Chùa Trăm Gian bị cho là "điểm đen" vi phạm trùng tu di tích - Ảnh: M.K
BA CẤP LAO TÂM KHỔ TỨ VÌ KHÚC GỖ MỤC
“Tội” của cây trám
Chùa Trăm Gian (tên chữ Quảng Nghiêm tự) tọa lạc trên đồi rộng thuộc thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương (Chương Mỹ), tương truyền được khởi dựng năm 1185 - đời vua Lý Cao Tông. Chùa có quy mô lớn với những giá trị lịch sử, văn hóa vô giá, là di tích kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng ngày 23-4-1962.
Những năm qua, chùa Trăm Gian trở thành “điểm đen” về “phá hoại di tích” với nhiều quyết định xử phạt của các cơ quan chức năng. Vụ việc trùng tu nhà Tổ, gác khánh từ năm 2012 đã lắng xuống, thì mới đây, Sở Văn hóa &Thể thao (VH&TT) Hà Nội có Văn bản số 29/SVHTT-QLDT xử lý việc sai phạm trong việc trùng tu vườn tháp. Theo văn bản này, từ cuối năm 2014 đầu năm 2015, sư trụ trì chùa Trăm Gian tiếp tục tu bổ vườn Tháp, trong thực hiện đã có những sai phạm ảnh hưởng tới các yếu tố gốc của di tích và cảnh quan chung của chùa.
Cuối tuần vừa qua, chúng tôi đến chùa Trăm Gian để tìm hiểu cụ thể sự việc. Ni sư Thích Đàm Khoa, trụ trì chùa cho biết, vườn tháp chùa Trăm Gian có 6 ngôi tháp được xây dựng từ trước. Ngày 21-9-2014, do cây trám đen gãy đổ làm 2 ngôi tháp hư hỏng nặng, một số đồ thờ, bát hương và tháp xung quanh cũng hư hỏng nhẹ, đổ một đoạn tường bao phía trước vườn tháp. Nhà chùa và UBND xã Tiên Phương đã trình lên cấp trên và được phê duyệt phương án tu bổ. Trong quá trình tu sửa cấp thiết, 6 ngôi tháp đều được phục hồi, tu sửa và tường bao phía trước được xây lại như hiện nay.
Về việc bị quy kết là sai phạm trong tu sửa hạng mục này, Ni sư Thích Đàm Khoa giải thích, trong quá trình tu sửa 2 tháp hỏng, một cái mất góc, nhà chùa thấy hai tháp còn lại nhỏ hơn nên cho ốp gạch xung quanh - phần này không đúng thỏa thuận của các cấp có thẩm quyền. Một sai phạm nữa là, các cụ bô lão trong làng đã xây riềm bao vườn tháp khác với trước đây, chất liệu gạch đã bị thay bằng chất liệu đá, mặc dù hình dạng vẫn giữ nguyên.
Cụ Đỗ Duy Tấn bên phần gỗ mục "di sản" không biết phải bảo quản thế nào - Ảnh: M.K
Ông Đỗ Duy Tấn, người dân thôn Tiên Lữ - một lão niên sống ở gần chùa, tham gia trong ban các cụ bô lão kiến thiết tu sửa chùa cho biết: “Sở VH&TT và chính quyền đã chỉ đạo phải phá dỡ cái riềm bao kia. Cấp trên chỉ đạo vậy thì sắp tới chúng tôi sẽ đập bỏ và làm lại thôi, nhưng ai cũng tiếc vì cái riềm đó làm cho di tích đẹp hơn. Cách đây vài tuần, Giáo sư - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền về thăm chùa sau khi ngắm vườn tháp cũng bảo rằng, riềm xây bằng đá đẹp hơn cái riềm gạch cũ nát trước đây, và cũng không làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích”.
Theo người dân thôn Tiên Lữ, cây trám bị đổ vốn là cây di sản cần phải bảo tồn, là cây cổ thụ có đường kính 1,8m. Cây bị mục ruỗng hết thân từ lâu. Dân và nhà chùa thấy nguy cơ cây đổ, đã nhiều lần làm đơn gửi lên các cấp chính quyền xin chỉ đạo để xử lý, nhưng suốt bao năm chẳng thấy hồi âm. Ở đây vì là di tích lịch sử văn hóa, nên muốn chặt một cây cũng phải làm đơn trình lên xã, rồi xã trình lên huyện, huyện trình lên tỉnh.
Cái cây dù đổ nếu có làm chết người đi nữa thì cũng không được chặt. Khi cây đổ phải niêm phong, đợi khi cấp trên xuống chụp ảnh, họp bàn, sau đó có văn bản cho chặt thì mới được chặt. “Suốt quá trình trùng tu không thấy các cơ quan chức năng đến giám sát, xong rồi họ mới đến. Tu sửa sai khác một tí thì bị xã, tỉnh, thành phố họp bàn để ra quyết định xử phạt. Thế nhưng chẳng thấy họ quy trách nhiệm cho những cơ quan đã thờ ơ vô trách nhiệm để cây đổ phá vỡ di sản”, ông Tấn bức xúc nói.
Nhớ về vụ việc sai phạm trùng tu nhà Tổ, gác khánh năm 2012, cụ Tuệ, một bậc cao niên của làng được tín nhiệm lên cất nóc cho tòa gác khánh kể, trước đây nổi danh câu nói rằng: Vào chùa Trăm Gian phải đội mũ bảo hiểm. Bởi vì hầu hết các xà, vì bị mục ruỗng, lúc nào cũng như chực đổ sập xuống. Chính quyền xã gửi rất nhiều đơn lên các cấp trên thống thiết nói về việc chùa sắp sập, đề nghị Nhà nước trùng tu. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, không thấy Nhà nước tiến hành tu sửa.
Trước thực trạng đó, với nguyện vọng cấp thiết của dân làng, chính quyền xã cũng không thể không đồng ý bởi vì xã ở gần dân, đó là ý nguyện của người dân. Sau đó thì ai cũng biết, là cả chính quyền xã Tiên Phương và các sư trụ trì chùa Trăm Gian cùng bị xử lý với sai phạm là tự ý hạ giải nhà Tổ và gác khánh để trùng tu.
Cụ Tuệ chia sẻ: “Báo chí cứ nói về ý thức chấp hành Luật Di sản của người trực tiếp trông coi di tích rất kém, nhưng có mấy ai hiểu được những nỗi khổ của người dân chúng tôi. Nếu quay lại thời gian đó, người dân thôn Tiên Lữ chúng tôi cũng sẽ vẫn vượt rào để trùng tu chùa. Thà mắc sai phạm để có ngôi chùa vững chãi, chứ nếu không thì đến bây giờ chắc hẳn có nhiều người chết vì đang lễ Phật thì chùa sập”.
Vẫn còn trăn trở những khúc gỗ mục
Theo Văn bản số 29/SVHTT-QLDT của Sở VH&TT Hà Nội, thì cơ quan này còn yêu cầu UBND huyện Chương Mỹ chỉ đạo “các phòng, ban chức năng, UBND xã Tiên Phương và người trụ trì chùa Trăm Gian khẩn trương tháo dỡ, tổ chức di chuyển toàn bộ các cấu kiện gỗ sơ chế ra ngoài khu vực di tích”. Hỏi chuyện người dân nơi đây, họ cho biết, đó vốn là gỗ cũ của nhà Tổ và gác khánh được tháo ra trong cuộc trùng tu cách đây 3 năm. Những chiếc cột gỗ, xà, vì … của các công trình kiến trúc cổ tại đây đều đã bị mục ruỗng hết, người dân muốn đem đi làm củi đun, nhưng chính quyền xã không cho.
Lý lẽ của UBND xã Tiên Phương rằng: dù mục ruỗng không dùng được vào việc gì nữa, nhưng nếu đem tiêu hủy, hoặc bán đi thì biết đâu một ngày ngành văn hóa, trung ương về bảo là những cột gỗ đó đâu sao không bảo tồn. Rồi lại quy trách nhiệm cho xã, rồi xử phạt thì sao. Bởi vậy, người dân và nhà chùa đành để chất đống số gỗ đó ở sân. Thế rồi năm nay, một số phóng viên ở các báo đến, chụp ảnh đống gỗ, viết bài rằng chùa Trăm Gian đưa gỗ về tập kết chuẩn bị tự ý trùng tu các công trình khác, cần phải ngăn chặn ngay. Huyện Chương Mỹ và Sở VH&TT Hà Nội đọc thấy báo chí viết nhiều, sợ quá, chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, thế nên mới có cái chỉ đạo phải đưa “xưởng gỗ” ra khỏi khuôn viên chùa.
Theo như thông báo của các cơ quan chức năng, thì đến nay toàn bộ số gỗ đó đã được chuyển ra khỏi chùa. Nhưng ngày 24-10-2015, tôi đến thì gỗ đã được chuyển ra phía sau chùa, hiện để thành 4 đống và che bạt. Ông Tấn dẫn tôi đi xem các đống gỗ, quan sát thấy đúng toàn là gỗ cũ, các thanh gỗ, cột gỗ đều ám khói thời gian hàng trăm năm. Ông Tấn phân trần: “Lệnh phải chuyển gỗ ra khỏi chùa, nhưng nhà chùa và người dân biết đưa nó đi đâu? Mấy năm trước, chùa dỡ nhà Tổ và gác khánh, họ bảo đó là gỗ cổ cần bảo tồn, không cho bán. Giờ họ đến nhìn đống gỗ đó thì lại chửi. Rõ ràng là các ông ấy quan liêu!”.
Vườn tháp mới được trùng tu bị kết luận vi phạm "nghiêm trọng" trong việc trùng tu - Ảnh: M.K
Người dân sở tại cho hay, khi được lệnh của tỉnh và huyện phải di chuyển đống gỗ đi, người dân rất mừng định chia nhau để đem về nhà làm củi đun. Thế nhưng, UBND xã Tiên Phương nói chuyển đi đâu thì chuyển, nhưng không được bán hay tiêu hủy. Bởi xã vẫn sợ rằng nay huyện và thành phố bảo đem đi, mai họ lại bảo đó là gỗ di sản cần phải bảo tồn, nếu trót tiêu hủy thì các ông ấy lại xử phạt chính quyền. Chỉ cho tôi xem cột gỗ mục nát thời Lý-Trần nằm chỏng chơ, ông Tấn nói một cách hài hước: “Có lẽ họ giữ lại để sau này đem về bảo tàng cũng nên”.
Người viết băn khoăn, chùa Trăm Gian là di tích quan trọng, nhiều cấp tham gia quản lý, dẫn đến sự chồng chéo trách nhiệm cũng là nguyên nhân của sự vô trách nhiệm. Thử hỏi, các vị ở ngành văn hóa trung ương và Hà Nội có bao giờ nhìn đến sự hư hỏng của di tích để có chỉ đạo những biện pháp cứu di tích kịp thời. Biết bao nhiêu công trình di tích bị long gãy, sập đổ, báo cáo lên nhưng chẳng có chỉ đạo cho trùng tu. Và rồi khi báo chí viết bài, các cơ quan chức năng chẳng tìm hiểu sự việc thực hư ra sao, cách hành xử thường là “chống cháy” bằng các cuộc họp bàn, rồi những văn bản cảnh cáo, khiển trách những người sai phạm.
Khiển trách, cảnh cáo ai? Nhà chùa hay chính quyền địa phương? Dường như, cái cách xử lý như vậy chỉ là để cho công luận thấy rằng đã được xử lý, chứ người dân và nhà chùa cũng chẳng hiểu cảnh cáo là gì, vì chẳng nhà sư nào bị đuổi khỏi nhà chùa, chẳng thấy bị phạt tiền, các cán bộ xã chẳng ai bị mất chức hay hạ bậc lương. Nói chung là chẳng ai bị xử lý gì, rồi lại “hòa cả làng” và đâu vẫn hoàn đấy.
Theo nhiều tờ báo đưa tin, ngày 6-10-2015, Sở VH&TT Hà Nội có Văn bản 218/SVHTT-QLDT thông tin về việc kiểm tra, khắc phục sai phạm khi tiến hành tu sửa cấp thiết một số hạng mục tại chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương (Chương Mỹ). Theo đó, kết quả các đợt kiểm tra việc tu bổ chùa Trăm Gian cho thấy, nhà chùa thực hiện xong việc di chuyển toàn bộ nhà xưởng và các cấu kiện gỗ sơ chế, đảm bảo vệ sinh cảnh quan của di tích. Sở VH&TT nhận định, các thủ tục, hồ sơ xin tu sửa cấp thiết một số hạng mục tại di tích chùa Trăm Gian thực hiện đúng theo quy định tại Điều 27 của Thông tư số 18 do Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 28-12-2012. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thi công tu sửa, hạng mục vườn tháp có một số chi tiết chưa đúng như nội dung đã duyệt. Phần tường bao phía trước theo nguyên trạng là chất liệu gạch có bổ các trụ, trên đỉnh trụ đắp hình búp sen trang trí, nay thi công tường bao vẫn giữ hình thức bổ trụ có đắp hình búp sen, nhưng chất liệu gạch thay bằng chất liệu đá và bổ sung trang trí trong các khuôn tường bao. Tường bao mới này được làm bên trong tường bao cũ, hiện vẫn còn một đoạn tường bao cũ ở phía sau các tháp sư. Phần tháp có 2 tháp nhỏ tu sửa không đúng nguyên trạng. Tại văn bản này, Sở VH&TT Hà Nội cho rằng, để xảy ra sự việc nói trên có nhiều nguyên nhân, trước hết là do tổ tu sửa di tích, chính quyền địa phương và Sở VH&TT thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Sở VH&TT Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ khẩn trương chỉ đạo, tổ chức hội nghị xin ý kiến của các cấp quản lý di tích, các chuyên gia để đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc tu sửa đối với các yếu tố gốc của di tích, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp, khắc phục xong trong tháng 11-2015. Cũng theo một số báo nêu, thì ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL cho rằng cần xử lý thật nghiêm, cần có sự cam kết yêu cầu người trụ trì không tái diễn vi phạm. “Chùa Trăm Gian đã vi phạm rất nhiều lần, từ cháy đến hạ giải, trùng tu, tôn tạo mới, rồi đưa xưởng xẻ gỗ bành trướng không gian. Đây là những vi phạm có hệ thống. Bộ sẽ yêu cầu cơ quan quản lý trực tiếp là Sở VHTT Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội phải có ý kiến để bảo vệ di tích này”. |