Quảng Nam: Lễ húy nhật cố HT.Thích Tôn Thắng

GNO - Hôm qua, 15-3-Bính Thân (21-4), tại tổ đình Tịnh Độ (TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra lễ húy nhật cố HT.Thích Tôn Thắng, khai sơn tổ đình Tịnh Độ.

Quang lâm chứng minh niêm hương tưởng niệm có HT.Thích Thiện Thành, TT.Thích Phước Minh - đồng UV HĐTS, Phó BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam; chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện trong và ngoài tỉnh; môn đồ pháp quyến cùng đông đảo Phật tử tham dự.

Trước đó, chùa cũng đã tổ chức tụng kinh cầu nguyện và đêm hoa đăng đốt nến tri ân.

DSC_4386 (Copy).jpg


Di ảnh cố Hòa thượng tôn trí tại Tổ đường tổ đình Tịnh Độ

HT.Thích Tôn Thắng, pháp danh Trừng Kệ, pháp tự Như Nhu, thế danh là Dương Văn Minh, sinh ngày 29-2-Kỷ Sửu (1889) - năm Thành Thái nguyên niên tại làng Hà My, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thân phụ là ông Dương Văn Hiếu và thân mẫu là bà Nguyễn Thị Tiện.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học và Phật học chuẩn mực và được nuôi dạy theo khuôn mẫu, nên buổi thiếu thời đã sớm được tiếp cận với kinh sách thánh hiền.

Năm Giáp Thìn (1904), lúc lên 16 tuổi, ngài được phép mẫu thân đến cầu xuất gia với Hòa thượng Tâm Truyền, Tăng Cang chùa Báo Quốc và được Hòa thượng ban pháp danh là Trừng Kệ.

Năm Bính Ngọ (1906), ngài được Bổn sư cho thọ Sa-di giới và được ban pháp tự là Như Nhu. Ngay sau đó, vua Thành Thái truyền lệnh cho bộ Lễ sung ngài vào ngạch Tăng chùa Diệu Đế (Gia Hội - Huế).

Năm Canh Tuất (1910), khi hay tin và qua thời gian chiêm nghiệm về sự kiện vua Thành Thái bị khâm sứ Trung Kỳ Lévêque bắt buộc thoái vị, nhường ngôi cho vua Duy Tân (1907), ngài được phép Bổn sư cho tạm rời xa kinh thành Huế, dạt vào Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận để cầu tham học. Ngài trụ lại thị xã Đà Nẵng, lập thảo am trú xứ tại làng Thạch Châu tu tập.

Năm Quý Sửu (1913), ngài trở về Huế thọ tang Hòa thượng Bổn sư Tâm Truyền đã viên tịch. Tăng môn đại chúng cung thỉnh Hòa thượng Tâm Khoan kế vị trụ trì chùa Báo Quốc và ngài được Hòa thượng cử làm tri sự.

Năm Mậu Ngọ (1918), ngài lại một lần nữa trở vào Đà Nẵng. Nơi đây ngài khai sơn chùa Phổ Thiên tại làng Bình Thuận (nay là chùa Phổ Đà, cơ sở của Trường Cơ bản Phật học Quảng Nam - Đà Nẵng).

Năm Quý Hợi (1923), năm Khải Định thứ 7, lúc này ngài 34 tuổi mới thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Phước Quang, tỉnh Quảng Ngãi do Hòa thượng Hoằng Tịnh làm Đàn đầu truyền giới.

Năm Nhâm Thân (1932), hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên ở khắp ba miền đất nước, ngài đứng ra sáng lập Đà Thành Phật học Hội và cung thỉnh Hòa thượng Bích Liên làm Hội trưởng. Trụ sở đặt tại chùa Phổ Thiên và cho xuất bản tạp chí Tam Bảo làm cơ quan ngôn luận chính thức của Hội trong việc hoằng dương chánh pháp.

Năm Ất Hợi (1935), ngài vào khai sơn chùa Tịnh Độ tại thị xã Tam Kỳ, nay là tổ đình Tịnh Độ, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

DSC_4484 (Copy).jpg


Chư tôn đức thành kính tưởng niệm cố Hòa thượng

Năm Nhâm Ngọ (1942), việc hóa đạo khắp nơi đã khởi sắc do sự đóng góp tích cực của ngài trong phong trào chấn hưng Phật giáo, nhưng ngài cũng không quên nghĩ về quê hương bản sở. Do đó, sau bao nhiêu năm trời xa cách ngài về lại Quảng Trị, việc đầu tiên là ngài thành lập ngay Phật học đường tại chùa Hội Quán và làm Giám đốc trong 3 năm.

Năm Ất Dậu (1945) do biến chuyển lớn của thời cuộc, ngài lại trở vào Đà Nẵng tiến hành trùng tu các chùa Phổ Thiên, Tịnh Độ và chùa Hội Quán.

Năm Bính Tuất (1946) ý thức về tiền đồ Phật giáo mai sau, ngài quyết định hiến cúng chùa Phổ Thiên (sau là chùa Phổ Đà) cho Giáo hội để mở Phật học viện có tầm vóc quy mô - chi nhánh Phật học viện Trung phần ở Trung Trung bộ.

Năm Giáp Thìn (1964), ngài được tiến cử làm Chứng minh Đạo sư Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thị xã Đà Nẵng.

Năm Bính Ngọ (1966), ngài được tiến cử vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Năm Canh Tuất (1970), ngài làm Chánh chủ Đàn tại Đại giới đàn Vĩnh Gia, được tổ chức tại chùa Phổ Đà - Đà Nẵng (chùa Phổ Thiên trước đây). Từ đó đến năm Bính Thìn (1976), ngài được thỉnh làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

DSC_4478 (Copy).jpg


Phật tử tham dự

Ngày 16-3-Bính Thìn (1976), ngài an nhiên thị tịch, trụ thế 87 năm, giới lạp 53 tuổi Hạ, môn đồ pháp quyến lập Bảo tháp ngài tại tổ đình Tịnh Độ - phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

 Quang Thanh - Xuân Sáng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày