GN - Bác Đội - vẫn cái vẻ khoan thai, chậm rãi bên tách trà nghi ngút hương thơm của mùi sen phảng phất - đang đọc báo như thường lệ. Nhìn cái dáng ung dung nhấp từng ngụm trà của bác, không ai nghĩ rằng trước kia bác là sát thủ lừng danh của loài vật.
Bà Tùng (vợ bác) là bạn của mẹ tôi từ rất lâu rồi, thỉnh thoảng hai bác cũng ghé nhà tôi chơi, ăn bữa cơm chiều đạm bạc.
Lân la hỏi chuyện, tôi mới biết chuyện hồi trước của gia đình bác...
Phật dạy, quay đầu là bờ - Ảnh minh họa
Cách đây độ mười năm, gia đình bác bán quán nhậu “cầy tơ” có tiếng nhất nhì ở Dốc Miếu - Gio Linh này. Ngày đông khách, bác giết đến 5 con cầy, thuê đến 5 nhân viên, nhưng nhiều lúc vẫn không kịp phục vụ khách, quán bán đến tận đêm khuya. Bác kể tiếp:
- Khoảng thời gian đó, gặp thời vận may, quán bác bán đắt ơi là đắt. Khách vô ra nườm nượp không còn một chỗ trống nào. Nhà bác phất lên từ đó: xây nhà, mua xe máy, sắm sửa đồ đạc trong nhà. Ngày nào mở mắt là tiền vô làm cho bác trở nên kẻ say tiền, con ma tiền nó hút hồn khiến bác trở thành tay sát thủ nổi tiếng cả một vùng. Đi đâu nghe hỏi “Bác Đội cầy tơ” là ai cũng biết.
Nghe bác Đội kể, tôi rợn hết da gà, mình nổi gai ốc, nếu làm một phép tính nhân thì một năm cả ngàn con cầy bị bác làm thịt, mà mấy năm thì bao nhiêu, tôi không dám tính tiếp. Tôi hỏi bác:
- Thế bây giờ sao bác không bán quán nhậu nữa ạ?
- Tại Trời Phật không cho bác bán nữa.
- Tại sao lại như vậy?
- Có lý do cháu à!
Thấy tôi chưa hiểu hết chuyện, bác giải thích:
- Mới đầu năm ngoái, tự nhiên bác ngã bệnh nặng, bà Tùng đưa bác đi chữa khắp nơi từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhưng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Bác đau buốt tận xương tủy, nhức nhối tận tim gan như có ai đánh đập vào người liên tục, đi không được, đứng không được, chỉ nằm một chỗ. Bác sĩ nào cũng lắc đầu, tìm không ra bệnh, bệnh viện đã trả về. Bà Tùng bán hết tài sản quý giá để lo cho bác nhưng bệnh vẫn không khá hơn. Bác chán nản, tuyệt vọng, đôi lúc muốn quyên sinh cho nhẹ nhàng nhưng không được. Đứa con trai duy nhất của bác chạy vạy khắp nơi nhưng bệnh của bác vẫn vậy. Nó là đứa con hiếu thảo, thương bác lắm nhưng đành bó tay.
Bác Đội vẫn cái dáng chậm rãi, nhấp một ngụm trà làm tôi rất tò mò câu chuyện sau đó. Bác cười hiền:
- Gia đình của bác trước giờ không theo đạo nào cả, nhưng nghe bạn của bà Tùng khuyên “còn nước còn tát”, bảo bà ấy nên đến chùa lễ bái chư Phật, chịu khó tu tập thì sẽ được giải bớt nghiệp.
Thế là bà Tùng nghe theo, mặc dù không hiểu gì cả, nhưng vì bác nên bà ấy đi. Ngày nào bà ấy cũng thành tâm đi chùa lễ lạy, cúng dường, phóng sanh, bố thí như lời mọi người bảo. Bác vẫn không tin điều kỳ diệu sẽ xảy ra, bác nghi ngờ dữ lắm.
Đến chùa nghe thầy thuyết giảng, bà Tùng đã hiểu được bệnh của bác là do nghiệp báo, do quy luật nhân quả mà có.
Từ đó nhà bác bỏ hẳn nghiệp sát sanh, ngày đêm sám hối vì vô minh che lấp tâm tánh, có duyên gặp được bạn lành chỉ đường ngay lối phải, bây giờ giác ngộ được lời Phật dạy “quay đầu là bờ” nên bác quyết tâm sửa đổi lỗi lầm, không dám sát sanh nữa.
Dần dần, đầu óc tâm trí của bác Đội sáng tỏ ra. Như giải được bài toán khó về tâm linh, bác đã tìm thầy thuốc chẩn bệnh. Và, như bác dự đoán, bác chỉ bị tâm bệnh, bị suy sụp tinh thần dẫn đến sa sút sức khỏe. Thầy thuốc kê đơn bán thuốc cho bác, dặn dò là vừa uống thuốc vừa thư giãn tâm hồn, buông hết lo âu. Không bao lâu, bệnh bác thuyên giảm rất nhiều, có thể đi lại và làm việc bình thường. Giờ hai bác có một công việc mới là làm khí bioga, cũng tạm ổn và thấy nhẹ nhàng vô cùng.
Cơn gió nhẹ thổi qua làm tôi thấy vui vì một câu chuyện kết thúc có hậu. Từ một người không biết gì về đạo Phật, bây giờ hai bác đã đến chùa thường xuyên, biết thọ Tam quy Ngũ giới, biết hướng thiện, biết làm lành. Bác đã giác ngộ được lời Phật dạy “QUAY ĐẦU LÀ BỜ”, trở về cội nguồn tâm linh để tìm được sự an lành, bình yên cho tâm hồn. Tôi luôn cầu chúc cho hai bác duyên lành tiếp nối để tiếp tục đi theo ánh sáng của Phật.