Đức Phật giáo dục (dạy dỗ) đệ tử, không dùng đến biện pháp
la mắng đánh đập, cũng chả cần dùng đến cách cự tuyệt, quở trách - Ảnh minh họa
Đức Phật thuyết Pháp, trải qua 49 năm ròng rã, giảng kinh hơn 300 hội(1), đã từng giảng dạy, hành hóa khắp các thành thị Ấn Độ. Những chân lý vũ trụ nhân sinh mà Ngài miệt mài trao truyền, được dẫn giải qua truyện bổn sinh(2), thí dụ(3), nhân duyên (4), trường hàng(5), trùng tụng(6) v.v…, tất cả là những lời khuyên bảo với nội dung sâu sắc, lời lẽ dễ hiểu. Mười hai phần giáo(7), Tam chuyển pháp luân(8), Tứ tất đàn(9) của Đức Phật đều là cách nói pháp theo lối đại chúng hóa. Giáo dục của Đức Phật rộng lớn, sâu sắc, đa dạng. Có khi lấy sự tự tại biến hóa của thần thông(10) để nói Pháp; có khi lấy lục căn(11) hỗ dụng, dương mày nhíu mắt, nhấc tay giơ chân để truyền tâm. Với Đức Phật, muôn vật trong thế gian này không thứ nào không phải pháp môn ngộ đạo, không một thứ gì không phải đề tài giáo dục.
Đức Phật giáo dục (dạy dỗ) đệ tử, không dùng đến biện pháp la mắng đánh đập, cũng chả cần dùng đến cách cự tuyệt, quở trách, phần lớn Ngài đều dùng phương thức cử thí (nêu ra ví dụ) hoặc khích lệ, để đệ tử biết được đời người tốt lành, từ đó mà không làm tổn thương đến danh dự của họ. Khả năng đặc biệt nhất của Đức Phật là biết quan sát căn cơ của từng đối tượng mà dụ dẫn dạy bảo. Với người già cả thì nói Pháp người già, với trẻ em thì nói Pháp trẻ em, với thương nhân thì nói Pháp thương nhân, với quân nhân thì nói Pháp quân nhân. Đức Phật “ứng cơ thí giáo, đối chứng hạ dược”, giáo dục ấy không chỉ khế hợp chân lý “Pháp nhĩ như thị” (Pháp vốn như vậy), đồng thời còn khơi gợi “tự ngã giáo dục” (tự giáo dục), như thiên kinh vạn luận đều hướng dẫn đại chúng cách phát hiện tự tính, tự yêu cầu, tự giải thoát.
Đức Phật rất chú trọng giáo dục tự tâm. Các ví dụ về tâm trong kinh Phật cho thấy là nhiều vô số kể, cụ thể như: Tâm như khỉ vượn khó có thể kiểm soát; tâm như nháy mắt ánh chớp (sát-na/ksana); tâm như con nai hoang rong ruổi thanh sắc; tâm như bọn trộm cắp, cướp giật công đức; tâm như oan gia thân phải chịu khổ; tâm như kẻ tôi tớ phải gánh chịu nhiều phiền não; tâm như quốc vương có thể chơi tửu lệnh; tâm như nước suối chảy mãi bất tận; tâm như họa sĩ vẻ tranh ảnh; tâm như hư không rộng lớn vô biên… Đức Phật thuyết pháp, hoàn toàn nhắm vào việc “trị tâm”, cho nên nói: “Phật nói tất cả pháp, để trị tất cả tâm; nếu không có tất cả tâm, cần gì dùng đến tất cả pháp?”(12). Nay tóm nêu mấy phương pháp giáo dục của Đức Phật như sau:
1- Mọi người đều nhận được sự giáo dục như nhau (hữu giáo vô loại): Đức Phật không chỉ nói đạo lý về xử lý việc chính sự cho người vừa có tiền lại có quyền như vua Tần Bà Sa La(13) (Bimbisara), mà còn nói cảnh giới ngộ đạo cho Thủ-đà-la (Sudda) Ưu Bà Ly(14) (Upali); không chỉ nói pháp duyên khởi cho những người có lợi căn (căn tính nhạy bén) như Xá Lợi Phất (Sariputra), mà còn nói pháp môn tịnh hóa tâm linh cho những người có thuần căn (căn cơ chậm lụt) như Châu Lợi Bàn Đà Già (Cudapanthaka); không chỉ khiến cho những người vô tham như Đại Ca Diếp (Kasyapa) xuất gia, mà còn khiến những người đại tham như Nan Đà (Nanda) vào đạo; không chỉ nói pháp cho những nam giới có trí, mà còn khai thị cho những nữ giới ngu muội; chẳng những ngợi khen phu nhân Mạt Lợi (Mallika) trinh tiết, mà còn động viên cô gái Liên Hoa Sắc (Utpalavarna) dâm đãng. Đức Phật giáo dục chúng sinh, không phân nghèo giàu quý tiện, không từ kẻ trí người ngu hay cơ lợi tính thuần, Ngài đều giúp đỡ, giáo hóa trên tinh thần bình đẳng không phân biệt.
2- Dạy dỗ không biết mệt mỏi (hối nhân bất quyện): Đức Phật không vì chúng sinh lì lợm, ương bướng mà quăng bỏ chúng, trái lại diễn thuyết vô lượng pháp môn, làm lợi ích chúng sinh. Ví như người anh em họ của Đức Phật là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) nhiều lần mưu hại Đức Phật, nhưng Đức Phật không những không có oán hận, mà còn giáo huấn và cảm hóa một cách độ lượng; ngoại đạo Chỉ Man (Ương Khuất Ma La/Angulimalya) được Đức Phật dùng từ bi cảm hóa nhiếp phục, cuối cùng quy y Phật giáo; với sự cống cao ngã mạn của vua Thiện Giác (Suprabuddha), Đức Phật đã không từ nan đưa ra ví dụ, khiến nhà vua giác ngộ; trước khi Đức Phật ‘thị tật’ (bị bệnh) vẫn thuyết pháp cho vị ngoại đạo Tu Bạt Đà La (Subhadra) hơn 100 tuổi, đủ thấy Ngài là nhà giáo dục không biết mệt mỏi.
3- Phương tiện thiện xảo: Đức Phật mượn ‘giấy gói đàn hương’ và ‘dây buộc cá’, để nói với đệ tử về đạo lý “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”; Đức Phật dùng chậu nhơ không thể chứa được nước pháp trong sạch, nhằm giáo dục La Hầu La (Rahula), từ đó làm cho La Hầu La giác ngộ; Đức Phật dùng lời kệ “Con người phải luôn nhớ nghĩ rằng, mỗi khi ăn uống nên biết điều độ, như thế các vị thức ăn sẽ dần nhạt đi, sau khi nhạt loãng, thì mỡ trên cơ thể tự nhiên sẽ ít lại, trong lòng cũng cảm thấy an nhàn vui vẻ từ đó mà được sống lâu hơn”(15), khiến vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) hiểu rõ nguyên lý làm cho sức khỏe dồi dào. Lại nữa, Đức Phật dùng “hướng phong trịch thổ” (16), nói rõ người có ác ý hại người, quả báo rồi cũng tự mình gánh chịu; “mang quy phù mộc”(17), nói rõ nhân thân khó được; “tùng khẩn trung đạo” (chùng căng trung đạo), nói rõ tu hành cũng như việc lên dây đàn, không nên chùng mà cũng chẳng nên căng; “lưỡng quỷ tranh thi”(18) (hai con ma giành giật xác chết), nói rõ chân lý vô ngã… Loạt ví dụ này, đều là do Đức Phật dựa vào cá tính, hứng thú, nhu cầu của chúng sinh, dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa, phát huy nghệ thuật cao nhất trong việc dạy học.
4- Lấy mình làm gương (dĩ thân tác tắc): Việc giáo dục lấy mình làm gương của Đức Phật thì chúng ta có thể thấy rải rác khắp trong các kinh điển, như Đức Phật từng xe chỉ luồn kim giúp cho Tỳ-kheo (Bhikkhu) già cả bị lù lòa, cho thấy Ngài đã gương mẫu thể hiện tình thương yêu, lòng từ bi vô hạn; Đức Phật tự tay gột rửa những ô uế trên thân thể của Tỳ-kheo mắc bệnh, lấy việc làm cụ thể của bản thân mình thay cho những lời giáo huấn; Đức Phật “khiêng quan tài phụ thân”, đưa tang phụ vương, nói rõ trọng điểm của đạo hiếu ở đời; Đức Phật “ngồi đường giữa trưa”, nói với vua Lưu Ly (Veluriya) đạo lý yêu nước “bóng mát che chở của họ hàng thân thuộc là bóng mát che chở vững chãi hơn cả”… Tất cả điều này đều là những việc cụ thể mà Đức Phật đã lấy mình làm gương.
5- Lấy độc trị độc (dĩ độc công độc): Đôi khi “lấy độc trị độc” cũng là một trong những phương pháp giáo dục của Đức Phật. Ví dụ Đức Phật lấy cái lý (cách/biện pháp) của một ai đó, để trị lại ai đó (dĩ kỳ nhân chi đạo, hoàn trị kỳ nhân chi thân), giáo hóa quỷ tử mẫu(19), khiến nó ăn năn hối cải lỗi lầm trước kia, trở thành thần thủ hộ (bảo vệ) của các cháu thiếu nhi; Đức Phật dạy mẫu thân của đứa bé đã chết đến nhà người ta dự viếng tang sự tìm lấy cỏ cát tường, cuối cùng khiến bà giác ngộ đạo lý vô thường.
6- Lấy xưa chứng nay (dĩ cổ chứng kim): Mượn các tích xưa của Đức Phật như “cắt thịt hiến cho chim ưng”, “xả thân nuôi hổ”, cho đến “chim oanh vũ dập lửa”, “lông của nai có chín màu sắc” (cửu sắc lộc)…, đều do Đức Phật chứng đạo bằng chính nỗ lực của bản thân, để dẫn dắt, gợi ý tinh thần tự lợi lợi tha.
Ngoài sáu phương pháp đã được khái quát, trình bày một cách cô động trên, còn có các phương pháp giáo dục khác, cụ thể như “tùy hỷ công đức”, “hằng thuận chúng sinh”, “phước huệ song tu”, “giải hành bính trọng” (trí giải và tu hành đều được coi trọng ngang nhau).
Tư tưởng giáo dục và phương pháp giáo dục trong Phật pháp, thực sự rất đáng được chúng ta xem như là chỉ nam (căn cứ để nhận rõ phương hướng) của giáo dục. Các kinh luận Phật giáo, đều là cách hướng dẫn, chỉ bảo chúng sinh làm thế nào để thân, khẩu và ý của con người trở nên đúng đắn, hài hòa, và trọn vẹn nhất, làm cho chúng sinh buông bỏ mọi thói hư tật xấu như tham lam, sân hận và si mê, từ đó mà có thể thay tâm đổi tính, sống một cuộc đời lành mạnh, tự tại và an vui.
HT.TINH VÂN - NGUYỄN PHƯỚC TÂM dịch
(Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, NXB.Từ Thư Thượng Hải, tr.118-122)
_________________________________
(1) Hình dung số lần thuyết pháp của Đức Phật là rất nhiều.
(2) Chủ yếu ghi lại các câu chuyện về quá khứ trú tại thế gian của Đức Phật. Để hành đạo Bồ-tát, Ngài đã biến hóa ra nhiều thân hình và thân phận khác nhau.
(3) Nhằm khiến con người có thể dễ dàng lý giải nội dung ý nghĩa của giáo thuyết, mà đã sử dụng các ví dụ thực tế hoặc chuyện ngụ ngôn để tiến hành thuyết minh, gọi đấy là thí dụ.
(4) Ghi lại nhân duyên Đức Phật thuyết pháp giáo hóa, giống như tự phẩm (kiểu bài tựa) của các kinh văn.
(5) Một trong những thể tài kinh Phật là thể văn chương không bị hạn chế số chữ. Nay nay gọi là tản văn.
(6) Còn gọi là ứng tụng, tương ứng với khế kinh (căn cơ khế hợp với chúng sinh, đồng thời kinh văn khế hợp với chân lý, gọi là kinh Phật - từ này thấy trong Phật học thường kiến từ hối - Từ điển điện tử), là dùng kệ tụng lặp lại nhằm làm rõ giáo pháp được trình bày trong khế kinh.
(7) Là giáo pháp mà Đức Phật thuyết giảng, y cứ vào hình thức và nội dung trình bày chia làm mười hai loại. Còn gọi là mười hai bộ kinh, mười hai phần thánh giáo, mười hai phần kinh.
(8) Còn gọi là ba chuyển mười hai thuyết. Sau khi Đức Phật thành đạo, đầu tiên Ngài đến vườn Lộc Dã (Mrgadava) ba lần tuyên thuyết pháp Tứ đế, độ năm vị Tỳ-kheo, cho nên cũng gọi là tam chuyển pháp luân. Một là, thị tướng chuyển: Đây là khổ, tính bức bách; đây là tập, tính chiêu cảm; đây là diệt, tính khả chứng; đây là đạo, tính khả tu. Hai là, khuyến tu chuyển: Đây là khổ, các ngươi nên biết; đây là tập, các ngươi nên đoạn; đây là diệt, các ngươi nên chứng (lĩnh hội); đây là đạo, các ngươi nên tu. Thứ ba, tự chứng chuyển: Đây là khổ, ta đã biết; đây là tập, ta đã đoạn; đây là diệt, ta đã chứng; đây là đạo, ta đã tu.
(9) Giáo pháp mà Đức Phật hướng dẫn giáo hóa chúng sinh chia làm bốn phạm trù (bốn tiêu chuẩn về sự thật - theo cách hiểu của Thích Nhất Hạnh), gồm thế giới tất đàn, vị nhân tất đàn, đối trị tất đàn và đệ nhất nghĩa tất đàn.
(10) Là chư Phật Bồ-tát, nương tu định tuệ lực mà thị hiện diệu dụng tự tại vô ngại, tổng chia sáu loại: Thần túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, và lậu tận thông.
(11) Chỉ sáu cơ quan cảm giác, gồm nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, và ý căn.
(12) 佛說一切法,為治一切心; 若無一切心,何用一切法? (Phật thuyết nhất thiết Pháp, vi trị nhất thiết tâm; nhược vô nhất thiêt tâm, hà dụng nhất thiết Pháp?).
(13) Là vua nước Ma-kiệt-đà (Magadha) thuộc thời đại Đức Phật, cùng với phu nhân Vy Đề Hy (Vaidehi) đã quy y Đức Phật, cúng dường Tăng-già, hộ trì Phật giáo, là đệ tử đầu tiên của Đức Phật trong hàng vua chúa.
(14) Một trong mười vị đệ tử lớn của Đức Phật, vốn là thợ cắt tóc trong vương cung Thích Ca (Sakya). Lúc Đức Phật về quê, theo Đức Phật xuất gia. Sau do giữ giới nghiêm túc, nên gọi là “trì luật đệ nhất”.
(15) 人當自繫念,每食知節量,是則諸受薄,安消而保壽。(Nhân đương tự hệ niệm, mỗi thực tri tiết lượng, thị tắc chư thọ bạc, an tiêu nhi bảo thọ).
(16) Một hôm nọ, Đức Phật đến thành Xá-vệ (sravasti) khách thực, trên đường có một Bà-ma-môn xông tới đùng đùng chửi mắng Đức Phật, Đức Phật vẫn bình thản tiến bước như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Điều đó khiến vị Bà-la-môn này càng thêm căm phẫn. Ông ta bèn cúi xuống vốc lên một nắm đất bùn ném thẳng về hướng Đức Phật. Kết quả, nắm đất mà Bà-la-môn cố tình ném Đức Phật lại bị gió thổi ngược lại, thế là từ đầu đến mặt của Bà-la-môn ấy dính đầy bùn đất. Điều này muốn nói lên rằng, nếu lấy tâm sân hận để hại người, thì sẽ tự mình gánh chịu hậu quả, hệt như có ác ý vốc đất ném người, thì đúng lúc bị nghịch gió thổi ngược lại, làm dơ bẩn chính mình.
(17) Trong kinh Tạp A-hàm (Samyuktagama) quyển 16 ghi chép: Nói với các Tỳ-kheo, như trong biển cả mênh mông có một con rùa mù, sống lâu vô lượng kiếp, trăm năm mới ngóc đầu lên một lần, lại có một cây gỗ nổi trôi, trong thân cây chỉ có một cái lỗ, phiêu dạt lênh đênh, lúc Đông lúc Tây. Vậy rùa mù ngóc đầu tìm cây và chui vào cái lỗ có dễ dàng không? Rõ ràng là khó mà gặp được, bởi rùa bị mù lòa, biển cả mênh mông vô định, cây ấy lại theo hướng gió, chiều nước mà thay đổi không chừng. Cũng vậy, kẻ phàm trôi nổi trong biển năm thú mà tái sinh được thân người mới thật là khó hơn rùa gặp thân cây gấp mấy lần.
(18) Thí dụ hai con quỷ, một to một nhỏ, cùng nhau giành giật thi thể, thuyết minh thân người vốn là hình tượng hão huyền giả hợp, nếu như chúng ta cứ tính toán, chấp vào hình tướng bên ngoài, rồi cho rằng đây là quan niệm của tôi, đây là quyền lợi của tôi, đây là… của tôi. Hữu ngã là cội nguồn của khổ đau; vô ngã, mới là phương thuốc kỳ nghiệm giải quyết vấn đề.
(19) Vốn là vợ của ác thần, sinh được 500 đứa con, do kiếp trước phát tà nguyện, muốn ăn thịt tất cả trẻ con trong thành Vương-xá (Rajagrha), Đức Phật muốn răn dạy, nên đã phương tiện bắt giấu một đứa con cưng của bà ta, quỷ tử mẫu vì thế đã khổ đau thống thiết. Đức Phật nhân đó mà dạy rằng: “Ngươi yêu thương con cái của ngươi, người khác cũng yêu thương con cái của họ vậy!” Qủy tử mẫu nghe xong, liền quy y Phật, và rồi sau đó đã lập thệ nguyện làm thần bảo vệ cho các em bé.