Phủ xanh Hy Mã Lạp Sơn trước biến đổi khí hậu

GNO - “Phủ xanh Hy Mã Lạp Sơn” (The Green Himalayas Project) là dự án môi trường bền vững tại vùng Phobrang, Ladakh (Ấn Độ) vừa được hai tổ chức phi lợi nhuận Go Green Go Organic và Goldenmile Learning tại đất nước này khởi động hồi đầu tuần - thông tin từ The Buddhist Door.

Dự án nhằm chuẩn bị cho các cộng đồng đang sinh sống nơi đây đối diện với những thử thách của biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp thích ứng cùng với việc phục sinh các hệ sinh thái nhạy cảm bằng cách phủ xanh các chân đồi vùng núi Himalaya và kiến tạo một mô hình kiểu mẫu ở vùng Phrobrang.

buoi ra mat du an.jpg
Lễ ra mắt dự án

Dự án trải rộng trên diện tích hơn 1.000 cây số vuông và sẽ được phát triển dựa trên các nguyên tắc trưng dụng lao động bền vững tại các cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ và người trẻ. Mục tiêu hướng đến xây dựng một khu vực bền vững sinh thái, ứng dụng công nghệ năng lượng tái sử dụng; sau đó sẽ nhân rộng mô hình này khắp vùng Himalaya.

Khởi đầu của dự án này là Chiến dịch 1.000 tỉ cây xanh (trước năm 2017 là Chiến dịch Một tỉ cây xanh) được ủng hộ bởi các nhà lãnh đạo Phật giáo vùng Himalaya, Ấn Độ, Nepal và Bhutan.

Tính đến nay đã có 25.000 cây xanh được trồng tại Phobrang với sự giúp đỡ của người dân địa phương với mục tiêu lớn nhất là phủ xanh toàn bộ các chân đồi thuộc dãy Himalaya, từ Ladakh đến Arunachal Pradesh - theo The Times of India.

Dự án Phủ xanh Hy Mã Lạp Sơn được ủng hộ bởi hai tổ chức phi lợi nhuận là Go Green Go Organic (Sống xanh, Sống thuần tự nhiên) với trọng tâm hoạt động là giáo dục về môi trường, khuyến khích các phương thức tự nhiên ở khu vực Ladakh và Goldenmile Learning, chuyên ứng dụng học tập trực tuyến và kỹ thuật số tại các khu vực nghèo đói của Ấn Độ.

“Tất cả 257 ngôi làng ở Ladakh đều phụ thuộc vào nguồn nước từ các dòng sông băng, không phải từ nguồn nước mưa như các lãnh thổ khác của Ấn Độ. Tuy nhiên, các dòng sông băng hiện đang tan chảy rất nhanh. Vì thế, câu hỏi lớn cần giải đáp là liệu Ladakh có thể tồn tại sau 20 - 30 năm nữa hay không trước sự nóng dần lên của quả đất” - vấn đề được nêu lên tại buổi ra mắt dự án.

Do đó, cần nhanh chóng tìm kiếm giải pháp bảo tồn các hệ sinh thái dễ bị tác động trong khu vực và tăng cường các phương thức sống bền vững cho người dân tại đây - người phát ngôn của dự án nhấn mạnh.

Ladakh hiện đang đối diện với các bất ổn về môi trường khác như: nhà cửa bị đe dọa do lượng băng tan vào mùa hè, các phương thức canh tác truyền thống đang dần bị mất đi, áp lực lớn từ du lịch dẫn đến tăng sử dụng nước và thiếu nước - theo Mongabay.

Trần Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày