

Cách đây 23 năm, thầy phát hiện bị ung thư ngực, phải phẫu thuật cắt bán phần. Do vậy nên thầy phải nghỉ mất sức, thôi dạy học. Thầy nói, đó có lẽ là cái duyên với nhà Phật, vì từ đó, thầy đã quy y cửa Phật, dành cả phần đời còn lại để tụng kinh, gõ mõ. Kỳ diệu thay, từ đó đến nay, căn bệnh ung thư của thầy đã không còn tiến triển, thầy đã khoẻ mạnh bình thường.

Ở tuổi 85, nhưng ni trưởng Thích Đàm Thanh vẫn rất nhanh nhẹn, khoẻ mạnh.
Ở tuổi 85, nhưng Ni trưởng Thích Đàm Thanh vẫn rất nhanh nhẹn, khoẻ mạnh

Cũng tại chùa Tiền, chúng tôi còn gặp ni trưởng Thích Đàm Thanh - một người tham gia hoạt động cách mạng ngay từ khi 13 tuổi. Sinh ra tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, sư thầy xuất thân từ một gia đình vốn là cơ sở cách mạng những ngày đầu, nên được thấm nhuần về tư tưởng cách mạng. Do thông minh dĩnh ngộ, thạo kinh Phật, nên ngay từ khi Hội Phật giáo cứu quốc ra đời năm 1939 (khi ấy ni Đàm Thanh mới tròn 13 tuổi), ni đã chính thức trở thành thành viên đầu tiên và trẻ tuổi nhất của tỉnh Thái Bình.

Cùng với việc xuất gia, năm 13 tuổi, ni được cử tham gia học lớp chỉnh huấn Phật giáo ở Thái Bình để hiểu đạo pháp dân tộc. Sau khoá học, với giấy chứng nhận là cán bộ đã được đào tạo, có chữ ký của Bác Hồ, ni đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà qua rất nhiều hình thức và tổ chức khác nhau như Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Việt Minh, Nông dân cứu quốc...

Ni am hiểu đạo Phật, giác ngộ cách mạng từ sớm, nên sự nghiệp hoạt động của ni không có ranh giới rõ ràng giữa người xuất gia hay chiến sĩ cách mạng. Những ngày đầu hoạt động rất khó khăn. Ni nhận ra rằng, việc đầu tiên là phải giúp người dân có đời sống no ấm, sau đó mới tuyên truyền giác ngộ. Vậy là ngôi chùa nghèo trở thành nơi dạy nghề thủ công cho chị em phụ nữ trong vùng. Với đồng ruộng bị bỏ hoang, ni đã trực tiếp tham gia vỡ hoang để cày bừa, gieo trồng...

Có lần, ni đã bị bọn lính canh bắt giữ khi đang giấu tài liệu trong người. Tại đồn, ni đã nhanh trí dùng con dao giấu tài liệu ở khe gạch dưới sàn nhà. Không tìm thấy bằng chứng, nên lính phải thả sư ra. Trước khi được thả, ni đã nhanh trí lấy lại tài liệu an toàn. Từng tham gia các mặt trận cứu quốc từ Hội Việt Minh, Hội Phật giáo Cứu quốc đến những vị trí quan trọng khi đất nước hoà bình, ni trưởng đã nhận được nhiều bằng khen và huy chương từ các cấp trung ương đến địa phương: Huy chương của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân...

Ở tuổi 85, ni trưởng vẫn còn rất khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Ni trưởng luôn tâm niệm: “Chỉ làm chủ tâm, không làm chủ đất, không làm chủ nhà, không làm chủ chùa, không làm chủ tiền, không làm chủ người”. Cùng với nhà chùa, ni trưởng thường xuyên có những hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo, bệnh tật, tàn tật.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, toàn tỉnh Thái Bình có khoảng hơn 20 người thời con gái đã từng đi bộ đội, thanh niên xung phong hiện giờ đang nương nhờ nơi cửa Phật. Chúng tôi muốn được gặp hết họ, nhưng vì nhiều lý do, đã không thể thực hiện được. Những bậc chân tu này đã vượt qua được những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà chiến tranh để lại, vươn lên để ngày một thêm “tốt đời đẹp đạo”. Họ là một trong những minh chứng tiêu biểu cho thấy Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày