Phương thuốc diệu kỳ

GN - Chuyện xảy ra đã hơn 30 năm rồi. Hồi đó, tôi công tác tại một tỉnh miền Tây (Nam bộ), xa nhà gần 700km nên ít có dịp về thăm gia đình. Mãi đến khi vợ sinh con trai đầu lòng được ba tháng, đơn vị mới giải quyết cho tranh thủ về mấy hôm để thăm nhà và đăng ký khai sinh cho con. Ngồi trên chuyến xe đò mà lòng luôn thổn thức, tâm trạng bồn chồn, chỉ mong sao đoạn đường nhanh chóng thu ngắn lại. Đến nhà, vừa bước vào cửa, tôi hồi hộp đứng sững khi nhìn sinh linh bé bỏng, miệng chúm chím ngậm bầu sữa và mỉm cười bình an, hạnh phúc dâng tràn khó tả.
chudaibi.jpg

Thời gian ngắn ngủi bên vợ con, tôi mới hiểu phần nào nỗi truân chuyên nuôi con vất vả. Có một chuyện do vợ tôi kể lại khiến tôi không thể nào quên, đó là “phương thuốc diệu kỳ” nơi cửa thiền đã cứu con trai khỏi căn bệnh hiếm gặp.

“Lúc con mới được một tháng rưỡi, bỗng nhiên khóc nhiều về ban đêm và suốt ngày không chịu bú. Ông bà ngoại thay nhau tìm thuốc Nam có sẵn trong vườn sắc lọc cho cháu uống nhưng vẫn không có chuyển biến gì. Sáng hôm sau, em cùng bà ngoại bế con đón xe lên bệnh viện. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận không sốt, chưa phát hiện dấu hiệu của bệnh lý nên yêu cầu tạm thời nhập viện để theo dõi.

Gần hết ngày, tình trạng của con vẫn không thay đổi khiến em vô cùng lo lắng. Đúng lúc đó, một bà trạc 60 tuổi đang chăm sóc người thân ở đấy, kéo em ra phía trước hành lang, ghé tai nói khẽ: ‘Bác sĩ bảo bé không có bệnh, nhưng hay khóc về đêm và bỏ bú là có vấn đề, cháu nên đưa bé lên chùa gần đây, nhờ thầy giúp cho’.

Thế rồi chập tối, em và bà ngoại lẳng lặng bế con rời bệnh viện, đi bộ đến ngôi chùa ấy cầu xin cứu giúp và thật may gặp được thầy. Sau khi ân cần hỏi han, biết rõ sự tình, thầy nhẹ nhàng bảo không hệ trọng đâu, thầy sẽ giúp cho. Rồi thầy ra sân chùa hái mấy ngọn nút áo (thứ rau thường nấu canh, ăn rất mát - NV) giã nát rồi lấy mấy giọt cho bé uống, đồng thời xoa nhẹ bàn tay lên đầu bé và niệm chú Đại bi. Niệm chú xong, thầy bảo bà cháu mẹ con về nhanh kẻo trời tối, sương xuống dễ bị cảm lạnh.

Nghe thầy nói “giúp xong” mà trong lòng em vẫn băn khoăn nhưng cũng vâng lời bế con từ biệt. Anh biết không, mới đi được chừng 500 mét, bé bỗng khóc ré lên và chúi đầu vào ngực mẹ đòi bú. Bà ngoại bảo em vào quán bán sữa đậu ven đường mua thêm ly sữa uống để có sữa cho bé bú. Thật lạ, nó bú một hơi cạn hai bầu sữa, em và bà ngoại tiếp tục đi tới nhà đứa cháu gái gần đó nghỉ lại qua đêm. Sau khi bú no nê, con nằm chơi, chúm chím cười, hóng chuyện rồi ngủ một giấc đến sáng - không khóc, không quấy như mấy bữa trước. Về nhà cũng vậy…”.

Hơn 30 năm đã trôi qua, con trai tôi nay đã lập gia đình nhưng với vợ chồng tôi, “phương thuốc diệu kỳ” của thầy đã trở thành kỷ vật, là tài sản vô giá luôn khắc sâu vào tâm khảm chúng tôi đến trọn đời. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày