Rằm tháng Giêng: Chen chân lên chùa cầu an

Đã thành lệ, cứ đến rằm tháng Giêng, nhiều người dân lại náo nức lên các chùa để cầu mong sự bình an, may mắn... cho mình và gia đình.

Phật tử đăng ký cầu an, cầu phúc tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM).

Phật tử đăng ký cầu an, cầu phúc tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM).

Hà Nội: Đường tắc vì lễ cầu an

Mặc dù tối 14 tháng Giêng chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa) mới chính thức khai lễ cầu an, nhưng một đại diện nhà chùa cho biết: "Ngay từ đầu năm, hầu như ngày nào chùa cũng trong tình trạng quá tải, đặc biệt là những hôm làm lễ giải hạn".

Dường như đã quá quen với hình ảnh người hành lễ bên ngoài đường Tây Sơn (trước cổng chùa) hay trên cầu vượt và xung quanh chùa, ngay từ 16 giờ chiều qua, các địa điểm gửi xe đã chật cứng, ai cũng cố gắng đến thật sớm tìm một vị trí đẹp để tham gia lễ cầu an.

Mặc dù lực lượng công an đã tổ chức phân luồng giao thông, nhưng cùng với giờ tan tầm từ 19 giờ đoạn đường Tây Sơn qua chùa Phúc Khánh đã trở nên ùn tắc.

Năm nay, lễ cầu an chùa Phúc Khánh được tổ chức trong hơn 1 giờ nên xung quanh chùa cũng phát sinh nhiều dịch vụ "đặc biệt" để phục vụ khách hành lễ như thuê ghế nhựa (20.000 đồng/chiếc), bán đồ lễ và cả các dịch vụ ăn uống ngay tại chỗ… Ước tính, có ít nhất 5.000 người tham gia lễ cầu an vào tối hôm qua tại ngôi chùa này".

TP.HCM: Chùa chật ních người

Ngay từ sáng sớm ngày 16.2 (14 tháng Giêng), dòng người từ khắp các quận huyện nội, ngoại thành đã nườm nượp nối đuôi nhau trên các ngả đường dẫn đến những ngôi chùa lớn trên địa bàn thành phố để dâng hương và cầu an, cầu phúc.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3), khói hương nghi ngút càng làm quang cảnh nơi chánh điện thêm trầm lắng, tôn nghiêm hơn, nhưng cũng gây không ít trở ngại cho các Phật tử bởi sự cay nồng của nhang khói và cái chật chội, khó thở trong một không gian chật ních người.

Hai bên sân chùa, các sư thầy đặt 2 dãy bàn để khách thập phương có nhu cầu đến đăng ký cầu an, cầu phúc hay xin xăm, quẻ bói. Đến 10 giờ, số lượng người đăng ký quá đông đã dẫn đến tình trạng “quá tải” khi các thầy không giải quyết kịp và nhân viên nhà chùa phải góp ý các phật tử nên từ tốn, trật tự.

Chị Mai - một khách dâng hương tâm sự: “Năm nay thời tiết quá tốt nên thu hút nhiều người hơn năm ngoái”.

Chùa Bà (quận 7) được người dân địa phương và lân cận xem là ngôi chùa thiêng, nên hôm qua cũng không kém phần nhộn nhịp người đến dâng hương cầu phúc cho ông bà, cha mẹ.

Anh Hưng - thợ chụp hình tại chùa cho biết: “Năm nào cũng vậy, khoảng từ 4 giờ sáng ngày 14 tháng Giêng là mọi người bắt đầu đổ về kín cổng chùa. Chiều nay và ngày mai người đến thắp nhang sợ không có chỗ đứng luôn đấy”.

Sự tĩnh lặng, u tịch thường ngày của ngôi chùa như biến mất trong ngày này, thay vào đó là không khí khẩn trương, hối hả khi nhiều bà con chen nhau đăng ký cầu an cho người thân.

Trước gốc đa cạnh cửa chùa, chị Nguyễn Quỳnh Hoa hai tay giữ chặt nén nhang trước ngực với lòng thành kính, miệng lầm rầm khấn nguyện trước tượng Bồ Tát cho con gái mau khỏi bệnh. Hỏi chuyện mới biết, con chị đang mắc phải chứng bệnh suy thận và đang phải chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần dù tuổi đời còn khá trẻ.

Đà Nẵng: Giảng giải về kinh Phúc Đức

Hòa thượng Thích Giác Viên (chùa Pháp Lâm, Đà Nẵng) nói: Theo quan niệm của người Á Đông, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh theo từng năm. Với mong muốn giảm nhẹ vận hạn, cầu cho gia đình mạnh khỏe, bình an, làm ăn phát đạt nên nhiều người đã chọn cách làm lễ cúng đầu năm tại chùa.

Hôm qua, các chùa tại Đà Nẵng đều đã chuẩn bị giàn lễ để sáng 15 tháng Giêng tổ chức cầu an đầu năm cho các phật tử, người dân, du khách.

Hòa thượng Thích Giác Viên - trụ trì chùa Pháp Lâm, một trong những ngôi chùa lớn ở Đà Nẵng, cho biết: “Cầu nguyện một năm mới bình an, hạnh phúc đó là niềm mong ước hàng đầu của con người. Là người con Phật, vào những ngày đầu xuân, nếu hữu duyên được đọc tụng và hành trì kinh Phúc Đức thì chắc chắn sẽ đạt được phúc báu bình an, hạnh phúc.

Huế: Hàng nghìn Phật tử lên chùa Thiên Minh

Chùa Thiên Minh tọa lạc ở đường Điện Biên Phủ, TP.Huế, là chùa tổ chức cầu an vào ngày rằm tháng Giêng quy mô nhất trong số các chùa ở Huế. Đến ngày 14 tháng Giêng, đã có hàng nghìn phật tử ở Huế đến chùa xin thầy dâng sớ cầu an.

Để chuẩn bị cho lễ cầu an, các sư của chùa tất bật với việc trang hoàng lại chùa, đơm hoa quả tươm tất… Các sư phụ trách bếp núc thì bận rộn với việc chuẩn bị khối lượng lớn thức ăn phục vụ cho thờ cúng và để hàng nghìn phật tử dùng bữa khi đến chùa cầu an trong ngày rằm.

Lúc 20 giờ tối 14 tháng Giêng, toàn thể chư tăng và đạo tràng cùng các gia đình đạo hữu tập trung tại chánh điện của chùa để tụng đàn kinh Dược Sư và nghe Hòa thượng trụ trì Thích Khế Chơn thuyết giảng về ý nghĩa lễ cầu an.

Từ 8 giờ ngày 15 tháng Giêng, chùa sẽ tuyên sớ cầu an đầu năm, tiếp đó là lễ chính thức cầu an minh niên…

Theo Đại đức Thích Khai Xả, chùa Đống Cao, TP.Hải Dương thì năm nay trong 3 ngày từ 11 đến 13 âm lịch, chùa tổ chức cầu Pháp Hội Dược Sư, cầu quốc thái dân an, cũng như cầu bình an, sức khỏe cho người dân với sự tham gia của hơn 1.000 hộ gia đình. Trò chuyện với NTNN, Đại đức chia sẻ: "Đầu năm mới, với niềm mong cầu an lạc cho mọi người con Phật, toàn thể phật tử luôn luôn tâm niệm đạo Phật quý nhất ở chỗ tâm, miễn là giữ được tâm thiện, lòng thành thì việc cầu an đoạn nghiệp mới đem lại hiệu quả mong muốn”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày