Sống tử tế, ra đi an lành...

Sống tử tế, ra đi an lành...
Sinh, trụ, dị, diệt là điều đương nhiên đối với vạn vật trong cõi ta bà này. Ai nhận ra chân lý ấy, quán chiếu sâu sắc về sự sống và cái chết cũng như luật nhân quả thì sẽ sống tử tế. Những người sống một đời an nhiên, thường nghĩ đến tha nhân, chia sẻ nỗi khổ niềm đau của mọi người thì đến lúc ra đi họ được nhiều người đến tiễn trong tiếc nuối...  

Một đạo diễn tài danh, có tâm, có tầm của  làng showbiz Việt  Nam ra đi vào cuối tháng 6. Đầu tháng 7, vị tổ sống của cải lương là NSND Phùng Há cũng “cưỡi hạc qui tiên”. Cả hai cái chết của họ đều để lại trong lòng công chúng, bạn bè, đồng nghiệp niềm tiếc nuối. Trước đó không lâu, Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Thị Oanh và nhạc sĩ Bảo Phúc trở thành người thiên cổ; báo chí đến đưa tin, viết bài với sự thành kính, trân trọng. Nhìn về tất cả những sự kiện ấy, tôi nhận ra một điểm chung: Họ đã sống rất tử tế, dành phần đời của mình lo lắng, góp tay cho biết bao chương trình từ thiện, góp phần cải tạo cuộc sống, làm đẹp cho cuộc đời. Nhiều người biết đến họ qua những việc họ làm, qua tiếng nói, ca từ của họ trên truyền hình, sách báo.

Từ trái tim đến trái tim là những tình cảm nóng hổi tình người và những công việc mà họ đã cống hiến. Cô Oanh, một nhà xã hội học tài ba, một bà già tóc trắng phau mỗi ngày đi xe buýt từ Hóc Môn (TP.HCM) đến nơi làm việc, tiếp xúc với giới trẻ ở tận trung tâm Sài Gòn. Từ một huyện ngoại vi thành phố, bà đã đi hàng chục cây số, nhiệt thành trong công việc, sống với những dự án cộng đồng, góp tiếng nói “nặng ký” của mình với mong muốn thay đổi lối sống của giới trẻ, cộng đồng. Cuối đời, khi đã biết mình bị bệnh nặng khó qua, bà vẫn làm việc vì “còn nhiều người cần đến mình”. Di chúc và cũng là mong muốn của bà gửi lại cho cuộc đời là “các học trò của cô hãy tiếp tục làm những dự án về cộng đồng mà cô còn dang dở”. Nguyện vọng của cô Oanh còn là một học bổng dành cho sinh viên theo ngành Xã hội học, số tiền ban đầu cho học bổng ấy chính là tiền phúng điếu đám tang cô!

Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền cũng vậy, trong những ngày nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy anh đã chứng kiến nỗi khổ của những người đồng cảnh ngộ nhưng nhà nghèo. Nỗi khổ ấy làm day dứt trái tim anh để rồi chính anh nêu nguyện vọng thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư gan. Nguồn quỹ ấy bắt đầu bằng số tiền phúng điếu… Nghĩ đến đó tôi bỗng thấy chạnh lòng pha lẫn sự thán phục dành cho người đã khuất. Việc làm cuối đời của anh chính là truyền lại cho những người còn sống ý niệm thiện lành, khơi gợi tinh thần từ thiện, góp tay với cộng đồng vì những người đã, đang chịu khổ đau bởi bệnh tật. Việc làm ấy thật ý nghĩa…

NSND Phùng Há, “cây đại thụ” của cải lương Việt Nam cũng sống một đời chân phương. Bà tận tụy với nghề, đem lời ca tiếng hát cho đời. Và khi trở về với cuộc sống thường nhật, người nghệ sĩ ấy đã đến với người nghèo và cả những đồng nghiệp là những nghệ sĩ gặp khó khăn. Tiếng nói từ trái tim biết rung động trước nỗi đau của người khác đã nhanh chóng được sự đồng thuận, góp tay. Chùa Nghệ Sĩ ở Gò Vấp trở thành “đại bản doanh” cho những chương trình từ thiện đến với người nghèo…

Nói về họ - một minh chứng sống về việc sống tử tế ở đời để rồi khi ra đi, dù thượng thọ 99 tuổi như NSND Phùng Há hay ở tuổi 40 như đạo diễn Huỳnh Phúc Điền thì những ngọn nến, bông hoa tiễn đưa họ đều là một lời chúc an lành. Chắc chắn những công việc tử tế mà họ đã làm sẽ được tiếp nối. Và tôi tin họ vẫn còn sống đâu đó trong trái tim của nhiều người để mỗi khi gặp phải những nỗi khổ niềm đau, những bất công trong xã hội, người ta có điểm tựa để tin tưởng, để tiếp bước…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn - Tranh Phật giáo Trung Quốc

Tám ngọn gió đời

GNO - Chúng tôi có biết một số giai thoại thú vị về Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn. Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn đối diện với "Bát phong”, tức tám ngọn gió đời. Có cách nào để có thể đứng vững trước tám ngọn gió ấy không?
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đợi nắng

GNO - Buổi sáng, tại mảnh sân nhỏ, thấp thoáng một bóng dáng nhỏ xíu, gầy còm đi vào đi ra hồ như mẹ đang mong chờ một điều gì đó mà lòng bồn chồn khó tả. Rồi mẹ lại trở vào trong nhà khoác thêm chiếc áo, choàng thêm tấm khăn, chân đi ủng và bước ra vườn.
Anh Nguyễn Hồng Lợi bên vợ và con

“Kình ngư không chân” và câu chuyện truyền cảm hứng

GNO - Khuyết tật bẩm sinh, bị bỏ rơi ngay từ ngày mới sinh, được dì và dượng ẵm về nuôi nhưng Nguyễn Hồng Lợi chưa bao giờ oán trách cha mẹ, mà ngược lại, anh xem đó là nguồn động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn.

Thông tin hàng ngày