Khi đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM ra đời năm 2014, Quyền Linh là nghệ sĩ đầu tiên đăng ký hiến tạng. Một câu chuyện nhân văn bắt đầu từ đó.
- Hiến tạng: Cần sự thấu hiểu & thêm nhiều người cùng kết nối
- Vì sao không nhiều người hiến tạng và hiến xác?
Diễn viên Quyền Linh - Ảnh: Duyên Phan
Vẫn chiếc áo thun cũ màu, vẫn đôi dép tổ ong quen thuộc, Quyền Linh trò chuyện: "Tôi luôn quan niệm mất đi không phải là hết. Một người mất đi, bằng việc hiến các tạng của cơ thể như tim, gan, phổi, thận, mắt... sẽ cứu giúp rất nhiều án tử có thể hồi sinh. Không chỉ thế, họ sinh con đẻ cái mang lại rất nhiều mầm sống nối tiếp".
"Mày bị điên hả Linh?"
* Để đi đến quyết định hiến tạng, mỗi người đều có một lý do của riêng mình. Riêng anh thì sao?
- Trước đó tôi chưa từng nghĩ đến chuyện hiến tạng. Trong nhiều lần tham gia chương trình nhân đạo ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi rất xúc động khi nghe bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người - kể về chuyện hiến ghép tạng.
Đó là lúc tôi nhận thấy nhiều mảnh đời còn rất trẻ, là trụ cột của gia đình ra đi rất nhanh vì không được ghép tạng thay thế. Giá như được ghép tạng, có lẽ họ không phải ra đi oan uổng như vậy.
Rồi càng đi nhiều, tôi bắt gặp thêm nhiều hoàn cảnh phải nằm chờ 3 - 5 năm trời để được ghép tạng. Có người chưa đến lượt mình đành ra đi, có người đến lượt nhưng xét nghiệm kết quả lại không tương thích khiến họ, gia đình vô cùng đau khổ.
Tôi hiểu họ đang từng ngày ngóng chờ một điều kỳ diệu nào đó từ một người xa lạ nào đó. Và không phải một người chờ, mà có rất nhiều người chờ như thế.
* Và lúc đó anh quyết định hiến tạng?
- Đúng vậy. Tôi quyết định đăng ký hiến tạng mà không suy nghĩ, trăn trở gì nữa cả. Tôi còn nhận làm đại sứ đồng hành cùng chương trình của Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời điểm ấy, với mục đích vận động mọi người nếu có thể hãy tham gia hiến tạng cứu người.
Rồi tôi mang giá trị tốt đẹp của hiến tạng nói bất kỳ nơi đâu, ở quán cà phê, quán ăn và cả quán nhậu... Khi ra vào các bệnh viện hay về các vùng nông thôn, tôi đều tìm cách "tỉ tê, to nhỏ" với mọi người. Tôi không xin xỏ điều gì cả, mà chỉ mong mọi người có thể cảm nhận được rằng chết không phải là hết và cho đi là còn mãi.
* Phản ứng của họ là...?
- Nhiều người chửi tôi: "Mày bị điên hả Linh?". Có người hỏi: "Tại sao chết phải phanh thây?" hoặc dè bỉu: "Sao dã man thế?". Có những người phản ứng rất dữ, những cuộc tranh cãi rất gay gắt, thậm chí họ còn quát tháo đề nghị tôi không đề cập đến chuyện hiến tạng.
Đương nhiên tôi không thể nói thẳng thừng là cô, bác, anh chị... hãy hiến tạng đi. Điều này sẽ khiến họ bị sốc. Tôi luôn cố tìm cách đưa câu chuyện của các bệnh nhân qua đời khá oan uổng kể cho mọi người. Bởi có đồng cảm mới dễ dàng chia sẻ.
Kết quả 70% bảo lưu quan điểm không hiến tạng và chỉ có khoảng 30% người chia sẻ.
"Tôi dùng uy tín của mình để nói chuyện" - Ảnh: Duyên Phan
Mưa dầm thấm lâu
* Chắc lúc ấy anh rất nản lòng?
- Hoàn toàn không. Cũng may tôi được nhiều người thương. Mặc kệ người ta chửi, tôi vẫn kiên định, ráng dùng uy tín của mình để nói chuyện. Tôi tin trong mỗi con người đều có giá trị nhân văn, quan trọng khơi nguồn đúng thời điểm thì họ sẽ hiểu và làm theo.
Tôi tin chắc trong 10 người nghe sẽ có 3 người thay đổi suy nghĩ và chuyện này phải được duy trì theo kiểu mưa dầm thấm lâu.
* Có nhiều người chia sẻ họ rất mong muốn hiến tạng, nhưng lại vướng phải rào cản lớn từ gia đình...
- Đúng vậy. Chuyện hiến tạng ở Việt Nam khó vô cùng tận. Khi một người mất đi, nếu được đề nghị hiến tạng thì đó là một cú sốc rất lớn đối với gia đình. Tôi thấy có rất nhiều người cảm nhận được ý nghĩa của hiến tạng, nhưng họ không vượt qua được rào cản quá lớn từ gia đình.
Có người nói với tôi họ hoàn toàn đồng ý, nhưng lại không dám đăng ký hiến tạng vì sợ gia đình không cho phép.
Còn nhớ có lần tôi mang câu chuyện hiến tạng nói với các bạn sinh viên, có bạn hào hứng hứa sau này sẽ đăng ký hiến tạng. Nhưng sự hào hứng này bỗng chốc bị một bạn giội gáo nước lạnh: "Mày giỏi, ba mẹ mày có cho không?".
Theo tôi, để thay đổi quan niệm về hiến tạng nên bắt đầu từ gia đình. Cần có sự phối hợp của các cơ quan đoàn thể, chứ chỉ dựa vào một cá nhân, một tổ chức là chưa đủ.
Đặc biệt, để lan tỏa cần có thêm nhiều câu chuyện nhân văn về hiến ghép tạng trong các chương trình truyền hình giải trí.
* Ngoài vai trò diễn viên, MC..., anh còn là đạo diễn chương trình nhân đạo "Vượt lên chính mình". Anh có từng nghĩ mình sẽ làm một chương trình mang tính nhân văn về hiến ghép tạng?
- Đó là trăn trở của tôi bấy lâu nay, nhưng kiếm được nguồn tài trợ rất khó. Tôi từng nói ý tưởng này với vài doanh nghiệp, nhưng họ nói "hơi lo" bởi sợ nhạy cảm, sợ bị phản ứng nên không dám đồng hành. Mặt khác, nếu thực hiện, đây không phải là chương trình giải trí, lợi nhuận mang lại không cao nên rất khó thuyết phục nhà đài.
Với tôi, hiến tạng không phải để có thể "khè" người khác, quan trọng ở chỗ là từ câu chuyện của bản thân góp sức lan tỏa thông điệp để thay đổi quan niệm về hiến tạng của nhiều người. Cho đi là hạnh phúc, nếu có thể cho đi bao nhiêu để có niềm vui thì tôi sẽ làm vì điều đó.
* NSND Minh Vương (người được ghép thận hiến):
Năm 2012, tôi bị suy thận nặng khiến chân sưng, việc tiểu tiện càng trở nên khó khăn. Những ngày ấy tôi phải chạy thận, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động nghệ thuật.
Thế rồi tôi đăng ký ghép thận và may mắn được một chàng trai chết não hiến thận. Đến nay đã 7 năm trôi qua, sức khỏe tôi khá tốt, có thể cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật cải lương.
Tôi là một người được hiến thận và nhận thấy hiến ghép tạng là một việc làm đáng quý, đáng trân trọng.
* Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy):
Mỗi một người đăng ký hiến tạng là một điều quý giá. Đặc biệt, văn nghệ sĩ là giới có sức ảnh hưởng rất lớn, có thể thu hút sự đồng thuận của cộng đồng.
Tôi đánh giá rất cao hành động hiến tạng của các nghệ sĩ, trong đó có Quyền Linh, Việt Trinh... Nhờ sức ảnh hưởng của cá nhân mà số người đăng ký hiến tạng càng tăng lên. Điều này sẽ cứu giúp nhiều người bảo tồn, duy trì sự sống.
Việt Trinh: Giúp ích một điều gì đó
Việt Trinh đăng ký hiến tạng hôm 22-4 - Ảnh: CTV
Quyền Linh là nghệ sĩ đầu tiên đăng ký hiến tạng với chương trình của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). "Người đẹp Tây Đô" Việt Trinh lại là "người đến sau" khi cô vừa đến Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.
Cách đây hơn hai năm, trong một lần dẫn chương trình "Tỏa sáng phút đời thường", Việt Trinh vô cùng xúc động khi nghe được câu chuyện về ca ghép thận thành công cho NSND Minh Vương. Người hiến thận lúc ấy là chàng trai chết não, mới 24 tuổi.
Để đi đến quyết định hiến tạng không phải là điều dễ dàng với Việt Trinh và gia đình. "Khi tôi chết đi thì cơ thể này làm được gì? Có ích hay không?..." chính là những câu hỏi khiến Việt Trinh trăn trở suốt một thời gian dài.
Mới đây, chị tình cờ xem được một đoạn clip kể về câu chuyện của người vợ quyết định hiến tạng của chồng mình để cứu năm người dưng. "Đó là lúc tôi vững tin nhất để đưa ra quyết định hiến tạng, với mong muốn giúp ích một điều gì đó cho xã hội sau khi qua đời" - chị nói.
Thế là chỉ sau ít ngày đăng ký, Việt Trinh kể chị nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi hỏi về thủ tục để hiến tạng. "Tôi nhận ra có rất nhiều người có cùng suy nghĩ với mình, không riêng gì nghệ sĩ. Tôi rất nể phục và mong muốn ngày càng có nhiều người hướng đến chương trình nhân văn này" - Việt Trinh chia sẻ.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, kể từ khi đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của bệnh viện được thành lập vào năm 2014 đến nay, đơn vị nhận được trên 9.000 đơn đăng ký hiến tạng nhân đạo. Trong số này có rất nhiều MC, nghệ sĩ nổi tiếng đến đăng ký: Quyền Linh, Việt Trinh, Minh Hoàng, Thảo Nguyên, Ngọc Hương, Phi Hùng...