Phụng sự Tam bảo đúng pháp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Vài năm trước, tôi phát tâm cùng mọi người tham gia xây dựng một ngôi chùa ở vùng đất mới với rất nhiều khó khăn. Sau khi chùa được xây dựng hoàn thành những hạng mục thiết yếu, chúng tôi đã cung thỉnh được thầy về trụ trì. Tuy nhiên thầy cũng bộn bề Phật sự nên không thường xuyên ở chùa. Khi thầy đi vắng, Phật tử chúng tôi phát tâm trông coi chùa.

Trong đó tôi là người gắn bó, ở chùa thường xuyên nhất, quán xuyến các việc trong ngoài. Duyên lành có một số Phật tử cúng dường tiền để làm những công trình phụ, tôi và các Phật tử trình báo lên thầy và tiến hành xây dựng. Vào những ngày rằm, ba mươi, lễ vía, tôi cũng mạnh dạn sử dụng tiền ở thùng công đức để sắm sửa hoa trái hương đèn cúng Phật và chi trả những khoản phí (điện, gas) của chùa.

Tôi làm việc này bằng tất cả sự thận trọng và thành tâm phụng sự Tam bảo (do thầy trụ trì đi vắng đã lâu và tôi cũng không có điều kiện để cúng dường). Gần đây, có người nói việc tôi sử dụng tiền công đức như thế là phạm giới trộm cắp của Tam bảo. Xin hỏi quý Báo, như vậy tôi có phạm giới trộm cắp của Tam bảo không?

(TRÍ ĐỨC, tinhoctd…@gmail.com)

Bạn Trí Đức thân mến,

Qua những trình bày ngắn gọn của bạn, chúng tôi không hiểu nhiều về các vấn đề thực tiễn của chùa. Tuy vậy, chúng tôi cũng cảm nhận được chùa tuy có thầy trụ trì và Phật tử nhưng không mấy gắn kết, cần nỗ lực từ nhiều phía mới hội đủ thiện duyên.

Trước hết là thầy trụ trì, vị trụ cột, lãnh đạo tinh thần cao nhất mà lại thường xuyên vắng chùa. Có thể do kiêm nhiệm trụ trì nhiều chùa, do Phật sự bộn bề, do đi học xa v.v… nhưng việc thầy trụ trì thường vắng mặt sẽ khiến cho chùa thiếu sinh khí tu học, trống vắng điểm tựa tinh thần.

Khi chùa đã có trụ trì thì ban hộ tự “kết thúc chức năng và nhiệm vụ được phân công”. Thầy trụ trì sẽ tùy duyên thành lập ban hộ trì Tam bảo hay giao việc chùa cho những người có khả năng. Trường hợp thầy trụ trì đi vắng trong thời gian dài (du học nước ngoài chẳng hạn), nếu có ban hộ trì để cùng nhau điều hành và thực thi Phật sự của chùa, hẳn có sự chung tay của nhiều người hơn. Mọi Phật sự do thầy trụ trì chỉ đạo từ xa, ban hộ trì bàn bạc và thi hành, sau đó họp tổng kết Phật sự và trình lên thầy trụ trì chứng minh. Nếu quản lý và điều hành ngôi chùa theo cách thức nêu trên thì khi thầy trụ trì vắng mặt, mọi người đều có cơ hội tham gia Phật sự và tránh được những sơ suất hay dị nghị đáng tiếc.

Trường hợp chùa của bạn, chúng tôi nghĩ rằng bạn đã dành nhiều thời gian, tâm nguyện để trông coi và tu học ở chùa nên không làm những gì sai trái với lương tâm, đạo đức của người Phật tử. Tài vật của chùa do bá tánh đóng góp, bạn đem phụng sự Tam bảo là hợp pháp và không phạm giới trộm cắp. Dĩ nhiên, những việc bạn làm ở chùa là do sự chỉ đạo hay đồng thuận của thầy trụ trì. Vấn đề ở đây là bạn trông coi chùa và thực hiện các Phật sự, trong đó có thu chi tiền công đức, dù có chỉ đạo riêng của thầy trụ trì mà các Phật tử khác không biết nên dễ xảy ra chuyện có người không hoan hỷ, lời ra tiếng vào.

Bạn hãy tự vấn lương tâm của mình, nếu trong sạch trong việc sử dụng tiền công đức thì không ngại gì trước những nghi ngờ, bàn tán. Nếu cần, bạn nên thỉnh thầy trụ trì có tiếng nói để mọi người an tâm. Cần nhất là chùa nên lập ban hộ trì Tam bảo để có nhiều người chung lo Phật sự, nhờ đó mọi vấn đề được minh bạch, khách quan hơn. Người Phật tử hộ trì Tam bảo, phát tâm làm Phật sự cần thảnh thơi, hoan hỷ mới thành tựu công đức. Thiết nghĩ, đây cũng là một bài học quý giá về phụng sự mà bạn cần lưu tâm, kinh nghiệm.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày