Sự mất mát không thể bù đắp

GN - Chùa Hội Sơn do Tổ Đạo Thành - Khánh Long (đời thứ tư của thiền phái Liễu Quán) khai sơn vào cuối thế kỷ thứ XVIII. Ngài là người vùng Thuận Quảng đi theo chúa Nguyễn vào Nam . Vào đầu thế kỷ XIX, chùa Hội Sơn đã rất nổi tiếng. Trong quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, mục viết về danh lam thắng cảnh, đã có ghi chép chùa Hội Sơn ở vùng đất Biên Hòa - Gia Định.

_MG_5945.JPG

Các pho tượng, nội thất chánh điện chùa cổ Hội Sơn thành ra như thế này - Ảnh: Vũ Giang

Cuối thế kỷ thứ XVIII, chùa Hội Sơn mới được thành lập, nhưng đối với vùng đất mới phương Nam, đây là một trong những ngôi chùa thời kỳ đầu có vị trí rất quan trọng. Chùa tồn tại hơn 250 năm, để lại dấu ấn rất sâu đậm ở miền Nam , nhất là trong vùng danh thắng núi Châu Thới.

Đặc biệt những cổ vật trong chùa, gồm những pho tượng Phật, tượng Bồ-tát, long thần… là những tác phẩm mỹ thuật đặc trưng ở Nam Bộ, nhưng rất tiếc hầu hết đã bị thiêu cháy trong vụ hỏa hoạn vừa rồi. Đây là mất mát rất lớn đối với di sản văn hóa Phật giáo miền Nam , di sản văn hóa của dân tộc, một sự mất mát không thể nào bù đắp được.

Hiện nay, việc giữ gìn di sản văn hóa, lịch sử của chúng ta quá lơi lỏng. Một số người làm theo kiểu tắc trách của giới công chức bảo vệ di sản, họ làm công tác đó nhưng lại không có tấm lòng với di sản, chẳng qua làm với bổn phận của người cán bộ văn hóa trên giấy tờ mà thôi.

Đối với Giáo hội, những người có trách nhiệm dường như cũng thờ ơ với công việc bảo tồn các di sản của tiền nhân để lại bởi vì nhiều nguyên nhân: Nhiều tổ đình quan trọng của Phật giáo hiện nay đang nằm ngoài sự kiểm soát của Giáo hội, những vị trụ trì tự quyền quản lý lấy, cho nên rất dễ thay đổi cách thờ phụng, cách trang trí; trong việc trùng tu thì nhiều khi rất tùy tiện không có sự hướng dẫn nào. Thực tế thì Giáo hội hầu như để cho các vị trụ trì tự lo liệu lấy.

Đối với các di tích được xếp hạng của Nhà nước thì mở rộng quá nhiều, đáng ra những di tích đặc biệt quan trọng còn nguyên trạng giá trị cổ xưa, có cổ vật quý hiếm đủ tiêu chuẩn xếp vào hàng quốc bảo thì mới nên xếp vào di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Khi xếp hạng thì phải có luật lệ nghiêm khắc để giữ gìn, có phương tiện tài chánh để bảo trì, tu sửa để yểm trợ cho các di tích đặc biệt đó. Còn nếu là di tích cấp thấp hơn ở địa phương nào thì ở địa phương đó phải tự lo.

Hiện nay, chúng ta thấy di tích xếp hạng rất nhiều, nhiều khi có chùa còn phải vận động để được công nhận là di tích cấp quốc gia nhưng đến khi xin kinh phí sửa chữa thì xin không được. Nếu Nhà nước không đủ khả năng để cấp kinh phí, hoặc thời gian chờ xét duyệt cấp quá lâu thì cơ sở đó tự vận động từ quần chúng Phật tử, nhiều vị trụ trì vận động chỉ một vài người là đủ tiền để trùng tu chùa…, khi đã nhận tiền của một vài mạnh thường quân như thế thì đôi khi phải chiều theo sở thích, ý kiến riêng tư của người ta, thành ra phá hỏng di tích rất nhiều.

Chúng tôi rất mong Giáo hội có một Ban đặc trách để kiểm tra lại những di tích lịch sử, văn hóa Phật giáo trên toàn quốc. Những di tích này có dấu ấn quan trọng trong sự truyền thừa từ Bắc chí Nam . Khi xếp hạng phải có hội đồng kiểm tra, đưa ra những tiêu chuẩn, có phản biện... Khi công nhận rồi, nếu đó là tổ đình lớn thì Giáo hội có những phương thức bảo vệ chặt chẽ, đúng với tiêu chuẩn luật lệ bảo tồn bảo tàng. Nếu có công trình nào cần làm thêm phải thông qua Ban chuyên trách của Giáo hội.

Nguyên nhân thất thoát di sản, cổ vật do các vị trụ trì những ngôi chùa không quan tâm cho nên họ rất hờ hững. Chùa chiền là nơi mở rộng cửa nên vấn đề mất cắp dễ xảy ra. Hiện nay, đạo đức xã hội xuống cấp rất nhiều, có những người không tôn trọng tín ngưỡng, lợi dụng sự sơ hở đó để đánh cắp, mưu lợi bất chính.

Hoặc trụ trì, Ban quản lý chùa đó thấy tượng thờ cổ không đẹp (với quan niệm thẩm mỹ và văn hóa chủ quan), không còn phù hợp sau khi xây dựng chùa to thì họ muốn có những tượng lớn, rực rỡ, màu sắc hơn nên họ đã có sự chuyển nhượng lại những người mua bán tượng cổ để sắm những tượng lớn hơn, đẹp hơn theo ý họ. Cũng như có một thời tượng thờ bị dồn lại trong “phong trào hợp tự”,  thành ra có quá nhiều tượng tập trung vào một ngôi chùa nên nhà chùa phải cho hoặc bán bớt…, khiến di sản mất mát rất nhiều.

Theo tôi, giải pháp có thể thực hiện trước tiên là Giáo hội nên vận động thành lập Bảo tàng Văn hóa lịch sử Phật giáo ở các đô thị lớn, hay Phòng trưng bày di sản Phật giáo tại các địa phương nhỏ để sưu tầm các vật phẩm liên quan đến Phật giáo triển lãm tại đó để quần chúng chiêm ngưỡng, giới học thuật đến nghiên cứu.

Giá trị tâm linh khác với giá trị về kinh tế. Có những tượng thờ bằng đá, bằng đồng, bằng gỗ từ tấm lòng của lớp lớp người đã cúng, đã bái, đã tin, đã cầu nguyện qua nhiều thời gian mà thành thiêng liêng. Khi mất đi là mất giá trị truyền thống, mất giá trị tâm linh của không chỉ Phật giáo, một vùng đất mà của cả dân tộc, không thể phục hồi giá trị thiêng liêng đó được.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày