Sao Bồ-tát đến ngay lúc này?

GN - Thị xã có nhiều ngọn đồi lúp xúp cách nhau chỉ một thung lũng nhỏ. Trường đại học nằm trên một ngọn đồi đối diện với ngôi chùa cũng nằm trên một ngọn đồi. Giờ ra chơi, bọn sinh viên chúng tôi đứng trên hành lang nhìn lên những đám mây bay ngang bầu trời rồi thì ánh mắt dõi theo mây lang thang đến... nhà bếp của chùa.

Mùa đông, đứa nào cũng quấn mền ngủ nán tới sát giờ học mới cuống cuồng chạy tới lớp cho nên hầu như đứa nào cũng nhịn ăn sáng, mà trời thì lạnh lẽo nhường kia, vậy nên chỉ sau hai tiết học thì đứa nào cũng đói meo.

Giáo sư lắc đầu vì có lần nhìn thấy lũ sinh viên to đầu mà còn chơi oẳn tù tì! Lý do là lớp học tận trên lầu ba, chẳng đứa nào muốn vác cái bụng đói chạy ngược xuôi ba tầng lầu tới căn-tin để mua gói cơm cháy hay bịch bắp rang bơ, oẳn tù tì là để tìm ra đứa bị thua phải nhận nhiệm vụ này. Vậy, trong khi đứng trên hành lang chờ đem bữa ăn sáng về, cả lũ chúng tôi nhìn ngó lung tung rồi thì nhìn qua bếp nhà chùa ngay trong tầm mắt, dò đoán dáng áo nâu đang lom khom bên mấy khạp tương đặt ở bên hông chùa có phải là Sư cô Diệu Thuần không.

Phần lớn sinh viên ký túc xá đều thích quán cơm chay trước cổng chùa, trước tiên là vì rẻ, khi đã thân thiết hơn một chút, vô bếp phụ giúp Sư cô lặt rau được biết nguồn nguyên liệu ngay trong vườn chùa, coi như là ngày nào cũng được ăn rau sạch, còn gì bằng.

Thân thiết hơn nữa, là Mai Hoa láu lỉnh. Trong khi Huyền đang hái mít cho món kho và tôi xắt bắp chuối để làm món gỏi thì Mai Hoa đã lanh lẹ ôm mấy bó hoa và túi trái cây khách thập phương mới cúng dường theo Sư cô Diệu Thuần lên chánh điện.

Cắm hoa mới và dọn hoa cũ xong, dĩ nhiên là dọn luôn trái cây đã thắp nhang mấy hôm nay để thay trái cây mới, Mai Hoa toét miệng cười “Sư cô cho tao nè”, tay Mai Hoa chìa ra nải chuối chín và mấy trái thanh long.

Cứ vậy, tôi hay được ăn trái cây chùa nhờ ở cùng phòng với Mai Hoa. Có khi Mai Hoa đắc thắng giơ cao trái bưởi da xanh, thứ mà túi tiền sinh viên chỉ ngắm nhìn chứ không bao giờ dám đụng tới. Mấy đứa phòng bên cạnh nhao nhao:

- Từ nay muốn làm công quả ở chánh điện thì phải bốc thăm mới được.

Cười vang, rồi thì bốc thăm.

Lần thứ nhất, bốc được cái thăm có dấu x là Mai Hoa.

- Tao nghi ngờ quá đó - Huyền lắc đầu và lấy cái khăn quấn quanh mắt Mai Hoa.

Nhưng rồi lần thứ hai cái thăm có dấu x cũng vô tay Mai Hoa.

Lần thứ ba, bọn tôi bắt Mai Hoa ngồi yên đợi tất cả bốc trước, vậy mà cái thăm cuối cùng cũng là chính nó.

- Chắc kiếp trước Mai Hoa là em của Sư cô Diệu Thuần.

Ít khi bọn tôi chịu cùng chung ý kiến nhưng câu nói của Huyền thì tất cả đều cười hì hì và gật đầu. Mai Hoa ưỡn ngực tự hào nhấn mạnh thêm:

- Em út.          

Huyền ngẫm nghĩ một chút rồi bỗng cười ha ha:

- Mai Hoa nè, ờ thì kiếp trước bà là em út của Sư cô dễ thương, nhưng bây giờ thì bà mất công bưng trái bưởi về đây, mất công gọt vỏ, rồi mất công tách từng múi chia cho cả phòng và bọn tui không cùng phòng cũng được ăn ké. Vậy nghĩ coi bà ăn ở kiểu gì mà kiếp này bà tuột xuống làm... người phục vụ cho ...

Huyền chưa dứt câu thì cả lũ đã cười vang trước hai con mắt trợn tròn của Mai Hoa.

IMG_0598.JPG


Minh hoạ: Nhuận Thường

*

Bọn tôi lên năm thứ ba thì Sư cô Diệu Thuần chuyển tới một ngồi chùa nằm ở thôn xa trung tâm thị xã gần trăm cây số.

Chủ nhật, Huyền, Mai Hoa và tôi rủ nhau đi thăm Sư cô. Mất ba tiếng đồng hồ chạy xe trên đường nắng bụi đụng nhiều ngã ba rẽ phải rẽ trái đi lạc lộn lui lộn lại mới tới nơi. Đã biết là càng cách xa trung tâm thị xã thì càng hoang vắng và thiếu thốn, nhưng không thể không bất ngờ. Nếu không có tượng Phật đặt trên bàn thì chùa chẳng khác nào căn nhà giữ rẫy.

Quen nhìn thấy Sư cô Diệu Thuần giữa gian bếp sạch sẽ đầy rau trái thơm tho hoặc giữa quầy thức ăn bày biện ngon mắt, ba đứa tôi hụt hẫng khi nhìn khuôn mặt và hai bàn tay Sư cô sạm đen, vạt áo nâu dơ dáy chẳng khác người làm rẫy.

- Thì hàng ngày Sư cô làm rẫy mà - Sư cô Diệu Thuần nói.

Bữa cơm trưa ăn với rau cải luộc chấm nước tương, Mai Hoa nhìn ra vạt cỏ cháy nắng, mơ mộng khan:

- Nếu ở đây mà gần trường thì chỉ cần một ngày Chủ nhật cả ký túc xá tụi con kéo qua dọn vườn trồng đủ thứ rau củ như chùa trên đồi cho Sư cô mở quán cơm chay.

- Đất rộng mà, tụi con sẽ làm trại nấm - Tôi cũng hùa theo - Ở đây chắc là nhiều rơm.

Huyền cười:

- Tụi con sẽ thiết kế vườn giống như ở chùa trên đồi, sân trước trồng hoa và cây lấy bóng mát thì sẽ trồng gì đó mà mình ăn trái được luôn.

Mai Hoa nhộn lên:

- Ăn trái chín và để nấu món chay nữa. Trồng mít để làm món mít kho nè, à, trồng sa kê mới là tuyệt. Và cây bưởi da xanh.

Lời nhắc nhở về bưởi da xanh khiến ba đứa bật cười nhớ lại lời trêu chọc Mai Hoa là em út của Sư cô. Nỗi nhớ này khiến thực tại càng thêm đìu hiu.

Chia tay, Mai Hoa buột miệng:

- Xin chuyển về chùa gần trung tâm đi Sư cô ơi.

- Ai cũng muốn về chùa ở trung tâm thì ở nơi xa xôi làm sao? - Sư cô trả lời, rồi chỉ tay về phía căn nhà lụp xụp giữa bãi đất trống - Nãy giờ nhắc tới quán cơm chay... ờ, có duyên mà được thêm người phụ giúp thì Sư cô sẽ nấu cơm cho mấy em ở trường tiểu học đó. Nghe cô giáo kể mấy đứa nhỏ nhà xa bữa trưa đem theo gà-mèn cơm nguội lạnh với mấy trái cà pháo muối.

Nhìn về nơi Sư cô vừa gọi là trường tiểu học, cả ba đứa tôi thốt nhiên nhìn nhau, nghĩ tới tương lai mà ngại ngùng.

Sư cô tiếp lời:

- Hôm bữa có người cúng dường mấy lốc sữa tươi, Sư cô đem qua trường, tụi nhỏ không biết cách cắm ống hút vì lần đầu tiên nhìn thấy hộp sữa tươi.

*

Tốt nghiệp đại học, Huyền có người nhà xin được chỗ dạy ở trường trung tâm. Mai Hoa và tôi dạy kèm loanh quanh phố, chờ đợi với hy vọng mong manh là sẽ tìm được việc ở đâu đó không xa lắm, nhưng vô vọng.

Có thông tin nếu đồng ý dạy ở vùng xa thì sau ba năm sẽ được chuyển về thị xã, Mai Hoa và tôi nộp hồ sơ xin về dạy ở ngôi trường gần chỗ Sư cô Diệu Thuần. Đằng nào thì cũng đi xa, về đó cùng với Sư cô Diệu Thuần chăm sóc học trò của mình, cũng hay.

Nhưng chỉ Mai Hoa được về đó, tôi phải đi trường khác.

Ngôi trường tôi dạy cũng lụp xụp giữa hoang vắng. Phòng tập thể dành cho giáo viên cũng lụp xụp như trường lớp. Học trò một buổi đi học một buổi đi rẫy, gặp ngày gieo trỉa hoặc thu hoạch thì nghỉ luôn một lèo để phụ giúp gia đình.

Tôi rảnh khan, thời gian dài dằng dặc. Đọc báo nghe nói có nhiều người nghiện facebook, tôi bật cười buồn, tôi cũng là một trong những người nghiện đó. Biết làm gì khác cho hết thời gian.

Tôi nhắn tin hỏi Mai Hoa “Đang làm gì đó?”.

“Đào giếng”.

Câu trả lời khiến tôi tưởng Mai Hoa đùa ám chỉ mình đang rơi xuống nỗi buồn sâu hun hút, nào ngờ lên facebook mới biết là thật. Tấm hình Mai Hoa và Sư cô Diệu Thuần lấm lem vì phụ khiêng đất với người đào giếng. Và status nghịch ngợm “Giếng cũ bị cạn, đào giếng mới. Nấu ăn bằng nước giếng này không cần nêm thêm bột nấm bào ngư”.

Rồi thì những tấm hình Mai Hoa cầm cuốc đứng giữa mấy em nhỏ đang ôm bó cỏ miệng cười toe, tôi hình dung Mai Hoa đang tía lia với những đứa bé có làn da sớm sạm đen “Mai mốt vườn rau tha hồ, mấy đứa chưa biết đâu, Sư cô nấu ngon lắm đó”.

Tôi nhìn quanh mình hiu quạnh và ước gì nơi này cũng có một ngôi chùa và có Sư cô Diệu Thuần cho tôi nương tựa.

*

Chiếc xe máy ngừng lại trước cổng trường, phía sau cột một cái bao lô nhô. Người cầm lái vẫn để máy nổ rì rì có vẻ như không đúng địa chỉ thì sẽ phóng đi ngay nhưng khi tôi gật đầu cho câu hỏi “Phải cô giáo Ngọc không?” thì ông thở phào tắt máy và gỡ mũ bảo hiểm ra khỏi đầu:

- Hôm nay gió bụi quá trời - Ông lau mặt bằng ống tay áo rồi tháo sợi dây thun cột bao.

- Gì vậy bác? - Tôi hỏi.

- Cô Mai Hoa bên chùa Sư cô Diệu Thuần gởi rau cho cô giáo.

Ông vạch miệng bao lấy ra mấy trái bầu, bắp sú, củ cải và rau dền, mùi thơm tươi mới hái.

Tôi lấy tiền ra định trả công xe thồ. Ông xua tay:

- Tiền bạc gì. Tôi là phụ huynh ngày rảnh tới chùa làm công quả mà.

Đội mũ bảo hiểm lại và quay đầu xe, ông ngoái nhìn tôi với nụ cười hồn hậu:

- Trưa nào mấy đứa nhỏ cũng được qua chùa ăn cơm nóng canh nóng, tôi cảm động lắm. Từ trước tới nay chỉ biết thắp nhang cúng ông bà thôi, nay tôi biết thêm thắp nhang cúng Phật, ngộ lắm.

Chiếc xe phóng đi, mùi khói tan nhanh giữa mênh mông. Tôi nhìn mớ rau trái, hình dung vạt cỏ cháy nắng giờ đây là vườn rau xanh mướt và ngôi chùa như nhà giữ rẫy giờ đây vui tiếng chân người thành tâm...

Tôi nhắn tin cho Mai Hoa “Cảm ơn rau ngon. Và ghen tỵ với bà được ở gần Sư cô Diệu Thuần đó nghe”.

Đáp lại tôi là dòng chữ màu xanh dương in đậm trên nền hình những trái tim màu hồng nhảy nhót “Ha ha ha, tui đã nói tui là em út của Sư cô Diệu Thuần mà”.

Đùa vui một hồi thì Mai Hoa hỏi “Sao Ngọc không lôi kéo học trò làm gì đó cho vui?”.

Tôi chợt muốn khóc “Ừ, chắc là tại mình làm biếng quá. Nhiều khi cũng muốn Mai Hoa rủ học trò xới đất trồng rau trồng hoa, hay là sử dụng cái smartphone của mình như một cái máy tính tí hon cho các em được nhìn ra xa hơn thôn buôn nhỏ bé của mình. Nhưng cứ nghĩ khan trong đầu vậy thôi. Một mình, muốn làm gì cũng thấy chơi vơi. Chán”.

*

Tuần sau chiếc xe thồ quay lại. Khi đó tôi đang đi trên đường đất để ra quốc lộ đón xe về phố. Sao lại không chứ, học trò nghỉ học một lèo mấy ngày còn được thì sao tôi không kiếm cớ đi về phố rong chơi vài ngày. Mà tôi có muốn nề nếp chăng đi nữa thì cũng có làm được gì đâu.

Trời nhiều gió và nắng, tôi bịt kín mặt mũi và áo quần đi đường cũng kín mít. Tiếng xe nổ phành phạch sau lưng và trờ tới. Là ông xe thồ hôm nọ. Tôi kéo khẩu trang xuống, mỉm cười chào.

- Lúc nãy tôi chạy xe vô có thấy cô giáo đang đi mà đâu biết là cô giáo. Tới trường hỏi mấy người nói là cô giáo về phố khám bịnh, tôi chạy theo. Rau củ tôi gởi lại trường rồi, còn cái này...

Ông thò tay vô túi áo lấy ra một phong bì. Tôi cầm lấy, bên trong là pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm bằng đá xanh và lá thư của Mai Hoa.

“…Ngọc ơi, mình cũng có lúc chơi vơi ghê lắm. Nhiều lúc mình tự hỏi tại sao mình là cô giáo mà việc trồng rau và nấu cơm lại là việc chính? Rồi tới khi nhìn các em hít hà trước tô cơm nóng và ăn uống một cách ngon lành thì mình lại vui trong lòng, cảm thấy mình có ích theo một cách nào đó. Chợt nhớ lại hồi tụi mình còn ở trường, to đầu rồi mà tới chùa vẫn thích được ăn, huống hồ là những đứa bé nghèo này.

Mình có tính mơ mộng khan Ngọc biết rồi đó, mình mơ khi các em được ăn ngon thì sẽ có sức khỏe để học tốt…

Sư cô Diệu Thuần cho mình pho tượng này. Khi yếu lòng, mình niệm Phật xin gia hộ cho mình được vững vàng. Như Ngọc nói, mình được ở gần Sư cô, còn Ngọc chỉ một mình…

Tặng lại Ngọc pho tượng này, để vượt qua những khi…”

Pho tượng nhỏ gọn trong lòng bàn tay tôi óng ánh nắng như tỏa hào quang. Có phải…

Tôi giật mình. Sao Bồ-tát đến ngay lúc này? Khi tôi bỏ học trò của mình mà đi chơi.

Yếu lòng...

Ừ, tôi đã yếu lòng để mình buông trôi.

- Tiện đường cô giáo lên xe để tôi chở ra quốc lộ luôn - Người đàn ông vẫn nụ cười hồn hậu - Thông cảm, xe chở hàng cho nên dơ dáy, để tôi lau đã rồi hẵng ngồi.

Người đàn ông cong cánh tay lại và cúi người xuống, ông định dùng ống tay áo lau yên xe.

Tôi vội giữ tay ông lại:

- Không cần đâu bác. Cháu không đi nữa.

- Sao...

- Cháu về trường - Tôi buột miệng.

Và thấy nhẹ lòng.

Một phụ huynh không quen biết, con của ông không phải là học trò của tôi, mà ông sẵn sàng dùng tay áo lau xe cho tôi ngồi, ông luôn gọi tôi là cô giáo.

Tôi nỡ bỏ đi chơi sao?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày