Rằm tháng Bảy đọc lại Văn tế thập loại chúng sinh

Ảnh  Minh họa
Ảnh Minh họa
Cùng với Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh (còn có tên khác là Văn chiêu hồn) của thi hào Nguyễn Du cũng xứng đáng được tôn vinh là kiệt tác văn chương, nhưng có sự khác nhau. Nếu Truyện Kiều là sự sáng tạo, sự thăng hoa từ một tác phẩm văn xuôi Trung Quốc (Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân), nghĩa là còn phải mượn cái cốt của bên ngoài, thì Văn tế thập loại chúng sinh là một sáng tạo hoàn toàn của thi sỹ…

Cách đây mấy chục năm, khi đang còn là một công nhân đóng gạch ở công trường Thuỷ điện Hoà Bình, lần đầu tiên được đọc Văn tế thập loại chúng sinh do một nhà sư cho mượn, tôi thấy rùng mình ớn lạnh, còn người thì lẩn mẩn nổi da gà bởi cái sức hút đến ma mị của chữ nghĩa trong tác phẩm. Thế rồi cùng với thời gian, khi tuổi tác càng cao, sự từng trải càng lớn, mỗi lần có dịp đọc lại, tôi vẫn thấy lạnh, nhưng mà cái lạnh giờ đây khác hẳn. Tôi lạnh người trước nỗi đau nhân thế, trước tấm lòng của người viết trước mỗi kiếp nhân sinh…

Văn tế thập loại chúng sinh được phát hiện lần đầu ở chùa Diệc (Nghệ An) vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước (cũng may vì nó được nhà chùa cất giữ, nếu không, rất có thể nó đã bị tiêu huỷ như là số phận của bản Truyện Kiều được coi là nguyên gốc ở nhà ông nghè Nguyễn Mai, hậu duệ của cụ Tiên Điền rồi). Tác phẩm dài 176 câu, được viết bằng chữ Nôm theo một thể thơ hoàn toàn dân tộc là thể song thất lục bát (hai câu bẩy chữ, một câu sáu chữ và một câu tám chữ). Nó được sáng tác nhân dịp rằm tháng Bảy âm lịch. Rằm tháng Bảy là ngày mà theo quan niệm dân gian, là ngày xá tội vong nhân. Ngày đó, nhà chùa nấu cháo, múc vào những bồ đài bằng lá đa cắm ven đường để mời những “cô hồn thất thểu dọc ngang”, hồn của những người chết bất đắc kỳ tử không người hương khói, gọi là chúng sinh, về hưởng, sau tuần chay siêu độ cho họ. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng chủ đạo để thi hào của chúng ta viết nên kiệt tác này.

Gọi là “thập loại chúng sinh”, nhưng bài văn tế đã đề cập đến số “loại” chúng sinh nhiều hơn con số mười rất nhiều. Ngoài một số thuộc tầng lớp trên của xã hội như những người có mưu cao chí lớn, có mưu đồ “cướp gánh non sông”, có tài “mũ cao áo rộng” (nắm giữ những chức vụ đầu triều) hay “cướp ấn nguyên nhung”… Phần lớn còn lại của tác phẩm, tác giả dành cho những tầng lớp dưới của xã hội…

Viết về cõi âm mà thực ra là viết về cõi dương. Vì thế, trong tác phẩm, ta thấy thấm đẫm một không khí Liêu Trai. Dưới bút lực vô song của tác giả, những kiếp người ở tận đáy cùng của xã hội, những kiếp người “sống đã chịu nhiều bề thảm thiết/ Ruột héo khô, dạ rét căm căm”, với trăm ngàn những nhọc nhằn, lao khổ trong việc mưu sinh, hiện lên vô cùng sống động. Từ những kẻ “đi về buôn bán/Đòn gánh tre chín rạn hai vai” đến những người “vào sông ra bể/ Cánh buồm mây chạy xế gió đông”. Từ chàng khoá sinh rời quê ra thành thị mong đỗ đạt để tiến thân, không may ngã bệnh giữa đường, đến nỗi phải “vội vàng liệm sấp chôn nghiêng/Anh em thiên hạ, láng giềng người dưng” đến những người chẳng may hàm oan trong vòng lao lý, phải “gửi mình vào chiếu rách một manh/ Nắm xương chôn rấp góc thành”…

Đau đớn nhất là những người lính, những người nông dân phải “bỏ cửa nhà đi gánh việc quan”, chịu trăm cay nghìn đắng với cơm ống, nước khe, để đến khi chiến trận xẩy ra, những trận chiến kinh hồn “tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành” thì “mạng người như rác”. Và trong khi những kẻ cầm quyền sẵn sàng “dãi thây trăm họ làm công một người”, thì đương nhiên họ là những người phải chịu cảnh “phận đã đành đạn lạc tên rơi”. Không nói thẳng ra, nhưng ai cũng hiểu, số phận của những người lính mà thi hào nói đến ở đây là số phận của những người lính bị đẩy vào những cuộc chiến tranh phi nghĩa, nó khác hẳn với số phận của những người lính chống xâm lăng bảo vệ đất nước…

Trong Văn chiêu hồn, ta cũng gặp hai loại phụ nữ. Loại thứ nhất là những phụ nữ sống trong thăm thẳm cung cấm, với những "màn lan trướng huệ". Với sắc đẹp "nhất cố khuynh nhân thành/ Tái cố khuynh nhân quốc" (nhìn cái thứ nhất làm đổ thành trì, nhìn cái thứ hai làm sụp đổ đất nước), họ được quân vương hết sức nâng niu, bố mẹ được phong hầu, anh em một bước lên mây... Loại thứ hai là những người phụ nữ phải "Liều tuổi xuân buôn nguyệt bán hoa", những nàng Kiều, nàng Đạm Tiên... "sống làm vợ khắp người ta..." dưới bàn tay của bọn trùm lầu xanh "còn như vào trước ra sau/Ai cho kén chọn vàng thau tại mình". Giữa hai loại phụ nữ đó là một khoảng cách xa vời vợi, nhưng kết cục của họ thì lại giống hệt nhau. Loại thứ nhất "khi sao đông đúc vui cười/Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương" do quốc phá gia vong, do "một phen thay đổi sơn hà", còn loại thứ hai, "ngẩn ngơ khi trở về già", giật mình nhìn lại mới hay "ai chồng con tá, biết là cậy ai" và họ gặp nhau cùng một chỗ, đó là nơi phát cháo lá đa bố thí. Cũng như trong Truyện Kiều, ở đây ta lại gặp tiếng kêu than thảm thiết của nhà thơ "Đau đớn thay, phận đàn bà/Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?"... Còn nhiều, nhiều nữa những kiếp người cơ khổ, nào là chìm sông lạc suối, nào sẩy cố sa cây, nào lũ cuốn, nào sói tha hổ vồ… Đoàn cô hồn trong cõi âm lạnh lẽo nhưng vẫn thèm hơi ấm của cõi dương, nên cứ “lặn mặt trời lẩn thẩn dò ra/ lôi thôi bồng trẻ dắt già…”. Nếu làm một phép "chuyển vế" như trong một phương trình đại số, lấy ngày làm đêm lấy đêm làm ngày, thì ta càng rõ ý đồ của tác giả như ban đầu chúng tôi đã nói, là mượn âm nói dương. Đoàn cô hồn thất thểu ấy chính là những đoàn người "sinh vô gia cư, tử vô địa táng" nhan nhản trên cõi đời, trong những chế độ do hôn quân bạo chúa trị vì hay trong những hồi quốc nạn, xiêu dạt khắp nơi "Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi/Hoặc là nơi bờ suối chân mây/Hoặc là ngọn cỏ bóng cây/Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ/Hoặc là nương thần từ, phật tự/Hoặc là nơi đầu chợ, cuối sông/ Hoặc là trong quãng đồng không/Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau khe...", hiện thực đến không còn gì hiện thực hơn. 

Bao trùm lên tác phẩm là một tư tưởng nhân đạo, một tình thương bao la với những kiếp người nghèo khổ, dẫu rằng người viết cũng chỉ biết mượn một đàn tràng của nhà Phật để mong “siêu sinh tịnh độ” cho họ, chứ chẳng biết làm gì hơn. Có người bảo như vậy là yếm thế. Tôi không tán thành. Bởi nếu đặt mình vào hoàn cảnh của nhà thơ lúc ấy, thời thế ấy, xã hội ấy, thì hẳn cách nhìn của chúng ta sẽ khác đi. Xã hội Việt Nam thời ấy, có khác gì cái cảnh “trường dạ tối tăm trời đất” mà thi hào mô tả? Cái xã hội đã được nhà thơ Huy Cận khái quát rất đúng bằng bốn câu “Cha ông nghìn thuở đè lưng nặng/ Những bạn đương thời của Nguyễn Du/ Nung nấu tâm can, vò võ trán/ Đau đời, có cứu được đời đâu?”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày