“Sầu nữ liêu trai” - má Út & tình thương để lại…

GN - Người viết đã có dịp phỏng vấn NSƯT Út Bạch Lan cho số đặc biệt Giác Ngộ Vu lan năm trước, trong căn hộ đơn sơ ở chung cư cũ ở quận 1, “má Út” nói muốn sống thêm nhiều năm nữa với con cháu, trả ơn người mộ điệu và bà rất hoan hỷ vì có Phật chở che… Nay bà đã rời cõi tạm, để lại biết bao sự thương tiếc cho giới mộ điệu. “Má Út” là từ mà nhiều người đã gọi bà với sự kính trọng, thân thương về những đức tính cao quý đã hiện thân trong người nghệ sĩ - Phật tử tài hoa, tràn đầy lòng nhân ái…

Âm thầm làm mẹ

Cho đến nay, NSƯT Út Bạch Lan đã có hơn 70 năm đi hát, và đứng trên sân khấu với giọng hát bi ai, sầu thương trong những vai đào thương. Cuộc đời đầy sóng gió của bà được ví như tấn bi kịch trên sân khấu với bao vinh quang, hỷ, nộ, ái, ố, vượt thoát… nhưng ở đó có một sợi dây luôn giữ thăng bằng cho cuộc đời bà là tình thương, sự nhân nghĩa ở đời.

Lúc sinh thời, có lần bà bảo cuộc đời đã cho bà giọng hát bi ai đặc biệt không lẫn với ai, cho bà đứng trên đỉnh hào quang của sân khấu nhưng cũng lấy đi của bà thứ quý giá là hạnh phúc gia đình riêng tư. Mới 11 tuổi, bà cùng mẹ bôn ba khắp nơi kiếm sống, từ Long An (quê hương), cô bé Hai phải lặn lội đi hát rong khắp nơi ở Sài Gòn xưa kiếm sống và nuôi mẹ.

a3-1417665361821.jpg

NSƯT Út Bạch Lan cùng các nghệ sĩ

Giọng hát hay trời phú đã giúp bà được cô Năm Cần Thơ - một nghệ sĩ cải lương lừng danh thời bấy giờ - tìm gặp và mời đến Đài Phát thanh Pháp Á thu âm. Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, Út Bạch Lan được nhiều khán giả biết đến và yêu quý với giọng hát, nhan sắc say đắm lòng người. Bà là diễn viên trụ cột của nhiều đoàn hát lớn nhỏ thời bấy giờ như đoàn Kim Khánh (bầu Cang), sân khấu Thanh Minh, Kim Chưởng...

Các vở tuồng ở sân khấu Thanh Minh, Kim Chưởng giúp Út Bạch Lan thành danh: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa, Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế… Bà trở thành hiện tượng, đứng trên đỉnh hào quang sân khấu với các danh xưng mỹ miều: “Bức trường thành vọng cổ”, “Nữ hoàng vọng cổ”, “Đệ nhất đào thương”, “Nữ hoàng sầu muộn”, “Sầu nữ Út Bạch Lan”, “Sầu nữ liêu trai”, “Vương nữ sương chiều”…

Sau những hào quang trên sân khấu, bà là người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Kết hôn với đào kép Thành Được, hạnh phúc có là bao khi “người chồng đào hoa có nhiều người thương và ông ấy lại thương nhiều người”. Đau khổ với cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bà lại âm thầm nhận con riêng của chồng làm con nuôi. Trong 3 năm kết hôn, bà nhận nuôi hai con, sau ly hôn bà tiếp tục nhận nuôi hai con riêng nữa của Thành Được.

Bà bảo: “Dù không phải là con ruột nhưng tôi luôn xem chúng là con, vì ít ra tôi biết rõ đó là con của chồng, con của đồng nghiệp”. Trong 4 đứa con thì ba đứa đến với bà lúc còn đỏ hỏn, có một đứa bà phải thuê nhà cho mẹ bầu ở tạm chờ sinh, và một đứa đến với bà khi 4, 5 tuổi. Chính sân khấu là niềm vui cũng là nơi để đêm đêm bà cất lên giọng hát sầu thương, ai oán của những thân phận mình sắm vai, làm tròn vai diễn để kiếm tiền nuôi con, nuôi mẹ.

Câu chuyện nghệ sĩ Út Bạch Lan nén nỗi đau, âm thầm, chịu đựng để nuôi con riêng của chồng trong giới cải lương không ai là không biết. Nó như là câu chuyện cổ tích trong biển đời đầy dâu bể của người nghệ sĩ. Bà nói: “Từ lâu, tôi cảm nhận đời nghệ sĩ dù đứng trên đỉnh vinh quang, được người đời ca tụng, tung hô… cũng là người không hạnh phúc. Dù biết mình thiệt thòi nhưng nuôi con riêng của chồng, tôi cũng có niềm vui được làm mẹ, thấy chúng lớn lên, lo học hành, dựng vợ gả chồng, rồi lo cho chúng đoàn tụ với mẹ ruột. Hành trình đó cũng cho tôi rất nhiều hạnh phúc, được làm mẹ”.

Bà không có con ruột, nhưng hạnh phúc làm mẹ tiếp tục nối dài, khi người em trai cùng mẹ khác cha của bà mất sớm. Bà lại tiếp tục làm mẹ, làm ba nuôi các cháu khôn lớn.

Trong câu chuyện của mình, bà không lấy đó là niềm đau mà luôn xem nó là hạnh phúc. Bà nói: “Đời có vay có trả”, bà biết mình cho đi tình thương thì sẽ được nhận lại tình thương. Chính câu chuyện đời thực đầy gian truân, nước mắt, sự âm thầm hy sinh phía sau sân khấu của NSƯT Út Bạch Lan đã được người trong giới truyền nhau với sự kính trọng, giới mộ điệu cảm phục cho sự nhẫn nhịn, âm thầm cam chịu và trân quý sự hy sinh của bà.

Sống đời nhẹ nhàng…

Sinh thời, bà nói, mình có duyên với Phật pháp, khi từ nhỏ đã theo bà ngoại, mẹ đến chùa Ấn Quang (Q.10, TP.HCM) lạy Phật, biết cuộc đời và sân khấu cũng là giả tạm. Nên, sống làm sao để thấy mình được an vui, hiếu thuận trên dưới, nhất là không phụ lòng người hâm mộ yêu mến giọng hát của mình.

BTN_0011.JPG

" Má Út" - Phật tử Giác Nhã giản dị tại nhà riêng - Ảnh: Bảo Toàn

Hiểu cuộc đời đầy dâu bể, đặc biệt với nghệ sĩ cải lương nhiều bất hạnh sau bức màn nhung, hơn 20 năm trước, bà trở thành một Phật tử với pháp danh Giác Nhã. Từ đó, bà trường chay đạm bạc, sống đời sống nhẹ nhàng với các cháu. Dù cải lương có “thất sủng” trước vô vàn bộ môn giải trí khác nhưng vị trí đào thương của “Sầu nữ” Út Bạch Lan vẫn ở lại trong lòng người mộ điệu. “Nữ hoàng sầu muộn” đến đâu cũng được yêu mến, bà nói: “Tôi không thể phụ lòng người hâm mộ, hát cho đến hơi thở cuối cùng”.

Đó là lý do, sau này sân khấu không còn sáng đèn, “Sầu nữ” cùng với các bạn trẻ thành lập nhóm hát Hoa Lan Trắng, đi hát thiện nguyện ở các chùa từ miền Nam, rồi dọc miền Trung, hễ có nơi gọi là bà đến. Không cần sân khấu lộng lẫy ánh đèn, màn nhung, chỉ cần tấm phông nho nhỏ dựng ở hiên chùa là bà có thể hát liên tiếp đến mấy bài. Các trích đoạn bà hát thường có nội dung về lịch sử Đức Phật, ca ngợi sự hiếu thảo, tình nghĩa ở đời.

Sau buổi diễn, bà thường được người hâm mộ vây quanh hỏi han. Các bạn trẻ gọi bà là “má Út”, là “ngoại Út”, gần gũi như người thân. Bà nói, bà rất thích trò chuyện với các bạn trẻ. Bà có thể chân tình dạy dỗ, gởi gắm nhiều luân lý ở đời, giáo lý của Đức Phật để “bọn trẻ biết hiếu thảo, biết yêu thương mọi người và biết làm việc thiện cho đời, cho người”. Chính những luân lý đời thường này làm nên cuộc đời của “má Út”, không đua chen, ganh ghét, không hề tiếc nuối thời vàng son mà sống đời sống nhẹ nhàng, hỷ xả. Có thể thấy rõ hình ảnh thân thương này của “má Út” trong những show diễn bình dân ở chùa, câu lạc bộ. “Má Út” tận tụy tập tuồng, hướng dẫn chi li cho các bạn trẻ trong cách ca, lấy hơi, cách diễn...

 Cái từ “má Út” lại đẫm nước mắt tiếc thương với những người trong giới “cải lương chi bảo”, đàn em và người mộ điệu… Ai ai đến lễ tang cũng nhắc lại kỷ niệm thân thương với “má Út”, “ngoại Út” với niềm tiếc thương vô hạn. Biết căn bệnh hiểm nghèo không qua khỏi, bà tự tay chọn di ảnh cho mình, là tấm ảnh chân dung mặc chiếc áo bà ba xanh, cổ quấn khăn rằn giản dị chất Nam Bộ.

Soạn giả Hoàng Song Việt là một trong hai người con nuôi đầu tiên của “Sầu nữ”, bên cạnh NSƯT Phương Hồng Thủy cho biết, anh bắt đầu làm việc với “má Út” từ năm 1993 khi phong trào video cải lương rộ lên. Và, “Cách ngày má đi hai ngày, má cảm nhận được đến lúc mình phải đi. Điều đầu tiên má làm là dặn người con nuôi - nghệ sĩ Tô Châu, thay mặt má thực hiện một chương trình hát cho chùa ở Vĩnh Long, vì má đã trót hứa với họ. Đến giờ khắc cuối cùng, má vẫn nghĩ cho người khác...”, soạn giả bùi ngùi.

Hay tin NSƯT Út Bạch Lan qua đời, NSƯT Hữu Quốc bày tỏ niềm thương tiếc trên trang cá nhân: “Má ơi! Má đã ra đi về cõi Phật!”. Còn chị Phương Hạnh, một người con nuôi khác kể: “Trước lúc nhắm mắt, bà không trối trăng nhiều, chỉ nắm tay con cái dặn dò phải nhớ thay bà đi trao quà cho mấy đứa nhỏ”. “Mấy đứa nhỏ” ở đây là một số trẻ em nhiễm chất độc da cam ở Vĩnh Long, nơi bà và bạn bè dự định sẽ đến làm từ thiện vào cuối tháng này. Tang lễ má Út, giới mộ điệu cầm cành lan trắng tiễn biệt.

Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan, sinh năm 1935, tên thật là Đặng Thị Hai, pháp danh Giác Nhã. Bà đi hát từ năm 11 tuổi, thành danh trên sân khấu cải lương miền Nam từ những năm 1960 với vai cô lái đò trong vở Tình tráng sĩ. Sau đó, bà gây tiếng vang, ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng.

Trong sự nghiệp biểu diễn, “Sầu nữ” gắn bó với hơn 20 đoàn hát lớn nhỏ, có khoảng 200 vai diễn từ sân khấu cho đến video cải lương, thu âm vô số bản vọng cổ, tân cổ giao duyên.

NSƯT Út Bạch Lan còn được biết đến là một Phật tử với pháp danh Giác Nhã, hơn 20 năm ăn chay trường, miệt mài hoạt động thiện nguyện. “Sầu nữ” qua đời vào tối 4-11 ở nhà riêng, tại TP.HCM, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư gan, hưởng thọ 81 tuổi.

Linh cữu bà được quàn tại chùa Ấn Quang, quận 10. Lễ động quan lúc 7giờ, sáng ngày 8-11, sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa (xem tin và hình ảnh TẠI ĐÂY).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày