Thực tế đã xuất hiện những “mẫu” sư tử do một số cơ sở điêu khắc đá sao chép từ mẫu sư tử đá mà người ta bắt gặp đâu đó trong phim ảnh Trung Quốc, được một số người tiến cúng vào các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dẫn đến những so sánh không tránh khỏi sự khập khiễng.
Mối họa "sư tử lạ"
Thời gian vừa qua dư luận tỏ ra quan tâm đến việc ở một số nơi người ta xếp đặt sư tử đá của Trung Quốc trong các công trình tôn giáo, văn hoá. Một số tác giả, nhà nghiên cứu đã lên án hiện tượng này và cho rằng đây là một "mối họa sư tử". Cũng có người đặt ra câu hỏi như: Sư tử đá đặt trước cửa chùa có hợp văn hoá Việt Nam hay không? Có phải sư tử đá là một biểu tượng thẩm mỹ chỉ phổ biến trong các công trình kiến trúc Trung Quốc? Không hiểu họ làm mới di tích hay phá hoại văn hoá?...
Những câu hỏi như trên đã thúc giục chúng tôi tìm hiểu về ý nghĩa văn hoá, tôn giáo của biểu tượng sư tử. Trong khuôn khổ bài viết, chỉ xin tìm hiểu mô-típ sư tử ở lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc Phật giáo để xem thực chất nó có "xa lạ" với văn hoá Phật giáo hay không.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư: "Hình tượng sư tử vờn khối cầu hay khối ngọc là một mô-típ thường gặp trong nghệ thuật điêu khắc cổ, xuất hiện khá muộn vào cuối thế kỉ 14 trong một bức chạm trên nhang án chùa Xuân Lãng, tỉnh Phú Thọ (niên đại 1392). Hình ảnh sư tử giai đoạn này mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ. Vào thời sau, ở 2 di tích tháp Bình Sơn thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và đình Lỗ Hạnh tỉnh Bắc Ninh thế kỷ 16, hình ảnh sư tử được đồng nhất với lân, các chi tiết được chạm tinh tế hơn...".
Điều chúng tôi quan tâm ở đây là biểu tượng sư tử trong văn hoá Phật giáo, chứ không phải "mẫu" của những con sư tử cụ thể, mới được trang trí trong một số đình chùa, đền miếu hiện nay.
Qua một số dịp đi khảo sát thực tế và được tiếp cận với một số tư liệu Phật giáo, chúng tôi nhận thấy sư tử là một biểu tượng văn hoá, thẩm mỹ, điêu khắc phổ biến, quen thuộc của Phật giáo. Hình tượng sư tử được nói đến trong rất nhiều kinh điển Đại thừa Phật giáo như Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thắng Man (Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại PhươngTiện Kinh)...
Đức Phật được ví như Sư tử chúa và tiếng rống của Sư tử (sư tử hống) được lấy làm ví dụ cho tiếng thuyết pháp của Đức Phật, có uy lực nhiếp phục muôn loài.
Sư tử không chỉ được ví cho sự xuất thân vương giả của Đức Phật mà sau này còn trở thành biểu tượng của triều đại vua A-Dục, một vị vua Phật đã cử những phái đoàn đi khắp nơi trên thế giới để truyền bá tư tưởng đạo Phật. Ông đã cho chạm trổ rất nhiều những cột trụ sư tử ở khắp đất nước với những sắc dụ ảnh hưởng sâu sắc lời dạy của Đức Phật. Về sau, biểu tượng cột đá sư tử đã được Chính phủ Ấn Độ sử dụng làm Quốc huy.
Theo thời gian, biểu tượng sư tử đã trở thành một mô-típ phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo cả Nam lẫn Bắc, và được mỗi nền văn hoá, tiếp biến và sử dụng ở những mức độ đậm nhạt khác nhau.
"Văn hóa sư tử" trong các chùa Việt
Ở nước ta, những con vật như: cá sấu, lân, nghê, sư tử dần thâm nhập vào nhau và trở thành một mô-típ khá đặc trưng ở khắp các ngôi chùa miền Bắc. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh: "Các nhà chép sử ở thời Lý - Trần xưa kia gọi giống cá sấu Chiêm Thành đem tiến cống là sư tử, tức sấu (hình con sấu trên nắp lư hương)..." (1).
Cụ thể, trong chùa thường có hai vị Thiện - Ác Hộ pháp cao lớn, mặc giáp trụ, cầm bảo khí, ngồi trên lưng sấu, một loại sư tử trong huyền thoại, trông rất uy dũng, dự tợn. Ngài Văn Thù Bồ tát (tượng trưng cho trí tuệ Phật giáo) thường được tạc ngồi trên lưng sư tử xanh và Ngài Phổ Hiền Bồ tát (tượng trưng cho hạnh nguyện Phật giáo) ngồi trên lưng voi trắng. Ngoài ra sư tử còn được đúc trên rất nhiều lư hương, chạm trổ trên các bệ thờ, chân tòa sen Đức Phật ngồi, lan can...
Đến đây, chúng ta có thể xác định "văn hoá sư tử" trái lại không hề xa lạ mà còn phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo trải từ thời Lý - Trần - Lê - Mạc và Lê trung hưng, dù về sau thời Nho giáo thịnh hành, biểu tượng rồng, rùa... có vẻ lấn lướt hơn.
Hiện chùa Phật Tích - Bắc Ninh còn giữ được 5 cặp tượng thú điêu khắc đá thời Lý khá lớn như: sư tử, voi, trâu, ngựa, tê giác. Cặp sư tử cao khoảng 1,2m, nằm sát bụng trên bệ hoa sen, có chức năng canh đường vào tháp, kiểm soát tư cách người vào chùa... Chùa Thông (Du Anh), Thanh Hóa cách thành nhà Hồ 3,5km về phía Nam, thế kỷ 13, cũng còn lưu giữ một tượng sư tử bằng đá khá lớn, gần giống với tượng sư tử đá chùa Phật Tích, phong cách điêu khắc vào giai đoạn cuối thời Lý đầu thời Trần (2).
Sư tử không chỉ được thể hiện trong nghệ thuật cổ của người Việt mà còn trở thành một linh vật phổ biến trong điêu khắc đá cổ Chăm Pa (Chiêm Thành).
"Hình tượng sư tử trong điêu khác đá Champa là biểu tượng của chính giáo chống lại tà giáo và bảo vệ người tu hành chính đạo. Về ý nghĩa xã hội, sư tử hay còn gọi là Simha được coi là biểu tượng cho dòng dõi quý tộc, quản vương và tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vương quyền của các vua Chăm Pa.
Vì vậy, ngai vàng của vua còn có tên là Simhasana (ngai vàng sư tử), ngai ngồi của thần Visnu, hay của Phật cũng gọi là Simhasana" (3). Hầu hết sư tử được trang trí đều là sư tử đực, ở tư thế đứng 2 chân, gần giống với sư tử được chạm trên các cột đá của vua A Dục. Biểu tượng sư tử phổ biến trong điêu khắc đá Chăm Pa, tập trung nhiều ở Trà Kiệu, Quảng Nam.
Đang có sự ngộ nhận văn hóa?
Lịch sử cho thấy, dù có giao thoa văn hoá, hay vay mượn thì người Việt vẫn luôn chế tác ra những biểu tượng mang hồn cốt, tình cảm của dân tộc mình. Chúng ta cần dũng cảm loại bỏ những con "sư tử lạ" với phong cách thẩm mỹ của người Việt ra khỏi các công trình kiến trúc tôn giáo. Một đôi sử tử đá mang phong cách nghệ thuật của người Việt đứng uy nghiêm canh giữ trước cổng chùa, tháp, tại sao lại không thể? |
Chúng tôi cho rằng nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thời Lý - Trần có sự ảnh hưởng và giao thoa với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chiêm Thành, đặc biệt nền văn hoá của 2 dân tộc đều chịu ảnh hưởng mạnh bởi triết lý, tư tưởng đạo Phật và đạo Bà-la-môn. Cho đến khi Nho giáo thịnh hành vào thời Lê, Nguyễn thì những yếu tố văn hoá Phật giáo bị phai nhạt dần và có thể mất đi những lề lối kiến trúc, điêu khắc quen thuộc sau khi trải qua các giai đoạn trùng tu khác nhau.
Có thể nói, biểu tượng sư tử đá được đặt trước các cổng, bậc tam cấp chùa, tháp (có chức năng canh giữ...) hay được điêu khắc ở nhiều vị trí khác nhau, ở những nội dung thẩm mỹ, tôn giáo khác nhau trong một quần thể kiến trúc là một nét văn hoá đặc thù cần được tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn. Cũng cần tìm hiểu xem biểu tượng sư tử từ trong kiến trúc tôn giáo đã ảnh hưởng đến kiến trúc lăng mộ về sau này như thế nào.
Điều đáng nói, sự "ngộ nhận văn hoá" không đến từ ý nghĩa của biểu tượng mà đến từ hình thức cụ thể của biểu tượng. Thực tế đã xuất hiện những "mẫu" sư tử do một số cơ sở điêu khắc đá "sao chép" từ mẫu sư tử đá mà người ta bắt gặp đâu đó trong phim ảnh Trung Quốc, được một số người tiến cúng vào các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dẫn đến những so sánh không tránh khỏi sự khập khiễng.
Biểu tượng văn hoá này không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà tiếc thay, còn phổ biến ở các dân tộc như Việt, Chiêm, Khmer.
Lịch sử cho thấy, dù có giao thoa văn hoá, hay vay mượn thì người Việt vẫn luôn chế tác ra những biểu tượng mang hồn cốt, tình cảm của dân tộc mình. Chúng ta cần dũng cảm loại bỏ những con "sư tử lạ" với phong cách thẩm mỹ của người Việt ra khỏi các công trình kiến trúc tôn giáo. Một đôi sử tử đá mang phong cách nghệ thuật của người Việt đứng uy nghiêm canh giữ trước cổng chùa, tháp, tại sao lại không thể?
Điều chúng ta nặng lòng trăn trở chính là cuộc sống đang thiếu dần đi những người có tâm huyết nêu bật được hồn cốt nghệ thuật của tổ tiên mình. Phải chăng nghệ thuật sao chép đang lên ngôi, hay thực trạng vay mượn vô ý kể trên cho thấy ngay cả văn hoá cũng đang phải quay cuồng sống gấp?