Quốc Sư Phước Huệ (1869-1945)

Quốc Sư Phước Huệ (1869-1945)
...Từ năm 1938, với cương vị là đốc giáo của Phật học đường cấp trung đẳng do hội Phật học Bình định tổ chức tại chùa Long Khánh Quy Nhơn, Quốc sư Phước Huệ đã đóng góp nhiều cho công tác đào tạo Tăng tài. Các Thiền sư Thiện Hoà (1907-1978), Thiện Hoa (1918-1973) cũng từng theo học tại đây.

...Năm 1920, trong ý hướng nhằm đào tạo Tăng tài cho sứ mạng hoằng dương chánh pháp, Thiền sư Phước Huệ đã đứng ra tổ chức các lớp Phật học tại chùa Thập Tháp và chùa Long Khánh (Quy Nhơn). Và chính trong thời gian này, hai vị danh Tăng của đất Huế là Thiền sư Mật Khế (1904-1935) và Thiền sư Đôn Hậu (1904-1993) đã vào tận chùa Thập Tháp để cầu học.

...Đóng góp lớn lao của Quốc sư Phước Huệ là ở lãnh vực giảng dạy, đạo tạo lớp hậu học đúng như nhận xét của tác giả sách Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3: “Khả năng giáo hoá của Thiền sư Phước Huệ rất vĩ đại, vì vậy người đương thời đã tặng cho ông mỹ hiệu “Phật pháp thiên lý câu” nghĩa là “Con ngựa ngàn dặm của Phật pháp” .

Chùa Thập Tháp là một trong số các ngôi Tổ đình nổi tiếng của đất Bình Định. Nếu như ở thời kỳ khởi đầu, ngôi Tổ đình ấy được chú ý nhiều vì vị khai sơn là Thiền sư Nguyên Thiều người có công lớn trong xứ mạng truyền bá Phật giáo ở Đàng Trong thời Nam Bắc phân tranh, hậu bán thế kỷ XVII; thì vào thời hiện đại, Tổ đình Thập Tháp được cả nước biết đến vì sự có mặt của Quốc sư Phước Huệ (1869-1945).

Sách Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3 của Giáo sư Nguyễn Lang đã đánh giá tổng quát Thiền sư Phước Huệ như sau: “Thiền sư Phước Huệ trụ trì chùa Thập Tháp Bình Định là một vị Thiền sư nổi tiếng bác thông Kinh luận. Chùa Thập Tháp thời đó là một đạo tràng nổi tiếng và Tăng sinh nhiều tỉnh đã tìm tới tham học.” (Sđd, NXB Lá Bối , Paris, 1985, tr. 119).

Thiền sư tên đời là nguyễn Tấn Giao, quán xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn tỉnh Bình Định, xuất gia năm 13 tuổi tại chùa Thập Tháp, theo học với các Thiền sư Châu Long chùa Tịnh Lâm (Phù Cát) với Thiền sư Luật Truyền chùa Từ Quang (Phú Yên). Bước đường hoằng pháp của Thiền sư bắt đầu từ năm 1894 khi nhận làm trụ trì chùa Phổ Quang (Tuy Phước, Bình Định).

Năm 1901, Thiền sư được triều đình Huế lúc này là vua Thành Thái ban giới đạo độ điệp làm Tăng Cang chùa Thập Tháp.

Năm 1908, Thiền sư Phước Huệ được mời ra Kinh đô Huế làm chủ lễ cho một khoá giảng Kinh tại chùa Trúc Lâm, lại được thỉnh vào Hoàng cung giảng pháp cho vua, quan cùng hoàng gia. Các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều từng được nghe Thiền sư giảng Kinh và danh hiệu quốc sư đã được tôn xưng trong hoàn cảnh này.

Năm 1920, trong ý hướng nhằm đào tạo Tăng tài cho sứ mạng hoằng dương chánh pháp, Thiền sư Phước Huệ đã đứng ra tổ chức các lớp Phật học tại chùa Thập Tháp và chùa Long Khánh (Quy Nhơn). Và chính trong thời gian này, hai vị danh Tăng của đất Huế là Thiền sư Mật Khế (1904-1935) và Thiền sư Đôn Hậu (1904-1993) đã vào tận chùa Thập Tháp để cầu học.

Từ năm 1930-1937, Quốc sư Phước Huệ thường xuyên ra Kinh đô Huế để giảng dạy Phật pháp cho các lớp Cao đẳng, Trung đẳng ở các chùa Trúc Lâm, Tường Vân, Tây Thiên. Trong số các Tăng sĩ từng theo học với Quốc sư, đáng chú ý nhất là Thiền sư Mật Thể (1912-1961) tác giả sách “Việt Nam Phật giáo sơ lược” (NXB Tân Việt, H, 1943), cuốn sử Phật giáo Việt Nam đầu tiên bằng chữ quốc ngữ được biên soạn tương đối có hệ thống và công phu. Sách này được Quốc sư đề tựa, bài tựa được viết bằng Hán văn và đây có lẽ là những dòng viết duy nhất của vị cao Tăng, xin giới thiệu đoạn đầu:

“Giữa mùa xuân năm Quý Mùi, pháp sư Mật Thể vào Nam thăm, lấy trong tay áo bản thảo cuốn Việt Nam Phật giáo sử viết bằng quốc văn đưa cho tôi và nói: “Đây là công trình sưu tầm biên khảo nhiều năm của con, xin Hoà thượng đọc và chứng minh cho.” Tôi tiếp nhận bản thảo mà đọc, mỗi khi đêm vắng dưới ngọn đèn khói cao cầm bản thảo nơi tay tôi tự nói một mình là pháp sư tuy đã theo học với tôi trong nhiều năm nhưng tôi chưa biết được hết chí hướng và nguyện vọng của ông...” (Nguyễn Lang dịch, Sđd, tr. 186)

Từ năm 1938, với cương vị là đốc giáo của Phật học đường cấp trung đẳng do hội Phật học Bình định tổ chức tại chùa Long Khánh Quy Nhơn, Quốc sư Phước Huệ đã đóng góp nhiều cho công tác đào tạo Tăng tài. Các Thiền sư Thiện Hoà (1907-1978), Thiện Hoa (1918-1973) cũng từng theo học tại đây.

Nơi “lời nói đầu” của sách Phật học phổ thông khoá 9, Thiền sư Thiện Hoa có nhắc lại kỷ niệm giữa Quốc sư Phước Huệ với Thiền sư Khánh Hoà (1877-1947) qua đó giúp chúng ta thấy được phần nào tính chất bác thông Kinh Luận của Quốc sư. Đây là lời thuật lại của Thiền sư Khánh Hoà: “... Tôi đã ba năm nghiên cứu bộ Thành Duy Thức Luận mà như người đi vào rừng rậm không tìm được lối ra. Đến năm Đinh Mão, nhờ ban tổ chức trường hương chùa Long Khánh (Quy Nhơn) mời tôi làm pháp sư, tôi được may mắn gặp Hoà thượng Thập Tháp. Tôi thuật lại sự khó khăn trong việc nghiên cứu Thành Duy Thức Luận của mình. Hoà thượng Thập Tháp nghe xong liền đem biếu tôi quyển “Đại thừa bá pháp minh môn luận chuế ngôn” và nói: “Tôi xin biếu Ngài một cái chìa khoá để mở kho Duy Thức. Người nghiên cứu Duy Thức mà trước không đọc Luận này thì cũng như người gỡ nùi tơ rối mà không tìm được mối. Vậy Ngài nên đọc quyển Luận này cho kỹ rồi nghiên cứu Thành Duy Thức, Ngài sẽ thấy dễ dàng...” (Sđd, bản in 1992, tr 5-6).

Sư bà Thích Nữ Diệu Không, trong bản dịch Kinh Lăng Già Tâm Ấn của mình, cũng nhắc lại kỷ niệm từng theo học với Quốc sư Phước Huệ.

“Bộ Lăng Già Tâm Ấn tôi học theo cách đây hơn ba mươi năm với Hoà thượng Thập Tháp khai dạy ở chùa Trúc Lâm tỉnh Thừa Thiên vào năm 1932. Lớp Đại học ấy gồm có các vị Hoà thượng, Thượng toạ và cư sĩ Tâm Minh. Được dự thính Kinh này, tôi như người mê sực tỉnh, nhờ vậy tôi bỏ được cái tập quán phú quý, ô trược, tiến thân vào con đường đạo...”(Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Diệu Không dịch, Hoa Sen xb, S, 1974, tr 7).

Nói chung, đóng góp lớn lao của Quốc sư Phước Huệ là ở lãnh vực giảng dạy, đạo tạo lớp hậu học đúng như nhận xét của tác giả sách Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3: “Khả năng giáo hoá của Thiền sư Phước Huệ rất vĩ đại, vì vậy người đương thời đã tặng cho ông mỹ hiệu “Phật pháp thiên lý câu” nghĩa là “Con ngựa ngàn dặm của Phật pháp” (Sđd, tr 20).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày