Sư thầy làm "cha" bảy đứa trẻ

 Trong 5 năm qua thầy Thích Thanh Lương (trụ trì chùa Sùng Nghiêm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã mở rộng tấm lòng, thậm chí phải vượt qua điều tiếng thị phi để làm "cha" của bảy đứa trẻ.

Xuất gia từ năm 14 tuổi, năm 1999, thầy Thích Thanh Lương về trụ trì chùa Sùng Nghiêm. Dưới bóng cửa Phật, thầy Lương thường quan tâm đến những mảnh đời cơ cực. Trong một lần đến thăm Trung tâm bảo trợ trẻ em tỉnh Hoà Bình, thấy cảnh một em bé bị khuyết tật trí não, thầy rất xúc động và ám ảnh với suy nghĩ "Cứu một mạng người còn hơn xây ngàn tòa tháp". Tháng 8/2006, thầy Thích Thanh Lương bắt đầu nhận nuôi trẻ sơ sinh mồ côi. Khi ấy, thầy mới 27 tuổi.

Sư thầy làm "cha" bảy đứa trẻ ảnh 1

Thầy Lương chăm sóc bé Tâm Hòa.


Bé đầu tiên được thầy Thích Thanh Lương đón về cho nương tựa cùng thầy nơi cửa Phật là bé Tâm Phúc. Lần ấy, một người bạn thầy là bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương thông báo: "Có một sản phụ đã bỏ con lại sau khi sinh". Nhận được tin, thầy tìm đến nhận nuôi, đặt tên cho cháu. Sau lần đó, thầy lại đón thêm sáu trường hợp trẻ mồ côi về nuôi dưỡng. Các cháu đến từ nhiều địa phương: Hải Dương, Thái Nguyên, Hoà Bình, Nam Định, Kiên Giang.

Với mỗi trẻ, thầy đều giữ lại địa chỉ của người thân, để khi các cháu trưởng thành có thể tìm về với gia đình nếu muốn. Thầy bảo: "Cũng có những người muốn đến xin các cháu về nuôi, nhưng tôi chỉ đồng ý khi các cháu 18 tuổi. Khi ấy các cháu có thể tự quyết định. Còn bây giờ, mình đã làm phúc thì phải làm cho tròn". Bảy trẻ được thầy đặt tên theo giáo lý nhà Phật: Tâm Phúc, Tâm Đức, Tiểu Thuý, Tường Linh, Tâm Hoà, Tường Vi, Tường Mai với mong muốn các bé trai sau này lớn lên sẽ làm những việc có tâm có đức, còn các bé gái sẽ được an lành.


Việc chăm sóc các bé sơ sinh cũng không phải đơn giản. Thầy Lương tâm sự, ngày đầu đón Tâm Phúc về chùa, thầy lúng túng lắm. Sau đó, thầy tranh thủ đi học cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh từ những người có kinh nghiệm. Có lần hai ngày hết sữa, mấy bà vãi bảo thầy mua, thầy hết tiền mà không dám nói nên đành bảo: "Thầy quên. Các già nấu tạm nước cháo cho mấy đứa ăn đỡ". Nhiều đêm trời mưa, giá rét, các con đau ốm liên miên, thầy phải thức trắng trên bệnh viện để trông.


Dưới sự chăm sóc của thầy, các trẻ dần khôn lớn. Tối nào không bận lễ, thầy Lương lại dạy các con học bài. Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường mầm non Sùng Nghiêm- nơi thầy gửi các con học chia sẻ: "Các cháu thiệt thòi nên chúng tôi thương chúng như con mình. Có lần, bé Tâm Đức ngồi lòng tôi nói: Cô ơi, con không có cha mẹ, con chỉ có ba Lương thôi! Nghe vậy mà chúng tôi đều chảy nước mắt".


Hiện nay, vừa lo việc nhang, kệ, vừa chăm lo cho các trẻ, thầy Thích Thanh Lương đang ấp ủ ý tưởng tìm sự chia sẻ và giúp đỡ của các nhà hảo tâm cũng như toàn xã hội nhằm thành lập một trung tâm từ thiện. Hy vọng điều này sẽ thành hiện thực. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày