Sức mạnh của Phật giáo Lý-Trần

Sức mạnh của Phật giáo Lý-Trần

Đạo Phật đã gắn liền với đời sống của người dân Việt một cách mật thiết trải qua gần 2.000 năm. Dấu ấn vàng son này đã lưu đậm trong sử sách nước ta và đặc biệt là trong hai triều đại Lý-Trần, sự đóng góp của đạo Phật thật sáng ngời trong công cuộc bảo vệ đất nước được thái bình, nhân dân được an cư lạc nghiệp. Vì vậy, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nhận định rằng đời Lý là đời thuần từ nhất trong lịch sử của nước ta. Tinh thần thuần từ và bao dung được các vua quan thời Lý thể hiện trong việc trị nước an dân, có thể khẳng định rằng đó là nhờ chịu ảnh hưởng của giáo dục Phật giáo.

Thật vậy, nhìn lại lịch sử sẽ thấy rõ rằng Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ, vị minh quân khai sáng đời Lý xuất thân từ chốn thiền môn và ông đã thấm nhuần sâu sắc sự dạy dỗ của Thiền sư Vạn Hạnh. Đặc biệt là ngài cũng đã dạy vua cách thức trị nước an dân, theo đó tất cả mọi việc mà vua quan đưa ra phải được nhân dân đồng tình và kính phục, tuân theo thì đất nước mới an ổn và phát triển được.

Một điểm đặc sắc nữa thể hiện sâu sắc lòng nhân từ và sự khoan dung của vua Lý Thánh Tông. Đối trước lòng hận thù của vua Chàm, vua ta đã hóa giải một cách rất nhẹ nhàng. Sử sách ghi rằng vua Chàm Chế Củ lúc nào cũng gây chiến, mặc dù năm lần bảy lượt đem quân sang thôn tính nước ta, nhưng vua Lý Thánh Tông vẫn xử sự thật nhân hậu. Vua Chàm thua trận bị bắt, nhưng vua ta đã tha thứ cho ông và cho phép ông ta trở về nước, lại còn cấp lương thực để sống trên đường về. Đức tính hiếu hòa, khoan dung và hành động cao thượng như vậy của vua Lý Thánh Tông quả là khó tìm thấy ở các nhà cai trị trên cuộc đời này. Ngoài ra, vua Lý Thánh Tông rất sáng suốt khi chỉ đạo rằng, chăm lo cho đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc chính là bảo vệ sự độc lập của nước nhà.

Còn đức vua Trần Nhân Tông đánh thắng giặc Nguyên xong, tịch thu được tráp có sớ đầu hàng của các quan lại yếu hèn, ngài đã không cho truy cứu mà bảo đem đốt. Tinh thần khoan dung này nếu nói theo ngày nay là khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.

Mọi hoạt động của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của các vua quan trong suốt hai triều đại Lý-Trần đều thể hiện rõ nét tinh thần lấy dân làm gốc. Điều này còn ghi lại trong sử sách qua mệnh lệnh bất hủ của Trần Hưng Đạo rằng khi quân lính chưa no đủ thì tướng phủ không được nổi khói; nghĩa là quân lính ăn cơm rồi, sau đó, tướng phủ mới được ăn. Nhờ vua quan chăm lo cho quân dân một cách tốt đẹp như vậy, cho nên quân dân đều hết lòng tận tâm tận lực với vua quan, mới tạo thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân bảo vệ được đất nước chúng ta trước vó ngựa xâm lăng của đoàn quân khét tiếng Mông Nguyên.

Thiết nghĩ trong thời đại chúng ta ngày nay, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân một lần nữa đã được khẳng định một cách mãnh liệt qua hai cuộc chiến thắng lẫy lừng chống Pháp và Mỹ. Đồng thời tinh thần bao dung của nhân dân Việt Nam cũng nhẹ nhàng quên đi những gì không tốt đẹp từng gây đau thương cho đất nước chúng ta, để cùng hợp tác với bạn bè trên khắp năm châu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thịnh vượng hơn, đẹp đẽ hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày