Quà Tết - đôi điều suy ngẫm

Quà Tết - đôi điều suy ngẫm

GN - Trong giờ nghỉ giải lao giữa hai tiết học, tình cờ tôi có ngang qua một đám học trò, đang bàn tán xôn xao về việc tặng quà Tết cho giáo viên. Mỗi đứa học trò với nhiều cách nghĩ khác nhau, nhưng đứa nào cũng lộ vẻ háo hức, mong đợi.

Chợt tôi có nghe vài câu nói của một đám học trò khiến tôi cảm thấy có gì đó nặng trĩu: “Tao sẽ nói mẹ tao mua một món quà thật giá trị, để tao tặng thầy nhân dịp Tết này, như thế thầy sẽ quan tâm đến tao nhiều hơn, và sẽ cho tao vào đội ngũ bồi dưỡng kỳ tới”. Đứa khác thì bảo: “Ối dào, tao thì theo truyền thống, mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Mồng ba Tết tao sẽ nói bố mẹ tao đến mừng tuổi thầy với chiếc phong bì mừng tuổi, là tao yên tâm qua môn của thầy rồi”… Và những đứa học trò khác xung quanh nghe bạn nói thế cũng tỏ vẻ “đăm chiêu” lắm.

Mỗi dịp Tết đến xuân về cũng là dịp các em chộn rộn với những ý nghĩ mừng tuổi thầy cô, quan tâm đến thầy cô nhân dịp năm mới. Điều này là một nét đẹp truyền thống của dân tộc ta, thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Song bên cạnh đó vẫn tồn tại một số ý nghĩ tiêu cực.

Tôi có đứa cháu học cấp ba, về nhà nằng nặc xin tiền mẹ nó: “Mẹ phải cho tiền con mua một món quà gì đó thật đắt, con sẽ đến chúc Tết thầy cô giáo. Năm cuối cấp con muốn các thầy cho con “qua” hết mấy môn phụ để con tập trung ôn tập môn chính, để con yên tâm thi đại học”. Chị tôi thở dài. Tôi nghe mà thấy chạnh buồn.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, không phải vật chất, tiền bạc là có thể đánh đổi và mua mọi thứ. Các em học sinh cứ nghĩ rằng, dùng tiền, dùng quà cáp có thể mua điểm, “mua lòng” của các thầy cô giáo, để thầy cô giáo cho qua, và quan tâm đến mình nhiều hơn. Đó cũng là một trong những hình thức chạy theo thành tích, đeo bám trong suy nghĩ của các em.

Thời buổi hiện đại, chỉ cần một tin nhắn, một cú điện thoại là các em cũng có thể mang lại niềm vui cho giáo viên của mình rồi, bởi quan tâm có nhiều hình thức. Chứ đâu cần gì đến quà cáp, vật chất, vì đó là tiền mồ hôi của cha mẹ làm ra chứ các em làm gì mà có tiền.

Và cũng không phải quà cáp, phong bì là thầy cô mới thể hiện sự quan tâm đến với các em. Tôi có dạy hợp đồng cho một trường cấp hai, vùng ven biển. Cuộc sống ở đó rất khó khăn, thậm chí đi học mà các em trong lớp nhiều khi thiếu sách giáo khoa, tôi phải đi photo để các em có tài liệu mà học. Phụ huynh các em đa số làm nghề biển, có khi dạy suốt một học kỳ mà tôi vẫn chưa thấy bóng dáng của một phụ huynh nào.

Có những em nhà nghèo nhưng học giỏi, tôi đều tạo điều kiện cho các em đó, và đều quan tâm hết mức có thể. Nhiều lúc, ngày 20-11 các em cũng thờ ơ, học xong về ra biển phụ giúp bố mẹ, một lời chúc chúng tôi cũng không nhận được, chứ nói gì quà cáp. Nhưng điều đó chẳng thành vấn đề, quan trọng là các em chăm học, chăm làm là chúng tôi vui rồi.

Trong cuộc sống, nhất là trong lứa tuổi học đường, có nhiều cách để thể hiện tình cảm của mình dành cho thầy cô giáo, chứ không nhất thiết phải dùng tiền bạc, quà cáp. Tôi thầm ao ước, trong những ánh mắt trong trẻo, những nụ cười hồn nhiên đó không có vết hằn của vật chất, của những suy nghĩ vụ lợi, chạy đua với bạn bè, với từng cột điểm. Nếu các em học tốt, thì đó sẽ là món quà dành cho thầy cô của mình rồi. Trong sâu thẳm trái tim của mỗi người thầy, người cô đều luôn mong muốn các em nên người, là con ngoan trò giỏi, để cha mẹ, thầy cô vui lòng. Và các em đừng làm mất đi nét đẹp của người giáo viên, đằng sau những suy nghĩ về vật chất, về biếu xén mỗi dịp Tết đến xuân về.

Cách đây vài năm, khi tôi còn là học sinh, mỗi khi đến thăm thầy cô, cả tập thể lớp đều kéo đến, mỗi đứa góp vài ngàn đồng để mua một bó hoa đến tặng cô, rồi ở lại nhà cô chơi. Đông học trò quá, cô phải chạy sang nhà hàng xóm mượn cái nồi to tướng, gọi mấy đứa học sinh nam để sang khuân về, rồi nhóm lửa. Mỗi đứa làm một việc, nhưng sau đó cũng có một bữa cơm đạm bạc, mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái mùi thơm phức của muối mè cháy đượm ngày hôm đó. Hàng ổi phía sau nhà cô đều bị tuốt sạch, trơ trụi toàn lá. Hàng xóm chỉ nhau cười, “nhất quỷ nhì ma…” mà. Sau này ra trường, mỗi khi dịp Tết đến, về thăm thầy cô, gốc ổi già nua vẫn còn đó, và bao nhiêu kỷ niệm chợt ùa về, mà lòng thấy vui.

Ngày hôm nay, cuộc sống đầy đủ, vẫn còn đâu đó vài trường hợp, nhiều em đến nhà thầy cô giáo chơi, tặng quà, cùng nhau chào cô rồi… lẳng lặng ra về. Và việc đến thăm thầy cô giáo không còn gì gọi là xuất phát từ tình cảm của trò dành cho thầy nữa, các em vô tình biến những nét văn hóa truyền thống thành một “nghĩa vụ” để được sự “quan tâm” của các thầy cô giáo, khi ngồi trên ghế nhà trường. Mong sao các em đừng đánh mất hình ảnh đẹp về người thầy, mái trường chỉ vì những cách nghĩ lệch lạc về cuộc chạy đua theo quà cáp...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

[Video] Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn có lời chào mừng đến các vị đại biểu, chư vị khách quý; đồng thời nêu ý nghĩa của Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024. Trưởng lão Hòa thượng cho biết năm 2024 là năm thứ hai thực hiện Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX...
Chư Tăng Ni chỉ chuyên tâm tu học và làm các Phật sự mà thôi - Ảnh minh họa

Chư Tăng có thể đi làm việc ngoài xã hội không?

GNO - Tôi thấy ở nước ngoài, các tu sĩ Phật giáo vẫn đi ra ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và học hành. Vậy ở nước ta, các thầy có được phép ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp để làm việc không?

Thông tin hàng ngày