Phục hồi một xã hội hiếu thảo

Giác Ngộ - Chúng ta không có quyền “tự do” sử dụng thân thể ta tùy thích, vì thân thể này không hoàn toàn là của chúng ta. Thân thể này không do chúng ta tự sinh ra nên chúng ta không có quyền làm gì tùy ý. 

Nếu có lòng hiếu, chúng ta dễ dàng nhận ra thân thể này là do cha mẹ và nhiều yếu tố khác mà thành, sống được đến ngày nay là nhờ cha mẹ. Làm bất cứ điều gì đối với thân thể này, chúng ta phải tự nghĩ cha mẹ có bằng lòng không, có buồn khổ không. Thành thử, trao thân dễ dàng, phá hoại thân thể dễ dàng (như sử dụng ma túy, tham gia đua xe…), hay tự tử là những hành vi bất hiếu là vì vậy.

Lòng hiếu là tình thương, sự kính mến và biết ơn đối với cha mẹ, những người đã sanh ra và nuôi dưỡng giáo dục mình. Lòng hiếu luôn luôn được đề cao trong nhân loại, nhất là ở trong những truyền thống phương Đông. Nó là một phẩm tính quan trọng của nhân cách. Đến độ, nếu biết anh, chị là người có hiếu, tôi có thể kết luận ngay anh, chị là người tốt, hiền thiện và có hạnh phúc.
phapvo.jpg

Chúng ta trích hai đoạn trong Kinh Tăng Chi Bộ:

“Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường, những gia đình ấy được xem là giống Phạm thiên. Những gia đình nào cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường, những gia đình ấy được xem là giống như các bậc đạo sư thời xưa, giống như chư Thiên, giống như những bậc đáng được cúng dường.  Này các Tỳ kheo, Phạm thiên, các bậc đạo sư thời xưa, chư Thiên, những bậc đáng được cúng dường là đồng nghĩa với cha mẹ.  Vì sao thế ? Vì cha mẹ giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dạy và dẫn dắt các con vào cuộc đời này”. 


“Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được, đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm như vậy suốt đời, vừa xoa bóp hầu hạ, và dù cha mẹ có khạc nhổ, tiểu tiện, đại tiện trên đó, cũng chưa đủ đền ơn cha mẹ”.


Nhưng tiếc thay, ngày nay với một thế giới được vật chất hóa thay vì thiêng liêng hóa, đồ vật hóa thay vì giá trị hóa, lượng số hóa thay vì nhân tính hóa… phần đông chúng ta đọc Nhị thập tứ hiếu của Khổng giáo thì cảm thấy e dè, sợ sệt, thậm chí cho là kỳ dị, điên rồ. Chúng ta đã mất một thế giới thiêng liêng của tình cha con, tình mẹ con để thay vào đó một thế giới trần trụi với những ý niệm hời hợt vì bị hiểu sai: dân chủ, tự do, nữ quyền, bình đẳng…


Sau đây chúng ta sẽ đối diện với vài phản biện, vài nạn vấn về lòng hiếu của thời đại ngày nay.

 
Mắc gì tôi phải có hiếu với cha mẹ, tôi chỉ “sòng phẳng” thôi. Khi cha mẹ ăn ngủ với nhau, có nghĩ đến tôi ra đời đâu. Có khi cha mẹ còn sử dụng biện pháp tránh thai ngừa thai đối với tôi. Thậm chí như ở Trung Quốc, nếu tôi là đứa con thứ ba hay con gái, tôi sẽ bị “trục” ra ngoài.

Vâng, lòng hiếu đã mất không chỉ vì con cái, mà còn vì cả cha mẹ. 

Ngày xưa, cha mẹ khi ăn ngủ với nhau, không chỉ nghĩ đến lạc thú của mình mà còn nghĩ đến con cái, dòng họ, trời đất. Họ còn coi cả ngày tốt ngày xấu, ngày kiêng kỵ… Con cái đã có trong lòng cha mẹ từ thuở mới lấy nhau. Cũng từ đó, có cả việc dạy con từ khi còn trong bụng mẹ. 


Vâng, cha mẹ có thể “vô tình”, không đủ văn minh, không đủ hiểu biết khi bắt đầu có tôi. Và dù tôi có mặt ở đời này một cách vô tình đi nữa, thì sự mang nặng đẻ đau, nuôi tôi bú mớm, và sự chăm sóc cũng đủ để tôi mang ơn suốt đời. 


Rồi ai thức đêm, cho tôi từng ngụm sữa, làm vệ sinh cho tôi, ai xanh mặt khi tôi té, ai cõng tôi tất tả chạy đón xe khi tôi phải vào bệnh viện, ai mua cho tôi từng tập vở, gọt cho từng cây bút chì, ai lo cho tôi thi cử, ai cho tôi những lời khuyên nhủ khi tôi chọn bạn đời? Cho đến khi già, bạc tóc, dù tôi có ở hạng thấp nhất hay có địa vị cao nhất trong xã hội, tôi vẫn là đứa con của cha mẹ đấy thôi. 

Chúng ta luôn luôn là con của cha mẹ suốt cuộc đời trần thế này. Mỗi người, nếu không ai có thể kể hết về cuộc đời mình, thì cũng không ai có thể kể hết những gì cha mẹ đã làm cho mình, kể hết những gì mình đã có với cha mẹ. Bởi vì cha mẹ luôn luôn đứng bên cạnh hay sau lưng mình, cho tới khi ông bà ra khỏi cuộc đời này, cho tới khi chính chúng ta ra khỏi cuộc đời này. 


Nhưng cũng có người nói, khi tôi lớn lên, tôi thấy có những khác biệt, những xung khắc, tôi thấy rất nhiều những giới hạn, những khuyết điểm, những lỗi lầm của cha mẹ. Hình ảnh của cha mẹ không còn đẹp đẽ, lý tưởng như ngày tôi còn nhỏ nữa. Người nào có được những bậc cha mẹ là hình ảnh lý tưởng suốt đời cho con cái hẳn là những người rất có phước. 


Ngày nay, có rất nhiều cái thử thách lòng hiếu của chúng ta. Chẳng hạn, xã hội ngày nay cha mẹ dễ ly dị hơn, nếu một người mất, người kia dễ dàng bước thêm bước nữa. Rồi như ngày xưa, vì có hiếu với cha tôi, nhưng cha anh giết cha tôi, tôi phải trả thù. 


Chính trước những thử thách đầy dẫy này, chúng ta mới thấy lòng hiếu của Phật giáo có khác biệt với lòng hiếu Khổng giáo, bởi vì lòng hiếu Phật giáo nằm trong một lòng từ bi bao la hơn. Cha mẹ tôi có nhiều khuyết điểm, không thể thoát khỏi những hoàn cảnh ngặt nghèo của số phận, thì nếu có lòng từ bi, tôi vẫn giữ được lòng hiếu, thậm chí đậm đà thêm. 

Những giới hạn, những khuyết điểm lỗi lầm của cha mẹ - vì cha mẹ cũng chỉ là con người, là chúng sanh - khi được nhìn với lòng từ bi sẽ không làm mất mát lòng hiếu của tôi đối với họ. Bởi vì lòng hiếu chính là lòng từ bi được cục bộ hóa trong phạm vi cha mẹ, gia đình. Lòng hiếu mà không biết cội nguồn của nó là lòng từ bi sẽ trở thành cố chấp, đáng sợ. 


Nếu tôi biết thương kính cha mẹ tôi, tôi sẽ biết thương kính cha mẹ người khác. Nếu tôi có hiếu với cha mẹ tôi, dần dần tôi sẽ có hiếu với cha mẹ người khác. Hiếu là căn cứ để mở rộng lòng từ bi. 


Không thể nói hết về lòng hiếu chỉ trong một bài ngắn. Ở đây chúng ta bàn đến sự bảo vệ của lòng hiếu đối với mỗi người. 


Có những người chỉ vì nóng giận mà giết người. Nếu họ nghĩ đến ngày ra trước tòa án với đôi mắt cha mẹ đứng sau, họ đã không dám nóng giận đến như vậy. Lòng hiếu là không làm cho cha mẹ buồn khổ vì mình, chỉ riêng điều đó đã tránh cho chúng ta biết bao tội lỗi. Nếu biết nghĩ đến cha mẹ mình và cha mẹ người khác, có lẽ tội lỗi sẽ không có trên cuộc đời này nữa.

Và các thanh niên, nếu họ nghĩ đến cha mẹ mình và cha mẹ người khác, sẽ không có một số người cổ vũ cho “sống thử”, “tự do tình dục”... Không chỉ trong vấn đề tình dục, mà còn rất nhiều vấn đề làm hại đến thân thể chúng ta: ma túy, nhậu nhẹt, đua xe... 

Chúng ta không có quyền “tự do” sử dụng thân thể ta tùy thích, vì thân thể này không hoàn toàn là của chúng ta. Thân thể này không do chúng ta tự sinh ra nên chúng ta không có quyền làm gì tùy ý. Nếu có lòng hiếu, chúng ta dễ dàng nhận ra thân thể này là do cha mẹ mà có, sống được đến ngày nay là nhờ cha mẹ. Làm bất cứ điều gì đối với thân thể này chúng ta phải tự nghĩ cha mẹ có bằng lòng không, có buồn khổ không. 

Thành thử, trao thân dễ dàng, phá hoại thân thể dễ dàng (như ma túy, đua xe...), hay tự tử là những hành vi bất hiếu là vì vậy. Trái lại, làm cho thân tâm này càng ngày càng thêm tốt đẹp, sáng sủa là cách báo hiếu hiệu quả nhất, cao quý nhất mà chúng ta có thể làm để đền đáp đối với cha mẹ. 


Lòng hiếu là căn bản để anh em hòa thuận, có được hòa khí trong gia đình.

Rộng ra ngoài xã hội, nếu tôi có hiếu với dân chúng, tôi sẽ không tham nhũng, cửa quyền, ép bức để lấy lợi riêng cho mình. Người lãnh đạo cao minh là người có hiếu với dân chúng như các vua Lý, vua Trần….. Nếu tôi có hiếu với những người khác, tôi sẽ làm cho họ được thỏa mãn, an vui. 


Hướng thượng hơn nữa, nếu tôi muốn khi chết được về cõi Tây phương Tịnh độ, thì tôi phải có hiếu với Phật A Di Đà. Nếu tôi muốn khi chết được về cõi trời Đâu Suất, tôi phải có hiếu với Phật Di Lặc tương lai. 


Ngày nay, một thành ngữ thời thượng là “tạo ra sự khác biệt”. Đông phương có lòng hiếu để tạo ra sự khác biệt với Tây phương. Lòng hiếu là một sức mạnh căn bản để chữa lành những vết thương xã hội của thế giới hiện nay. Phục hồi được lòng hiếu, một phương diện đặc thù, gần gủi và cụ thể của lòng từ bi, chúng ta sẽ xây dựng được một nền tảng cho xã hội lành mạnh và bền vững trong phát triển. 


Lòng hiếu không phải là một bổn phận khắt khe bắt chúng ta làm một cách khó nhọc, không phải là những điều luật của luật pháp bắt chúng ta phải nghiêm ngặt dè chừng, một món nợ chúng ta phải trả. 


Lòng hiếu là một quyền lợi đem lại hạnh phúc cho chúng ta:

Vui thay kính dưỡng mẹ !
Vui thay kính dưỡng cha !
Vui thay kính dưỡng tăng !
Vui thay kính dưỡng thánh !
(Pháp Cú, Phẩm Voi)

Khi quyền lợi hiếu ấy trở nên bao la, hạnh phúc cũng bao la. Đó là khi chúng ta có hiếu với mọi chúng sanh, vì theo Phật giáo, mọi chúng sanh đều từng và sẽ là cha mẹ chúng ta trong dòng thời gian vô tận. Quyền lợi ấy càng trở nên bao la hơn nữa, càng hạnh phúc hơn nữa, khi chúng ta có hiếu với thiên nhiên, vì không có thiên nhiên thì cũng chẳng có sự sống của chúng ta. 


Hiếu với tất cả, đó là hạnh phúc khắp cả, hạnh phúc trọn vẹn. 


Lúc ấy mỗi chúng ta sẽ tự hát lên bài ca của đời mình: 

Hạnh phúc thay được làm người !
Hạnh phúc thay có lòng hiếu! 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày