“Phượt” theo kiểu... con nhà Phật

GN - Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, là bài học, là cơ hội để an yên và lớn hơn thêm chút nữa.

Năm nào cũng vậy, tôi và bạn bè tạo cho nhau có những chuyến đi đầu năm đến thăm viếng các ngôi chùa trong hành trình mà Phật tử hay gọi là “hành thương thập tự đầu năm”.

PGTT.jpg


Phật tử trẻ "phượt" đầu năm - tới chùa trong niềm hoan hỷ - Ảnh: N.D

Chuyến đi được chúng tôi thực hiện vào ngày 28-2-2015 (nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng năm Ất Mùi), giới trẻ chúng tôi gọi là đi “phượt”, nhưng “phượt” của Phật tử trẻ đặc biệt hơn - đó là chỉ ghé chùa. Chuyến đi có đích đến nhưng hành trình là tự nhiên, đến đâu hay đến đó, có duyên thì mình ghé vào.

Năm nay, cũng là hành trình đến những chùa từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu. Chuyến đi không quá vội vã, hay phải đạt “chỉ tiêu” đủ chùa. Đi để chiêm ngưỡng cảnh chùa đầu năm, đảnh lễ Tam bảo, để được trải lòng và cùng nghe những câu chuyện đời, đạo của quý thầy cô nơi mỗi chùa mình có duyên ghé qua.

Có những ngôi chùa nho nhỏ nép mình dưới những tán cây cao vút, từ đường quốc lộ chạy vào phải vòng vèo qua những tuyến đường quanh co, những ruộng mì, ruộng lúa và cây cối xanh um.

Nằm khép mình dưới những tán cây xanh lớn và yên tĩnh đó là chùa Quang Minh ở Đồng Nai, khi thấy có Phật tử viếng chùa, vị sư phụ trách với gương mặt tươi và nụ cười hiền, chào chúng tôi và hướng dẫn thắp nhang cúng Phật, rồi sư khen, “các con còn trẻ mà biết đi chùa như vậy là rất đáng quý”. Rồi sư bảo, các sư ở chùa tu học cũng chỉ là để giữ chùa cho các con - là lớp Phật tử kế thừa, chứ chùa đâu phải của các sư, chùa là của Phật tử. Rồi sư cười hoan hỷ và kể về chuyện tu tập ở chùa cho chúng tôi nghe.

Cũng nằm cách xa đường quốc lộ, ngôi chùa Bửu Nghiêm (Long Thành, Đồng Nai) với các công trình đang xuống cấp, chùa đặt đá xây dựng từ tháng 3-2014 nhưng đến nay vẫn chưa đủ kinh phí xây dựng.

Đón tiếp chúng tôi trong niềm hoan hỷ, Sư cô Huệ Hải bảo: “Tết mà thấy có những bạn trẻ như tụi con chịu đi chùa là cô mừng lắm”. Cô đãi chúng tôi bình trà nóng và những đặc sản của chùa do chính tay sư cô làm, với món me ngào đường, mứt đậu trắng, mứt gừng… và không thể thiếu đó là món dưa hấu. Cô kể, có chú Phật tử bán dưa năm nay ế quá, mà gần Tết rồi đâu có nhà Phật tử nào mua nhiều dưa, nên chùa mua giúp chú mấy chục ký, nên từ Tết giờ toàn ăn dưa là dưa.

Hay như cuộc gặp gỡ Sư cô Tịnh Pháp tại Tịnh An Lan Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu), cô là người Việt qua Canada được 20 năm, cô biết đạo qua phương pháp thiền và xin phép gia đình tu tập thử, thấy thích và xin xuất gia. Sư cô chia sẻ, “tại vì cô thích thiền của Phật  giáo nên cô xuất gia”; rồi cô bảo do bản tính con người ta hay nhìn ngó ra bên ngoài mà ít khi nhìn vào chính mình, bản thân mình. Thiền giúp cô quay lại nhận diện rõ mình hơn, thấy mình rõ hơn, vì thế mà cô chọn pháp môn thiền để hành trì.

Ấn tượng với chúng tôi có lẽ là khóa thiền tọa vào sáng sớm tại chùa Hạnh Nghiêm (Bà Rịa). Trong không gian lạnh và yên ắng của sáng sớm, mọi người nhẹ nhàng thong thả từng bước chậm rãi vào chánh điện lễ Phật và an tọa hòa cùng quý sư cô trong không gian thiền buổi sáng.

Thật sự, lâu lắm rồi những người trẻ như chúng tôi mới có dịp được “thở” một cách nhẹ nhàng không vướng bận như vậy. Những cơn gió lao xao bên ngoài chánh điện làm những chiếc lá xào xạc, nhưng con người ở bên trong thiền đường thì vẫn an yên trong từng hơi thở vào ra khỏe, nhẹ.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi nghĩ những chuyến đi, những trải nghiệm, những tu tập là cần thiết cho những tươi mới và bình an khi quay về với những lo toan bộn bề trong cuộc sống, hẹn vào một dịp thật gần sẽ lại “phượt”, để về chùa ngồi nghe gió hát, chuông ngân, tập thở, tập đi vững chãi trên thực địa nhiệm mầu này...
Nhã An

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày