Thế nhưng, vùng đất chết với đặc thù đầy phèn chua, rắn rít bò ngổn ngang, kênh rạch chằng chịt, cây tràm, cây đước, cỏ dại mọc khắp nơi ngày nào giờ đã không còn mà thay vào đó là một công trình xây dựng Học viện Phật giáo dạt dào sức sống. Cây đậu xanh, đậu đỏ, cà pháo, rau cải đã có thể sống tốt, đơm hoa, kết trái trên mặt bằng còn thơm mùi cát mới bơm - cuộc sống mới, đầy khởi sắc đã và đang đâm chồi, nảy lộc, tăng trưởng trên vùng đất vốn ít chất dinh dưỡng này.
Hòa thượng Viện trưởng đích thân xem xét tiến độ công trình và luôn nhắc nhở ban thi công đảm bảo chất lượng kết cấu để công trình được bền vững, an toàn sử dụng trong tương lai - Ảnh: Như Danh
Ước mơ dần trở thành hiện thực
Đã từ lâu, Tăng Ni, Phật tử và những ai quan tâm đến ngành giáo dục Phật giáo đều ước mong Phật giáo nước nhà có một Học viện mang tầm vóc để đào tạo Tăng tài. Cuối cùng, ngày 4-11-2012, niềm hạnh phúc vỡ òa trên gương mặt của người con Phật khi tham dự, chứng kiến Lễ đặt đá xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo VN tại TP.Hồ Chí Minh thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh trên diện tích đất rộng 23,8 mẫu. Từ lúc cơ sở Học viện chỉ là là mô hình phác thảo, cho đến ngày đặt viên đá, đi vào xây dựng, dường như ngày nào chư Tăng Ni, Phật tử tâm huyết với đạo cũng dõi theo, chờ đợi và nguyện cầu để công trình sớm được viên thành, khai giảng khóa đầu tiên.
Theo bản kế hoạch xây dựng, Học viện Phật giáo gồm các hạng mục: chánh điện, khu lớp học, ký túc xá, nhà bếp, phòng giảng viên, khu hành chánh (dự kiến các hạng mục này dao động từ 780 đến 800 tỷ đồng, hoàn tất từ 2 đến 3 năm tùy vào sự phát tâm ủng hộ của quý mạnh thường quân, Phật tử).
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ xây dựng đã tăng nhanh đáng kể với khu giảng đường xây tường đã xong; 2 khu nhà hành chánh đã đổ bê-tông mái ngói hoàn tất và sẽ xây tường trong thời gian tới; con đường dẫn đến khu nội trú dành cho Tăng sinh đang bắt đầu tráng nhựa và 2 dãy nhà cho Tăng, Ni nội trú mỗi dãy 5 tầng, 12 phòng/ tầng, với sức chứa 360 người/dãy cũng bắt đầu xây dựng.
Câu chuyện xây dựng công trình Học viện
Có mặt tại Học viện Lê Minh Xuân vào ngày cuối tháng 4, Quản đốc công trình, anh Vũ Văn Quân đã dẫn chúng tôi đi một vòng gần giáp diện tích của khu đất và kể cho tôi nghe những câu chuyện, từ quá trình cải tạo cho đến vận chuyển vật tư vào xây những nền móng đầu tiên. Anh bảo: “Nơi mình đang đứng, trước đây là cái mương sâu hơn mét rưỡi, rộng gần một mét. Để được như thế này, ngày đêm anh em bơm cát, bơm nước vào, san lấp để cho cát dẻ; nước ở đây là nước phèn, rất độc hại, lúc đầu chưa thích nghi, nhiều anh em bị u nhọt; muỗi mòng thì thôi khỏi phải nói, có con to gần bằng con ruồi, mỗi lần bị cắn là thịt sưng to, hành sốt, ớn lạnh; đôi khi anh em đang chặt, rửa cây tràm trên các liếp đất gặp cả rắn, rít nữa… đó là chuỗi ngày làm việc “phê” nhất. Phải mất 7 tháng làm việc không ngơi nghỉ, nhiều đêm theo công trình phải thức trắng… Mấy tháng ròng như vậy mới cải tạo được vùng đất mênh mông thế này đây. Từ ngày bắt tay vào san lấp mặt bằng cho đến lúc đặt viên đá đầu tiên xây Học viện, anh em nào cũng sụt ít nhất 2, 3 ký; nhưng mình chỉ mới cải tạo được 6 mẫu, còn gần 18 mẫu vẫn còn hoang sơ lắm…”.
Mỗi tháng, Phật tử vân tập về Học viện (cơ sở Lê Minh Xuân)
tu tập hai lần vào ngày Chủ nhật cách tuần - Ảnh: B.Toàn
Để tạo sinh khí mới cho vùng đất này, từ đầu tháng 3-2014, mỗi tháng 2 kỳ, chư tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện, trực tiếp là HT.Viện trưởng Thích Trí Quảng và HT.Phó Viện trưởng Thường trực Thích Giác Toàn trực tiếp giám sát, đôn đốc đồng thời thay phiên nhau đến đây tổ chức, đảm trách khóa tu “Một ngày an lạc” cho Tăng Ni, Phật tử gần xa về tụng kinh cầu nguyện, thuyết giảng Phật pháp.
Kỳ nào cũng vậy, dù thời tiết oi bức do nắng nóng hay ẩm ướt, mưa rả rích, Phật tử vẫn hoan hỷ vân tập về đây tham dự khóa tu, tham gia cầu nguyện và để nghe quý Hòa thượng giảng pháp. Theo đó, duyên lành ngày thêm tăng trưởng, nghe quý Hòa thượng trải lòng, nói lên tâm huyết về một cơ sở giáo dục xứng tầm của một trung tâm Phật giáo lớn ở phương Nam, rồi nhìn thấy công trình đang xây dựng thay da đổi thịt từng kỳ, Phật tử đều phát tâm trợ duyên. Sau 9 kỳ tu học, nhờ sự cúng dường dường tịnh tài của rất nhiều giới khác nhau, tính đến cuối tháng 8-2014, số tịnh tài được Tăng Ni, Phật tử trong nước và hải ngoại đã tùy hỷ cúng dường 2,5 tỷ đồng qua các khóa tu. Số tịnh tài này bổ sung để tiếp tục mua vật liệu, tăng tốc cho tiến độ xây dựng những hạng mục trong những ngày sắp tới.
Trọn tấm lòng hướng về Học viện
Tại lễ đặt đá khởi công xây dựng Học viện, HT.Thích Trí Quảng đã gửi lời tri ân đến chư tôn thiền đức, khách quý và Phật tử quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của Phật giáo và xem “đây là nguồn động viên và niềm khích lệ lớn lao cho chúng tôi trong sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài mà GHPGVN giao phó”. Hiện Hòa thượng thiết tha, mong mỏi tất cả Tăng Ni và Phật tử nên cùng nhau góp công sức để xây dựng Học viện sớm hoàn thành.
Phật tử có mặt trong khóa tu vào tháng 4-2014 có lẽ sẽ khó quên được khoảnh khắc HT.Thích Giác Toàn tha thiết khích lệ: “Phật tử nên nghĩ đến tiền đồ của Phật pháp, vì tương lai của chính mình, nên dù đã tích cực đóng góp cho từ thiện xã hội rồi, cũng nên dành tịnh tài để ủng hộ cho việc xây dựng sớm hoàn thành. Đó là một việc làm vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài. Hòa thượng Viện trưởng, tôi và những người điều hành Học viện luôn mong mỏi công trình sớm được viên mãn khi mà khoản kinh phí xây dựng Học viện còn thiếu nhiều, nhiều lắm!”.
Mỗi tháng một lần, HT.Thích Giác Toàn, Phó Viện trưởng
Thường trực Học viện thuyết giảng tại giảng đường tạm của Học viện - Ảnh: B.Toàn
Chư Ni và Phật tử nhất tâm tu tập, tụng niệm cầu nguyện
cho việc xây dựng Học viện sớm hoàn thành - Ảnh: Bảo Toàn
Sau mỗi thời hướng dẫn tu học và thuyết giảng, bao giờ cũng vậy, Hòa thượng Viện trưởng và Hòa thượng Phó Viện trưởng Thường trực đều đích thân đi thăm thực tế công trình. Sau đó, chư tôn đức họp với ban thiết kế, thi công, giám sát công trình xây dựng để rút kinh nghiệm, cũng như triển khai những kế hoạch xây dựng trong thời gian tới; nhắc nhở ban thi công luôn bảo đảm an toàn lao động, bảo đảm chất lượng kết cấu để công trình được bền vững và an toàn sử dụng trong tương lai. “Vì đây là nơi tu học nội trú và là môi trường ứng dụng, hành trì các pháp môn trong đạo Phật, nhằm giúp hàng ngàn Tăng Ni sinh có thể sống đời sống đạo đức và trải nghiệm tâm linh theo tinh thần Phật dạy, nên các anh làm cẩn thận, phải làm bằng trọn cái tâm thì mới được”, quý Hòa thượng luôn nhắc nhở đội ngũ trách nhiệm thi công ý thức việc làm quan trọng của mình.
Hoà thượng Viện trưởng họp chỉ đạo các kiến trúc sư và kỹ sư tại phòng họp ở công trường
Mỗi lần đến với công trình xây dựng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - cơ sở tại xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, chúng tôi lại thấy mới. Nơi đây, từ một vùng hoang sơ đã trở nên ấm cúng và có sinh khí với các thời tụng niệm cầu nguyện của hàng trăm Tăng Ni, Phật tử mỗi kỳ tu Một ngày an lạc. Đất đai cũng như thể được chuyển hóa, trở nên thuần tịnh với mùi hương trầm phảng phất và lời kinh tiếng kệ, pháp âm vang vọng…
Dẫu biết rằng những chặng đường phía trước vẫn còn lắm gian nan, nhưng với sự hộ trì của chư Tăng Ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước, sự tâm huyết của quý Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội Trung ương, TP và Hội đồng Điều hành Học viện, hy vọng những công trình trọng yếu sẽ được hoàn thiện, kịp khai giảng khóa đầu tiên tại đây vào tháng 9-2015.
________________ >> TT.Thích Nhật Từ thuyết giảng tại Học viện cơ sở mới
* Tin, bài liên quan:
>> 8 khóa tu, hơn 2 tỷ cúng dường xây Học viện
>> Đóng góp trên 407 triệu, vàng, ngoại tệ xây Học viện
>> Khóa tu ở Học viên PGVN tại TP.HCM, cơ sở Lê Minh Xuân
>> Lễ đặt đá xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM
>> HT.Thích Trí Quảng giảng kinh Pháp hoa tại Học viện
>> Trên 634 triệu cúng dường xây Học viện tại khóa tu