Sài Gòn dễ thương!

GN - Tôi không sinh ra ở Sài Gòn nhưng có thể nói đây là quê hương thứ hai để tôi gắn bó. Với gần nửa đời bon chen ở phố, tôi nhận ra một điều, dù Sài Gòn có đỏng đảnh, kiêu sa nhưng nhiều lúc cũng dịu dàng, nhân hậu như cô gái thôn quê đang tuổi xuân thì. Sài Gòn không lạnh lùng, vô cảm như nhiều người đã nghĩ. Vẫn còn nhiều vòng tay rất êm mềm đón lấy và che chở cho những số phận bi thương.
Tiepsucmuathi051.JPG
Nụ cười hoan hỷ của TNV Tiếp sức mùa thi do PG tổ chức,
làm vơi đi nỗi lo của sĩ tử khi "lều chõng" tới Sài Gòn  - Ảnh: Thiên An

Ngày đầu đặt chân lên đất Sài Gòn thi đại học, cái gì cũng lạ, cũng hào nhoáng trước một người nhà quê như tôi. Những dãy nhà cao quyến rũ khiến tôi đứng nhìn không chớp mắt. Thời ấy bến xe có tiếng là bát nháo, nguy hiểm bởi bọn trấn lột, lừa đảo hay uy hiếp hành khách mua hàng với giá cắt cổ. Cầm tờ giấy địa chỉ trên tay mà tôi và ba chẳng biết phải đi đâu, về đâu. Muốn liên hệ với xe ôm thì sợ họ nói thách, chạy lòng vòng. Nhưng rồi nhờ có anh, chị bên Tiếp sức mùa thi (ra đời năm 1996) giúp đỡ, tôi mới thuê được nhà trọ giá rẻ gần trường thi.

Xuyên suốt bao nhiêu năm qua chương trình Tiếp sức mùa thi dù có già, nhưng các thế hệ trẻ vẫn tiếp bước nhau, có mặt ở các bến xe, trạm xe buýt nhằm đem lại hạnh phúc cho bao học trò tỉnh lẻ.       

Thấy rõ sự dễ thương nhất của Sài Gòn là ở bệnh viện. Những buổi trưa ở trước cổng Bệnh viện Ung Bướu, Từ Dũ, Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch… bao giờ cũng có rất nhiều người mang những hộp cơm, ly nước nghĩa tình phát cho bệnh nhân. Tuy đạm bạc nhưng đó là cả tấm lòng đáng mến, đáng trân trọng của các mạnh thường quân.

Những ngày nuôi chị ở Bệnh viện Ung Bướu, tôi càng thương và mến phục người Sài Gòn nhiều hơn. Ngày nào cũng có người đại diện của các doanh nghiệp mang thùng sữa, hộp bánh, cái áo, cái khăn… đến phát cho từng bệnh nhân nội trú. Cuối tuần, đoàn nghệ sĩ thay phiên nhau đến để nấu ăn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Họ còn động viên người bệnh bằng những câu chuyện nhân sinh. Khóc, sợ, hoang mang là những trạng thái mà bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đều trải qua. Vì vậy, đây chính là thần dược giúp họ vượt qua chán chường, tuyệt vọng mà sống vui sống khỏe cùng gia đình.

Tôi yêu sao những hàng cây cổ thụ cao to, tỏa bóng mát cả một vùng rộng lớn. Trải qua bao thăng trầm của Sài Gòn, cây vẫn an nhiên cùng thời gian. Tiếng chim hót lảnh lót trên những cành cây cao, cảnh chú sóc nhỏ bé rón rén chạy xuống góc cây tìm thức ăn đã làm cho không gian Sài Gòn chậm lại, dịu dàng, nhẹ nhàng như tiếng giọt cà-phê rơi. Tiếng đàn, giọng hát của các bạn sinh viên đập tan đi cái nóng bởi những nốt thăng cao vút tận trời xanh.

Càng về trưa, thanh âm càng thú vị bởi giọng tiếng Anh bồi của những người bán hàng rong trò chuyện với du khách nước ngoài. Họ cũng như tôi, đến từ mọi miền đất nước. Sài Gòn đã cưu mang họ, giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống này. Nhiều bà mẹ, ông bố nở nụ cười tự hào vì nhờ có gánh hàng rong, xe bánh mì, tờ vé số mà nuôi con vào đại học thành danh…

Đặng Trung Thành (Bình Chánh, TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày