Sẽ xử lý 50% chất thải bằng công nghệ đốt phát điện

GNO - Theo đó, trong buổi họp báo chiều 26-8, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố đã công bố việc khởi công đề án chuyển đổi xử lý chất thải bằng công nghệ đốt phát điện, với ba đơn vị đầu tư chính cho dự án: Công ty cổ phần VietStar, Công ty cổ phần Tasco và Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

DSC_0043.JPG


Ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu

Chủ trì buổi họp báo có ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM; ông Ngô Xuân Tiệc, Giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa; ông Ngô Như Hùng Việt, Giám đốc Công ty VietStar; ông Châu Phước Minh, Giám đốc Công ty Tasco cùng đại diện các cơ sở, đơn vị trong lĩnh vực xử lý rác thải trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay, thành phố xử lý chất thải chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Trong đó, một phần chất thải rắn sinh hoạt cũng được xử lý bằng phướng pháp đốt, nhưng chưa thu hồi được năng lượng, một phần khác được phân loại để tái chế hoặc sản xuất phân bón, nhưng tỷ lệ này còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu mà thành phố đề ra, hướng đến việc cải thiện môi trường.

Được biết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển của TP.HCM trong năm 2018 vừa qua, là hơn 3 triệu tấn. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt xử lý dưới dạng chôn lấp lên đến hơn 2,2 triệu tấn (chiếm 72,52%). Để góp phần cải thiện môi trường, cũng như hướng đến quản lý môi trường xanh, với tầm nhìn của thành phố giai đoạn tới đến năm 2020, sẽ ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải, phục vụ tăng trưởng xanh cũng như giải quyết nhu cầu cấp thiết về xử lý chất thải rắn của thành phố trong tương lai.

Ba đơn vị đang được Sở TN&MT đề xuất phê duyệt thực hiện dự án lần lượt thuyết trình về kế hoạch xây dựng nhà máy, trang thiết bị, dây chuyền mới, nhằm chuyển đổi hình thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo yêu cầu của thành phố.

Qua đó, điểm chung là các nhà máy đều sẽ được áp dụng công nghệ tiên tiến và dây chuyền nhập khẩu 100% từ Châu Âu, hướng đến việc đốt và thu hồi năng lượng phát điện với hiệu suất cao; công nghệ xử lý khép kín, không phát tán mùi hôi, khí thải, nước thải; không có chất thải rắn phát sinh.

Ba đơn vị trên cho biết nguồn vốn hoàn toàn sử dụng vốn tự có của cơ sở, không sử dụng vốn hỗ trợ Nhà nước, cũng như không phát sinh diện tích đất thêm. Các nhà đầu tư cũng cam kết sẽ nỗ lực hết mình để đến năm 2020 có thể chính thức đưa công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng đốt phát điện, góp phần bảo vệ môi trường bằng việc giảm chôn lấp chất thải đến 50% và tạo thêm được lượng điện cho nhu cầu sinh hoạt.

Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày