Sống dậy làng nghề đan cói

GN - Mảnh đất xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam từ lâu nổi tiếng với nghề trồng cói và nghề dệt chiếu. Đây là nơi hợp lưu của ba dòng sông Trường Giang, Ly Ly, Thu Bồn. Vì thế, nghề trồng cói đã xuất hiện từ lâu đời trên mảnh đất này, kéo theo đó là nghề dệt chiếu.

Nghề dệt chiếu ở xã Duy Vinh có nguồn gốc từ Nga Sơn (Thanh Hóa), du nhập vào Quảng Nam đầu thế kỷ XIV. Nhưng đến nay, với sự cạnh tranh của nghề chiếu trên thị trường, nhiều loại chiếu công nghiệp mới ra đời, nghề dệt chiếu thủ công đã dần mất đi chỗ đứng trên thị trường.
ANH XH (1).jpg
Chị Bích tranh thủ lúc rảnh rỗi đan cói kiếm thêm thu nhập

Từ phố cổ Hội An (Quảng Nam) qua đò ngang 15 phút, tiếp tục đi xe máy khoảng 10 phút về hướng Bắc là đến Khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên). Hàng ngày, có vài đoàn khách du lịch đổ về đây để tìm hiểu nghề dệt chiếu, đan mũ cói.

Nhờ sự hỗ trợ của dự án “Tăng cường năng lực địa phương về quản lý bền vững vùng đất ngập nước” và dự án “Phát triển kinh tế xã hội có lồng ghép giới”, các hộ dân làm chiếu ở Duy Vinh có thêm cơ hội để làm quen, học hỏi nghề đan đồ dùng mỹ nghệ từ cây cói như: túi xách, mũ, bình hoa…Phát triển mạnh trong phong trào làm đồ thủ công mỹ nghệ trên địa bàn xã, là làng Trà Nhiêu, thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên.

Trước đây, khi còn bám trụ với nghề dệt chiếu thủ công, đời sống của người dân trong thôn vẫn còn rất khó khăn, đến mức tưởng chừng như bỏ nghề. Nhưng khi học hỏi được cách làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây cói, thì không khí trong làng đã thay đổi hẳn. Cuộc sống bận rộn hơn, một số gia đình cho con em học ngoại ngữ, để kết hợp phát triển du lịch và giới thiệu mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây cói với khách nước ngoài.

Chị Đỗ Thị Bích (53 tuổi, trú tại làng Trà Nhiêu, thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) chia sẻ: “Lam lũ với nghề dệt chiếu quanh năm nhưng chúng tôi vẫn không đủ sống.Từ khi có nghề đan mũ cói, chúng tôi mừng lắm. Đan mũ cói không khó, quan trọng nhất là khâu xử lý cói. Và điều đặc biệt, người làm mũ cói cần phải khéo tay một chút”.

Trên địa bàn thôn Trà Đông có gần 82ha trồng cói với hơn 40 hộ làm chiếu. Từ ngày có nghề đan mũ cói, túi xách, không khí trong làng khẩn trương hơn hẳn. Ban ngày, họ tranh thủ vác cuốc ra đồng, đêm về ngồi đan mũ, túi xách cói. Trẻ em vừa học, vừa làm mũ để kiếm thêm thu nhập, ít chơi bời lêu lổng hơn trước. Người già tụm năm tụm bảy để phơi cói, coi đó như một niềm vui của tuổi già.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Quản Văn Giỏi (95 tuổi, trú tại làng Trà Nhiêu, thôn Trà Đông, xã Duy Vinh), trước sân có gần 10 nhân công ngồi đan mũ cói, đa phần là phụ nữ tranh thủ thời gian lúc nông nhàn đến để làm thuê.

Cụ Giỏi cho biết: “Nhìn chung, so với nghề dệt chiếu thủ công, nghề đan mũ, túi xách cói có dấu hiệu khả quan hơn nhiều. Mỗi nhân công ở đây được tôi trả từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/ tháng. Vừa rồi, chúng tôi mới ký hợp đồng với một số khu du lịch ở Hội An, Đà Nẵng để làm mũ cói. Sắp tới, Khu du lịch Bà Nà Hill đặt chúng tôi 2.000.000 chiếc mũ cói, yêu cầu trong vòng 2 tháng nên chúng tôi làm việc cật lực lắm”.

Theo ông Quản, mỗi chiếc mũ cói bán ngoài thị trường với giá dao động từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng/chiếc, tùy theo kích cỡ.

Chia tay cánh đồng cói, với những con người trên vùng đất xã Duy Vinh, chúng tôi ra về dưới cái nắng chói chang của miền Trung. Nhìn những thân cói vươn mình lên dưới ánh nắng như đổ lửa nhưng vẫn xanh tốt lạ lùng. Những thân cói cũng giống như những người dân quê Duy Vinh, dù có gặp bao khó khăn trong cuộc sống, họ vẫn cố vươn lên để thoát nghèo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày