Sống thọ hơn để đón ung thư

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Biết là đọc bản tin y học thường ít khi thấy vui nhưng mặt khác cũng không thể phủ nhận thực tế. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan - Kettering ở New York, tỉ lệ ung thư ở các nước châu Á sẽ tăng 60% vào năm 2020!

Đây là con số đáng lo ngại vì chỉ đứng sau bệnh đái tháo đường. Lý do là dân da vàng sống thọ hơn nên có đủ thời giờ để sống chung với... bệnh! Càng lúc càng có nhiều người chọn lối sống đi ngược với quy luật thiên nhiên như ngủ quá ít, ăn quá nhanh, ngồi quá nhiều... khiến nhịp sinh học bị xáo trộn và sức đề kháng bị bào mòn liên tục.

“Tác phẩm” vụng về

Mới nghe tưởng như nhận xét của chuyên gia bên Mỹ nghịch lý thế nào vì làm sao cải thiện được tuổi thọ nếu ung thư bội tăng? Nhưng khi nghe cho kỹ lời giải thích thì thầy thuốc bên đó có lý do chính đáng khi đưa ra nhận định tréo cẳng ngỗng như thế. Trước hết, cư dân ở châu Á chắc chắn sẽ có tuổi thọ cao hơn trong thập niên trước phần nhờ tiện nghi sinh hoạt được nâng cao song song với tiến độ phát triển về kinh tế, phần do dịch vụ y tế càng lúc càng được cải thiện. Nhưng cũng chính vì thế mà tỉ lệ vướng bệnh ung thư nhảy vọt do:

- Bệnh được phát hiện nhiều hơn nhờ phương tiện tầm soát tinh vi hơn và nhờ người dân sống lâu hơn nên thầy thuốc có đủ thời giờ chẩn đoán! Xưa nay tỉ lệ nhiễm bệnh ở nhiều nước nghèo sở dĩ không cao chẳng qua vì nhiều người đã xuôi tay vì bệnh khác trước khi tế bào ung thư gõ cửa.

- Số nạn nhân của ung bướu ác tính bội tăng dưới áp lực không ngừng của cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm nặng nề với tia tử ngoại, hóa chất tràn lan, độc tố đủ loại..., và nhất là với nếp sinh hoạt tuy gọi là văn minh hiện đại nhưng trên thực tế chỉ tiếp tay đánh gục sức kháng bệnh.

Kết quả của nhiều công trình so sánh về khác biệt giữa tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong của người dân da vàng ở các địa phương có nếp sống không xa rời thiên nhiên, và cư dân tuy cũng da vàng nhưng sinh sống ở các thành phố công nghệ phương Tây đã từ lâu thừa sức giải thích tại sao quýt ở Giang Nam ngọt nhưng khi trồng ở Giang Bắc lại chua! Ung thư rõ ràng không còn là bệnh lý do một số tế bào nào đó vì ngẫu biến trong di thể theo quan điểm của các nhà nghiên cứu chỉ quen nhìn bệnh qua ống kính hiển vi. Ung thư đã từ lâu là căn bệnh thời đại! Ung thư là “tác phẩm” vụng về của chính nạn nhân!

Ung thư tăng nhanh

Kết quả nghiên cứu của thầy thuốc ở New York tuy nghe thấy ớn nhưng vẫn chưa chính xác ở nước ta vì tại xứ mình bao giờ cũng có thêm ít điều chỉ có ở... VN! Ai chưa tin xin đọc lại các bản tin khủng khiếp về cách nuôi trồng, chế biến thực phẩm ở xứ mình, từ lối canh tác với nội tiết tố khiến rau lớn như thổi qua đêm bước qua thịt heo tuy siêu nạc nhưng tẩm đầy kháng sinh cho đến bánh mứt bắt mắt nhờ làm đẹp bằng hóa chất!

Nếu hàm lượng độc chất sinh ung thư trong thực phẩm cao gấp cả ngàn lần mức cho phép trong khi ngành y tế thỉnh thoảng mới nhận ra có sâu trong nồi canh, nếu nhà sản xuất giải trình bằng cách đổ lỗi cho người tiêu dùng không biết chọn mặt gửi vàng, thì tình trạng bội tăng ung thư nhanh hơn giá hàng tiêu dùng chỉ là... chuyện nhỏ! Nếu tình trạng miếng ăn tiếp tục là món hàng thả nổi thì ung thư sớm muộn cũng như hàng khuyến mãi, mua bệnh này tặng thêm bệnh khác!

Có một điều chắc hơn đinh đóng cột. Trong cơ thể mọi người đều có sẵn mầm ung thư nhưng nói thế không có nghĩa ai cũng bệnh. Ung thư chỉ thành hình khi tế bào ác tính tập trung đủ lực lượng. Nếu có cách nào phân tán lực lượng đối phương để tế bào ung thư tuy có đó nhưng chỉ là thiểu số ngồi chơi xơi nước thì ung thư là chuyện của... hàng xóm.

Ngược lại, nếu vụng về thế nào để tế bào lành mạnh trong cơ thể ngày nào cũng bị công kích cả chục ngàn lần bởi độc chất nằm sẵn trong món ăn, bao nhựa, nước rửa chén dỏm, khói xăng dầu, khói thuốc lá... thì không ung thư mới là chuyện lạ xứ mình.

Vượt lên chính mình chính là trách nhiệm của người lĩnh lương để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho dân chúng, để người tiêu dùng đừng vì phải dùng mà... tiêu! Ngày nào ngành này vẫn tiếp tục “rút kinh nghiệm” thì bệnh viện ung bướu có xây thêm cả ngàn giường bệnh vẫn quá tải.

Sống thế nào là quan điểm cá biệt của mỗi người. Nếu sống lâu thêm ít năm mà phải sống chung với ung thư, với thuốc tháng nào cũng tăng giá, lại thêm với thầy thuốc quá tải và nếu sống thọ mà phải khổ đến thế thì còn gì đáng sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày