Sức hấp dẫn của một nhân cách giản dị

GN - Nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9, Giác Ngộ giới thiệu lại hồi ức của GS.Minh Chi (1921-2006), nguyên Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần Bác đến chùa Quán Sứ, những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám thành công.

bao Giac Ngo (2).jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Vua Lào lễ Phật tại chánh điện chùa Quán Sứ, Hà Nội (1966) - Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, Xuân Loan sưu tầm

Có một buổi lễ đáng ghi nhớ, đó là kỷ niệm ngày sinh của vua Trần Nhân Tông, do Hội Thanh niên Phật tử Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ, vào những ngày tháng đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám thành công.

Tôi không nhớ ngày cụ thể, vì vậy mà tôi viết những ngày tháng đầu của Cách mạng Tháng Tám, mà một trong những đặc điểm nổi bật là mọi người ở Hà Nội, nam nữ, già trẻ đều nô nức, tò mò muốn được biết Hồ Chí Minh là ai, con người Hồ Chí Minh như thế nào, Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc hay không? (Bởi vì, một thời gian trước đó, Mặt trận Việt Minh có công bố bức thư ngỏ của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi toàn thể đồng bào).

Chính trong bầu không khí náo nức ấy mà Hội Thanh niên Phật tử Việt Nam, Hội trưởng lúc bấy giờ là bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết, tổ chức tại chùa Quán Sứ ngày lễ kỷ niệm vua Trần Nhân Tông. Cái đinh của buổi lễ là một bữa tiệc chay, với sự có mặt của Hồ Chủ tịch và Cố vấn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại sau khi thoái vị).

Trong công tác chuẩn bị cho buổi lễ, có hai công việc quan trọng phải làm là mời cho được Hồ Chủ tịch và Cố vấn Vĩnh Thụy. Hai Hòa thượng Tố Liên và Trí Hải được phân công đến Bắc Bộ phủ mời Hồ Chủ tịch, còn cụ Văn Quang Thùy và tôi (hai cư sĩ) được phân công mời Cố vấn Vĩnh Thụy.

Cụ Văn Quang Thùy là một nhà Phật học thâm thúy, từng dịch một số kinh Phật từ chữ Hán sang chữ Việt. Tôi nghe nói, sau khi quân Pháp chiếm Hà Nội, cụ di tản vào Nam, vẫn tiếp tục nghiên cứu Phật học và giảng Phật học.

Cụ và tôi đến biệt thự, nơi tạm trú của Cố vấn Vĩnh Thụy, sau khi ông từ Huế ra Hà Nội, theo lời mời của Hồ Chủ tịch. Vì tôi có quen với anh Hoàng Xuân Bình, lúc bấy giờ làm vệ sĩ cho Cố vấn Vĩnh Thụy, cho nên việc chúng tôi trực tiếp gặp và mời Cố vấn đến dự lễ và dùng cơm chay tại chùa Quán Sứ không gặp khó khăn gì. Tôi và anh Bình quen nhau vì cùng ở Đông Dương học xá, và đều là sinh viên, anh Bình học trường Thuốc, còn tôi học trường Luật. Có thể nhờ lời giới thiệu của anh Bình cho nên Cố vấn Vĩnh Thụy đã tiếp chúng tôi rất niềm nở.

(Tôi quên giới thiệu về anh Bình: sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, đã tham gia học Trường Thanh niên Tiền tuyến của ông Phan Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ Trần Trọng Kim. Vì học ở Trường Thanh niên Tiền tuyến ra (một trường đào tạo sĩ quan trẻ cho nước Việt Nam vừa độc lập), cho nên tác phong của anh Bình rất quân sự, lối ăn mặc cũng rất gọn gàng).

Trong buổi gặp gỡ, Cố vấn Vĩnh Thụy lúc ban đầu nói là đã có Hồ Chủ tịch đến rồi, thì Cố vấn không đến cũng được. Nhưng vì cả tôi và cụ Văn Quang Thùy khẩn khoản mời, lại thêm có anh Bình nói vào nữa cho nên cuối cùng ông nhận lời.

Đó cũng là điều may mắn, vì sau khi cụ Văn Quang Thùy và tôi về chùa Quán Sứ, gặp lại hai cụ Hòa thượng Tố Liên và Trí Hải mới biết Hồ Chủ tịch đã khước từ lời mời của hai cụ, do Hồ Chủ tịch lúc bấy giờ rất bận việc, vì đồng thời phải đối phó với bao nhiêu khó khăn phức tạp chồng chất, đối nội cũng như đối ngoại. Hơn nữa, Hồ Chủ tịch cũng nói là đã có Cố vấn Vĩnh Thụy đến rồi thì Chủ tịch không đến nữa.

bao Giac Ngo (1).jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Vua Lào lễ Phật tại chánh điện chùa Quán Sứ, Hà Nội (1966) - Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, Xuân Loan sưu tầm

Buổi lễ bắt đầu vào khoảng 4 hay 5 giờ chiều, sau khi Cố vấn Vĩnh Thụy và quan khách đến đông đủ. Tôi có soạn một bài giảng về thân thế và sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông, nhằm đối tượng là thanh niên và sinh viên, bài giảng được thu băng và phát lại trong bữa tiệc, chứ tôi không trực tiếp giảng. Bài giảng cũng được in vào phần cuối cuốn Đạo Phật I, mà tôi là tác giả. Cuốn sách do Nhà xuất bản Thụy Ký in và phát hành. Cuốn sách này, trong thời kỳ nước ta tạm thời chia làm hai miền, được các Phật tử trong Nam tái bản nhiều lần, với bút hiệu của tôi lúc bấy giờ là Huyền Chân. Cuốn Đạo Phật I lần đầu tiên do Thụy Ký xuất bản có bìa màu vàng khá đẹp, nhưng giấy in thì không được tốt lắm.

Bữa tiệc đang tiến hành thì bỗng ngoài cửa chùa có tiếng ồn ào, đông đảo người hình như xô đẩy nhau. Có những tiếng kêu to: “Bác đến! Bác đến!”.

Thì ra Bác đến thật. Trong bộ kaki trắng gọn ghẽ, sắc mặt hồng hào, dáng điệu thoải mái, Bác với đông đảo quần chúng vây quanh, tiến thẳng không phải vào chính điện mà vào giảng đường. Còn các bàn tiệc với đông đảo quan khách dự tiệc thì lại bố trí ở gần nhà Tổ. Bác vào tới giảng đường, thì hình như không tiến lên được nữa, vì ai cũng muốn thấy mặt Bác, ai cũng muốn lại gần Bác. Tôi thấy các đồng chí bảo vệ cũng bó tay. Thế là Bác có một sáng kiến có một không hai đối với một vị Chủ tịch nước: Bác đứng lên cho đồng bào xem mặt Bác đây… Đám đông vỗ tay hoan nghênh. Mãi sau Bác mới vào được trong nhà Tổ, vẫy tay chào các quan khách, bắt tay Cố vấn Vĩnh Thụy…

Anh Nguyễn Văn Tiến, một thành viên sáng lập Hội Thanh niên Phật tử, đưa tôi cuốn Đạo Phật I, yêu cầu xin Bác chữ ký. Bác vui vẻ ký vào trang đầu cuốn sách. Anh Tiến đứng hơi xa, vội cố gắng rẽ đám đông để lấy cuốn sách, thế nhưng cuốn sách đã chuyển từ tay này sang tay khác, để cuối cùng mất hút, không trở về với chủ của nó là anh Tiến đáng thương! Anh Tiến cũng không trách tôi được, vì sự việc diễn ra quá nhanh, còn tôi cũng tự trách mình vì sao không đem đến đây vài ba cuốn sách để xin Bác chữ ký…

Tất cả mọi ấn tượng buổi hôm ấy như bị xóa nhòa hết trước ấn tượng của vị Chủ tịch nước, giản dị thân thương nhưng lại có vẻ siêu tuyệt hay siêu phàm. Có lẽ vì thế mà cố Thủ tướng Ấn Độ, khi tiếp đón Bác ở New Delhi, đã gọi Bác là vị anh hùng huyền thoại (the legendary hero). Phải chăng lực hấp dẫn đặc biệt của Bác Hồ là ở chỗ Bác thật sự là một nhân vật siêu phàm; siêu phàm không phải chỉ ở quá trình hoạt động cách mạng lâu dài và gian khổ của Bác, mà siêu phàm ngay cả trong nhân cách, mà người nào có may mắn tiếp xúc với Bác dù chỉ một lần cũng cảm nhận thấy.

Minh Chi


"Bác Hồ không nói vô ngã, nhưng Bác nói chí công vô tư. Vô tư không có nghĩa gì khác là vô ngã. Sống gần Bác sẽ thấy Bác tỏ ra rất dị ứng đối với mọi cử chỉ, hay lời nói đề cao cá nhân Bác. Ngày còn ở chiến khu, Bác hình như không thích mọi người đến chúc tụng mình vào ngày sinh nhật 19-5, cho nên thường lệ cứ vào chiều ngày 18-5, Bác lại khăn gói lên đường cùng với hai hay ba đồng chí bảo vệ, đi thăm một đơn vị bộ đội, nhà trẻ hay một viện quân y… Tất cả quà cáp sinh nhật của Bác, đều được phân phối cho các cơ quan hay cá nhân theo một danh sách Bác cho chuẩn bị sẵn.

Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, trước khi nghỉ hưu là Cục trưởng Cục An ninh T.Ư và là người thường xuyên bảo vệ và hầu cận Bác kể cho tôi nghe rằng, khi đi công tác địa phương, Bác thường hay nghỉ dọc đường, thay vì vào giao tế tỉnh. Biết Bác thích như vậy, tôi cho đem theo xe một cái giường xếp, để phòng khi Bác muốn nghỉ trưa sau bữa ăn. Một lần, sau bữa ăn trưa dọc đường, tại một sân đình làng, tôi thấy Bác cho trải ni-lông để Bác nằm nghỉ, tôi bèn cho lấy giường xếp ra để Bác dùng, thì thấy Bác khoát tay, nói như đùa: “Ai mang đi thì người ấy phải dùng, Bác không bảo mang theo giường xếp, sao Bác lại phải dùng?”. Thế rồi, Bác nằm xuống trên tấm ni-lông trải trên cỏ, phút chốc đã thấy Bác ngủ thiếp đi. Mặt Bác hồng hào, trông như một ông tiên.

Thiếu tướng Xoàn ca ngợi Bác nằm ngủ đẹp như một ông tiên, hay Bác là một ông tiên thật như vậy?".

(Minh Chi, trích Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phật giáo Việt Nam, tựa của GN)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày