Sự tương đồng giữa kinh Vu lan trong Hán tạng & Uất Đa La mẫu quỷ sự trong tạng Nikàya

NSGN - Sau khi Đức Phật diệt độ, vào thời kỳ kiết tập kinh điển đầu tiên, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên và mười hai Tỳ-kheo ở trong rừng gần Kosambi. Vào thời ấy, Uttara là người thừa kế của quốc sư cùng những người thợ mộc đi tìm gỗ để sửa nhà và họ được nghe Trưởng lão này thuyết pháp. Vì vậy, Uttara thường cúng dường thực phẩm và xây thảo am cho vị này.
vulanbaohieu.jpg

Nhưng mẹ của Uttara lại rất căm ghét việc cúng dường của con mình. Bà thề rằng bất cứ thức ăn nào mà con cúng dường các Sa-môn nhưng bà không đồng ý đều trở thành máu cho con uống đời sau. Tuy nhiên, vào ngày mà con bà cúng dường am thất, bà đã cho phép cúng một bó lông đuôi công.

Khi chết, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ và nhờ đã cúng dường một bó lông đuôi công, cho nên nữ ngạ quỷ này có mái tóc đen đẹp óng ả và rất dài che cả thân. Nhưng bất cứ lúc nào nữ ngạ quỷ bước xuống sông uống nước sông Hằng thì nước sông liền trở thành máu đỏ. Bà đã lang thang đói khát trong suốt năm mươi năm.

Một hôm, nữ ngạ quỷ chợt trông thấy Trưởng lão Kankhà Revatta ngồi nghỉ trưa bên bờ sông Hằng, liền rón rén đến gần thưa rằng con đã chết năm mươi năm rồi mà chẳng ăn uống được gì. Xin ngài cho con chút nước, con khát quá. Trưởng lão nói dòng nước mát sông Hằng ở trước mặt con, xuống đó lấy uống. Nữ ngạ quỷ đáp, thưa Tôn giả, nếu tự tay con lấy nước sông này thì nước liền biến thành máu. Cầu xin ngài cho con nước. Vị Trưởng lão nói ngày xưa tạo ác nghiệp gì mà nay chạm vào nước sông Hằng là hóa thành máu. Nữ ngạ quỷ đáp Uttara là con trai của con, khi còn là cư sĩ tại gia thường cúng dường các Sa-môn thực phẩm, tọa cụ, thuốc men, áo cà-sa. Lòng con bị xan tham thúc giục, nên đã phỉ báng con trai mình rằng ta cầu cho những thứ mà ngươi đem cúng Sa-môn sẽ biến thành máu. Vì nghiệp quả như vậy, tay con chạm vào nước sông Hằng liền hóa máu.

Sau đó, Tôn giả Revatta cúng dường nước cho Tăng chúng và hồi hướng công đức cho nữ ngạ quỷ. Nhờ đạo lực của Tôn giả và chư Tăng chú nguyện, nữ ngạ quỷ đã được hưởng niềm hạnh phúc của thần tiên.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy có một vài chi tiết khác biệt với chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ trong kinh Vu lan. Mục Kiền Liên dùng thần thông quán sát thấy mẹ ngài đọa ngạ quỷ đói khát, liền tìm đến cứu mẹ và ngài đã gặp mẹ ruột của mình. Sau đó, ngài cúng dường chư Tăng để siêu độ cho mẹ và Đức Phật đã tán thán hiếu hạnh của Mục Kiền Liên. Trong khi kinh Uất đa la mẫu quỷ sự ghi rằng người mẹ đọa ngạ quỷ đi tìm con và gặp Tôn giả Revatta. Vị này thay ngạ quỷ cúng dường chư Tăng và Tôn giả Revatta tán thán việc thiện này.

Tuy nhiên, những sự khác biệt vừa nêu không ảnh hưởng làm thay đổi nội dung của kinh. Vì phần nội dung chính yếu của kinh theo Nikàya và Hán tạng đồng nhau, đó là cả hai kinh đều nói đến người mẹ phỉ báng Tam bảo, khinh khi việc cúng dường chư Tăng của con mình và bị đọa ngạ quỷ. Sau cùng, nhờ đạo lực của chư Tăng đã hóa giải được kiếp ngạ quỷ của người mẹ và bà được tái sanh vào cảnh giới an lạc. Điều này một lần nữa cho thấy rõ sự xuyên suốt nhất quán từ kinh tạng Nikayà đến kinh điển Hán tạng thuộc Bắc truyền Phật giáo nói chung và kinh Vu lan nói riêng.

Ngoài ra, trên con đường truyền bá Phật pháp và hội nhập Phật pháp vào sinh hoạt tín ngưỡng của các quốc gia một cách tốt đẹp của Phật giáo Bắc truyền, các nhà hoằng pháp đã sử dụng được những phương tiện thiện xảo, từng bước làm cho Phật pháp thấm sâu vào lòng dân tộc và thể hiện thành những lễ hội mà đặc biệt điển hình là lễ hội Vu lan ở nước ta.

Thật vậy, Đức Phật đã chỉ dạy Mục Kiền Liên trong kinh Vu lan phương cách báo hiếu để cứu độ người mẹ đang đọa vào loài ngạ quỷ. Đạo đức hiếu hạnh theo Phật dạy phù hợp với nếp sống truyền thống của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, cho nên ngày rằm tháng Bảy mùa Vu lan đã thấm đẫm trong tâm hồn dân tộc Việt Nam từ bao đời như là mùa hiếu hạnh, chứ không riêng gì người Phật tử.

Từ lễ nghi cầu siêu cho vong linh người thân mang tính cách tôn giáo, lễ Vu lan ngày nay đã trở thành lễ hội Vu lan Báo hiếu của Phật giáo và hơn thế nữa nó trở thành lễ hội lớn mang ý nghĩa đạo lý nhân văn sâu sắc đối với những người con nước Việt. Thật vậy, ngày rằm tháng Bảy mùa Vu lan, song song với việc tụng kinh, cúng dường để hồi hướng cho người thân khuất bóng, tháng Bảy còn là tháng để mọi người làm phước, cứu giúp những người cơ nhỡ, nghèo khổ, v.v… cho đến việc chăm sóc những chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể cho sự sống còn của Tổ quốc. Và rằm tháng Bảy mùa Vu lan cũng là tháng thể hiện lòng từ bi đối với các loài chúng sanh hạ đẳng bằng cách phóng sanh chim, thả cá, v.v… Ngoài ra, không thể không nhắc đến tục lệ cúng cô hồn của người dân Việt trong mùa Vu lan, thường cầu siêu và bố thí thực phẩm cho những oan hồn vì nghiệp duyên phải lang thang đói khát, không nơi nương tựa, như đại thi hào Nguyễn Du đã diễn tả trong bài Văn tế Thập loại chúng sanh: “… Thương thay thập loại chúng sanh. Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người… Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng. Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài”.

Tóm lại, từ tạng kinh Nikàya tiến đến kinh điển theo Phật giáo Bắc truyền, trong đó có kinh Vu lan, cốt tủy mà Đức Phật khuyên dạy là một. Tuy nhiên, trên con đường du nhập của Phật giáo Bắc truyền vào các quốc gia khác nhau, các nhà hoằng pháp đã từng bước có sự vận dụng khéo léo giáo pháp thích nghi với phong tục, tập quán và sinh hoạt đặc thù của người dân bản địa để đưa tinh thần Phật dạy đi sâu vào lòng quần chúng. Đó chính là phương cách thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp của Đức Phật tồn tại và phát triển xuyên suốt hơn 25 thế kỷ trên thế gian này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày