Sư khất thực thật - giả khó phân

GN - HỎI: Hiện nay có nhiều vị sư đi khất thực, thật giả rất khó phân. Có nên, trước khi cúng dường, hỏi vài vấn đề giáo lý, trả lời được thì mới cúng, còn không thì thôi. Có cách nào khác để phân biệt sư thật và sư giả?

(MINH NGUYÊN, Q.10, TP.HCM)

1 su gia3.jpg

Trên đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9
đối tượng giả sư đứng xin tiền, ảnh chụp ngày 23-6-2015 - Ảnh: VG

ĐÁP: Bạn Minh Nguyên thân mến!

Khất thực là một hạnh tu cao quý của Tăng sĩ Phật giáo, chư Phật và Thánh chúng đều thực thi hạnh khất thực. Nhưng hiện nay, không ít người đã lợi dụng hạnh tu này, giả làm sư tăng, khất thực để mưu lợi cá nhân, một số vị đã làm hoen ố hình ảnh Tăng-già, khiến nhiều người ngộ nhận về đạo Phật, nên Giáo hội đã ban hành lệnh tạm dừng việc khất thực trên toàn quốc.

Vì vậy, có thể nói, tất cả những người khất thực hiện nay, hoặc là sư giả, hoặc là sư bất tuân quy định của Giáo hội. Nên thiết nghĩ, không cần học cách phân biệt sư thật hay sư giả, mà chỉ cần không cúng dường những vị này để khỏi phải suy tư về việc làm của mình là ứng xử hợp lý nhất.

Hiện nay, vào những ngày lễ lớn, chỉ có khất thực trong khuôn viên tự viện, hoặc ngoài tự viện với toàn bộ Tăng chúng cốt để giữ gìn truyền thống khất thực quý báu. Phật tử muốn sớt bát cúng dường chư Tăng đúng như pháp thì hãy đến các pháp hội này.

Điều đáng nói là, tuy mang danh nghĩa khất thực để ‘giữ gìn truyền thống’ nhưng đa phần chư Tăng tham gia khất thực lại nhận tiền mặt (trái Luật). Thiết nghĩ, các Tăng đoàn muốn giữ gìn truyền thống khất thực đúng nghĩa cần mạnh dạn chấn chỉnh, hướng dẫn Phật tử không cúng tiền, chư Tăng không nhận tiền khi đi khất thực, chỉ nhận cơm nước mà thôi.

Thật rõ ràng, ngay cả hàng Phật tử thuần thành, chư Tăng vẫn chưa giáo dục để sớt bát cúng dường đúng như Pháp (không cúng tiền mặt) thì làm sao tác động đến người ngoài không cúng tiền cho những người giả danh khất thực?

>> Xem thêm: Giải pháp nào để chấm dứt nạn giả sư khất thực? ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày