Đầu xuân con rồng, được diện mạo rồng trong suốt hai ngàn năm qua tại Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa trình làng trong bộ sưu tập ngày 12.1 vừa qua.
Rồng là con vật cao quý nhất trong bốn con vật linh “long, ly, quy, phượng”. Thế nhưng, rồng lại là con vật siêu thực. Chính bộ sưu tập rồng qua các triều đại đang được trưng bày đã là sự kết tinh đẹp nhất của hình tượng rồng.
Theo các nhà khoa học, hình ảnh con rồng lần đầu tiên xuất hiện ở ta là vào thời Hùng Vương, khi mà trong thư tịch còn ghi lại người Việt phải xăm mình cho giống giao long khi xuống nước, để tránh bị hại. Hình giao long lại được khắc trên các tấm hộ tâm phiến bằng đồng thau theo từng cặp hay trên giáo đồng, rìu đồng. Trong cuộc trưng bày này, chúng ta còn được thấy 2 đồ đồng Đông Sơn khắc hình giao long là chiếc giáo và chiếc rìu. Đó là con vật 4 chân, thân cong, đuôi dài, có bờm.
Qua góc nhìn thời Lý, hình tượng rồng đã đạt được tuyệt đỉnh về mặt tạo hình. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có vài chục lần rồng vàng hiện lên. Hình ảnh rồng được gắn liền với các vua Lý. Tại bảo tàng, chúng ta sẽ thấy hình tượng rồng thời Lý thân hình rắn uốn thành từng khúc, nhỏ dần về phía đuôi. Vì thế, nhiều người gọi là “rồng giun”.
Đầu rồng không có sừng và tai, nhưng có chiếc vòi thay cho mũi làm sống cho chiếc mào lửa, có răng nanh kiểu ngà voi, mang nở, mắt tròn. Đó là các hiện vật chạm rồng trên một chất liệu đặc trưng là đá sa thạch: Bệ đá đỡ chân cột có đôi rồng đối xứng nhau đang tranh viên ngọc quý, trang trí hình lá đề, trang trí trên đố cửa.
Các tác phẩm này sưu tầm được ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - cái nôi của Phật giáo thịnh trị thời Lý. Bên cạnh những tác phẩm rồng thời Lý bày ở đây, còn một tuyệt tác về rồng đang uốn lượn trên cột đá, đuôi ngoắc vào nhau ở chùa Dạm, đã nói lên một thông số văn hóa quan trọng đương thời luôn gắn kết với nhau như một hằng số: Rồng - Phật giáo - chùa chiền.
Người xem còn chiêm ngưỡng đôi cánh cửa được chạm rồng thời Trần của chùa Phổ Minh (Nam Định). Rồng thời Trần cũng uốn lượn như rồng thời Lý, nhưng nét khỏe khoắn hơn. Rồng còn được chạm khắc trên một số đồ đất nung. Bên cạnh các di vật mỹ thuật tạo hình rồng, thời Trần cũng là thời mà hình ảnh rồng được ghi dấu đến từng quân sĩ.
Đến thời Lê, hình ảnh con rồng đã dân dã hơn. Bên cạnh biểu tượng quyền lực, rồng cũng từng bước đi vào các đồ gia dụng, vào điêu khắc đình, chùa. Đó còn là hình ảnh chiếc chân đèn bằng gốm hoa lam năm 1580 có trang trí hình rồng với lưng cong võng như yên ngựa trên thân đèn, trên chiếc bình đồng, bát và đĩa gia dụng được bày dịp này.
Chiếc trống bằng đồng với hình dáng khác với trống Đông Sơn, gần giống trống da, được đúc vào thời Cảnh Thịnh thứ tám (năm 1800) có hoa văn lá đề, dòng chữ Hán, hoa thị, cũng có hình rồng cách điệu khá đẹp.
Điểm nhấn của cuộc trưng bày lần này chính là phần trang trọng ở trung tâm của phòng, với các đồ vàng bạc của vua và hoàng tộc thời Nguyễn. Ấn tượng nhất là 2 chiếc ấn bằng vàng ròng của Vua Gia Long (ấn Mệnh Đức Chi Bảo), Vua Minh Mệnh (ấn Khâm Văn Chi Tỷ). Quai ấn có hình tượng rồng đẹp mắt.
Chiếc ấn bạc cũng có quai rồng được đúc vào đời Vua Gia Long thứ nhất (1802) có chữ “Phong Tặng Chi Bảo”. Một báu vật nữa là pho sách hộp bạc, sách vàng (thường được gọi là kim sách) được làm vào đời Tự Đức thứ 36 - năm 1883 khắc chạm hình rồng hết sức tinh xảo. Một số đồ hoàng gia nữa là hộp vàng, tượng vàng, ấm vàng đều lấy hình tượng rồng làm trang trí chủ đạo. Có thể nói, vẻ đẹp của rồng kết hợp với các đồ biểu tượng quyền lực thời Nguyễn đã là sự tập trung cao độ các nét tinh túy của bàn tay tài khéo của người thợ thủ công nước ta.
Với một gian trưng bày hết sức cô đọng, các hiện vật lại còn cô đọng hơn nữa khi đại diện cho hàng ngàn hiện vật đẹp về hình tượng rồng còn lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhưng đáng để cho những người yêu mỹ thuật cổ và lịch sử nước nhà đến thưởng ngoạn.