GN - Giữa tháng 1-2016, Trung ương Giáo hội đã ban hành Thông tư 05, hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy Tăng sự. Qua đó, các nội dung liên quan đến xây mới, phục hồi, quản lý tự viện; xuất gia thọ giới, cầu thầy y chỉ; tấn phong giáo phẩm; thuyên chuyển hoạt động tôn giáo; chuyển đổi hệ phái v.v... được quy định khá chi tiết và cụ thể.
Đặc biệt, trong thông tư này, lần đầu tiên Giáo hội đề cập đến tính pháp lý và trình tự giải quyết đối với các tu sĩ có yếu tố nước ngoài tại VN - một trong những hiện tượng dần trở nên phổ biến và có nhiều bất cập trong thời gian qua.
Ngài Sonam Jorpel Rinpoche thuyết giảng tại
thiền viện Phước Sơn (Đồng Nai), tháng 3-2016 - Ảnh: phatgiao.org.vn
Câu chuyện có thật
Vào đầu tháng 2-2016, một vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo tỉnh và cũng là trụ trì một ngôi chùa lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gởi Hội đồng Trị sự, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai để được mời ngài Sonam Jorphel Rinpoche cùng Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ dòng Drikung Kagyud đến giao lưu và hành đạo tại VN từ ngày 10-3 đến 20-3.
Việc làm này thể hiện nhu cầu chính đáng ở phương diện hòa hiếu, hợp tác, gắn kết giữa những người con Phật đến từ các vùng đất khác nhau và không có gì để nói nếu nội dung văn bản chỉ đề cập đến không gian thực hiện diễn ra tại ngôi chùa làm đơn xin phép ở tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, không chỉ đề nghị được tổ chức các sinh hoạt tôn giáo cho nhóm Tăng sĩ có yếu tố nước ngoài tại địa phương mình, trong văn bản cùng nội dung này, vị giáo phẩm gởi thêm đến GHPGVN TP.HCM và Ban Tôn giáo TP.HCM để xin phép cho đoàn Tăng sĩ nước bạn được giao lưu, trao đổi Phật pháp tại 2 ngôi chùa lớn của TP.HCM.
Với vai trò là cơ quan đại diện cho Tăng Ni, Phật giáo cả nước, sau khi nhận được văn bản đề nghị, Hội đồng Trị sự đã có Công văn 45/CV.HĐTS ngày 13-2-2016 gởi đến Ban Tôn giáo Chính phủ về nội dung trên. Tuy nhiên, do không nhận được ý kiến của TP.HCM về việc thuận hay không thuận liên quan đến hoạt động của đoàn Tăng sĩ Ấn Độ tại TP.HCM nên Ban Tôn giáo Chính phủ thông qua văn bản số 183/TGCP-QHQT ngày 10-3-2016 chỉ đồng ý cho đoàn giao lưu, hoạt động tôn giáo tại ngôi chùa thuộc tỉnh Đồng Nai. Lịch trình còn lại tại TP.HCM không được cấp phép. Trên cơ sở đó, Hội đồng Trị sự đã có thêm văn bản số 067/CV.HĐTS gởi Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đề nghị không để các hoạt động tôn giáo của đoàn Phật giáo Ấn độ dòng Drikung Kaguyd diễn ra tại các cơ sở tự viện thuộc Phật giáo thành phố như đã đề cập trong văn bản xin phép.
Thực ra, trong xu hướng phát triển chung, việc mở rộng các quan hệ giao lưu quốc tế là cần thiết và bắt buộc. Ở đó, những vị khách có thể đến VN tham quan, trao đổi, tìm hiểu hay thậm chí triển khai các hoạt động của mình. Chiều ngược lại, VN cũng tổ chức nhiều đoàn ra nước ngoài thăm chính thức, học tập kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người thân thiện, mến khách. Điều có thể nhận thấy rõ ràng nhất trong hoạt động bang giao đó là tính tôn trọng và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Trong sinh hoạt Phật giáo, điều đó cũng không ngoại lệ. Mọi sự trao đổi và đến đi của đôi bên phải cần được thảo luận và đồng thuận trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, xây dựng và toát lên nét đẹp của tình Linh sơn Thích tử.
Hơn nữa, trong Phật giáo, có nhiều hệ phái và sinh hoạt biệt truyền; do vậy, một trong những nguyên tắc cơ bản, gắn với người Việt cần phải áp dụng là tùy thuận, không làm xáo trộn sinh hoạt của nơi đến.
Trở lại vấn đề trên, trao đổi với người viết, một vị giáo phẩm đang công tác ở Trung ương Giáo hội cho rằng, việc Ban Tôn giáo Chính phủ không chấp nhận cho đoàn chư Tăng của Phật giáo Ấn Độ hành đạo tại TP.HCM là hợp lý và đúng theo quy trình, vì không có cơ quan có trách nhiệm đứng ra đảm bảo cũng như thể hiện các giám sát theo quy định chung. Hơn nữa, ở VN, trong thời gian qua, theo vị giáo phẩm này, hiện tượng các vị Tăng sĩ nước ngoài vào VN thực hành các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá phổ biến. Trong đó nhiều trường hợp được cấp phép và do Trung ương Giáo hội mời, nhưng cũng có những trường hợp chỉ đến nước ta bằng visa du lịch.
Cần sự đồng bộ
Trước thực trạng trên và ghi nhận những ý kiến đóng góp từ đông đảo đại biểu dự Hội nghị Tăng sự toàn quốc diễn ra vào năm 2015 tại Ninh Bình, Trung ương Giáo hội ban hành Thông tư 05 hướng dẫn nhiều nội dung của Nội quy Tăng sự đang là mối lưu tâm chung của Tăng Ni, Phật tử cả nước. Trong đó, thông tư đã dành hẳn một mục lớn để hướng dẫn đối với hoạt động quốc tế của tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại VN gồm 4 phần chính.
Phần thứ nhất quy định các thủ tục cần thực hiện nếu Giáo hội mời tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào VN. Theo đó, Trung ương Giáo hội mời tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào VN để tiến hành các hoạt động quốc tế liên quan đến tôn giáo thì chịu trách nhiệm đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương. Riêng ban, viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh được quyền mời tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào VN, có trách nhiệm gởi văn bản đề nghị với Trung ương Giáo hội và phải được Ban Thường trực HĐTS chấp thuận. Tất cả hồ sơ phải thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Ở phần thứ hai của mục này đề cập đến việc vị trụ trì tự viện mời tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào VN. Thông tư cho rằng cá nhân Tăng Ni trụ trì tự viện được quyền mời tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào VN để giao lưu, trao đổi hợp tác theo quy định của Hiến chương GHPGVN, pháp luật. Trường hợp này, vị trụ trì tự viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các hoạt động quốc tế liên quan đến tôn giáo được diễn ra tại tự viện và có trách nhiệm việc đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh, gồm: Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên tổ chức, cá nhân chức sắc nước ngoài được mời, mục đích, nội dung hoạt động, danh sách khách mời, dự kiến chương trình hoạt động, thời gian và địa điểm hoạt động; bản giới thiệu tóm tắt các hoạt động chủ yếu của tổ chức, cá nhân chức sắc nước ngoài.
“Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và chuyển hồ sơ về Trung ương Giáo hội. Trong thời gian 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Trung ương Giáo hội chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương để được xem xét, giải quyết theo pháp luật”, Thông tư 05 nêu rõ.
Ở phần thứ ba hướng dẫn việc tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào VN hoạt động tôn giáo tại nhiều tự viện của nhiều tỉnh, thành thì vị trụ trì mỗi tự viện có trách nhiệm đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh với hồ sơ như hướng dẫn ở trên.
Phần cuối cùng đề cập đến việc tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào VN tham quan, du lịch nhưng hoạt động tôn giáo tại tự viện các tỉnh, thành. Trong đó, Thông tư 05 khẳng định tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào VN bằng visa du lịch không được hoạt động tôn giáo tại VN. Nếu thực hiện hoạt động tôn giáo tại một tự viện, hoặc nhiều tự viện là vi phạm pháp luật và vị trụ trì tự viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để hoạt động tôn giáo trái pháp luật này được thực hiện tại tự viện.
Một trong những vấn đề tế nhị nhưng cần thiết cũng được khẳng định trong Thông tư 05 đối với các vị Tăng sĩ có yếu tố nước ngoài khi đến VN dù họ được mời với tư cách của Trung ương hay tự viện. Đó là “các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài hoạt động tôn giáo tại VN phải trên tinh thần đúng Chánh pháp, tôn trọng truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc VN và Phật giáo VN. Các danh xưng của chức sắc Phật giáo nước ngoài khi hoạt động tại VN phải tương ứng với danh xưng của Phật giáo VN”.
Dù đã có lịch sử 35 năm hình thành và phát triển, nhưng đây là lần đầu tiên trong hoạt động ban hành các văn bản hành chính, Giáo hội đã khá chỉn chu và xem xét nhiều khía cạnh để hình thành nên một văn bản hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và trọn vẹn nhiều nội dung quan trọng, giúp định hướng cách thực hiện được những nhu cầu bức thiết trong sinh hoạt hàng ngày của chư Tăng Ni, Phật tử cả nước.
* Trong vấn đề này, bạn đọc có ý kiến gì thêm - xin hoan hỷ gửi về hộp thư tòa soạn: toasoan@giacngo.vn.