Quy y Tăng

Quy y Tăng
HỎI: Tôi là người đang tìm hiểu đạo Phật. Tôi được biết, có ý kiến cho rằng việc quy y Tam bảo có thể đến bất cứ chùa nào quy y cũng được. Có ý kiến khác lại cho rằng phải chọn thầy giỏi, đức hạnh để quy y. Theo tôi hiểu, đã là con Phật thì dù thầy truyền giới cho mình (bổn sư) hay bất cứ vị thầy (hoặc sư cô) nào cũng đều là thầy của mình cả. Có người nói rằng khi đã quy y thầy này rồi thì không nên bái vị khác làm thầy. Tôi nghĩ có vô lượng pháp môn tu, mỗi thầy có một pháp hay, một thế mạnh riêng nên học được nhiều thầy thì càng tốt.

Ví như một học sinh đi học, học sinh đó có thể học nhiều thầy cô. Sinh viên thì nộp hồ sơ thi vào nhiều trường với nhiều nguyện vọng khác nhau, thậm chí họ còn chuyển ngành nếu cảm thấy không phù hợp. Có nhiều ý kiến nói rằng, bái thầy khác làm sư phụ nghĩa là phản thầy cũ của mình. Điều đó có đúng không? Sau khi quy y, Phật tử có quyền đi đến chùa khác, học đạo nơi một vị thầy khác không? Một người Phật tử có thể có nhiều thầy được không? 

(BÙI THỊ THU, bonghongthuytinh2052000@yahoo.com)

ĐÁP:

Bạn Bùi Thị Thu thân mến!

Mấu chốt vấn đề bạn hỏi nằm trọn trong ba pháp quy y, đặc biệt là quy y Tăng. Quy y Tăng là nguyện suốt đời quay về nương tựa vào ngôi Tăng bảo. Tăng bảo hay còn gọi chư Tăng (Sangha), có nghĩa là cộng đồng các tu sĩ Phật giáo (các Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo ni) từ 4 người trở lên, sống chung thanh tịnh và hòa hợp.

Như vậy, khi quy y Tăng bảo thì người Phật tử đã phát nguyện quy y Sangha, quay về nương tựa vào cộng đồng các tu sĩ Phật giáo chứ không quy y riêng lẽ một thầy (hay sư cô) nào. Bổn sư (vị thầy truyền trao tam quy-ngũ giới cho Phật tử) chỉ đại diện chư Tăng tác pháp cho Phật tử quy y Tăng bảo mà thôi.

Trong lễ quy y, chính vị bổn sư phải nói rõ lời giáo huấn của Đức Phật cho Phật tử rằng: “Sau lễ quy y, các Phật tử phải xem tất cả chư vị Tăng-Ni là thầy của mình, xem tất cả chùa viện là chùa của mình, tùy duyên mà tu học theo sự hướng dẫn của Tăng bảo” (Giới Đàn Tăng).

Cho nên khi một Phật tử phát tâm quy y, nếu tìm một vị thầy danh tiếng để quy y là điều tốt. Các vị cao tăng nổi tiếng thường được những Phật tử ở những nơi rất xa tìm đến quy y. Nhưng nếu chưa đủ nhân duyên quy hướng với các vị thầy nổi tiếng thì Phật tử có thể quy y với những vị thầy (hay sư cô) ở chùa gần nhà, gần nơi làm việc rồi sau đó tùy duyên có thể tìm học với các vị thầy khác.

Có một điều mà Phật tử cần tránh là khi đã quy y rồi, sau đó gặp một vị thầy khác danh tiếng hơn lại quy y thêm lần nữa. Không ai ngăn cản việc Phật tử quy hướng học đạo nơi vị thầy mới gặp danh tiếng kia nhưng quy y thêm lần nữa là thừa, không đúng Chánh pháp vì trước đó rất lâu mình đã là Phật tử rồi. Quy y lại để tự hào rằng bổn sư của mình là cao tăng nổi tiếng là bị mắc kẹt, là chạy theo danh tướng, điều không nên làm đối với các Phật tử chân chính.

Do vậy, bổn sư (vị thầy truyền trao tam quy-ngũ giới) chỉ có một, duy nhất nhưng các vị thầy khác của Phật tử trong lộ trình học đạo tiến tu là vô biên vô lượng. Các Phật tử cần kính trọng và nương tựa tu học nơi bổn sư cùng các vị thầy khác (thuộc Sangha) trong tinh thần vô phân biệt.

Bổn sư là vị thầy trợ duyên cho Phật tử chúng ta bước những bước chân đầu tiên vào chánh đạo. Về sau dù chúng ta có khôn lớn trưởng thành trong Chánh pháp, học đạo với những bậc thầy thông tuệ hơn nhưng vị thầy đầu tiên (bổn sư, ân sư) vẫn là dấu ấn sâu đậm nhất mà chúng ta cần quý kính trong suốt cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày