Steve Jobs, một Phật tử đã làm thay đổi diện mạo thế giới

Steve Jobs, một Phật tử đã làm thay đổi diện mạo thế giới
GNO - Mấy ngày gần đây, hàng triệu người trên thế giới tiếc thương và cảm động trước sự qua đời của ông Steve Jobs. Ngay khi biết tin buồn về sự qua đời của Steve Jobs, rất nhiều mỹ từ đã được nhiều người sử dụng để ca ngợi ông. Sự qua đời của ông được nhiều người xem như là thiệt hại lớn cho nhân loại.
Steve Jobs sinh ngày 24-2-1955 tại San Francisco, California, Hoa Kỳ. Cha mẹ ruột của Steve Jobs là ông Abdulfattah Jandali và bà Joanne Simpsom. Lúc Steve sinh ra thì hai người này là sinh viên mới ra trường, chưa kết hôn với nhau. Vì cha mẹ của Steve chưa có kết hôn với nhau, cho nên cậu bé Steve Jobs được cho người ta nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi của Steve Jobs là Paul và Clara Jobs. Tuổi thơ của Steve Jobs gắn bó với vùng thung lũng Silicon. 
Càng lớn, Steve càng tỏ ra tò mò đối với những thiết bị điện tử và tỏ ra có năng khiếu về lĩnh vực này. 
Vào năm 1973, Steve Jobs vào học đại học, được một học kỳ thì ông bỏ học và đi làm. Sau đó, năm 1974, ông cùng một người bạn đi qua Ấn Độ để tầm sư học đạo, tìm cầu sự giác ngộ. Một thời gian sau, Steve trở về lại Hoa Kỳ, tiếp tục công việc trước đó và thường xuyên đến Trung tâm Thiền Los Altos (Los Altos Zen Center) để học thiền với Thiền sư Kobun Chino Otogowa. 

Chính Thiền sư Kobun đã nhìn thấy được khả năng của Steve Jobs trong lĩnh vực công nghệ điện tử nên đã khuyên Steve Jobs theo đuổi công việc của mình chứ không nên xuất gia. Thiền sư Kobun sau này trở thành cố vấn tâm linh chính thức cho Công ty NeXT, và làm lễ hằng thuận cho Steve và Laurene vào năm 1991. Thiền sư Kobun là một trong những người có sự ảnh hưởng quan trọng đến nhân cách, nếp sống và khả năng sáng tạo của Steve. 


Vào năm 1975, Steve và một người bạn là Woz đã cho ra đời cái máy vi tính cá nhân đầu tiên, gọi là Apple I. Và kể từ đó tên tuổi của Steve đã gắn liền với những phát minh và những sản phẩm công nghệ cao của Apple. Steve Jobs là người đồng sáng lập của Công ty Apple. Bên cạnh đó, Steve còn giữ các chức vụ chủ chốt trong những công ty lớn khác. Vào năm 1997, Steve trở thành Giám đốc điều hành lâm thời của Apple. Năm 2000 trở về sau, Steve chính thức trở thành Giám đốc điều hành của Apple, đã lèo lái Apple trở thành một công ty siêu cường và cho ra đời những sản phẩm công nghệ cao làm thay đổi diện mạo của thế giới. 

Vào tháng 10-2003, trong một lần khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ phát hiện một khối u đang lớn dần lên trong tuyến tụy của Steve. Sau khi phát hiện khối u ác tính, trải qua một thời gian dài theo dõi và suy nghĩ, cuối cùng Steve quyết định không giải phẫu mà chỉ thực tập một chế ăn kiêng do ông tự đặt ra. Với chứng bệnh ung thư tuyến tụy như thế thì người bệnh rất mau qua đời. Nhưng đối với Steve thì không. 

Từ khi phát hiện cho đến năm 2010, Steve vẫn sống và làm việc bình thường. Mãi cho đến tháng 1-2011, do tình trạng sức khỏe không được tốt, Steve đã xin nghỉ phép dài hạn để chữa trị. Vào tháng 8-2011, Steve Jobs đã chính thức gởi thư xin từ bỏ chức vụ Giám đốc điều hành Công ty Appleđến Ban Giám đốc và toàn thể nhân viên của công ty. Sau đây là nội dung bức thư xin từ chức của Steve Jobs:


“Kính gởi Ban Giám đốc Công ty Apple cùng toàn thể nhân viên của Apple.


Tôi thường hay nói, nếu có một ngày nào đó mà tôi không thể nào đảm trách được những nhiệm vụ, và không thể thực hiện những hoài bão của mình trong vai trò một người giám đốc điều hành Công ty Apple, thì tôi sẽ là người đầu tiên báo cho mọi người biết. Thật không may là ngày đó đã đến.


Nay tôi viết thư này để xin từ bỏ chức vụ Giám đốc điều hành của Apple. Nếu Ban Giám đốc thấy phù hợp thì tôi xin làm việc cho công ty trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, hoặc là giám đốc, hay là nhân viên của Apple.


Theo như những gì người kế nhiệm tôi đã thể hiện, tôi đề nghị chúng ta thực hiện kế hoạch kế tiếp của mình và chính thức bầu ông Tim Cook làm Giám đốc điều hành của Apple.


Tôi tin rằng những ngày tươi sáng nhất và đổi mới nhất của Apple đang ở phía trước. Và tôi mong muốn được nhìn nhận, đóng góp vào thành công của công ty trong vai trò mới.


Tôi đã có được những người bạn tốt nhất trong cuộc đời của mình tại Apple, và tôi chân thành cảm ơn tất cả mọi người vì chúng ta đã làm việc cùng nhau trong suốt nhiều năm qua”. 


Đến ngày 5-10-2011, Steve Jobs đã qua đời vì căn bệnh ung thư tuyến tụy. Trước sự ra đi của Steve Jobs, rất nhiều người thuộc đủ mọi quốc gia, mọi tầng lớp, sắc tộc, tôn giáo,... đã bày tỏ tình cảm, sự quý mến, cảm phục của mình đối với Steve Jobs theo nhiều cách khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu bày tỏ tâm tư, tình cảm của công chúng đối với Steve Jobs, Apple đã nhanh chóng xây dựng một trang web với tên miền là Prayforsteve.com (Cầu nguyện cho Steve). 

Trên trang web Allaboutstevejobs.com cũng có tạo trang blog để cho người đọc có thể viết vào đó. Ngay trên trang web của Công ty Apple (apple.com), họ đã dành toàn bộ không gian của trang chủ để đăng hình ảnh và tên tuổi của Steve Jobs như là một cách để tưởng nhớ, để tri ân một người đồng sáng lập công ty, một người đã có những đóng góp tối quan trọng cho sự thành công và nổi danh của Apple. 


Trên trang web Bambosi.com có đăng một bài tổng hợp những lời nhận xét, bày tỏ tình cảm đối với Steve Jobs của các nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Sau đây chúng tôi trích lời của một vài nhân vật:


Mark Zuckerberg, người sáng lập và là Giám đốc điều hành Facebook, đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng: “Steve, cảm ơn anh vì anh đã làm một người cố vấn cho tôi và còn là một người bạn. Cảm ơn anh đã cho chúng tôi nhận thấy rằng, những gì anh xây dựng có thể thay đổi thế giới. Tôi sẽ nhớ anh”. 


Bill Gates, người đồng sáng lập và là Chủ tịch của Microsoft, đã nói trong một bài phát biểu rằng: “Steve và tôi gặp nhau lần đầu tiên cách đây gần 30 năm, và đã trở thành các đồng nghiệp, đối thủ cạnh tranh và là những người bạn của nhau trong suốt thời gian dài hơn nửa đời người của chúng tôi. Thế giới hiếm khi thấy một người có tác động sâu sắc như Steve đã làm, những hiệu quả từ những điều mà Steve đã làm sẽ được nhiều thế hệ sau này tiếp tục cảm nhận. Đối với những ai có may mắn được làm việc với anh thì đấy là một vinh dự tuyệt vời”.


Bob Iger, Giám đốc điều hành của Công ty Walt Disney, cho biết: “Steve Jobs là một người bạn tuyệt vời và là người cố vấn đáng tin cậy. Di sản của anh sẽ được mở rộng xa hơn các sản phẩm mà anh đã tạo ra và cả các doanh nghiệp mà anh đã xây dựng. Steve đã tạo cảm hứng cho hàng triệu người, đã làm thay đổi hàng triệu cuộc sống”. 


Michael Bloomberg, Thị trưởng thành phố New York, phát biểu: “Steve Jobs là một thiên tài, là người sẽ được toàn thế giới tưởng nhớ cùng với Edison và Einstein. Những ý tưởng của anh sẽ định hình thế giới trong nhiều thế hệ”.


Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, đã nhận định: “Có lẽ không có tặng phẩm nào dành cho Steve vĩ đại hơn so với sự thật là có rất nhiều người trên thế giới đã biết được tin về sự qua đời của anh ngay trên những thiết bị mà anh đã phát minh ra”.


Mặc dù Steve rất thành công trong phát minh, sáng tạo và trong kinh doanh như thế, nhưng ông không hề tự cao, không cảm thấy tự hào về bản thân, ngược lại ông rất khiêm tốn và biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người, thân thiện với đồng nghiệp và với đối tác của ông. Trong một bài phóng vấn đăng trên báo Businessweek vào năm 2004, Steve đã nói: “Chúng tôi làm những việc mà ở đó chúng tôi thấy mình có thể có sự đóng góp đáng kể. Và mục đích chính của chúng tôi không phải là để trở thành người lớn mạnh nhất và giàu có nhất”. 

Dù Steve sở hữu một lượng tài sản khổng lồ, nhưng cuộc sống của ông khá đơn giản, như lời John Sculley, Giám đốc marketing của Pepsi, đã phát biểu với báo Businessweek năm 2010: “Steve là một người sống giản dị. Tôi nhớ khi đi tôi vào nhà của Steve, anh hầu như chẳng có bất cứ đồ nội thất nào cả. Anh chỉ có một bức tranh của Einstein, người mà anh vô cùng ngưỡng mộ, một cây đèn tifany, một cái ghế và một cái giường”. 


Steve Jobs là một con người của thời đại, một người Phật tử hiểu đạo và có sự hành trì. Ông đã vượt qua tất cả những chướng ngại trong cuộc sống để cống hiến cho cuộc đời, làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Steve Jobs đã ra đi nhưng những đóng góp của ông vẫn còn đó, hàng triệu người trên thế giới vẫn luôn nhớ về ông, vẫn được lợi lạc từ những phát minh của ông.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày