Quán Nhân duyên

(Bài giảng tại trường hạ Trung Tâm tịnh xá, quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày 5-6-2014)

GN - Hôm nay, tôi xin chia sẻ một số vấn đề trong mùa an cư cấm túc. Trên bước đường tu hành, mặc dù chúng ta y cứ lời Phật dạy trong kinh, nhưng chúng ta không nên cố chấp vào văn tự, ngữ ngôn.

Điều chính yếu là chúng ta phải tìm hiểu lời Phật dạy hàm chứa ý nghĩa gì, vì ý thú của kinh mới quan trọng. Vì vậy, chúng ta theo nghĩa lý của kinh để tu hành và đạt được kết quả gồm Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán; đó là bốn Thánh quả của hàng Thanh văn. Bước thêm một bước nữa, chúng ta ra hành đạo cứu đời mới thực tập sáu pháp ba-la-mật của Bồ-tát, nhưng cứu đời phải y cứ vào bốn pháp nhiếp.

01_buddha-lotus1.jpg

Trong kinh điển Phật triển khai nhiều pháp, nhưng không ngoài bốn quả của Thanh văn tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo và cũng không ngoài sáu pháp ba-la-mật của Bồ-tát hành trì để đạt đến năm mươi hai địa vị tu chứng. Hiểu như vậy, chúng ta chọn pháp tu thích hợp tùy từng chỗ, từng người có khác nhau để hành trì, nhưng quan trọng là tu cho có kết quả tốt đẹp, không phải tu để tu. Có người tu suốt đời nhưng không được gì thì uổng công. Vì vậy, chúng ta tu pháp nào cũng phải cân nhắc cho thành tựu viên mãn.

Bước đầu, chúng ta căn cứ vào kinh điển Nguyên thủy, hay kinh Nikaya, hoặc kinh A-hàm. Các sư học rộng nên đọc tất cả các kinh này để xem Phật dạy Thanh văn thế nào thì chúng ta áp dụng. Thứ hai là chúng ta đọc kinh Đại thừa thuộc thời kỳ Phật giáo Phát triển, nghĩa là tu Đại thừa có cái nhìn phóng khoáng hơn. Lâu nay nhiều người hiểu lầm Đại thừa và Tiểu thừa đưa đến tranh chấp, bất lợi cho Phật giáo. Hiểu lầm là sao? Tu sĩ Phật giáo phát triển đi theo con đường Đại thừa tu theo phương hướng của Phật để sau thành Phật, họ gọi người tu theo Phật giáo Nguyên thủy là Tiểu thừa thì các thầy Nguyên thủy tự ái nên có phản ứng ngược lại, nói người tu Đại thừa là theo ngoại đạo. Hai bên đấu tranh với nhau làm Phật giáo suy yếu và đưa đến hậu quả là Phật giáo đã mất ở Ấn Độ. Chúng ta rút kinh nghiệm này để phát triển Giáo hội đúng hướng.

Trước nhất, chúng ta quan niệm thế nào là Tiểu thừa và thế nào là Đại thừa. Người tu Tiểu thừa là người ẩn tu để đắc Thánh quả, lấy việc tự độ là chính. Điều này Phật cũng đã dạy rằng không độ mình mà độ người là sai lầm. Nếu chúng ta hiểu và thực hành đúng đắn ý nghĩa của Tiểu thừa như vậy thì không sai, vì Phật dạy đắc Thánh quả La-hán mới nghĩ đến độ người. Nếu không đắc Thánh quả mà độ người sẽ trở thành phản tác dụng. Vì vậy, các thầy phải ra khỏi sanh tử mới vào sanh tử cứu người. Mình không ra sanh tử được mà ở đây cứu người thì mình cũng chết luôn, giống như chúng ta không biết bơi mà nhảy đại xuống sông để cứu người, chẳng những không cứu được, phải bị chết theo họ.

Đức Phật từ ban đầu vẫn có ý niệm cứu người, nhưng biết rằng không thể cứu được, nên Ngài xuất gia làm ẩn sĩ để đắc đạo mới cứu độ được tất cả chúng sanh. Theo gương Phật, người mới tu phải làm sao tìm được con đường giải thoát và tu chứng giải thoát, mới cứu người được. Chưa giải thoát thì nói không ai nghe.

Danh từ Đại thừa và Tiểu thừa không phải chỉ cho màu áo. Không phải các thầy theo hệ thống Nam tông là Tiểu thừa. Không phải các thầy theo hệ thống Bắc tông là Đại thừa. Đại thừa hay Tiểu thừa căn cứ ở tâm của hành giả. Phật dạy trước khi hành Bồ-tát đạo phải đắc quả Thanh văn trước. Ngài Giác Chánh trọn đời thực hành hạnh Thanh văn là hạnh đầu-đà, để đắc Thánh quả. Ngài đắc Thánh quả thế nào, chúng ta không biết, vì chúng ta chưa đắc Thánh quả, nhưng chúng ta chấp nhận điều này, vì thực sự ngài có đắc một quả vị nào mới có được sự tôn kính của quần chúng. Riêng tôi kính trọng ngài Giác Chánh, dù ngài không thuyết pháp, nhưng chúng ta ghi nhận ngài là bậc chân tu vì đã y cứ lời Phật dạy để hành trì cho đắc quả vị La-hán, nên ngài mới tự tin vào tâm mình và tin vào năng lực của mình tiếp độ được người. Và đến khi ngài đắc quả cũng không đi hoằng hóa. Ngài nói rõ vì đắc quả, ngài mới thấy. Chúng ta không đắc quả nên liều mạng đi.

Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng nếu ta không vào địa ngục thì ai vào, đó là ý chí cao rất tốt. Nhưng Hòa thượng Trí Tịnh lại nói khác, nếu không phải là A-la-hán thì không nên vào địa ngục. Còn Hòa thượng Thiện Hoa nhất định vào địa ngục, với quyết tâm rằng chỗ nào chúng sanh cần thì ta tới, chỗ nào đạo pháp cần thì ta đi, không từ gian lao, không nề khó nhọc; đó là lập trường của giảng sư, nhưng cần nói thêm là phải đắc Thánh quả, chưa đắc Thánh quả mà vào trần thế, quả báo sẽ tới.

Còn ngài Giác Chánh thì đắc Thánh quả rồi cũng không đi. Tôi hỏi tại sao ngài không đi hoằng hóa. Ngài dạy rằng phải đủ duyên mới làm được, không đủ duyên, chúng ta chẳng thể làm gì. Đó là kinh nghiệm của người đi trước, cái sáng của người trước để chúng ta học đạo phải ghi nhớ. Đắc quả là huệ sanh, mắt sáng, thấy nhân duyên đầy đủ mới làm, tôi học ý này của ngài Giác Chánh.

Đức Phật đắc đạo, Ngài quán nhân duyên thấy người có duyên với Ngài, nên đến độ họ, không phải ai cũng độ được. Phật còn nói Ngài chỉ độ được người có duyên. Phật hơn chúng ta là chẳng những Ngài độ được người thuận duyên mà còn độ cả người nghịch duyên, hễ người có duyên với Phật là Phật độ được; còn chúng ta chỉ độ được người thuận duyên. Đối với tôi, người nghịch duyên thì tôi tránh. Thí dụ các sư không ưa tôi, tôi tránh; nếu tôi tới, nhất định độ là tự chuốc họa vào thân. Vì vậy, khi chúng ta tu, thuận duyên thì dễ độ. Quán nhân duyên, tôi thấy giữa tôi và một số Phật tử phía Bắc có duyên, nên tôi ra Bắc mở đạo thì họ theo tu đông. Ngoài Bắc, đến nay đã có năm, sáu chục đạo tràng, vài vạn Phật tử tu Pháp hoa, đó là nhân duyên. Những người này có duyên với tôi, nên thấy tôi, họ phát tâm; tôi nói, họ nghe được và áp dụng trong cuộc sống tu hành họ có kết quả tốt đẹp. Người có duyên mình độ được là như vậy.

Đọc kỹ kinh Đại thừa hay kinh Nguyên thủy, chúng ta thấy khi Đức Phật đắc đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài quán nhân duyên mà kinh ghi rằng Ngài đã đi vòng quanh cây bồ-đề trong 21 ngày đêm để suy nghiệm xem ai có duyên thì Ngài tới độ.

Các sư nên suy nghĩ lý nhân duyên, với người chưa có duyên thì phải kết duyên. Phật có đủ ba duyên (thuận duyên, nghịch duyên và vô duyên), nên Ngài độ được tất cả mọi người. Còn chúng ta được điểm này mất điểm kia, thì cần phải cân nhắc, nhưng dù sao cũng phải quán sát nhân duyên và chúng ta chưa có huệ, nên chưa biết rõ. Riêng tôi có cảm giác và dùng cảm giác của mình để tiếp xúc với cuộc đời. Thí dụ gặp sư Yên, tôi tiếp xúc với sư và coi cảm giác của tôi có thương sư không và sư có quý tôi không. Nếu chưa thương, chưa quý thì đừng làm phiền nhau, tuyệt đối không tranh cãi. Ác duyên, chúng ta tránh. Vô duyên để đó. Ta nói mà họ không thích còn nghĩ ngược lại, nên không nói, để đó. Thuận duyên thấy sư tôi thương và ông cũng cảm tình với tôi, nên mời tôi tới chùa, là có duyên thì họ quý trọng mình thì mình nói, họ mới nghe.

Còn đối với hàng ngoại đạo, chúng ta chưa có khả năng giáo hóa thì nên tránh là xin hai chữ bình an để tu. Làm như vậy là biết lượng sức mình để đi tới an toàn. Kinh Pháp hoa gọi là ba xe ví cho tam thừa giáo, mình đang tu thừa nào thì thực hiện pháp đó. Chưa dám nghĩ đến chinh phục hàng ngoại đạo.

Đức Phật có khả năng chinh phục ngoại đạo. Đầu tiên, độ năm anh em Kiều Trần Như xong, Phật tới thôn Ưu Lầu Tần Loa độ một ngàn đồ chúng phái thần lửa và ba anh em Ca Diếp. Muốn hàng phục ngoại đạo phải có khả năng. Thực tế chúng ta thấy gì? Khi Phật chưa đắc đạo, Ngài đã thông suốt bốn bộ kinh Vệ đà, nghĩa là Phật đã nắm vững tất cả kinh của ngoại đạo, tức biết rõ họ. Kế đến là Ngài biết rõ họ hành trì pháp của họ nhưng không đạt được kết quả tốt. Nói cách khác, họ đang bị bế tắc trong vấn đề tu, tối ngày cứ nhảy múa, đốt lửa lễ bái, nhưng làm như vậy hoài cũng mệt mỏi. Tuy chưa muốn bỏ cuộc, nhưng đi tới thì không được, là rơi vô tình trạng bế tắc. Còn Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp thì già rồi, cũng không hơn gì họ.

Các thầy đi giáo hóa phải thấy chỗ yếu của người và sử dụng thế mạnh của mình mới hàng phục được. Còn dùng cái mạnh của mình đụng với cái mạnh của họ thì không biết ai hơn, nhưng có hơn cũng bị thương tích đầy mình.

Phật thấy một ngàn ông theo Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp bị bế tắc, nghiền ngẫm kinh Vệ đà cũng không được gì, tới không được mà lui cũng không xong, nhưng chẳng lẽ tu lâu rồi mà hoàn tục. Phật mới khai ngộ cho họ bằng cách lấy kinh Vệ đà phân tích cho họ thấy điều hợp lý và bất hợp lý của kinh này và hành trì kinh này thì họ được lợi lạc gì. Phật không đem Phật đạo giảng dạy họ. Phật phân tích rõ ràng pháp tu của họ mà chính họ hành trì nhưng không hiểu biết, kể cả Giáo chủ Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp cũng không biết. Các đệ tử của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp từ trước vẫn coi ông là Giáo chủ, là Thánh, nhưng khi được nghe Phật chỉ rõ sai lầm của họ thì tự ông nói rằng Phật mới là Thánh, nên ông bái phục Phật. Hàng phục ngoại đạo thì phải hơn họ cái đầu. Nói theo Đại thừa là Phật đã quán nhân duyên từ quá khứ. Sở dĩ hôm nay chúng ta khoác áo tu là từ kiếp quá khứ, chúng ta đã tu, đã trồng căn lành, nên ngày nay, hiện hữu trên cuộc đời, chúng ta xuất gia và được người công nhận.

Các thầy nhìn kỹ sẽ thấy lý này. Có người đi tu được Giáo hội công nhận, có người tu không được Giáo hội công nhận, có người tu được quần chúng công nhận, nhưng cũng có người không được quần chúng công nhận. Được Giáo hội và quần chúng công nhận là đã trồng căn lành ở quá khứ. Riêng tôi ở trong hàng giáo phẩm và có Phật tử theo tu là tôi đã tu từ quá khứ và kiếp này tôi tham vấn, ai cũng thương, dạy dỗ, giúp tôi trưởng thành; không phải muốn mà được. Lý này được kinh Đại thừa triển khai rằng có tu trong quá khứ, nên tái sanh thì mới quyết chí tu hành. Và kinh Đại thừa cũng nói rõ nhờ các vị Bồ-tát hiện ra chỉ lối đưa đường; nếu thiếu căn lành thì ma chỉ lối, quỷ đưa đường, chắc chắn mình rơi vào tà đạo. Thật vậy, có sư tu không biết làm gì, nghe người ta rủ học bùa Lỗ ban. Tôi cũng có bạn rủ vô núi Tà Lơn học với các đạo sĩ. Trên bước đường tu, chúng ta gặp những người dẫn vô đường luyện bùa chú, nuôi ngải là vào đường tà, rất nguy hiểm. Tôi không thích con đường tà, nhưng luôn tìm sư học đạo và may mắn luôn gặp được thiện tri thức chỉ đường cho việc học. Pháp hoa gọi điều này là trồng căn lành ở quá khứ, tức đã từng tu ở quá khứ, nên hiện đời chúng ta tiếp tục tu dễ dàng. Các thầy lớn tuổi dễ nhận ra ý này.

Chúng ta có căn lành và còn phải gặp duyên thì mới phát tâm. Điển hình như Phật Thích Ca đời trước tu rồi, nên tái sanh đời này, Ngài gặp Sa-môn là phát tâm liền, nghĩa là gặp duyên, hạt giống Phật sẽ khởi. Hòa thượng Từ Huệ gặp Tổ Minh Đăng Quang thì muốn buông bỏ tất cả và ôm bình bát đi khất thực theo Tổ. Hạt giống Phật có sẵn, gặp hình bóng giải thoát của người tu là phát tâm tu. Tôi phát tâm nhờ thấy hình Phật Quan Âm trên bao nhang. Thấy hình ảnh Phật, thấy người tu mà phát tâm, vì thấy quen, thân thương.

Lấy cuộc đời mình đối chiếu với cuộc đời Phật, hay các bậc tiền nhân, chúng ta nhận ra như vậy. Và Phật thấy xa là túc mạng. Quan trọng phải biết được túc mạng. Phổ Hiền Bồ-tát đã dạy rằng: “Khi tôi tu học đạo Bồ-đề. Trong các loài đều biết túc mạng, thường được xuất gia tu tịnh giới. Không nhơ, không lỗi, cũng không hư”.

Trên bước đường tu mà quý thầy nhận ra túc mạng đời trước mình đã tu, nay đương nhiên tu thì cảm thấy sung sướng lắm và gặp được thiện tri thức khai ngộ làm mình sáng ra. Riêng tôi, gặp Hòa thượng Thiện Hoa, nhờ căn lành đời trước, nên tôi tiếp thu những gì ngài truyền trao một cách nhanh chóng và phát huy được tuệ giác, kế nghiệp Hòa thượng, tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp. Nếu không được như vậy, ta dễ rơi vô bế tắc. Thật vậy, quý sư được các thiện tri thức dạy, mình vui trong nếp sống tu hành, đúng như Tổ Minh Đăng Quang dạy rằng phải học chung, tu chung. Nhưng nếu không có duyên thì ở trong chúng sẽ cảm thấy bơ vơ, buồn, dễ bỏ cuộc. Thực tế cho thấy một số thầy hoàn tục, vì sống trong đạo, nhưng lạc lõng, vì không thâm nhập được, không tìm được nguồn sống trong tập thể Tăng-già. Vì vậy, họ tìm nguồn vui bên ngoài. Tôi nhắc quý thầy nếu có cảm giác muốn bỏ cuộc, xa chúng thì nên nỗ lực tu.

Nhận thức sự quan trọng của sức sống trong tập thể Tăng, tôi nguyện từ nay cho đến đời sau, đời nào cũng luôn được xuất gia, được ở trong chúng; nếu không, việc tu hành của chúng ta khó phát triển, vì khi túc nghiệp có, chúng ta phải xóa bỏ, còn ôm nghiệp là bỏ đạo. Phải ôm đạo, ôm chúng. Ngài Huệ Tư dạy rằng nếu ở trong chúng mà bị chúng bêu xấu, chúng ta cãi lại, hay bỏ đi, chọn cách nào? Ngài dạy rằng nhân việc này, ta quán nhân duyên coi họ ghét mình cái gì. Phải suy nghĩ như vậy để thấy được túc nghiệp của mình. Họ ghét, đương nhiên ghét hành động, lời nói, suy nghĩ của mình là ghét ba nghiệp thân khẩu ý của mình.

Nhờ cọ xát với cuộc đời, thấy được nghiệp của chúng ta, thực tế là thấy hành động, cử chỉ của mình. Nếu các sư ghét tôi vì thấy chiếc áo này kỳ quá, không chấp nhận, thì tôi bỏ nghiệp này xuống. Chúng ta tu cho hòa hợp thì làm vậy. Hoặc họ ghét vì chiều mình ăn là thân nghiệp. Các sư Thái Lan không ăn chiều, nhưng mình mặc áo tu lại ăn chiều là mình còn nghiệp ăn, nên mình bỏ ăn chiều thì không có lý do ghét. Hoặc ghét vì mình không ngồi thiền… Tất cả tướng nghiệp mình hiện lên là họ ghét cái nghiệp của mình thì quán nhân duyên, mình cũng ghét luôn cái nghiệp của mình, nên đánh sập cái nghiệp của mình. Đừng ôm nghiệp. Ta cứ chấp mình đúng, nên họ tẩy chay, tẩn xuất, hay sát hại ta. Chúng ta coi đây là túc nghiệp. Phật dạy phải phá bỏ nghiệp này trước, rồi chúng ta giống họ thì họ không chê được nữa.

Họ còn chê vì khẩu nghiệp là chúng ta ưa nói. Nói thật cũng mất lòng, nên chúng ta tịnh khẩu, không nói thì chắc chắn họ không thể bảo chúng ta nhiều chuyện. Họ ghét thân nghiệp, ta bỏ thân nghiệp. Họ ghét khẩu nghiệp, ta không nói, chỉ đọc kinh, nghĩ đến Phật, không ai có thể nói ta nữa.

Thân khẩu ý thanh tịnh là nghiệp chúng ta hết, như kinh Pháp hoa nói rằng tiền thân của Phật Thích Ca là Thường Bất Khinh bị chúng đánh chửi, nhưng khi mạng chung là ba nghiệp thân khẩu ý dứt sạch, tâm tịnh, Ngài nghe được hai trăm muôn ức bài kệ kinh Pháp hoa. Bấy giờ, bốn chúng tăng thượng mạn quay lại kính trọng Ngài và xin làm đệ tử.

Tôi có kinh nghiệm rằng mình sanh trong thời mạt pháp, Tỳ-kheo tăng thượng mạn nhiều, tức người chấp pháp nhiều, tranh cãi nhiều, thì mình nói phải trái, không ai chấp nhận. Vì vậy, tốt nhất là mạng chung, tức mạng phiền não chấm dứt. Khẩu nghiệp không nói. Ý nghiệp chỉ nghĩ đến kinh Pháp hoa. Trước kia mình tu, nhưng thấy người ở chung làm sai, mình nói thì họ phải ghét. Mới tu, tôi thường vấp phải điều này, thấy việc chướng tai gai mắt, nói ra nhưng không ai chấp nhận. Nhớ lại khi tôi còn làm điệu ở chùa, có Phật tử ở chợ gói khúc xương và đem chia cho các ông đạo ăn, vì thấy ăn chay tội nghiệp. Họ cho, tôi không nhận. Các huynh nhận khúc xương và trốn ăn. Nếu mình tức, xem thường họ và thưa Hòa thượng, họ sẽ khó chịu với mình. Họ là chúng tăng thượng mạn, phá giới và tôi thấy những người này về sau hoàn tục, mất đời tu. Nếu chúng ta gặp chúng tăng thượng mạn không có duyên với đạo nhưng xuất gia, chúng ta coi chừng, đừng nói. Nếu có nghiệp nói, chắc chắn họ ghét ta.

Vì vậy, khi ba nghiệp thanh tịnh mới nghe được pháp âm của ba đời chư Phật thuyết pháp. Tâm mình thanh tịnh mới có khả năng chuyển hóa họ. Đến thời Phật Thích Ca thành Phật, Ngài nói rằng chúng đánh mắng Ngài trước kia, nay là năm trăm Bồ-tát tích cực hộ đạo, đứng đầu là Bạt Đà Bà La Bồ-tát.

Trên bước đường tu, cần ghi nhớ rằng người chống là chống cái nghiệp của mình. Theo kinh nghiệm tôi quán nhân duyên, nên thấy giữa mình và họ có duyên thì giáo hóa; làm ngược lại là thọ quả báo.

Khi Phật đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như, Ngài nói rõ xưa kia Kiều Trần Như là ông vua ác độc tên Ca Lợi. Lúc đó, Ngài đang tu hạnh nhẫn nhục là Sằn Đề tiên nhân. Ca Lợi vương sát hại Sằn Đề, nhưng tiên nhân không giận, còn nói nhờ vua ác mà Ngài làm tròn hạnh nhẫn nhục; cho nên thành Phật, Ngài đến độ ông trước. Phật quán sát nhân duyên thấy rõ việc như vậy, nên độ Kiều Trần Như đúng theo nguyện của Ngài.

Đi theo lộ trình Phật đi, chắc chắn chúng ta thành công. Tôi quán sát cuộc đời Phật, cách xử sự của Phật và áp dụng vào việc tu hành của mình.

Sau khi độ Kiều Trần Như, Phật nghĩ đến ba anh em Ca Diếp từng tu trong kiếp quá khứ bị bế tắc, hiện tại cũng bế tắc và đang khao khát tìm đường giải thoát. Phật mới tìm đến khai ngộ họ, nói rõ họ bế tắc chỗ nào và khai tri kiến Phật cho họ thấy con đường sáng và tu được an lạc giải thoát.

Ngày nay, nếu các thầy đắc La-hán thấy nhân duyên là tốt, nhưng chưa thấy rõ, chưa đắc La-hán mà muốn giáo hóa chúng sanh, nên cân nhắc. Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi và cũng là bài học cho anh em suy nghĩ. Nếu chưa đắc La-hán nhưng có nguyện giáo hóa độ sanh, nghĩa là tự hành hóa tha thuộc quyền thừa Bồ-tát, vì làm lợi ích chúng sanh, trong đó có ta. Vì ta mà hại người là ác ma. Vì lợi mình và lợi người là quyền thừa Bồ-tát. Lợi người, không nghĩ đến mình là Bồ-tát.

Tự hành hóa tha, nỗ lực tu đắc quả, một mặt ai có duyên, chúng ta giáo hóa. Nay các sư chưa đắc đạo phải nỗ lực tu cho đắc đạo, ra khỏi sanh tử, nhưng với người có duyên, mình sẵn lòng giúp. Mặc dù giữ chùa, tiếp xúc với bổn đạo, với chính quyền, nhưng đừng để kẹt tịnh xá, kẹt tín đồ hay chính quyền. Ngày nay chúng ta có duyên ở đây thì làm đạo ở đây, nhưng mai kia hết duyên, đi nơi khác làm, đừng để kẹt là tự hành hóa tha đúng pháp .

Giai đoạn một lo tu cho đắc đạo là chính, việc giáo hóa là phụ, không làm cũng không sao. Vì có duyên, người tới, chúng ta độ, chúng ta không tìm. Thầy chưa đắc đạo mà tìm bổn đạo thì bị họ độ lại, ta trở thành nô lệ là hỏng. Nhưng qua giai đoạn hai khá hơn, ta đi lên một chút. Bây giờ chúng ta cân việc tu và việc giáo hóa.

Đối với tôi, trên bước đường tu, ban ngày tôi làm việc cho Giáo hội bằng tất cả tấm lòng. Ban đêm là thời khóa tu của tôi. Trong một năm, chín tháng làm cho Giáo hội và giáo hóa chúng sanh. Còn ba tháng an cư là mùa tu của tôi, vì mình phải có sở đắc riêng để giải thoát. Đừng nặng quá việc làm mà mất tu, sau sẽ trở thành thế tục, mất luôn quả Sa-môn. Nếu sợ mất bổn đạo, nhưng để mất quả Sa-môn thì bổn đạo và chùa cũng mất theo.

Tôi chia ra, ban ngày dành cho Phật sự, ban đêm cho ta, làm gì thì làm, buổi tối tranh thủ tham thiền nhập định để xóa nghiệp. Ban ngày tôi làm nhiều, nhưng ban đêm suy nghĩ cân nhắc, gạn sạch lòng, đem Phật vào lòng là ngủ với Phật, không ngủ với cuộc đời. Ôm cuộc đời ngủ, coi chừng mất quả Sa-môn thì người không coi chúng ta là người tu. Ôm Phật ngủ, sáng mai họ thấy mình tỏa hào quang thì họ phát tâm theo Phật và ta cũng làm được Phật sự một cách tốt đẹp. Theo kinh nghiệm của tôi, ngày nào ít tu thì làm đạo khó; siêng tu, làm đạo rất dễ. Xin chia sẻ kinh nghiệm này để quý thầy cân nhắc.

Vào cuối đời, nếu sống trên 60 tuổi thì nên hạn chế ra ngoài để phát huy tâm linh, mở cửa cho đời sau. Trước kia tôi nghĩ trên 60 tuổi thì chuyên tu. Hòa thượng Thiện Hoa sống đến 55 tuổi, nên ngài không qua giai đoạn ba và chưa hết giai đoạn hai là nửa tu nửa làm Phật sự. Khi tôi làm thị giả hầu ngài, thấy ban ngày ngài bận rộn công việc, tối cũng lo tụng kinh tham thiền. Hòa thượng dạy rằng 60 tuổi phải lo tu, nhưng tôi làm cho Giáo hội hơn 70 tuổi rồi cũng còn làm. Hòa thượng Trí Tịnh làm hơn 90 tuổi, chưa nghỉ. Riêng tôi vẫn làm việc nhưng từ 60 tuổi, tôi hạn chế đi xa. Trước 60 tuổi, ở đâu mời tôi cũng tới, đạo pháp cần là tôi đi, thậm chí nhà cư sĩ cũng tới. Nhưng từ 60 tuổi, tôi không tới nhà cư sĩ, chỉ tới chùa, tịnh xá để làm đạo, thuyết pháp. Và đến 70 tuổi, tôi giao công việc hoằng pháp cho Hòa thượng Bảo Nghiêm và các tỉnh xa mời, tôi không đi nữa.

Đáng lẽ hôm nay, tôi không qua đây, nhưng Hòa thượng Giác Toàn nói ở gần thì qua đây một tháng một lần. Trong mùa an cư, tôi qua đây để coi ai có hào quang và chúng còn đông hay không. Mong quý sư nỗ lực tu để tâm sáng và Phật sự được thành công viên mãn. Cầu Phật, Tổ gia hộ cho đại chúng được giải thoát an lạc. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày