GN - Vừa qua, Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM đã hoàn thành sơ bộ công tác thống kê Tăng Ni, tự viện TP.HCM năm 2014. So sánh số liệu thống kê từ lần thống kê gần đây nhất (năm 1997), số tự viện tăng thêm 445 ngôi, số lượng Tăng Ni tăng lên 2.784 vị (chưa thể thống kê số am, cốc, tịnh thất đang hiện diện và số lượng Tăng Ni ở ngoài tự viện).
Với sự phát triển theo chiều hướng tăng nhanh ở TP.HCM, từ lâu công tác quản lý Tăng Ni, tự viện đã có những vấn đề phát sinh tại địa phương. Phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM xoay quanh các vấn đề này. Hòa thượng cho biết:
- Tôi cũng giật mình vì con số thống kê này, nhưng theo tôi, sự phát triển này là nhanh nhưng không bất thường. Bởi, TP.HCM là thành phố lớn của cả nước, chùa chiền nhiều, Tăng Ni cũ và mới xuất gia tập trung đông. TP.HCM là thành phố có nhiều trường Phật học, nhiều trường đại học nên một số Tăng Ni trẻ tập trung đến đây tu và học theo đó cũng nhiều.
Đây là con số thống kê Tăng Ni, tự viện của BTS GHPGVN TP.HCM trong vòng 17 năm tại TP.HCM. Đợt thống kê này, số lượng Tăng Ni, tự viện phát triển thêm khá lớn, tức là phát triển tăng lên khoảng 1/3 so với số liệu thống kê trước đây. Do đó, trong thời gian tới, BTS GHPGVN TP.HCM và 24 BTS GHPGVN quận, huyện phải rà soát lại, hoàn tất công việc kê khai nhằm giúp cho sự ổn định của các tự viện có nguyện vọng tham gia sinh hoạt với Giáo hội, để sang năm 2015 BTS GHPGVN TP.HCM sẽ in ấn quyển sách Danh bạ tự viện TP.HCM thật chính xác.
Bạch Hòa thượng, con số thống kê Tăng Ni, tự viện năm 2014 chính xác đến đâu?
- Tôi cho rằng, số liệu này là tương đối chính xác, vì dựa vào sự sâu sát, thống kê rõ ràng, chính xác của Phật giáo địa phương 24 BTS GHPGVN quận, huyện.
Công tác thống kê am, cốc, tịnh thất tại TP.HCM nằm ngoài Giáo hội được cho là khó khăn vì không có sự cộng tác, bạch Hòa thượng, công tác thống kê am, cốc, tịnh thất đợt này được thực hiện như thế nào?
- Đợt thống kê lần này chỉ thống kê các tự viện chính thức. Am, thất tự phát tại 24 quận, huyện hiện nay rất nhiều, nhiều nhất là trên địa bàn đất đai rộng như huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, Q.Gò Vấp... thống kê nhưng chưa chính xác. Thực tế, ban đầu chỉ xây một cái nhà, không xin phép tắc gì hết, về ở một thời gian, xin dựng bảng thất nhỏ nhỏ, về sau lại dựng bảng chùa…
Am, cốc, tịnh thất rất khó thống kê, có những cái thất xây dựng được đôi ba năm, có những cái vừa mới xây lên nhưng BTS GHPGVN quận, huyện chưa nắm được bởi ngay cả BTS GHPGVN địa phương cũng không nắm được chủ trương, đường lối của Hiến chương Giáo hội, luật pháp Nhà nước. Ví dụ như muốn kê khai một chùa gia nhập Giáo hội, thì phải xem xét chùa đó có giấy chủ quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng của địa phương (quận, huyện, xã, phường công nhận) hay không. Nhà nước và Giáo hội làm việc song song với nhau để cùng quản lý, nếu chính quyền không biết, mình kê khai là trật.
Về nguyên tắc, xây dựng chùa thì phải xin phép, giấy chủ quyền đất, có bản vẽ.
Theo tư liệu thống kê từ năm 1997 do 22 Ban Đại diện PG quận, huyện cung cấp trong quyển Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường TP.HCM, tái bản năm 2002, TP.HCM có 962 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường với 5.865 Tăng Ni. Theo kết quả thống kê Tăng Ni, tự viện mới nhất năm 2014, TP.HCM có 1.307 tự viện với 8.649 Tăng Ni, trong đó, 755 tự viện có quyết định bổ nhiệm trụ trì, tự viện hợp pháp nhưng chưa có quyết định bổ nhiệm trụ trì là 235 ngôi, tự viện chưa gia nhập Giáo hội là 259 ngôi, có 58 tự viện chưa nộp bảng thống kê. |
BTS GHPGVN quận, huyện muốn khai chùa thuộc địa bàn của mình thì ngôi chùa mới này, chính quyền địa phương, quận huyện phải biết. Còn am, cốc, tịnh thất muốn xây dựng thì phải xin phép chính quyền địa phương, phường, xã. Sắp tới đây, BTS GHPGVN TP.HCM sẽ làm việc với 24 BTS GHPGVN quận, huyện để giải thích rõ hơn về vấn đề này đến chư tôn đức lãnh đạo quận, huyện.
Trước đây, trong một cuộc họp, Hòa thượng từng khẳng định, việc thống kê Tăng Ni tạm trú ngoài tự viện (tức nhà Phật tử, nhà trọ…) dù khó cũng phải làm. Thực tế, việc thống kê này khó khăn như thế nào?
- Đợt này, thống kê Tăng Ni ở nhà Phật tử, nhà trọ thì chưa thể thống kê được, có những người nói tôi lên đây ở để đi trị bệnh, ở tạm, ở đậu thì rất khó thống kê những trường hợp này.
Theo số liệu thống kê mới nhất, TP.HCM hiện đang còn 259 cơ sở chưa gia nhập Giáo hội, thực tế Giáo hội quản lý các cơ sở này như thế nào?
- Theo số liệu thống kê năm 2014, có 259 cơ sở chưa gia nhập Giáo hội. BTS GHPGVN TP.HCM không quản lý số cơ sở này. Họ tự sinh hoạt tu tập, tín ngưỡng, nhiều khi mời họ đến họp, họ còn không đến. Sắp tới, 24 BTS GHPGVN quận, huyện đến tận cơ sở rà soát, làm việc cụ thể, xem họ có nguyện vọng tham gia Giáo hội hay không, để có hướng giúp đỡ, giải quyết theo nguyện vọng một cách dứt điểm.
Hiện nay, tại một số địa phương đang tồn tại việc cơ sở tự dựng bảng chùa, tự do sinh hoạt tín ngưỡng (đơn cử ở huyện Bình Chánh: chùa Pháp Bình, ấp 5, xã Hưng Long; niệm Phật đường Hương Quang, ấp 4, xã Bình Hưng) bị chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ, Hòa thượng suy nghĩ gì về việc này?
- Hiện nay có một số am, thất xây lên rồi tự dựng bảng, mới thì dựng bảng nhỏ, sau vài năm dựng lên bảng chùa, thực tế, có những xã rất rộng, chính quyền không nắm hết, BTS GHPGVN địa phương thấy có dựng bảng thì cho đó là chùa.
Đơn cử như niệm Phật đường Hương Quang của tu sĩ Thích Giác Chỉ, chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương, tự dựng bảng chùa lên, lợi dụng tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng trái quy định, bị người dân phản ảnh. Thực tế thì ở TP.HCM đã có nhiều trường hợp, vị tu sĩ này muốn mình tự do, tự phát xây chùa, cất thất không được phép của địa phương, tự sinh hoạt tín ngưỡng, với pháp môn tu tập lạ để thu hút một số Phật tử riêng, tách ra khỏi đoàn thể với mục đích riêng tư.
Trường hợp chùa Pháp Bình, BTS GHPGVN huyện Bình Chánh cũng không nắm, đến khi báo chí đăng thì mới biết, nghi vấn tu sĩ Thích Thiện Nhơn lợi dụng niềm tin Phật tử để trục lợi hay không thì BTS GHPGVN huyện Bình Chánh cần phải xem lại.
Hiện nay, BTS GHPGVN quận, huyện đều có cử đại diện PG xã, phường để quản lý, nắm tình hình ở địa phương nhưng thực tế các vị này không nắm được hết.
Được biết, một số vị lãnh đạo BTS GHPGVN quận, huyện làm việc bất nhất trong việc hướng dẫn, thụ lý hồ sơ, gây khó khăn cho Tăng Ni tại địa phương? Theo Hòa thượng, có trường hợp này hay không?
- Thực tế, một số vị lãnh đạo BTS GHPGVN quận, huyện vẫn còn làm việc lúng túng, không theo sự chỉ đạo của BTS GHPGVN TP.HCM trong giải quyết vấn đề quản lý Tăng Ni, tự viện. Đáng lẽ, người đại diện PG ở xã, phường phải nắm rõ, sâu sát. Từ đó, đề xuất lên, BTS GHPGVN quận, huyện tổ chức họp để nắm tình hình, xem xét có công nhận chùa đó hay không, sau đó mới đề xuất BTS GHPGVN TP.HCM… Họ không làm điều này. Nhiều vị lãnh đạo BTS GHPGVN địa phương còn yếu kém về hành chánh Giáo hội, cứ đưa gì là ký nấy mà chưa hiểu hết vấn đề, không theo quy trình.
Đây cũng là một phần lỗi của BTS GHPGVN TP.HCM, vì chưa có những buổi tập huấn hành chánh Giáo hội, vì Ban Thường trực có công việc quá nhiều. Giải pháp tránh những trường hợp làm việc bất nhất của PG địa phương là BTS GHPGVN TP.HCM phải mở khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hành chánh Giáo hội, đi sâu giải thích về chuyên đề quản lý chùa chiền tại cơ sở cho chư tôn đức Tăng Ni BTS quận, huyện. Việc này, BTS GHPGVN TP.HCM sẽ thực hiện trong năm tới.
Quy trình thủ tục như thế nào để giúp các cơ sở tự viện hợp thức hóa, danh chính ngôn thuận trong tu tập, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt Phật sự tại địa phương?
- Đối với am, cốc, tịnh thất, cơ sở có nguyện vọng tham gia Giáo hội, nếu nhà cấp 4 phải có giấy phép ở phường, xã, khi cất rồi thì phải báo với BTS GHPGVN địa phương để gắn bó với PG địa phương mỗi khi có hội họp, tham gia sinh hoạt Giáo hội địa phương.
Nếu là chùa phải có bản vẽ và được phép của chính quyền địa phương, giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng TP.HCM và BTS GHPGVN địa phương, từ đó BTS GHPGVN địa phương mới đề xuất lên BTS GHPGVN TP.HCM.
Về mặt quản lý Giáo hội có hai mặt, vừa quản lý về mặt con người đang tu tập tại chùa này, hướng dẫn Phật tử tu học… đúng luật pháp Nhà nước, đúng Hiến chương Giáo hội. Thứ hai là quản lý về mặt giáo sản, vị trụ trì đứng tên chủ đất là người thay mặt Giáo hội quản lý chứ không thuộc cá nhân, do đó vị trụ trì đó không được quyền sang nhượng.
Tóm lại, Tăng Ni muốn xây dựng chùa, am, thất để tu tập đúng Chánh pháp, hiện nay rất dễ dàng, miễn chúng ta thực hiện đúng quy định hiện hành, được sự chấp thuận của chính quyền, Ban Trị sự PG địa phương. Từ đó, đề xuất lên BTS GHPGVN TP.HCM xem xét, giải quyết hợp thức hóa, được tham gia Giáo hội.